Hai tổ chức nhân quyền lên án Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Hai tổ chức nhân quyền là Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) đã lên án tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam tại khóa họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 27/9 vừa qua, đồng thời kêu gọi các quốc thành viên Liên Hiệp Quốc yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho tất cả các tù chính trị.
Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Mai Phan Dũng phát biểu tại phiên thảo luận chung ngày 11/9.
Thông cáo báo chí của hai tổ chức này dẫn lời bà Penelope Faulkner, Chủ tịch VCHR, nói rằng : "hành động trả thù đối với các nhà bảo vệ nhân quyền, sự tồn tại của tù nhân chính trị, và sự đàn áp các thành viên của xã hội dân sự và các nhóm tôn giáo chưa đăng ký là có thực [tại Việt Nam]. Thực tế này không phải là "những đánh giá không chính xác và vô căn cứ" như Hà Nội tuyên bố."
Trong bài phát biểu của mình trước Liên Hiệp Quốc, bà Penelope Faulkner đã nhắc đến cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) lần thứ 4 của Việt Nam hồi tháng 5 năm 2024. Tại kỳ kiểm điểm này, 133 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã đưa ra 320 khuyến nghị đối với Việt Nam nhằm cải thiện tình hình nhân quyền.
Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận 271 khuyến nghị (85%), trong số này 253 khuyến nghị được chấp nhận hoàn toàn và 18 khuyến nghị được chấp nhận một phần.
Bà Faulker nhận xét : "Việc chính quyền Việt Nam chấp nhận toàn bộ hoặc một phần 85% các khuyến nghị của UPR là một sự lừa phỉnh. Sự quỷ quyệt đã phơi bày và việc Hà Nội bác bỏ nhiều khuyến nghị liên quan đến các quyền dân sự và chính trị quan trọng là một vấn đề rất đáng lo ngại".
Các khuyến nghị bị Việt Nam từ chối như : chấm dứt việc bắt bớ và giam giữ tùy tiện những người bảo vệ nhân quyền, những người bất đồng chính kiến và các nhà báo, điều tra các mối đe dọa và trả thù những người bảo vệ nhân quyền, thiết lập một cơ chế quốc gia để giám sát các nhà tù và trại giam nhằm ngăn chặn sự tra tấn, ngược đãi và hình phạt tàn bạo đối với tù nhân, đảm bảo xét xử công bằng, chấm dứt việc ép buộc từ bỏ đức tin đối với các tín đồ của những nhóm tôn giáo chưa đăng ký, xóa bỏ mọi hạn chế pháp lý đối với quyền tự do biểu đạt, ngôn luận và truy cập Internet.
Việt Nam cũng bác bỏ các khuyến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Hai tổ chức nhân quyền cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng của các tù nhân lương tâm bao gồm luật sư môi trường Đặng Đình Bách, người đang thụ án tù năm năm với tội danh trốn thuế mà các tổ chức quốc tế cho là ngụy tạo, tù nhân lương tâm Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình (đang thụ án từ 5 năm và 7 năm tù), nhà báo Trương Huy San - người vừa bị bắt giữ trong năm nay.
Tại phiên họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc diễn ra từ ngày 9/9/2024 vừa qua, đại diện của Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền của Việt Nam.
Cao uỷ nhân quyền Liên Hiệp Quốc - ông Volker Turk - hôm 9/9 phát biểu tại phiên khai mạc, bày tỏ lo ngại về việc đàn áp các quyền của người dân trên thế giới bao gồm các quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, tự do báo chí. Ông nhắc đến tên của Việt Nam trong số các nước có các hoạt động đàn áp.
Vào ngày 10/9, Đại diện thường trú của Liên Hiệp Châu Âu (EU) tại Geneva - Đại sứ Lotte Knudsen - phát biểu tại diễn đàn của Liên Hiệp Quốc, bày tỏ "quan ngại sâu sắc về không gian ngày càng thu hẹp của xã hội dân sự ở Việt Nam và việc tiếp tục bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền, các chuyên gia về quyền lao động và môi trường".
Trong báo cáo được trình bày trước tại kỳ họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam bị nêu tên là một trong những quốc gia có hành vi trả thù các cá nhân và tổ chức cộng tác với Liên Hiệp Quốc trong thời gian từ tháng 5/2023 đến tháng 4/2024. Theo báo cáo này, lo sợ bị trả thù, nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam đã không thể báo cáo thường xuyên cho Liên Hiệp Quốc và hệ quả là số lượng báo cáo về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong kỳ UPR hồi tháng 5 vừa qua đã giảm sút.
Vào ngày 11/9, tại phiên thảo luận chung, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Mai Phan Dũng bác bỏ những cáo buộc của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và một số quốc gia khác về tình hình "vi phạm nhân quyền" ở Việt Nam.
Ông Dũng nói : "Chúng tôi muốn nhắc lại rằng những nhận xét của Cao ủy và của một số quốc gia và nhóm quốc gia liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam đều dựa trên những thông tin chưa được xác minh, độc hại và sai sự thật".
Theo Human Rights Watch, hiện Việt Nam còn đang giam giữ ít nhất khoảng 160 tù chính trị, tuy nhiên, Hà Nội luôn khẳng định không có tù chính trị và chỉ có những người vi phạm pháp luật.
Nguồn : RFA, 28/09/2024