Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/09/2024

Tô Lâm nói chuyện tại Đại học Columbia và ký kết nhiều hợp đồng

VOA tiếng Việt

Đại học Columbia giải thích lý do mời lãnh đạo Đảng cộng sản Tô Lâm đến nói chuyện

VOA, 24/09/2024

Đại học Columbia của Mỹ nói rằng họ cam kết quyền tự do ngôn luận nhưng không tán thành quan điểm của diễn giả nào khi tổ chức buổi nói chuyện với Tổng bí thư Việt Nam Tô Lâm, người đã trở thành lãnh đạo Đảng cộng sản đầu tiên được mời tới trường đại học này.

columbia0

Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo Thế giới của Đại học Columbia ở New York, Mỹ, hôm 23/9.

Ông Lâm, cũng là chủ tịch nước Việt Nam, đã phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo Thế giới của Đại học Columbia ở thành phố New York, nơi ông đang có mặt để tham dự khóa họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, hôm 23/9. Trong cuộc nói chuyện do bà Nguyễn Thị Liên Hằng, giáo sư sử học của Đại học Columbia, điều phối, ông Lâm đã trả lời các câu hỏi của sinh viên sau đó.

Nhưng buổi nói chuyện này trước đó đã bị Dân biểu Mỹ Michelle Steel phản đối khi bà kêu gọi trường hủy bỏ sự kiện với nhà lãnh đạo Việt Nam. Bà Steel đã gửi một bức thư tới Chủ tịch tạm quyền của trường, Katrina Amstrong, vào ngày 20/9 để đề nghị trường rút lại lời mời ông Lâm và sau đó đưa ra một thông cáo đưa ra ngay trước khi buổi nói chuyện diễn ra hôm 23/9 để nhắc lại lời phản đối này.

Bà Steel, người đại diện địa hạt 45 – nơi có cộng đồng người Việt sinh sống – của California tại Quốc hội Mỹ cho rằng ông Lâm là một "nhà độc tài nguy hiểm đã kìm hãm quyền tự do ngôn luận và bắt giữ nhiều tù nhân lương tâm ở Việt Nam". Theo vị dân biểu này, Đại học Columbia không thể thúc đẩy một môi trường học thuật có tự do ngôn luận và tự do biểu đạt khi tiếp đón một trong những lãnh đạo nổi tiếng nhất của chủ nghĩa độc tài.

Một người phát ngôn của Đại học Columbia, trả lời yêu cầu bình luận của VOA qua email, nói rằng Diễn đàn Lãnh đạo Thế giới của trường "mời những nhân vật có ảnh hưởng từ khắp nơi trên thế giới tham gia cộng đồng trường" với mục tiêu "hỗ trợ sứ mệnh học thuận lớn hơn của trường là giảng dạy, sáng tạo và phát triển kiến thức.

"Sứ mệnh đó dựa trên cam kết cơ bản về quyền tự do ngôn luận, tìm hiểu cởi mở và tranh luận sôi nổi", người phát ngôn nói trong email.

Các diễn giả trước đây tới nói chuyện tại diễn đàn của Đại học Columbia bao gồm Cựu Tổng thốn Mỹ Bill Clinton, Thủ tướng Nhật Zhinzo Abe, Tổng thư ký LHA Ban Ki-moon, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, và Đức Dalai Lama.

Ông Lâm có bài phát biểu gần 30 phút, trong đó ông nói về "ngoại giao thời đại mới" của Việt Nam, sự hàn gắn vết thương chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ để từ hai cựu thù trở thành đối tác chiến lược toàn diện, cảm ơn sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ đối với sự phát triển mối quan hệ giữa hai nước. Ông Lâm nhắc đến sự khác biệt còn tồn tại giữa Mỹ và Việt Nam về nhân quyền nhưng nói rằng Việt Nam "chọn đối thoại thay đối đầu".

Trong phần trả lời câu hỏi của Giáo sư Liên Hằng, người cũng là một thành viên quản trị của Đại học Fulbright Việt Nam, về việc hàn gắn quan hệ Mỹ-Việt dưới sự lãnh đạo của mình và đưa ra lời khuyên để giải quyết mối căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, ông Lâm đã đọc những tờ giấy dường khi trả lời các hỏi này. Vị giáo sư này cho biết ông Lâm là nhà lãnh đạo Đảng cộng sản đầu tiên được mời tới nói chuyện tại Đại học Columbia.

Người phát ngôn của Đại học Columbia nói rằng chương trình nói chuyện với ông Lâm "bao gồm nhiều thời gian để sinh viên đặt câu hỏi cho diễn giả, thách thức hồ sơ của họ và đưa ra những quan điểm khác nhau".

Ông Lâm đã trả lời câu hỏi của 7 sinh viên được GS Liên Hằng gọi tên, trong đó có các sinh viên Việt Nam, Trung Quốc, Úc và Nhật – họ hỏi về chính sách quốc phòng Việt Nam, ngoại giao "cây tre", chính sách của Việt Nam để khuyến khích sinh viên về nước, sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ hay sự cân bằng của Việt Nam trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Dân biểu Steel, trong bức thư phản đối, cho rằng ông Lâm có tiền sử được ghi nhận về việc kìm hãm quyền tự do ngôn luận trong vai trò trước đây của mình là Bộ trưởng Công an Việt Nam và rằng việc tiếp đón ông Lâm tại trường cho thấy "một tổ chức thường xuyên tự nhận mình là người bảo vệ quyền công dân lại đang bỏ qua tình cảnh của những người bị ảnh hưởng nhiều nhất".

