Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/10/2024

Tứ Trụ Việt Nam sắp tới sẽ biến động ra sao ?

BBC tiếng Việt

Dự kiến Quốc hội khóa 15 sẽ bầu chủ tịch nước mới trong kỳ họp thứ 8 khai mạc ngày 21/10. Liệu nhân sự cấp cao của đảng và nhà nước sẽ thay đổi ra sao ?

tutru1

Từ trái qua : Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Nhiệm kỳ 2021-2026 được xem là giai đoạn biến động nhân sự nhiều nhất trên chính trường Việt Nam với việc bảy ủy viên mất chức so với đầu khóa, trong đó có hai chủ tịch nước, một chủ tịch Quốc hội, một thường trực Ban Bí thư, một phó thủ tướng thường trực.

Sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà lãnh đạo lâu năm của Việt Nam, cũng để lại những khoảng trống quyền lực với những di sản dang dở.

Dù Đảng cộng sản Việt Nam đã chọn được người lấp vào những chiếc ghế trống nhưng với việc Quốc hội khóa 15 sẽ tiếp tục bầu chủ tịch nước trong kỳ họp thứ 8 (khai mạc ngày 21/10) cho thấy dàn nhân sự Tứ Trụ và các vị trí cấp cao khác sẽ có những biến động.

Đảng chọn, Quốc hội bầu

Theo quy định trên thì Quốc hội tổ chức họp thường lệ mỗi năm 2 kỳ họp, khi cần thì tổ chức thêm kỳ họp bất thường. Tính đến nay, Quốc hội khóa 15 đã có số kỳ họp bất thường kỷ lục là 8 - nhiều hơn số kỳ họp chính. Trong đó sáu kỳ được tổ chức để xem xét, quyết định nhân sự, nổi bật nhất là việc bầu, sau đó là miễn nhiệm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ.

Trung ương Đảng cũng đã phải liên tiếp triệu tập hội nghị bất thường để "đồng ý" cho một số nhân vật cấp cao của Đảng thôi chức và giới thiệu nhân sự cho Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Quy định số 80-QĐ/TW ban hành ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị cho thấy trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị như sau.

Theo đó, Bộ Chính trị sẽ trình Ban Chấp hành trung ương Đảng những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ ; chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để :

"Ban Chấp hành trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương (ủy viên Ủy ban Kiểm tra trung ương), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội".

Như vậy, theo quy định thì khi Quốc hội có kỳ họp mà liên quan đến công tác nhân sự cấp cao, Trung ương Đảng sẽ triệu tập hội nghị trước để xem xét, giới thiệu nhân sự cho Quốc hội bầu, phê chuẩn các vị trí thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Với việc Quốc hội sẽ bầu chủ tịch nước trong kỳ họp thứ 8 khai mạc ngày 21/10 thì Trung ương Đảng cũng tiến hành giới thiệu nhân sự theo quy trình.

tutru2

Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa 13 họp từ ngày 18/9 đến ngày 20/9/2024 tại thủ đô Hà Nội

Theo quy trình, Bộ Chính trị 13 với 15 ủy viên sẽ họp, rồi trình Ban Chấp hành trung ương Đảng một danh sách các nhân sự cần được xem xét, ở đây là chủ tịch nước.

Tiếp đó, Ban Chấp hành trung ương sẽ có cuộc họp để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ, dựa trên danh sách đề cử cho từng chức vụ mà Bộ Chính trị trình và "chốt" danh sách nhân sự để giới thiệu cho Quốc hội bầu chức danh chủ tịch nước.

Xét quy trình ông Tô Lâm và Võ Văn Thưởng có thể thấy rõ thực tế này.

Ngày 19/5, Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 đã giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức chủ tịch nước. Đến ngày 22/5, ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức.

Trường hợp ông Võ Văn Thưởng cũng tương tự. Vào ngày 1/3/2023, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa 13 đã họp để giới thiệu nhân sự chủ tịch nước. Qua hôm sau, ngày 2/3/2023, Quốc hội triệu tập kỳ họp bất thường và thông qua Nghị quyết bầu ông Thưởng làm chủ tịch nước thay cho ông Nguyễn Xuân Phúc.

Từ ngày 18-20/9, Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị lần thứ 10. Có thể hội nghị này đã chốt phương án nhân sự cho vị trí chủ tịch nước và các vị trí khác nhưng chưa công bố.

Trong trường hợp Hội nghị lần thứ 10 chưa làm quy trình này, có khả năng Trung ương sẽ mở thêm một hội nghị trước ngày 21/10 – thời điểm Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 8.

tutru3

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chủ tịch nước

Chức danh chủ tịch nước được Đảng cộng sản Việt Nam chốt trước khi Quốc hội bầu.

Trong chương trình Podcast của Fulcrum thuộc Viện nghiên cứu ISEAS (Singapore), Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp và Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang nhắc đến khả năng Thường trực Ban Bí thư Lương Cường sẽ trở thành chủ tịch nước kế nhiệm ông Tô Lâm.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia chính trị Việt Nam nói với BBC vào ngày 17/10 rằng nhiều nguồn tin thân cận tiết lộ rằng Thường trực Ban Bí thư Lương Cường sẽ được đề cử làm chủ tịch nước kế nhiệm.

Ông Cường cũng được nhiều nhà quan sát nước ngoài đánh giá là ứng cử viên nặng ký nhất trở thành chủ tịch nước vì ông là một cán bộ chuyên về chính trị.

Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nhận định với BBC vào ngày 29/8 rằng ông Lương Cường dù không còn phục vụ trong quân đội nhưng ông vẫn là đại diện cho lợi ích của quân đội trong Bộ Chính trị, nhất là khi quân đội được cho là đang cố gắng cân bằng sức ảnh hưởng với Bộ Công an.

Bên cạnh đó, đã có ít nhất hai nhân vật giữ chức thường trực Ban Bí thư trước khi được bầu lên làm chủ tịch nước. Đó là ông Trương Tấn Sang và ông Võ Văn Thưởng. Vì vậy, khả năng vào Tứ Trụ của ông Lương Cường là rất cao.

tutru4

Các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định Thường trực Ban Bí thư Lương Cường là ứng viên sáng giá cho vị trí chủ tịch nước

Đáng chú ý, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa có chuyến đến Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại đây, ông đã có dịp hội kiến với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.

Việc Thường trực Ban Bí thư Lương Cường - người giữ vị trí thứ năm sau Tứ Trụ - có cuộc gặp với ông Tập Cận Bình cho thấy có một sự trọng thị từ phía Trung Quốc.

Xét theo Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn các chức danh, ông Lương Cường chưa đạt đủ yêu cầu, về số nhiệm kỳ trong Bộ Chính trị và cương vị lãnh đạo đã kinh qua, cho vị trí chủ tịch nước nhưng ông vẫn có thể được xét "trường hợp đặc biệt".

Dù không công khai nhưng theo Quy định 214, việc ông Cường trở thành thường trực Ban Bí thư cũng là được Bộ Chính trị xem xét "trường hợp đặc biệt".

Một số ứng viên khác cho vị trí chủ tịch nước sau ông Lương Cường gồm : Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng.

Các chức danh dự kiến được kiện toàn

Nếu ông Lương Cường trở thành chủ tịch nước kế nhiệm ông Tô Lâm thì Bộ Chính trị sẽ phân công một nhân vật khác thay cho ông Cường làm thường trực Ban Bí thư.

Đây là vị trí quan trọng, chỉ xếp sau Tứ Trụ và là chức danh được Bộ Chính trị phân công, xem xét trường hợp đặc biệt nếu cần thiết. Để làm thường trực Ban Bí thư, theo Quy định 214, ngoài các tiêu chuẩn chung về tư tưởng, đạo đức, trình độ thì cá nhân phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên.

Bên cạnh đó, Quy định 214 còn đặt tiêu chuẩn cho vị trí thường trực Ban Bí thư là "đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương".

Hiện trong Bộ Chính trị chỉ còn ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính là thỏa mãn đủ các yêu cầu trên, nhưng việc hai ông này làm thường trực Ban Bí thư là khó xảy ra. Do đó, dự kiến Bộ Chính trị sẽ phân công một ủy viên Bộ Chính trị được bầu từ đầu khóa, tức là áp dụng thuật ngữ vạn năng "trường hợp đặc biệt".

Ngoài những nhân vật trong Tứ Trụ, những ủy viên Bộ Chính trị được bầu từ đầu khóa (tức từ năm 2021 tới nay) gồm :

- Trần Cẩm Tú (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương)

- Phan Đình Trạc (Trưởng ban Nội chính Trung ương)

- Nguyễn Hòa Bình (Phó Thủ tướng thường trực)

- Nguyễn Văn Nên (Bí thư Thành ủy TP HCM)

- Phan Văn Giang (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)

- Nguyễn Xuân Thắng (Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương)

Trong số này thì các ông Trần Cẩm Tú, ông Phan Đình Trạc, ông Nguyễn Hòa Bình là những ủy viên Bộ Chính trị đồng thời cũng tham gia Ban Bí thư. Nếu Ban Chấp hành trung ương không bầu thêm người vào Ban Bí thư thì khả năng cao Bộ Chính trị sẽ phân công một trong ba ông này làm thường trực Ban Bí thư.

Trong đó, ông Nguyễn Hòa Bình vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công làm phó thủ tướng thường trực nên rất ít khả năng sẽ sang làm thường trực Ban Bí thư.

Giáo sư Carl Thayer nhận định với BBC ngày 17/10 rằng nếu ông Tô Lâm và Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ theo thâm niên thì có ba lựa chọn để thay thế chỗ trống của Lương Cường, ba người này đều là quê Nghệ An-Hà Tĩnh : Trần Cẩm Tú, Phan Đình Trạc và Lê Minh Hưng.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Hưng là người mới được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị hồi tháng 5/2024 nên tính cạnh tranh của ông cho chức vụ thường trực Ban Bí thư là không cao. Như vậy, còn lại hai ứng viên là ông Trần Cẩm Tú và ông Phan Đình Trạc.

tutru5

Từ trái qua : các ông Trần Cẩm Tú, Phan Đình Trạc, Nguyễn Hòa Bình, Lê Minh Hưng. Trong đó, ông Hưng mới vừa được bầu vào Bộ Chính trị hồi tháng 5/2024.

Ông Trần Cẩm Tú sinh năm 1961, quê ở Hà Tĩnh. Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa 10 (dự khuyết), 11, 12, 13 và là chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương hai khóa 12, 13. Ông còn là phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng và là đại biểu quốc hội khóa 15. Xét quá trình công tác của ông Tú cho thấy ông từng làm bí thư tỉnh ủy Thái Bình, và hầu hết thời gian ông đều công tác trong Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Ông Phan Đình Trạc sinh năm 1958, quê quán Nghệ An. Ông ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa 11, 12, 13 và là đại biểu quốc hội khóa 11, 12, 13, 14 và 15. Ông là trưởng Ban Nội chính Trung ương và là phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ông Trạc có xuất thân từ Bộ Công an và từng làm giám đốc Công an tỉnh Nghệ An trước khi sang làm bên khối dân sự, phụ trách công tác đảng.

Bộ Chính trị hiện tại có 15 ủy viên. Trong đó, sáu người có nền tảng từ Bộ Công an và bốn người từ quân đội. Giả sử ông Lương Cường được bầu làm chủ tịch nước và ông Trạc thay ông Cường ở vị trí thường trực Ban Bí thư thì sẽ có tới 3/5 vị trí chủ chốt gồm Tổng bí thư, thủ tướng và thường trực Ban Bí thư do những người có xuất thân từ Bộ Công an nắm giữ.

Giáo sư Thayer cho rằng, tuy Bộ Chính trị có nhiều ủy viên đi lên từ Bộ Công an nhưng không có bằng chứng gì cho thấy những người này một lòng đoàn kết, bắt tay nhau dưới sự chỉ đạo của ông Tô Lâm. Thay vào đó, ông Thayer gợi ý rằng Bộ Chính trị gồm các đại diện từ một số nhóm gồm : nhóm Hưng Yên, nhóm Nghệ An, nhóm Hà Tĩnh, nhóm miền Nam, quân đội và công an.

Nếu xét dựa trên các nhóm mà Giáo sư Thayer gợi ý thì cơ hội ông Trần Cẩm Tú làm thường trực Ban Bí thư sẽ cao hơn vì ông quê ở Hà Tĩnh. Đây có thể là một lựa chọn tạo sự cân bằng giữa các nhóm và tránh tạo ấn tượng là một nhà nước "công an trị" khi có nhiều người đi lên từ ngành công an được giữ các vị trí chủ chốt.

Vì là giai đoạn giữa khóa, có thể ông Trần Cẩm Tú sẽ kiêm nhiệm cả hai chức vụ là thường trực Ban Bí thư và chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, tương tự trường hợp ông Trần Quốc Vượng thời điểm giữa khóa 12.

Năm 2018, ông Vượng đang là chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương thì được Bộ Chính trị phân công giữ thêm chức thường trực Ban Bí thư thay cho ông Đinh Thế Huynh - người phải chữa bệnh dài hạn.

Còn trong trường hợp ông Tú được miễn nhiệm để nhận nhiệm vụ mới thì Ban Chấp hành trung ương phải triệu tập hội nghị để chọn người thay thế vì đây là chức danh do Trung ương Đảng bầu.

Các chức danh trong đảng thì tùy theo vị trí mà do Bộ Chính trị hay Ban Chấp hành trung ương quyết. Các chức danh nhà nước thì mới trình Quốc hội làm thủ tục tái khẳng định ý chí của Đảng cộng sản Việt Nam.

Nguồn : BBC, 18/10/2024

Quay lại trang chủ
Read 422 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)