Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/12/2024

Mỹ - Trung cạnh tranh Nga tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam ?

BBC tiếng Việt

Tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, hàng loạt công ty vũ khí từ 27 quốc gia đã đặt gian hàng, sẵn sàng tham gia trưng bày khí tài quân sự tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) diễn ra từ ngày 19 đến 22/12.

expo1

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) diễn ra từ ngày 19 đến 22/12.

Bộ Quốc phòng Việt Nam, từ cuối tháng 11, cho biết các công ty từ Iran, Israel, Trung Quốc, Nga, Mỹ... sẽ trưng bày thiết bị quân sự trong sự kiện này, một trường hợp hiếm hoi khi các đối thủ địa chính trị trên thế giới, lẫn các nước đang có chiến tranh cùng nhau trưng bày sản phẩm quốc phòng.

Theo truyền thông nhà nước, nhiều loại khí tài quân sự mới do ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam tự phát triển, sản xuất, cũng sẽ lần đầu tiên được trưng bày trong dịp này.

Sự quan tâm của giới truyền thông và công chúng đối với triển lãm này đang tăng cao, vì tại đây Mỹ, Trung Quốc và Nga sẽ giới thiệu thiết bị quân sự của họ, khả năng nhắm đến mục tiêu giành được thị phần trong ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Sự phấn khích đang dâng cao khi nhiều tờ báo trong nước những ngày này liên tục đăng tải hình ảnh của các loại vũ khí và khí tài khủng tại triển lãm, trong đó phải kể đến các máy bay quân sự C-130J và A-10 của Mỹ, hệ thống tên lửa đối hải Rubezh-ME, xe chiến đấu bộ binh BMP-3 của Nga…

Quốc gia Đông Nam Á có hơn 100 triệu dân này nằm trong tốp 20 nước mua vũ khí lớn nhất thế giới, trong bối cảnh có các căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông, theo Reuters.

Số liệu từ Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết Hà Nội có chi tiêu quân sự hàng năm trên 2% tổng sản phẩm quốc nội.

Những năm gần đây, Việt Nam cũng đang tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp, giảm dần phụ thuộc vào nhà cung cấp truyền thống là Nga, đặc biệt kể từ sau khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Kyiv.

Sự thay đổi này cho phép các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc, Mỹ và một số nước khác cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu quốc phòng ngày càng tăng của Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tìm cách củng cố ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, và các quan chức của Bộ Quốc phòng nhiều lần tuyên bố thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm quân sự hiện là ưu tiên hàng đầu.

Nga, Mỹ và Trung Quốc sẽ giới thiệu những vũ khí nào ?

Hồi tháng 12/2022, Việt Nam đã lần đầu tiên tổ chức triển lãm vũ khí quốc tế đầu tiên, thu hút 174 đơn vị từ 30 quốc gia.

Trong lần thứ hai, được tổ chức năm nay, theo cập nhật mới nhất từ ban tổ chức vào ngày 17/12, có 242 đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế xác nhận tham dự Vietnam Defence Expo 2024, sự kiện có kinh phí tổ chức dự kiến khoảng 120 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Thiếu tướng Lê Quang Tuyến - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - phát biểu trong cuộc họp báo trước sự kiện, cho biết khu vực triển lãm có tổng diện tích hơn 100.000 m2 với diện tích trưng bày trong nhà là 15.000 m2 và ngoài trời hơn 20.000 m2.

Quy mô này đánh dấu sự mở rộng đáng kể so với triển lãm lần trước.

Đáng chú ý, Trung Quốc và Iran là hai nước lần đầu tiên tham gia sự kiện, trong đó các chuyên gia nhận định sự góp mặt của Trung Quốc là "dấu hiệu quan trọng cho thấy sự hợp tác an ninh mới giữa hai nước", theo đánh giá của Reuters.

Trong những tháng gần đây, hai quốc gia Cộng sản láng giềng đã nhiều lần tuyên bố muốn thúc đẩy quan hệ an ninh và công nghiệp quốc phòng, và đã ký các thỏa thuận sơ bộ về vấn đề này.