"Lời mời phát biểu tại một sự kiện không phải là sự xác nhận hay tán thành quan điểm của bất kỳ diễn giả nào", người phát ngôn của Đại học Columbia nói.’

Việt Nam luôn bị các tổ chức nhân quyền quốc tế và cả chính phủ Mỹ đánh giá thấp về hồ sơ nhân quyền. Trước khi ông Lâm tới Mỹ, chính quyền Việt Nam thả tự do cho hai nhà hoạt động nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng.

Tuy nhiên tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) có trụ sở ở Mỹ hôm 23/9 đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo các tập đoàn công nghệ Mỹ không nên xem đây là dấu hiệu rằng ông Lâm sẽ là nhà lãnh đạo có quan điểm cải cách.

Ông Lâm đã gặp các lãnh đạo Google và Meta hôm 23/9 và dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 25/9 bên lề hội nghị của Liên Hiệp Quốc ở New York.

Nguồn : VOA, 24/09/2024

*****************************

Các công ty Mỹ-Việt ký kết hợp tác ; ông Lâm ‘hy vọng’ Washington cấp quy chế kinh tế thị trường

Reuters, VOA, 24/09/2024

Các công ty Việt Nam và Mỹ đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) để hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo và xây dựng một trung tâm dữ liệu, chính phủ Việt Nam cho biết hôm 24/9.

columbia2

PetroVietnam đã ký bản ghi nhớ uyển giao công nghệ năng lượng với hãng Kellogg Brown & Root của Mỹ

Thông báo của chính phủ Việt Nam nói rằng các bản ghi nhớ này đã được ký kết tại một diễn đàn kinh doanh ở Hoa Kỳ.

Biên bản ghi nhớ bao gồm chuyển giao công nghệ năng lượng giữa hãng dầu khí nhà nước Việt Nam PetroVietnam và Kellogg Brown & Root, hợp tác khí tự nhiên hóa lỏng giữa PTSC, công ty con của PetroVietnam, với Excelerate Energy, và phát triển trí tuệ nhân tạo cùng với xây dựng trung tâm dữ liệu giữa Tập đoàn Sovico và Supermicro.

Hãng hàng không Vietjet cho biết họ đã ký thỏa thuận hợp tác trị giá 1,1 tỷ đô la với Honeywell Aerospace Technologies để công ty này cung cấp dịch vụ điện tử hàng không và kỹ thuật hàng không cho đội máy bay của Vietjet.

Các bản ghi nhớ được ký kết trước sự chứng kiến của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm, người đang có mặt ở New York và dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25/9 bên lề kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Ông Lâm nói rằng hai nước có nhiều không gian để hợp tác và Việt Nam hy vọng Mỹ sẽ trở thành nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam.

Tổng bí thư của Việt Nam cũng nói rằng ông hy vọng chính phủ Mỹ sẽ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, theo thông báo của chính phủ.

Bộ Thương mại Mỹ vào tháng trước cho biết họ tiếp tục xếp Việt Nam vào nền kinh tế phi thị trường. Nếu Việt Nam nộp đơn xin xem xét lại, sẽ mất thêm nhiều tháng nữa để giới chức Mỹ đưa ra quyết định.

Nguồn : VOA, 4/09/2024

*******************************

Nhân chuyến đi Mỹ của chủ tịch nước Việt Nam, hai bên ký nhiều thỏa thuận về công nghệ, năng lượng

Thanh Phương, RFI, 24/09/2024

Theo thông báo của chính phủ Việt Nam hôm nay, 24/09/2024, các công ty của Việt Nam và Hoa Kỳ hôm qua đã ký nhiều thỏa thuận về công nghệ và năng lượng nhân chuyến đi họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ của tổng bí thư Đảng cộng sản kiêm chủ tịch nước Tô Lâm.

biden0

Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại hội nghị "Thượng đỉnh vì Tương lai" tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 22/09/2024. AP - Frank Franklin II

Các văn bản được ký kết nhân buổi tọa đàm doanh nghiệp do hai bên phối hợp tổ chức với sự tham dự của ông Tô Lâm, bao gồm thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi năng lượng và nghiên cứu chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, biên bản ghi nhớ về nghiên cứu, cung cấp giải pháp phần mềm trong ngành điện và dầu khí, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực khí hóa lỏng, biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam và thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực sản xuất khí tự nhiên.

Riêng hãng hàng không Vietjet Air thì ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hàng không với công ty Mỹ Honeywell.

Theo thông báo của chính phủ Việt Nam, trong buổi tọa đàm tại New York, ông Tô Lâm đã bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư ngoại quốc lớn nhất của Việt Nam “để tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Mỹ”. Ông cũng hy vọng chính phủ Mỹ sẽ sớm công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, sau khi vào tháng trước bộ Thương Mại Hoa Kỳ vẫn đánh giá Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường. 

Theo trang mạng Nikkei Asia, sáng hôm qua, trong bài phát biểu tại Đại học Columbia, tổng bí thư Tô Lâm nhìn nhận: “Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn những cái nhìn khác biệt về nhân quyền và về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo”.

Bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, theo dự kiến, lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm sẽ gặp tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày mai.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: VOA tiếng Việt
Read 118 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)