Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/09/2024

Ông Tô Ân Xô làm trợ lý Tổng bí thư Tô Lâm có đúng quy định ?

BBC tiếng Việt

Trung tướng Tô Ân Xô, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an, được Ban Bí thư bổ nhiệm giữ chức vụ Trợ lý Tổng bí thư và Phụ trách Văn phòng Tổng bí thư vào ngày 4/9.

toanxo1

Trung tướng Tô Ân Xô (phải) là trợ lý tổng bí thư và phụ trách Văn phòng Tổng bí thư

Nhìn vào quá trình công tác có thể thấy ông Tô Ân Xô là người khá thân cận với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Ông đã theo ông Tô Lâm từ Bộ Công an, sang Văn phòng Chủ tịch nước và hiện nay là Văn phòng Tổng bí thư.

Người thân cận với ông Tô Lâm

Trung tướng Tô Ân Xô sinh năm 1963, quê ở tỉnh Bắc Ninh. Ông từng đảm nhận các vị trí : giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, cục trưởng thuộc Bộ Công an.

Đầu tháng 9/2019, ông Xô được điều động, bổ nhiệm giữ chức Chánh văn phòng, đồng thời là người phát ngôn Bộ Công an.

Tới tháng 11/2021, ông Tô Ân Xô được bổ nhiệm giữ thêm chức vụ trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Vào tháng 2/2023, ông Tô Ân Xô thôi làm Chánh văn phòng Bộ Công an nhưng vẫn là người phát ngôn của bộ, kiêm trợ lý cho Bộ trưởng Công an ông Tô Lâm.

Chỉ hơn một tuần sau khi ông Tô Lâm trở thành chủ tịch nước (vào tháng 5/2024) thì vào đầu tháng 6/2024, Trung tướng Tô Ân Xô thôi chức vụ người phát ngôn Bộ Công an để nhận nhiệm vụ mới tại Văn phòng Chủ tịch nước nhưng không rõ chức vụ của ông Xô tại đây là gì. Các thông tin chính thức được công bố đều chỉ nói chung chung rằng ông nhận nhiệm vụ mới tại Văn phòng Chủ tịch nước.

Trong thông báo ngày 4/9 về quyết định bổ nhiệm ông Xô làm trợ lý tổng bí thư, báo chí Việt Nam vẫn ghi chức danh của ông trước đó là "trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an", trong khi ông Xô đã chuyển sang công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước từ đầu tháng 6 như đã nêu ở trên.

Thêm vào đó, từ ngày 6/6, Bộ Công an đã có bộ trưởng mới là ông Lương Tam Quang nên nếu ông Tô Ân Xô đã làm việc tại Văn phòng Chủ tịch nước mà vẫn đang là trợ lý bộ trưởng Công an là điều không hợp lý.

toanxo2

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Công an Tô Lâm (trái) trao quyết định thăng cấp bậc hàm trung tướng đối với ông Tô Ân Xô (phải) vào tháng 4/2021

Dù không có thông tin cụ thể về chức vụ của Trung tướng Tô Ân Xô tại Văn phòng Chủ tịch nước nhưng ông Xô có mặt tại hầu hết các cuộc họp và các chuyến công tác quan trọng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Ví dụ, ngày 6/8, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt (gồm tổng Bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ, chủ tịch Quốc hội). Ngoài Tứ Trụ thì Thường trực Ban Bí thư Lương Cường và Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc cũng tham gia. Hình ảnh của buổi họp cho thấy Trung tướng Tô Ân Xô cũng có mặt, ngồi cạnh ông Nguyễn Duy Ngọc.

Tới ngày 9/8, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì phiên họp thường kỳ Bộ Chính trị, ông Tô Ân Xô cũng có mặt, ngồi hàng ghế phía sau ông Tô Lâm.

Từ ngày 18-20/8, ông Tô Lâm đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Đây cũng là chuyến du nước ngoài đầu tiên với cương vị tổng bí thư, chủ tịch nước của ông và Trung tướng Tô Ân Xô cũng nằm trong đoàn tháp tùng.

toanxo3

Cuộc họp lãnh đạo chủ chốt do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì vào ngày 6/8 cũng có sự góp mặt của Trung tướng Tô Ân Xô

Ngay sau khi trở về từ chuyến công du, ngày 21/8, ông Tô Lâm đã chủ trì họp Phiên thứ hai của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 của Đảng. Đây là cuộc họp quan trọng nhằm định hướng vấn đề nhân sự cho Đại hội 14 dự kiến diễn ra vào quý 1/2026. Tham dự phiên họp này gồm các ủy viên Bộ Chính trị và các thành viên Tiểu ban Nhân sự. Trung tướng Tô Ân Xô cũng có mặt trong cuộc họp này.

Liên tiếp trong ba ngày 28, 29, 30/8, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bí thư đã có lịch trình làm việc dày đặc :

Ngày 28/9 : làm việc với Ban thường vụ Quân ủy Trung ương ; ngày 29/8 : họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 và Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 14, nhiệm kỳ 2026 - 2031 ; ngày 30/8 : họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để cho ý kiến vào các văn kiện quan trọng. Ông Tô Ân Xô đều có mặt ở cả ba cuộc họp này.