Quân đội Việt Nam và Trung Quốc cũng thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao và lực lượng bảo vệ bờ biển của mỗi nước đã tổ chức các cuộc tuần tra chung tại Vịnh Bắc Bộ.

Nhưng giáo sư Carl Thayer, chuyên gia cấp cao về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, nhận định trên Reuters hồi tháng 11 rằng Việt Nam nếu có thỏa thuận với Trung Quốc thì sẽ chỉ giới hạn ở các thiết bị, khí tài phi chiến đấu như hậu cần, vận tải và quân y.

"Việt Nam không thể trông cậy vào Trung Quốc về vũ khí quân sự giá trị lớn cho quân đội, hải quân và lực lượng phòng không - không quân vì nguy cơ Trung Quốc sẽ đình chỉ mọi thỏa thuận và tiếp tế vào thời điểm căng thẳng", giáo sư Thayer lí giải.

Trong số các công ty Trung Quốc tham gia có Tập đoàn Norinco, nhà sản xuất quốc phòng do nhà nước sở hữu, đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Norinco đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông vào năm ngoái khi xuất hiện các thông tin cho thấy Hamas đã sử dụng súng trường tấn công của họ trong cuộc xung đột Israel-Hamas.

Hiện vẫn chưa rõ các công ty Trung Quốc sẽ giới thiệu loại vũ khí hoặc công nghệ cụ thể nào trong triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.

Trong khi đó, Hoa Kỳ sẽ trưng bày một loạt các thiết bị quân sự, đáng chú ý có một máy bay vận tải C-130, hai máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II, xe bọc thép Stryker và lựu pháo M777.

Tất cả các hệ thống khí tài này cho thấy sự nổi bật về khả năng quân sự tiên tiến của Mỹ và lợi ích chiến lược của nước này trong việc tham gia vào lĩnh vực quốc phòng của Đông Nam Á.

Ngoài các thiết bị quân sự, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng khổng lồ của Mỹ là Boeing và Lockheed Martin cũng sẽ có gian hàng Vietnam Defence Expo 2024, giới thiệu các công nghệ tiên tiến của họ.

Lockheed Martin đã có các cuộc đàm phán với Việt Nam về khả năng cung cấp một số máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules.

Máy bay C-130 có thể chở lính, thiết bị quân sự và hàng hóa khác, đồng thời tăng cường năng lực quốc phòng của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông với

Trung Quốc, cũng như với các nước khác trong khu vực, ngày càng gia tăng

Reuters hồi tháng 7/2024 dẫn lời các nguồn tin cho biết Mỹ có thể hỗ trợ tài chính cho Việt Nam trong thương vụ này. Một trong các nguồn tin - là một quan chức Mỹ - cho biết con số này có thể lên tới hàng chục triệu USD nhằm trang trải chi phí bảo trì và các chi phí khác.

Trước đó, hồi tháng 9/2023, Reuters cũng đưa tin về việc chính quyền Tổng thống Joe Biden đang có các cuộc đàm phán với Việt Nam về một thỏa thuận chuyển giao vũ khí lớn nhất trong lịch sử giữa hai nước, với việc bán chiến đấu cơ F-16 cho Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về các thương vụ C-130 và F-16.

Mới đây, vào ngày 20/11, tại thành phố Phan Thiết ở tỉnh Bình Thuận, Mỹ đã bàn giao cho Việt Nam 5 máy bay huấn luyện T-6C Texan II thế hệ mới do quốc gia này sản xuất.

Những động thái này cho thấy nỗ lực ngày càng lớn của Washington trong việc tăng cường ảnh hưởng đối với Hà Nội sau gần nửa thế kỷ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam.

Mặt khác, về phía Nga, nhà cung cấp lâu năm của Việt Nam, đang đối mặt với những tác động phức tạp của lệnh trừng phạt của phương Tây, được cho là sