Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/09/2024

Việt Nam chuyển đổi năng lượng sạch, có khả thi không ?

Nhiều nguồn tin

Vì sao ngành điện gió ngoài khơi Việt Nam 'thoi thóp' ?

BBC, 18/09/2024

Việt Nam có nguy cơ không thực hiện được tham vọng đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong bối cảnh một số nhà đầu tư nước ngoài đã tuyên bố rút lui, theo các nhà phân tích.

diengio1

Điện gió ở tỉnh Bạc Liêu - Getty Images

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất được 6GW điện gió vào năm 2030, 70-91GW vào năm 2050, so với mức gần như bằng 0 hiện nay - được đánh giá là tham vọng nhất trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Nhưng chỉ trong một năm qua, đã có tới ba tập đoàn năng lượng quốc tế hàng đầu tuyên bố rút lui bất chấp Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư nước ngoài để phát triển ngành năng lượng sạch còn non nớt của mình.

Hà Nội đã hi vọng sẽ chuyển dần sang năng lượng sạch để giải quyết tình trạng thiếu điện, khi các nguồn năng lượng hóa thạch ngày một cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Hi vọng này có căn cứ khi Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên gió  mặt trời thuộc hàng bậc nhất trong khu vực.

Nhưng vì sao đến nay Việt Nam vẫn chật vật phát triển năng lượng tái tạo, vì sao nhà đầu tư bỏ đi?

Kiến nghị của 'người trong cuộc'

Khi tuyên bố rút khỏi thị trường điện gió ngoài khơi vào tháng 9/2023 vừa qua, công ty năng lượng Ørsted của Đan Mạch nói rằng kế hoạch đầu tư của họ tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do những bất cập trong Quy hoạch phát triển điện quốc gia (PDP8).

Quy hoạch này được chỉnh sửa nhiều lần, trì hoãn trong nhiều năm, và cuối cùng cũng được chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 5/2023.

Nhưng giới quan sát cho rằng đây chỉ là động thái nhằm chạy theo tuyên bố "Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050" của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Thượng đỉnh khí hậu ở Scotland năm 2021.

Nhiều mục tiêu sau đó đã được sửa đổi trong PDP8 để "gọt chân cho vừa giày", tức để phù hợp với cam kết nói trên.

Do vậy, dù các bản kế hoạch chi tiết để triển khai PDP8 đã được xem xét một số lần, nhưng đến nay vẫn không thể có kết quả cuối cùng.

Vẫn chưa thực sự có lời giải cho các bài toán về giá điện, cải thiện lưới điện, cơ chế mua điện, v.v...

Ørsted đã tuyên bố rằng PDP8 dù đã được thông qua nhưng vẫn thiếu thông tin chi tiết về tổng công suất lắp đặt phân bổ của từng giai đoạn phát triển, các quy định đấu thầu và cơ chế mua điện, khiến cho việc tiếp tục kế hoạch đầu tư tại Việt Nam là không thể.

Sự không chắc chắn của các chính sách khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch, và cụ thể là trong thị trường điện gió ngoài khơi, lo ngại.

Trong khi đó, trả lời BBC về quyết định rút lui của Equinor (Na Uy) khỏi ngành công nghiệp điện gió Việt Nam vào đầu tháng 9 vừa qua, bà Magnus Frantzen Eidsvold, người phát ngôn của công ty, nói rằng tập đoạn này phải ưu tiên các danh mục đầu tư "để đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trong thời kỳ suy thoái, khi ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đang phải đối mặt với những trở ngại đáng kể".

Bà Magnus Frantzen Eidsvold còn cho biết Equinor cũng đưa ra các quyết định tương tự cho các hoạt động điện gió ngoài khơi giai đoạn đầu của mình tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp.

"Việt Nam vẫn là một quốc gia hấp dẫn và thú vị đối với Equinor và quyết định này chỉ giới hạn trong hoạt động phát triển kinh doanh điện gió ngoài khơi của chúng tôi tại quốc gia này.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các công ty tại Việt Nam trong các lĩnh vực kinh doanh khác và tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt đẹp của chúng tôi với Việt Nam", người phát ngôn của tập đoàn Equinor nói với BBC.

Nhưng trong một số cuộc trao đổi với các tạp chí năng lượng quốc tế, Equinor đã thẳng thắn khuyến nghị chính phủ Việt Nam một số vấn đề liên quan đến pháp lý và quy định.

Trong đó, công ty đề nghị Hà Nội thiết lập một khuôn khổ pháp lý ổn định và thuận lợi, đặc biệt là về các khía cạnh như giấy phép cho thuê/thăm dò tài sản ở các khu vực ngoài khơi, kết nối và truyền tải lưới điện, ưu đãi về giá điện và tích hợp vào chuỗi cung ứng địa phương.

Được biết, công ty năng lượng Enel của Ý cũng đang chuẩn bị rút khỏi các dự án năng lượng sạch với Việt Nam, dù chưa chính thức tuyên bố và cũng chưa nêu lý do.

Mới năm ngoái, Enel còn tuyên bố đầy tham vọng rằng sẽ tạo ra 6GW năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Rào cản pháp lý

Theo các chuyên gia, việc xây dựng một trang trại điện gió ngoài khơi thường mất hơn 5 năm và thậm chí còn lâu hơn nữa, với quy mô đầu tư lớn (khoảng 2-3 triệu USD/MW), quy trình và thủ tục đầu tư phức tạp.

Từng có nhiều cảnh báo từ chính các nhà điều hành các công ty năng lượng trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu đề ra nếu các rào cản pháp lý không được giải quyết.

"Thiếu các cơ chế, chính sách cho điện khí, điện gió ngoài khơi nên rủi ro rất cao cho nhà đầu tư", Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng từng cho biết.

Nhiều cơ sở điện gió và mặt trời tại Việt Nam thời gian qua gặp khó khăn trong việc kết nối với mạng lưới điện kém phát triển của đất nước.

Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện quy hoạch điện lực ; bên cạnh các vấn đề về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ; điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Bên cạnh đó, các thành viên G7 từng nêu quan ngại về việc Việt Nam "thiếu các chính sách, quy định và thủ tục phù hợp". Chẳng hạn, Việt Nam thiếu dữ liệu về tốc độ gió ngoài khơi và cấu trúc đáy biển ngoài khơi Việt Nam.

G7 lưu ý rằng Việt Nam có năng lực tài chính hạn chế và ít kinh nghiệm trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Nhóm G7 lưu ý rằng không gian biển của Việt Nam cũng cần phải được xác định rõ ràng, nhằm tránh nguy cơ các khu vực sau này có thể được giao cho mục đích quân sự hoặc vận tải và gây ra xâm lấn các trang trại gió ngoài khơi.

diengio2

Hệ thống bán buôn, truyền tải và bán lẻ điện ở Việt Nam nằm dưới sự độc quyền của EVN cho thấy nhiều bất cập

Tham vọng thất bại ?

Công ty phân tích hàng đầu của Mỹ, S&P Global, nhận định rằng Việt Nam có nguy cơ không thực hiện được tham vọng đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Công ty này cho hay khoảng hai phần ba đường ống của dự án năng lượng gió ngoài khơi tại Việt Nam hiện do các công ty trong nước và quốc tế cùng sở hữu.

S&P Global chỉ ra rằng : "Thiết bị sẽ chủ yếu được nhập khẩu do thiếu năng lực sản xuất trong nước".

Cơ chế giá điện, phát triển lưới điện và các chính sách khác vẫn đang được xây dựng, có thể là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển, theo S&P Global.

Ví dụ, các dự án được phê duyệt sau năm 2022 có thể phải chịu mức giá điện mới, vốn được điều chỉnh mỗi năm và trên khắp các vùng miền tại Việt Nam, và vẫn đang được các cơ quan chức năng thảo luận.

Ước tính rằng Việt Nam sẽ cần từ 5 đến 10 năm xây dựng lưới điện để có thể nhận thêm điện do các dự án điện gió ngoài khơi tạo ra.

Vì vậy, bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc xây dựng lưới điện đều có thể hạn chế sự phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, S&P Global nhấn mạnh, đồng thời chỉ ra những vấn đề tương tự đã xảy ra với một số nhà máy điện mặt trời.

Với nhu cầu vốn dự án cao, sẽ rất quan trọng cho các nhà đầu tư trong quyết định rót vốn, nếu có sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam trong cải cách chính sách, một khuôn khổ thỏa thuận mua bán điện (Power Purchase Agreement - PPA) hợp lý, và một lưới điện hiện đại, S&P Global kết luận.

Trong khi đó, Bộ Công thương đang soạn thảo đề án thí điểm cho phép chỉ các doanh nghiệp nhà nước như PVN và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tham gia phát triển điện gió ngoài khơi – một hướng đi mà các nhà đầu tư quốc tế nhận định rằng sẽ càng góp phần kìm hãm sự phát triển của Hà Nội trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Nguồn : BBC, 18/09/2024

****************************

Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục chuyển đổi năng lượng sạch, một số nhà hoạt động nói "không khả thi"

Chính phủ Việt Nam khẳng định mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là không thay đổi, tuy nhiên việc tiếp tục bỏ tù và giam cầm những nhà vận động về biến đổi khí hậu, môi trường khiến các nhà hoạt động hoài nghi lời hứa này.

nangluong1

Nhà máy nhiệt điễn Vĩnh Tân ở tỉnh Bình Thuận hôm 23/4/2019 - Manan Vatsyayana / AFP

Theo thư được Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố ngày 17/9, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc nói nước này là một trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và chính phủ nhận thức được mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và quyền con người.