Như vậy, ngay trước khi được bổ nhiệm làm trợ lý Tổng bí thư Tô Lâm, Trung tướng Tô Ân Xô đã tháp tùng ông Tô Lâm trong nhiều sự kiện, cuộc họp quan trọng.

toanxo4

Ông Tô Ân Xô xuất hiện trong cuộc họp của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương và cuộc họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14

Có đúng quy định ?

Xét Quy định số 30-QĐ/TW ngày 19/8/2021 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh trợ lý, thư ký có nêu : "Trợ lý, thư ký của đồng chí lãnh đạo nào thì do đồng chí lãnh đạo đó giới thiệu hoặc cơ quan nơi đồng chí lãnh đạo làm việc đề xuất theo yêu cầu của đồng chí lãnh đạo".

Như vậy, ông Tô Lâm là người giới thiệu, đề xuất ông Tô Ân Xô làm trợ lý của mình. Do đó, từ vị trí trợ lý Bộ trưởng Công an, ông Tô Ân Xô đã thăng tiến lên làm trợ lý Tổng bí thư và phụ trách Văn phòng Tổng bí thư.

Tại Điều 6, Quy định số 30 này có nêu tiêu chuẩn về tuổi bổ nhiệm, tuổi công tác, Theo đó, tuổi bổ nhiệm lần đầu chức danh trợ lý của chức vụ lãnh đạo (gồm trợ lý tổng bí thư) thì cá nhân phải còn trong độ tuổi lao động.

Ông Tô Ân Xô sinh năm 1963, năm nay đã 61 tuổi.

Căn cứ theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, vào năm 2024, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động nam là 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng.

Như vậy, ông Xô đã không còn trong độ tuổi lao động theo luật định và vì vậy, ông đã quá độ tuổi theo Quy định 30.

Theo một nhà quan sát giấu tên, việc bổ nhiệm ông Tô Ân Xô làm trợ lý tổng bí thư có thể được xem là trường hợp đặc biệt dù trong Quy định 30 không nêu việc xét trường hợp đặc biệt đối với chức danh trợ lý (chức danh thư ký thì có).

"Trường hợp đặc biệt này có lẽ xuất phát từ vai trò trợ lý của ông Xô ở Bộ Công an trước đây và trên cơ sở đề xuất của lãnh đạo mà trợ lý đó phục vụ, tức là Tổng bí thư Tô Lâm".

Vẫn theo Quy định 30, chức danh trợ lý đòi hỏi cá nhân phải giữ chức vụ trưởng hoặc tương đương hoặc có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo tương đương vụ trưởng trở lên ít nhất là ba năm. Ông Tô Ân Xô từng làm chánh văn phòng Bộ Công an trong hơn ba năm nên về trình độ chuyên môn, ông thỏa mãn yêu cầu cho vị trí này.

Việc ông Tô Ân Xô - trợ lý cho ông Tô Lâm rời Văn phòng Chủ tịch nước sang phụ trách Văn phòng Tổng bí thư cũng gợi ý rằng, ông Tô Lâm sắp tới sẽ không còn kiêm nhiệm chức chủ tịch nước. Dự kiến, chức vụ này sẽ được Quốc hội bầu vào kỳ họp tháng 10 của Quốc hội.

Bên cạnh vị trí trợ lý, ông Tô Ân Xô còn kiêm chức phụ trách Văn phòng Tổng bí thư. Theo một nhà quan sát chính trị tại Việt Nam, Văn phòng Tổng bí thư là do Ban Bí thư lập ra nhưng về mặt hành chính thì được Văn phòng Trung ương Đảng hỗ trợ.

Thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Văn phòng Tổng bí thư và người phụ trách trước đây là ông Đào Đức Toàn.

Trong Nghị quyết về phân bổ Ngân sách Trung ương cho từng bộ, cơ quan trung ương thì chỉ có Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng chính phủ. Văn phòng Tổng bí thư không nằm trong danh sách này.

Theo nhà quan sát giấu tên, Văn phòng Tổng bí thư là một bộ phận trong Văn phòng Trung ương Đảng, có nhiệm vụ là phục vụ tổng bí thư. Văn phòng này gồm trợ lý, thư ký, các nhân viên hành chính, cảnh vệ, lái xe, cần vụ, tạp vụ, bác sĩ, điện báo viên... của tổng bí thư.

Tuy nhiên, trong phần thông tin về các ban Đảng trung ương thì mục mô tả về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Văn phòng Trung ương Đảng không có thông tin cụ thể về Văn phòng Tổng bí thư.

Về vấn đề bổ nhiệm, bầu người chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định vào các chức vụ, BBC đã có phân tích trường hợp của Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Trịnh Văn Quyết.

Quy định 214-QĐ/TW về "khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý" do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký vào ngày 2/1/2020 thì để vào Bộ Chính trị, cá nhân phải là ủy viên Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên. Trong khi đó, xét theo thời gian làm ủy viên Trung ương Đảng thì Bộ trưởng Lương Tam Quang chưa làm trọn một nhiệm kỳ như yêu cầu của Quy định 214 nhưng ông vẫn được vào Bộ Chính trị.

Việc cựu Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Chánh văn phòng Trung ương Đảng và Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam được bổ sung vào Ban Bí thư cũng chưa đủ tiêu chuẩn tương tự như ông Quang, vì ít nhất thì cả hai ông đều chưa "là ủy viên Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên".

Nguồn : BBC, 08/09/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 186 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)