Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

13/11/2024

Hà Nội bỏ tù Minh Hồng, trả thù luật sư Mạnh, giới trẻ không yêu nước

RFA tổng hợp

Chính phủ Việt Nam bác bỏ việc bỏ tù bà Hoàng Thị Minh Hồng "mang động cơ chính trị"

RFA, 13/11/2024

Chính phủ Việt Nam gửi thư trả lời Liên Hiệp quốc khẳng định không đàn áp giới hoạt động bảo vệ môi trường và việc bỏ tù nhà hoạt động Hoàng Thị Minh Hồng do bà vi phạm pháp luật.

hanoi1

Nhà hoạt động Hoàng Thị Minh Hồng - AFP

Ba báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc vào tháng 7/2023 đã gửi Thư chung cáo buộc Việt Nam bắt giữ bà Hồng với cáo buộc "trốn thuế" mang động cơ chính trị và có liên quan đến việc nhà hoạt động môi trường này thực thi các quyền cơ bản.

Trong thư phản hồi vào ngày 1/11 và mới được công bố, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, WTO và các tổ chức quốc tế tại Geneva bác bỏ cáo buộc Hà Nội đang đàn áp các nhà hoạt động vì môi trường và các tổ chức xã hội dân sự hoạt động về biến đổi khí hậu.

Việt Nam khẳng định rằng chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là chính sách nhất quán và các tổ chức xã hội dân sự được tham gia tham vấn chính sách, xây dựng luật, phản biện xã hội, khuyến nghị giải quyết các vấn đề về môi trường, cũng như theo dõi và giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.

Hà Nội nói bà Hồng và tổ chức CHANGE hoạt động suôn sẻ từ năm 2013, việc truy tố và tạm giam bà là do vi phạm pháp luật về thuế.

Thư cũng nói bà Hồng được bảo đảm mọi quyền lợi hợp pháp trong quá trình tố tụng và đã thừa nhận chỉ đạo nhân viên không xuất hóa đơn giá trị gia tăng hoặc kê khai thuế, qua đó trốn thuế với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng trong nhiều năm.

Hà Nội cũng nói sau khi bị kết án ba năm tù giam, bà Hồng không kháng cáo và tự nguyện khắc phục số tiền 3,5 tỷ đồng.

Phóng viên không thể liên lạc được với bà Hồng, người được phóng thích trước thời hạn ngay trước chuyến đi Mỹ của Tổng bí thư Tô Lâm cuối tháng 9 vừa qua.

Bình luận về việc Hà Nội chối bỏ hành vi đàn áp các nhà hoạt động chống biển đổi khí hậu, một nhà hoạt động nói với RFA trong điều kiện ẩn danh :

"Giới cầm quyền Việt Nam luôn trả lời với quốc tế là không đàn áp nhưng nhìn vào sự thật thì chúng ta thấy rõ. Không chỉ đàn áp giới hoạt động môi trường, chính quyền còn nhắm các nhà hoạt động xã hội dân sự, người hoạt động nhân quyền với những tội danh mơ hồ nào đó nhằm thỏa mãn mục tiêu bắt giữ, giam cầm, vô hiệu hóa những người này".

Bà Hồng là một trong sáu nhà hoạt động về môi trường bị cầm tù từ năm 2021 tới nay. Năm người bị cáo buộc trốn thuế, gồm bà Hồng và bà Ngụy Thị Khanh, các ông Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hồng Dương. Riêng bà Ngô Thị Tố Nhiên bị cáo buộc "chiếm đoạt tài liệu".

Nguồn : RFA, 13/11/2024

************************

Việt Nam khẳng định với Liên Hiệp Quốc không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh

RFA, 12/11/2024

Chính phủ Việt Nam gửi thư trả lời Liên Hiệp quốc (Liên Hiệp Quốc) phản bác cáo buộc "trả thù" đối với luật sư Đặng Đình Mạnh nhưng vị luật sư này nói Hà Nội không trung thực.

hanoi22

Luật sư Đặng Đình Mạnh (thứ hai từ trái sang) và bốn luật sư khác bào chữa cho Thiền am bên bờ vũ trụ - Facebook Manh Dang

Thư trả lời đề ngày 01/11, hơn 20 tháng sau khi nhận Thư chung cáo buộc của ba báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về "trả thù" đối với luật sư Mạnh, một trong năm người bào chữa cho các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai (tức Thiền am bên bờ vũ trụ) trong vụ án "lợi dụng quyền tự do dân chủ" năm 2022.

Đầu năm 2023, công an tỉnh Long An đã nhiều lần gửi giấy triệu tập cho ông Mạnh và đồng nghiệp Nguyễn Văn Miếng với lý do có tin báo tội phạm từ Cục An ninh mạng & Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05-Bộ Công an) nói rằng đã phát hiện hai luật sư này có hành vi phát tán trên mạng video clip hình ảnh, bài viết bị cho có dấu hiệu "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Trong thư gửi Liên Hiệp Quốc, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, WTO và các tổ chức quốc tế tại Geneva nói chính quyền Việt Nam chưa khởi xướng bất kỳ cuộc điều tra hình sự hoặc hoạt động tố tụng nào đối với ông Mạnh và những cá nhân liên quan mà mới chỉ mời họ hợp tác cung cấp thông tin, làm rõ sự việc theo đúng luật pháp.

