Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

14/09/2024

Tân đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam : 'kiên trì kiểm soát khác biệt'

BBC tiếng Việt

Ông Hà Vĩ, tân Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh cần "kiên trì kiểm soát những khác biệt" giữa hai nước trong thông điệp đầu tiên gửi đến Việt Nam, theo tường thuật của báo South China Morning Post (SCMP) vào thứ Sáu 13/9.

daisu1

Ngày thứ Năm 12/9, tân Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hà Vĩ, đã đến Cục Lễ tân nhà nước (Bộ Ngoại giao Việt Nam) để trình bản sao thư ủy nhiệm bổ nhiệm – Bộ Ngoại giao Việt Nam

Cụ thể ông Hà Vĩ nói ông kỳ vọng sẽ làm việc với phía Việt Nam "để tăng cường niềm tin về hệ thống [xã hội chủ nghĩa], quyết tâm đoàn kết làm việc và hợp tác và kiên trì trong kiểm soát những khác biệt", theo tường thuật của báo South China Morning Post (SCMP) vào thứ Sáu 13/9.

"[Chúng ta] nên giúp mối quan hệ song phương trở thành một mô hình về tình láng giềng tốt đẹp và hợp tác có lợi cho cả hai nước và tiếp tục mang lại ý nghĩa mới trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống 'vừa là đồng chí, vừa là anh em' giữa Trung Quốc và Việt Nam trong kỷ nguyên mới," ông nói với các nhà ngoại giao của Trung Quốc và Việt Nam tại sân bay Nội Bài hôm thứ Tư 11/9, theo SCMP.

Theo báo Tuổi Trẻ ngày thứ Năm 12/9, ông Hà Vĩ "khẳng định ông và các đồng nghiệp tại Đại sứ quán Trung Quốc sẵn sàng làm việc với mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội ở Việt Nam để tuân thủ chỉ đạo chiến lược của lãnh đạo cao nhất của hai bên, tập trung xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược".

Ông Hà Vĩ tiếp nhiệm ông Hùng Ba, người đã kết thúc nhiệm kỳ và trở về nước vào hôm 30/8 sau sáu năm giữ chức vụ đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam (từ tháng 11/2018).

Ông Hà Vĩ là đại sứ thứ 19 của Trung Quốc tại Việt Nam kể từ khi hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950. Nhac Nguyen/Pool/AFP/Getty Images

Ông Hà đã làm việc tại văn phòng phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines trước khi trở thành cố vấn trong cơ quan đại diện ngoại giao tại Trinidad & Tobago và sau đó là Ấn Độ.

Ông cũng có 14 tháng làm tổng lãnh sự của Trung Quốc tại Canada từ năm 2017 đến 2018.

Ông Hà đã trở thành phó trưởng văn phòng phụ trách các vấn đề biên giới và đại dương vào năm 2013, thời điểm căng thẳng dâng cao liên quan đến Biển Đông dẫn đến vụ kiện lịch sử của Philippines đối với Trung Quốc trước Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc. Đây cũng là giai đoạn Việt Nam và Trung Quốc có nhiều xung đột trên thực địa tại Biển Đông.

Kiểm soát bất đồng và khác biệt

Thông điệp của ông Hà Vĩ về kiểm soát khác biệt là sự nhắc lại những tuyên bố của người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc - Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình - về vấn đề ngoại giao với Việt Nam trong thời gian qua.

Ông Tập đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc hai nước cần "giải quyết" hay "quản lý hợp lý những khác biệt".

Cụ thể trong bài viết riêng cho báo Nhân dân, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của ông tới Việt Nam (12 đến 13/12/2023) về quan hệ giữa hai nước, ông Tập viết :

"Chúng ta cần quản lý hợp lý những khác biệt và mở rộng sự đồng thuận vì một cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam chia sẻ tương lai.

Cả hai bên cần hành động dựa trên những hiểu biết chung mà các nhà lãnh đạo hai đảng và hai nước đã đạt được, giải quyết hợp lý những khác biệt trong các vấn đề hàng hải và cùng nhau tìm kiếm các giải pháp mà các bên cùng chấp nhận".

Trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc được công bố sau chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (từ 18 đến 20/8/2024) đến Trung Quốc, vấn đề giải quyết bất đồng "tốt hơn" đã được đề cập trong phương hướng "6 hơn".

"[...] kiên trì thực hiện phương hướng "6 hơn", tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn; thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc đạt được nhiều thành quả thực chất hơn nữa, nỗ lực vì nhân dân hạnh phúc và đất nước giàu mạnh, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại", theo nội dung của tuyên bố.

Có thể thấy kiểm soát, giải quyết các bất đồng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc là một trong những vấn đề hàng đầu.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, điều mà họ khẳng định thông qua việc triển khai rộng khắp lực lượng hải cảnh ở các khu vực bao gồm vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.

Hải cảnh Trung Quốc đã bị cáo buộc gây hấn và làm gián đoạn các hoạt động đánh bắt thủy sản và khai thác năng lượng của các nước như Malaysia, Philippines và Việt Nam, gây lo ngại về sự leo thang mâu thuẫn và thách thức mối quan hệ giữa các nước trong khu vực.

