Việt Nam đối mặt với một loạt các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp mới
RFA, 16/10/2024
Các sản phẩm thép cán nóng và sản phẩm đúc bằng sợi của Việt Nam đang phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp tại các thị trường lớn gồm Úc và Mỹ.
Các container tại cảng Tân Vũ ở Hải Phòng hôm 29/8/2023 - Nhac Nguyen / AFP
Truyền thông Nhà nước hôm 15/10 dẫn thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) thuộc Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Úc mới đây vừa thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thanh cốt thép cán nóng (Hot rolled deformed steel reinforcing bar in lengths) nhập khẩu/có xuất xứ từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Nguyên đơn là Công ty Infrabuild NSW Pty Limited của Úc. ADC dự kiến ban hành kết luận sơ bộ vào ngày 25/11/2024 (có thể gia hạn) và đưa ra kết luận cuối cùng vào ngày 26/2/2025.
Theo truyền thông trong nước, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thép hình cán nóng chủ lực sang thị trường Úc, thường nằm trong nhóm các nước xuất khẩu chính với 6,03% thị phần. Tổng kim ngạch xuất khẩu thép hình cán nóng của Việt Nam sang Úc đã tăng mạnh trong các năm qua từ mức 2,87 triệu đô la ào năm 2021 lên 15,94 triệu đô la vào năm 2023.
Sản phẩm thép cán nóng của Việt Nam gần đây cũng liên tục bị điều tra chống bán phá giá tại EU và Ấn Độ.
Bộ Công Thương trước đó đã cảnh báo rủi ro sản phẩm này sẽ bị Úc điều tra phòng vệ thương mại và lưu ý doanh nghiệp tránh dùng nguyên liệu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, mới đây cũng cho báo chí biết về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tiếp nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đúc bằng sợi nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc. Có tám doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam bị cáo buộc bán phá giá và nhận trợ cấp của Chính phủ trong vụ kiện này.
Giai đoạn điều tra thiệt hại là ba năm (2021 – 2023).
Nguyên đơn cáo buộc các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm đúc bằng sợi của Việt Nam bán phá giá với biên độ 328-602%. Nguyên đơn cho rằng Chính phủ Việt Nam cung cấp các khoản trợ cấp đáng kể cho các nhà sản xuất và nhà xuất khẩu gồm 22 chương trình trợ cấp từ Chính phủ, gây thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Mỹ.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong các năm qua liên tục bị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp vào khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2023 đã đạt 97 tỷ đô la.
Để tránh các tác động tiêu cực trong các vụ kiện chống bán phá giá và trợ cấp, Việt Nam thời gian qua cũng tích cực đề nghị Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, vào ngày 2/8 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố quyết định tiếp tục xếp kinh tế Việt Nam vào dạng phi thị trường. Điều này có nghĩa là phương pháp được sử dụng để tính toán mức thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ vẫn như cũ.
Theo thống kê của Bộ Công thương, đến hết tháng 8/2024, đã có 257 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã khởi xướng 29 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ năm 2023 đến nay, tăng thu ngân sách 1,5 tỷ đồng/năm, theo số liệu của Bộ Công thương được báo Nhà nước trích đăng.
Theo Bộ Công thương, các vụ kiện điều tra này nhằm bảo vệ thị trường trong nước, quyền lợi doanh nghiệp.
Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 29 vụ việc phòng vệ thương mại và áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu. Trong số này có bảy vụ việc đã được khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra hai vụ việc mới, khởi xướng rà soát hai vụ việc và rà soát cuối kỳ, tiếp nhận và xử lý chín hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.
Trong số 29 vụ việc điều tra, đang có 17 biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực.
Đáng chú ý trong số này có hai vụ việc đang trong quá trình điều tra liên quan tới sản phẩm thép cáp dự ứng lực và tháp điện gió là các sản phẩm đến từ các nước Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc.
Báo Nhà nước cho biết thép cuộn cán nóng (HRC) nhập vào Việt Nam tiếp tục tăng dù Bộ Công thương Hà Nội có biện pháp phòng vệ chống bán phá giá.
Dữ liệu Hải quan Việt Nam cho thấy trong tháng 9 lượng thép cuộn cán nóng nhập vào nước này là 1,2 triệu tấn, tăng 34% so với tháng 8 và bằng 220% sản lượng sản xuất tại Việt Nam.
Tổng cộng trong chín tháng đầu năm 2024, lượng thép cán nóng nhập vào Việt Nam là gần 8,8 triệu tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 171% sản xuất tại Việt Nam. Trong lượng nhập khẩu này, thép cán nóng của Trung Quốc chiếm 72%, tương đương 6,3 triệu tấn; trong khi đó các nhà máy tại Việt Nam chỉ sản xuất ra được 5,1 triệu tấn.
Vào ngày 26/7 vừa qua, Bộ Công thương Việt Nam bàn hành quyết định điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cuộn cán nóng có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ.
Trong khu vực, Thái Lan và Indonesia đã áp dụng biện pháp phòng vệ đối với thép cán nóng Trung Quốc.
Nguồn : RFA, 16/10/2024
****************************
Giới xuất khẩu Việt Nam đối mặt biện pháp Vệ sinh an toàn thực phẩm, Kiểm dịch động/thực vật mới từ WTO
RFA, 16/10/2024
Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang đối mặt với những thay đổi về quy định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động/thực vật (SPS) từ các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Một người bán hàng rong là ổi trên đường phố Hà Nội hôm 27/2/2024 - Nhac Nguyen / AFP
Văn phòng SPS Việt Nam thông báo như vừa nêu với đề xuất các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước nghiên cứu, góp ý về loạt dự thảo quy định biện pháp SPS từ các thành viên WTO; trong đó có Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Đài Loan, Canada, Brazil, Australia…
Văn phòng SPS Việt Nam cho biết từ ngày 21/8/2024 đến 20/9/2024 có tổng cộng 92 thông báo về các biện pháp SPS từ các thành viên WTO. Trong số này có 78 dự thảo còn được lấy ý kiến và 14 quy định chính thức có hiệu lực.
Vào tháng 1 năm nay, EU đưa năm mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam, gồm ớt chuông, mì ăn liền, sầu riêng, đậu bắp, thanh long, vào diện kiểm soát khi nhập vào thị trường này.
Vào năm 2023, EU đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng hàng nông sản nhập khẩu của Việt Nam vì phát hiện dư lượng hóa chất quá mức và nấm mốc.
Vào tháng 12/2023, Nhật Bản cũng phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật với các lô sầu riêng và ớt đông lạnh nhập từ Việt Nam.
Các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đưa ra những cảnh báo tương tự đối với một loạt các mặt hàng nông sản từ Việt Nam.
Nguồn : RFA, 16/10/2024