Chính phủ khẳng định việc ông Mạnh sợ bị bắt nếu đi gặp theo giấy triệu tập là không có căn cứ vì các cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra và xác minh báo cáo, tuy nhiên chưa đưa ra bất kỳ kết luận chính thức nào, do đó không có cơ sở để bắt giữ hoặc truy tố.

Luật sư Mạnh không đồng ý với phản hồi của chính phủ nhưng không ngạc nhiên về việc Hà Nội phủ nhận việc điều tra hình sự đối với ông là hành vi trả đũa vì quá trình hành nghề luật sư của ông.

Vị luật sư từng bào chữa cho nhiều nhà hoạt động trong nhiều năm trước khi đào thoát sang tị nạn tại Mỹ nói với RFA trong ngày 12/11 :

"Tôi là nạn nhân và là nhân chứng trong việc bị chính quyền Việt Nam trả đũa, đàn áp chỉ vì đã công khai tố cáo việc khuất tất của các cơ quan an ninh trong các vụ án chính trị, trong đó, gồm cả việc tố cáo Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Long An dàn dựng chứng cứ giả mạo để đàn áp tôn giáo đối với cơ sở tu tại gia Thiền am bên bờ vũ trụ".

Trong thư gửi Liên Hiệp Quốc, Chính phủ Việt Nam nói rằng Cơ quan An ninh Điều tra đã ra quyết định tạm dừng điều tra tin báo tội phạm trong trường hợp của ông Mạnh từ ngày 03/06/2023. Tuy nhiên, ông Mạnh cho hay cơ quan này vẫn triệu tập hai luật sư khác trong nhóm sau ngày này.

Nguồn : RFA, 12/11/2024

****************************

Thứ trưởng Bộ Văn hóa thừa nhận giới trẻ Việt thích phim lịch sử nước ngoài hơn lịch sử Việt Nam

RFA, 10/11/2024

Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Việt Nam cho rằng giới trẻ Việt tìm đến phim lịch sử của nước ngoài nhiều hơn phim lịch sử Việt Nam.

hanoi3

Một cảnh trong phim Đất Rừng Phương Nam - Hình do đoàn phim cung cấp/Dân Trí

Ông Đông đưa ra nhận định trên tại Hội thảo "Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học" diễn ra hôm 9/11. Thứ trưởng Văn hóa cũng thẳng thắn thừa nhận "điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm hay về đề tài lịch sử", truyền thông Nhà nước loan.

Tờ Tiền Phong trích lời ông Đông : "Chính những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – cho rằng các nhà làm phim Việt Nam đôi khi quá tôn trọng, quá ý tứ với tác giả văn xuôi nên không có nhiều sáng tạo khi chuyển thể tác phẩm văn học sang phim điện ảnh. Nhiều người cũng có nỗi sợ mơ hồ với đề tài lịch sử, dẫn đến sự kìm hãm đáng tiếc.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết thêm có đến 99% học sinh cho biết thích nhân vật lịch sử của Trung Quốc -Quan Vân Trường hơn vua Quang Trung. Qua đó, ông thừa nhận: "Nhà làm phim, nhà văn Trung Quốc làm thế giới yêu Quan Vân Trường, nhưng chúng ta không làm được điều đó với một vị vua vĩ đại như Quang Trung".

Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng, nếu đòi hỏi phim điện ảnh phải phản ánh chính xác 100% chi tiết lịch sử thì phim ảnh không còn hấp dẫn. Lịch sử có nhiều chi tiết yêu cầu phải chính xác, nhưng cũng có nhiều góc khuất. Đó là cơ sở để nhà làm phim sáng tạo dựa trên tình tiết có thật.

Trước đó, phim Đất rừng phương Nam bị chỉ trích xuyên tạc lịch sử. Nhà sản xuất phim sau đó đã chỉnh sửa một số nội dung bao gồm đổi tên các hội trong phim là "Nghĩa Hòa Đoàn" thành "Nam Hòa Đoàn", "Thiên Địa Hội" thành "Chính Nghĩa Hội"…

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành qua sự việc trên cho rằng làm phim về lịch sử không dễ. Ê-kíp luôn phải đối mặt với nhiều bình luận trái chiều, thậm chí gay gắt của cộng đồng mạng.

Các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng Nhà nước nên định hướng, tạo điều kiện để dòng phim lịch sử phát triển bằng cách tạo một kho phục trang cho nhiều phim cổ trang, tạo thuận lợi về phim trường, bối cảnh để nhà làm phim sáng tạo trên điều kiện sẵn có, đồng thời bỏ đánh thuế phim lịch sử.

Nguồn : RFA, 10/11/2024

Quay lại trang chủ
Read 109 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)