Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/10/2024

Trương Mỹ Lan ra tòa vụ trái phiếu : Vì sao nạn nhân không có mặt ?

VOA tiếng Việt

Phiên tòa xét xử tỷ phú Trương Mỹ Lan, cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 33 bị cáo khác về tội lừa đảo trái phiếu không có sự hiện diện của bị hại trong khi đây là vụ án có số bị hại đông đảo nhất cùng với số tiền thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay, theo tìm hiểu của VOA.

traiphieu1

Các nạn nhân trái phiếu đã ròng rã đến các chi nhánh SCB để đòi tiền trong hai năm qua

Bắt đầu xét xử từ ngày 19/9 và dự kiến kéo dài trong một tháng, phiên tòa này nằm trong giai đoạn hai của đại án Trương Mỹ Lan-Vạn Thịnh Phát-SCB. Bà Lan bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vì đã phát hành 25 gói trái phiếu cho 4 công ty con của Vạn Thịnh Phát để chiếm đoạt tiền của người dân thông qua ngân hàng SCB.

Tổng cộng có gần 36.000 nạn nhân trên khắp cả nước bị SCB ‘dẫn dụ’ mua trái phiếu khống mà công ty phát hành không có tài sản đảm bảo, không được đánh giá tín nhiệm và hiện mất khả năng thanh toán với tổng trị giá hơn 30.869 tỉ đồng, tương đương 1,2 tỷ đô la Mỹ.

Ngoài ra, cũng trong giai đoạn 2, bà Lan còn bị truy tố thêm hai tội là "Rửa tiền" với tổng số tiền hơn 445.000 tỉ đồng, tức khoảng 19 tỷ đô la, và "Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới" tổng số tiền hơn 106.000 tỉ, tức 4,5 tỉ đô la.

Trước đó, hồi tháng 4, bà Lan đã bị tuyên án tử hình về hành vi rút ruột ngân hàng SCB và bị buộc phải bồi thường 498.000 tỷ đồng, tức gần 20 tỷ đô la, cho ngân hàng này.

‘Không ảnh hưởng quyền lợi’

Gần hai tuần trước khi mở đầu phiên tòa, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo cho biết họ sẽ xét xử vắng mặt bị hại theo quy định tại các điều luật của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, Tòa nói rằng việc này ‘không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại’, theo truyền thông trong nước.

Đã 2 năm kể từ ngày bà Trương Mỹ Lan bị bắt hồi tháng 10 năm 2022, nhiều nạn nhân bị lừa đảo trái phiếu đã ròng rã tìm đến các chi nhánh SCB khắp các tỉnh, thành cũng như đến các cơ quan công quyền để biểu tình và đòi giải quyết quyền lợi, theo ghi nhận của VOA.

"Việc gần 36.000 bị hại không được tham dự phiên tòa thì cũng dễ hiểu về điều kiện vật chất không đáp ứng được", Luật sư Hà Huy Sơn, giám đốc Công ty Luật Hà Sơn ở Hà Nội, phân tích với VOA. "Có thể xét xử trực tuyến nhưng với gần 36.000 người thì cũng khó thực hiện".

Tuy nhiên, ông cho rằng nếu các bị hại muốn tham dự trực tiếp phiên tòa thì họ có thể gửi đơn đến Tòa. Theo lời ông thì được tham dự phiên Tòa với tư cách bị hại là ‘quyền của công dân’ nhưng điều đó ‘còn phụ thuộc vào điều kiện vật chất thực tế của nhà nước’.

Khi được hỏi về trường hợp các nạn nhân cử ra một vài người đại diện cho họ đến tham dự phiên tòa, Luật sư Sơn cho rằng ‘luật không có quy định về cử người đại diện’.

Theo lời ông thì Tòa có quyền bác yêu cầu của một số bị hại muốn tham gia phiên tòa. "36.000 người không có người đại diện để nói rằng chúng tôi chỉ có một số người tham gia. Nên toà có lý do để bác", luật sư Sơn giải thích.

Trường hợp các bị hại không đồng ý với kết quả phiên Tòa thì họ có thể yêu cầu Tòa được sao bản án và có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày từ ngày nhận được bản sao bản án, cũng theo lời luật sư này.