Mới đây, phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 11 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày thứ Sáu 13/9, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam. Đại tướng Phan Văn Giang nói : "Châu Á-Thái Bình Dương vẫn đối mặt với những tranh chấp nan giải về chủ quyền và lãnh thổ, đặc biệt là trên biển. Việt Nam kiên định giải quyết mọi bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982," theo báo Quân đội nhân dân.

Ông Phan Văn Giang tiếp tục nhắc lại lập trường đối ngoại của Việt Nam "coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa" trong cuộc gặp với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp.

Gần đây, Việt Nam đã có những chuyển động quốc phòng quan trọng, trong đó có việc ông Phan Văn Giang lần đầu tiên thăm chính thức Mỹ từ ngày 6 đến 11/9.

Trước khi đến Mỹ, ông Phan Văn Giang đã thăm Philippines vào ngày 30/8 và ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro Jr. Hai nước mới đây cũng đã có một cuộc diễn tập chung của lực lượng cảnh sát biển.

Bảo vệ an ninh chính trị và chế độ

Trong một diễn biến khác, vào ngày thứ Tư 11/9, tài khoản Facebook có dấu xanh của Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng đăng tải một video về "cách mạng màu" ở Việt Nam.

Cụ thể bài đăng trên Facebook có nội dung :

"Trong thời gian lâu dài, chiêu bài "cách mạng màu" đã liên tiếp được các thế lực thù địch sử dụng và để lại hậu quả vô cùng nặng nề về chính trị, kinh tế, xã hội cho các nước bị cuốn vào kịch bản do chúng giăng ra. Việc chuẩn bị cho "cách mạng màu" của các thế lực thù địch thường được thực hiện thông qua các tổ chức phi chính phủ.

Trung Quốc và Việt Nam đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cần phải cảnh giác cao trước các thủ đoạn "cách mạng màu" của các thế lực thù địch. Trong Tuyên bố chung Trung Quốc - Việt Nam vào tháng 8/2024 ghi rõ, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống "cách mạng màu", cùng nhau bảo vệ an ninh chính trị và an ninh chế độ".

Phóng sự video mà cơ quan ngoại giao Trung Quốc đăng tải vốn do kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam sản xuất và đã đăng tải vào ngày 21/8.

Nội dung chính của video cáo buộc Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) có các hoạt động và biểu hiện "cách mạng màu".

Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam tự giới thiệu là "cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam".

Sau khi đăng tải một thời gian, kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã xóa video nói trên.

Vào ngày 26/8, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng về việc này, trong đó khẳng định FUV là "thành quả của hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ".

Sau hơn một tháng hứng chịu các cuộc tấn công mạng và cáo buộc 'cách mạng màu', vào ngày 30/8, Đại học Fulbright Việt Nam đã thông báo sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra chiến dịch đưa tin sai sự thật, thậm chí mang tính bạo lực nhằm vào trường và các sinh viên của trường.

Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã làm dịu bớt căng thẳng và những cáo nhằm vào FUV cũng ít dần.

Hiện chưa rõ vì sao Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc đăng lại video trên sau khi vụ việc có vẻ đã yên ắng, nhưng hành động này - được thực hiện trong giai đoạn ông Hà Vĩ mới nhậm chức, Đại tướng Phan Văn Giang thăm Mỹ và có khả năng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng sẽ thăm Mỹ trong tháng 9 - dường như không hề tình cờ.

Động thái của Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc dường như là lời nhắc nhở (hay cảnh báo ?) đối với Việt Nam về lập trường ý thức hệ, về cái "tương lai chung" mà lãnh đạo Việt Nam đã cam kết cùng Trung Quốc xây dựng.

Có thể thấy vấn đề đảm bảo an ninh chính trị và an ninh chế độ luôn đứng đầu danh sách trong phương hướng ngoại giao giữa hai quốc gia đều theo thể chế xã hội chủ nghĩa nếu nhìn lại những tuyên bố chung sau các chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước.

Trong định hướng "6 hơn" được nêu trong tuyên bố chung của hai nước nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam từ ngày 12 đến 13/12/2023 thì "tin cậy chính trị cao hơn" đã được xếp ở vị trí đầu tiên bên cạnh "hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn".

Trước đó, vào năm 2022, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chung.

Đáng chú ý, so với các tuyên bố chung năm 2015 và 2017 thì tuyên bố chung năm 2022 có điểm khác biệt lớn là lần đầu tiên, Trung Quốc và Việt Nam đề cập đến việc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực chống khủng bố, chống "diễn biến hòa bình", "cách mạng màu".

Tương tự, tuyên bố chung Việt-Trung trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ 18-20/8 vừa rồi cũng có nói đến "cách mạng màu". Cụ thể là hai nước "tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống 'cách mạng màu', cùng nhau bảo vệ an ninh chính trị và an ninh chế độ".

Nguồn : BBC, 14/09/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 303 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)