Vụ nổ làm 12 quân nhân Quân khu 7 tử vong, những gì đã biết tới nay
BBC, 05/12/2024
Vụ nổ trong diễn tập ở Quân khu 7 thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam khiến 12 quân nhân tử vong đang gây chấn động dư luận.
Chiều ngày 5/12, báo chí đưa tin Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội "đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc cấp bằng Tổ quốc ghi công, công nhận liệt sĩ cho 12 quân nhân hy sinh khi diễn tập tác chiến phòng thủ".
Báo Quân đội nhân dân đưa tin về buổi khai mạc cuộc diễn tập, với sự tham dự, chỉ đạo của Bộ trưởng Phan Văn Giang
Đến buổi tối, báo điện tử Chính phủ cho biết Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam Nguyễn Hòa Bình đã ký quyết định cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho 12 quân nhân Quân khu 7, thuộc Bộ Quốc phòng.
Trước đó, ngày 4/12, Bộ Quốc phòng thông báo có "12 đồng chí mất tích".
Như vậy, với việc Chính phủ Việt Nam cấp bằng "Tổ quốc ghi công", có thể khẳng định cả 12 quân nhân trên đã tử vong trong vụ nổ.
Cuộc diễn tập quy mô lớn
Theo thông tin chính thức từ Bộ Quốc phòng, cuộc diễn tập tác chiến phòng thủ Quân khu 7 là hoạt động quân sự quy mô lớn, tiến hành từ ngày 1 đến ngày 4/12, với sự tham gia của các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang và địa phương trên địa bàn Quân khu 7 và nhiều quân chủng, binh chủng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Cuộc diễn tập được tiến hành qua 3 giai đoạn : Chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị tác chiến phòng thủ và thực hành tác chiến phòng thủ với 7 vấn đề huấn luyện cơ bản.
Tầm quan trọng của sự kiện này còn thể hiện ở việc các tướng lĩnh cấp cao nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham dự, chỉ đạo.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã phát biểu chỉ đạo trong buổi khai mạc.
Trưởng ban chỉ đạo diễn tập là Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Một số tướng lĩnh làm phó trưởng ban chỉ đạo diễn tập gồm : Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Trung tướng Phạm Trường Sơn và Trung tướng Trương Thiên Tô.
Bộ Quốc phòng hiện có hai đại tướng và cả hai đều có mặt trong buổi diễn tập. Bên cạnh đó còn có hai thượng tướng và hai trung tướng nằm trong ban chỉ đạo diễn tập.
Theo thông tin ban đầu từ Bộ Quốc phòng được Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lại, tai nạn xảy ra vào tối 2/12.
Tới ngày 3/12, trên mạng xã hội bắt đầu lan truyền thông tin một số quân nhân tử nạn trong cuộc diễn tập.
Tuy nhiên, tới tận tối khuya ngày 4/12, Thông Tấn Xã Việt Nam mới đưa tin chính thức về vụ việc, với nội dung rất ngắn, dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng.
Vào thời điểm đêm 4/12, báo chí chính thống dẫn lời Bộ Quốc phòng xác định 12 quân nhân "mất tích" và "đã tìm thấy phần lớn thi thể" chứ chưa chính thức khẳng định 12 người đã tử nạn.
Báo chí tại Việt Nam đều gọi vụ việc này là "vụ việc mất an toàn trong diễn tập tại Quân khu 7".
Đến ngày 5/12, báo chí mới bắt đầu dẫn nguồn tin từ cơ quan chức năng về việc "cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 12 quân nhân hi sinh".
Trong thời bình, việc 12 quân nhân tử nạn trong một cuộc diễn tập là sự việc hết sức nghiêm trọng, là tổn thất rất lớn về người, nhất là trong một cuộc diễn tập có sự chỉ đạo trực tiếp của các lãnh đạo cấp cao nhất từ Bộ Quốc phòng.
Báo chí khi đưa tin về vụ tai nạn này đều viết thông tin giống nhau, dẫn nguồn Bộ Quốc phòng hoặc Thông Tấn Xã Việt Nam, với thông tin rất ngắn gọn, cho thấy việc đưa tin được kiểm soát, kiểm duyệt rất chặt chẽ.
Sau sự vụ, báo Quân khu 7 đã xóa bài viết về buổi khai mạc diễn tập ngày 1/12.
Nhiều dấu hỏi về nguyên nhân
Vụ việc gây tổn thất lớn về người trong thời bình này đã gây chấn động xã hội. Nhiều người bày tỏ lòng tiếc thương, gửi lời chia sẻ với gia đình, ca ngợi sự hi sinh của các chiến sĩ.
Bên cạnh những lời chia buồn này, không ít người nhấn mạnh yêu cầu phải điều tra làm rõ nguyên nhân vụ nổ.