‘Không hy vọng nhiều’

Từ Hà Nội, ông Tăng Hữu Tranh, một người về hưu cũng là nạn nhân trái phiếu SCB, trình bày với VOA rằng ông cũng muốn đến dự phiên tòa vì liên quan đến lợi ích chính đáng của ông.

"Nhưng việc có mặt chỉ tốn thời gian thôi chứ chẳng giải quyết được việc gì", ông nói".Nó không ảnh hưởng gì đến kết quả của phiên tòa vì nó đã nằm dưới sự chỉ đạo của chính quyền".

Khi được hỏi về hy vọng đối với phiên tòa, ông Tranh nói ông ‘không hi vọng gì nhiều’.

"Nó chỉ mang tính chất an ủi xoa dịu cho nỗi phẫn uất của các nạn nhân trong suốt gần 2 năm qua khi họ phải nhẫn nhục, chịu đựng, sống không ra sống, chết cũng không xong", ông bày tỏ. "Có chăng các nạn nhân chỉ nhận được một phần tiền để xoa dịu".

Theo lời ông thì các nạn nhân trái phiếu ‘chỉ có công bằng khi phiên tòa thực sự được điều hành bởi một cơ quan độc lập’ bởi vì tiền của các nạn nhân đã ‘bị chiếm đoạt trắng trợn bởi các cơ quan tổ chức có con dấu đỏ được Nhà nước cấp phép’.

Nhiều nạn nhân từng kể với VOA rằng chỉ vì họ tin vào ngân hàng SCB, một định chế tài chính hoạt động dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, nên mới ‘bị dụ dỗ mua trái phiếu rác’ trong khi bản thân họ ‘không biết gì về trái phiếu mà chỉ là đến ngân hàng gửi tiết kiệm’.

"Nhà nước đã cấp phép, thu thuế cho các doanh nghiệp trên hoạt động, Nhà nước đã để cấp dưới tham ô tham nhũng thì Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các nạn nhân", ông Tranh nói.

Ông cho rằng Nhà nước có trách nhiệm buộc các bị cáo ‘trả lại gốc và lãi đầy đủ cho các nạn nhân’ cũng như ‘bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các nạn nhân cả về vật chất lẫn tinh thần mà họ đã gánh chịu trong hai năm qua’.

"Mong muốn lớn nhất của tôi cùng các nạn nhân trái phiếu SCB đối với phiên tòa này là tiền của dân thì phải trả về cho dân", ông nói với VOA.

Cũng theo lời nạn nhân này thì ông thất vọng vì bà Lan bị đưa ra xét xử trước về tội vụ rút ruột ngân hàng SCB mặc dù lúc bị bắt, bà abị truy tố về tội lừa đảo trái phiếu. Phiên tòa rút ruột ngân hàng SCB kết thúc với việc Nhà nước thu hồi tài sản bà Lan để đền bù cho thiệt hại của Nhà nước, ông diễn giải, trong khi các nạn nhân trái phiếu phải chờ đến giai đoạn 2.

"Chúng tôi đang chờ đợi kết quả của phiên tòa này vì nó sẽ minh chứng cho lời nói của các lãnh đạo có đúng với việc làm hay không, minh chứng cho một nhà nước có thực sự vì dân do dân hay không", ông bày tỏ.

Tại phiên xử hôm 23/9, bà Lan đã cam kết trước Tòa rằng bà sẽ bồi thường cho các nạn nhân ‘bằng mọi giá’.

"Các trái chủ, có nhiều ông bà cụ già nhưng vì tin tưởng SCB cũng như uy tín của Trương Mỹ Lan nên mới mua trái phiếu để giúp SCB, nên bị cáo bằng mọi giá sẽ chịu trách nhiệm với các trái chủ, dù trong hoàn cảnh nào, bị cáo cũng sẽ cố gắng hết sức bồi thường", bà Lan được Tuổi Trẻ dẫn lời trần tình trước Tòa.

Nguồn : VOA, 01/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: VOA tiếng Việt
Read 60 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)