Phát biểu trên được đưa ra trong buổi Đối thoại tương tác về báo cáo thường niên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp quốc trong khoá họp thứ 56 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 6/2024.

"Chúng tôi cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, đồng thời hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng giá cả phải chăng và việc làm bền vững, duy trì tính minh bạch và cách tiếp cận toàn diện, có sự tham gia và công bằng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng", Đại sứ Dũng nói trong thư.

Ông này cũng khẳng định Việt Nam kiên quyết ủng hộ các nguyên tắc cơ bản về tính phổ quát, công bằng, khách quan, không chọn lọc, không can thiệp vào công việc nội bộ và cam kết tiếp tục thúc đẩy đối thoại chân thành và hợp tác hiệu quả với tất cả các nước thành viên và các cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

Giới hoạt động hoài nghi

Tại phiên họp cấp cao Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Vương quốc Anh vào đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch.

Theo tuyên bố của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, để thực thi hiệu quả các chính sách về khí hậu, các chính phủ phải "thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng mọi người có thể tham gia hiệu quả vào việc định hình các chính sách khí hậu ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế".

Tuy nhiên, Việt Nam thường xuyên vi phạm các quyền này, đặc biệt là đối với các nhà hoạt động vì khí hậu. Kể từ năm 2021, Hà Nội đã bắt giữ sáu nhà lãnh đạo chủ chốt chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam với cáo buộc "trốn thuế" hoặc "chiếm đoạt tài liệu" mà nhiều tổ chức quốc tế cho là "nguỵ tạo" và có mục đích chính trị.

Trước khi bị bắt, chính họ có vai trò quan trọng trong việc vận động thành công Chính phủ cam kết phi carbon hóa nền kinh tế, đỉnh điểm là tuyên bố về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Một nhà hoạt động xã hội dân sự ở Hà Nội bình luận với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh :

"Chính phủ đưa ra cam kết nhưng vẫn giữ y nguyên phong thái và quan điểm cũ, không cởi mở để cho xã hội dân sự được quyền tự do hoạt động và cùng đóng góp ý kiến xây dựng cũng như ủng hộ kế hoạch bảo vệ môi trường, chỉ ra những vi phạm và những nguy hiểm đe doạ cho tương lai về môi trường ở Việt Nam thì khi đó những mục tiêu được đề ra trong cam kết này chỉ giống như lời hứa suông".

Ông Phil Robertson, giám đốc tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA) thì cho rằng Đại sứ Dũng nói những điều mà sự thật diễn ra ngược lại ở quê nhà.

Ông nói trong tin nhắn gửi RFA :

"Chính phủ Việt Nam đã tham gia vào trò đạo đức giả tầm cỡ thế giới tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bằng cách tuyên bố rằng họ quan tâm đến những tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu đối với quyền con người trong khi đồng thời giam giữ những lãnh đạo xã hội dân sự- những người đang gây sức ép buộc Việt Nam thay đổi chính sách năng lượng quốc gia theo hướng không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Chính phủ Việt Nam nghĩ rằng họ có thể nói suông và khoa trương vượt qua mọi phản đối về hồ sơ nhân quyền của mình tại Geneva".

Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế không chấp nhận những lời nói dối trắng trợn của Hà Nội về hồ sơ nhân quyền của họ và yêu cầu giải trình, bắt đầu bằng việc trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả những người hoạt động về biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Từ Đức, nhà văn/ nhà báo Võ Thị Hảo bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng Hà Nội thực thi cam kết, trong khi "lại cầm tù người hoạt động vì môi trường với những bản án hết sức nặng nề và vô lý".

Bà nói rằng việc sạt lở đồi núi do lũ quét ở nhiều tỉnh miền Bắc sau Cơn bão số 3 là minh chứng cho việc phá hủy môi trường ở Việt Nam trong nhiều năm qua, trong đó phá rừng nguyên sinh và xây dựng tràn lan các đập thủy điện là những nguyên nhân chính.

Ngay cả thủy điện mà Việt Nam coi là năng lượng sạch tái tạo cũng gây thảm hoạ môi trường, bà bổ sung.

Nguồn : RFA, 17/09/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt, RFA tiếng Việt
Read 293 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)