Thông báo của Thông Tấn Xã Việt Nam về vụ việc như sau :
"Tại Trường bắn Quốc gia khu vực 3 (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), vào lúc 20 giờ 27 phút ngày 2/12/2024, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thuốc nổ ra vị trí tập kết, thì trời mưa to, sấm sét, tổ công tác gồm một số quân nhân thuộc Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7 tạm dừng, nghỉ giải lao. Đột nhiên, khối thuốc nổ phát nổ làm nhiều quân nhân thương vong".
"Nguyên nhân ban đầu xác định là sét đánh vào kíp nổ gây kích nổ kíp nổ bằng điện làm khối thuốc phát nổ".
BBC không thể xác minh độc lập về điều kiện tập luyện, thời tiết tại địa điểm diễn tập cũng như nguyên nhân vụ nổ.
Theo danh sách công bố, những người tử vong hầu hết là hạ sĩ quan, mang hàm trung sĩ và thượng sĩ, cho thấy đa phần là người trẻ. Tất cả 12 quân nhân đều thuộc Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7.
Theo báo Quân khu 7, Tiểu đoàn 17 thuộc Sư đoàn 5 là tiểu đoàn công binh, có tiền thân là Tiểu đoàn Công binh 25.
Tiểu đoàn này có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng các công trình chiến đấu bảo đảm cho sư đoàn, được biên chế 3 đại đội gồm : Đại đội 1 phụ trách công trình ; Đại đội 2 phụ trách xây dựng cầu đường, vượt sông và Đại đội 3 cơ động vật cản.
Đơn vị này cũng thực hiện nhiều nhiệm vụ đan xen như huấn luyện chuyên ngành, rà phá bom mìn, vật nổ ; phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ; thi công các công trình quốc phòng.
Theo bài viết trên báo Tây Ninh vào ngày 16/9/2024, Tiểu đoàn 17 Công binh là đơn vị "luôn giữ vững thành tích đơn vị huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao".
Cụ thể, kết quả kiểm tra nhiều năm qua luôn đạt 100% yêu cầu, trong đó 80-85% khá, giỏi ; 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp ; 90% cán bộ đại đội, 80% cán bộ trung đội huấn luyện khá, giỏi.
100% tiểu đội trưởng sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị. Trình độ tổ chức chỉ huy, khả năng cơ động của cán bộ, chiến sĩ không ngừng được nâng cao.
Với thành tích như vậy, việc xảy ra sự cố lớn cướp đi 12 sinh mạng của quân nhân là điều khó lý giải.
Một số người từng công tác trong quân đội chia sẻ rằng khi vận chuyển, bảo quản thuốc nổ thì phải tách rời kíp nổ, không bao giờ gắn kíp sẵn. Việc gắn kíp chỉ được thực hiện khi có lệnh sử dụng tại tuyến bắn trước khi tiến vào trận địa.
Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển, các vũ khí thường ở trong tình trạng niêm phong nên dù có xảy ra mưa gió, sét đánh trúng, địa hình bất lợi cũng khó dẫn đến việc phát nổ đột ngột.
Do đó, nguyên nhân xoay quanh vụ tai nạn vẫn còn để lại nhiều điểm cần làm rõ, để nếu có sai sót về công tác triển khai, chỉ đạo, vi phạm kỷ luật quân sự thì cần xử lý.
Theo giới thiệu của Bộ Quốc phòng, Quân khu 7 là tổ chức quân sự theo vùng lãnh thổ, được thành lập ngày 10/12/1945, bao gồm thành phố Sài Gòn và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Tây Ninh.
Hiện nay, quân khu này bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh : Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An và Tây Ninh.
Trụ sở Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đặt tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, cách không xa sân bay Tân Sơn Nhất.
Nguồn : BBC, 05/12/2024
****************************
Không hợp lý khi giải thích "sét đánh trúng kíp nổ điện" khiến 12 quân nhân thương vong
RFA, 05/12/2024
Quân đội giải thích vụ nổ bất ngờ trong cuộc Diễn tập phòng thủ khu vực Quân khu 7 (PT-24) vừa qua khiến 12 quân nhân thiệt mạng là do sét đánh trúng kíp nổ, tuy nhiên, chuyên gia không đồng tình với cách giải thích này.
Tiểu đoàn công binh 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7 - đơn vị có 12 chiến sĩ thiệt mạng khi diễn tập trong một bài báo ngày 20/9/2024 - Ảnh chụp màn hình Báo Quân khu 7
Trong khi chia sẻ sự mất mát với gia đình của những quân nhân bị thương vong trong sự cố khi diễn tập vào tối 2/12, nhiều người bày tỏ nghi ngờ về nguyên nhân của vụ việc và đề nghị quy trách nhiệm cho những lãnh đạo quân đội tham gia.
Ông Vũ Minh Trí, cựu cán bộ của Tổng cục Tình báo Quân đội, là kĩ sư cơ khí chuyên dùng (súng, pháo) của Học viện Kĩ thuật Quân sự nói trong tin nhắn gửi RFA vào ngày 05/12 :
"Trong quân đội, quy định về bảo đảm an toàn, đề phòng cháy nổ là rất nghiêm ngặt. Vụ này có thương vong lớn về người. Ngay cả khi bị sét đánh là thật thì vẫn phải truy tố các cấp chỉ huy có liên quan".
Theo ông, phía quân đội đổ hết cho nguyên nhân khách quan, trong khi về nguyên tắc - mọi sai lầm và khuyết điểm phần lớn bắt đầu từ nguyên nhân chủ quan.
Thượng úy Lê Văn Thương - cựu Phó đại đội trưởng Đại đội 1, Quân đoàn 3 thuộc QĐND Việt Nam (đã giải ngũ) cho rằng, giải thích ban đầu của Quân khu 7 về nguyên nhân của sự cố là "hoàn toàn bịa đặt" nhằm che dấu sự yếu kém của quân đội. Trong tin nhắn với phóng viên, ông khẳng định nguyên tắc khi vận chuyển vật liệu nổ là chia riêng rẽ thuốc nổ và kíp nổ, không vận chuyển chung, khi thực hành mới thao tác lắp vào.
Ngoài ra, tất cả các loại đạn dược, thuốc nổ, kíp nổ đều được bọc gói vô cùng cẩn thận, được đánh số lô, liều kỹ lưỡng và đựng trong thùng gỗ thông pallet rất cẩn mật. Ông nói thêm : "Khi vận chuyển đạn dược, thuốc nổ ra trận địa là các xe vận tải chuyên dụng của quân đội được phủ phông bạt rất dày, mà phông bạt không phải là chất dẫn điện hoặc thu sét nên không có chuyện sét đánh trúng xe, và thuốc nổ thì càng không phải là vật thu sét".
Với kinh nghiệm của mình ông cho rằng, nguyên nhân thực chất có thể do công tác huấn luyện yếu kém, bốc xếp thuốc nổ vào hầm không đúng quy định và thao tác yếu kém dẫn đến nổ nguyên một hầm thuốc nổ trong lúc bộ đội đang tập trung.
Nguồn : RFA, 05/12/2024
*****************************
12 quân nhân thiệt mạng ở Đồng Nai do ‘sét đánh kíp nổ’
VOA, 05/12/2024
Nguyên nhân khiến 12 binh sĩ thiệt mạng trong một cuộc diễn tập ở tỉnh Đồng Nai là ‘do sét đánh vào kíp nổ’, theo kết luận chính thức của giới chức Việt Nam trong khi chính quyền cũng có các động thái ủy lạo những người thiệt mạng.
Lễ khai mạc diễn tập phòng thủ Quân khu 7 hôm 1/12
Vụ việc xảy ra vào ngày 2/12 tại Trường bắn quốc gia khu vực 3, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai trong khuôn khổ một cuộc diễn tập tác chiến phòng thủ của Quân khu 7, theo tường thuật của báo chí trong nước.
Theo thông tin được Thông tấn xã Việt Nam loan báo hôm 5/12, cuộc diễn tập diễn ra ‘trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và địa hình phức tạp’.
"Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thuốc nổ ra vị trí tập kết thì trời mưa to, sấm sét, tổ công tác gồm một số quân nhân thuộc Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7 tạm dừng, nghỉ giải lao. Đột nhiên, khối thuốc nổ phát nổ làm nhiều quân nhân thương vong", bản tin của hãng tin nhà nước ghi.
Nguyên nhân ban đầu, theo hãng tin này, là do ‘sét đánh vào kíp nổ gây kích nổ kíp nổ bằng điện làm khối thuốc phát nổ’. Hiện giờ phần lớn thi thể của của những người thiệt mạng đã được tìm thấy.Cũng trong ngày 5/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra công điện cho các bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội cùng chủ tịch tỉnh Đồng Nai để chỉ đạo điều tra và khắc phục hậu quả, trong đó gọi vụ việc là ‘tai nạn’, theo Tuổi Trẻ.
Công điện được tờ báo này dẫn lại yêu cầu khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác chỉ huy, điều hành diễn tập để rút kinh nghiệm và ổn định tư tưởng cho toàn quân.
Chiều cùng ngày, 12 quân nhân này đã được công nhận là liệt sĩ và được cấp cấp bằng ‘Tổ quốc ghi công’ theo quyết định của phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Báo Điện tử Chính phủ cho biết.
Những binh sĩ thiệt mạng này chủ yếu là là lính trơn và lính cấp bậc thấp như trung sĩ đến từ các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai và Bình Dương. Người có cấp bậc cao nhất là một thượng sĩ, tiểu đội trưởng, theo danh sách được Báo Điện tử Chính phủ đăng tải.
Công điện của Thủ tướng Chính yêu cầu mai táng chu đáo các nạn nhân và có chế độ, chính sách ‘tốt nhất’ để hỗ trợ cho gia đình, thân nhân của họ.
Nguồn : VOA, 05/12/2024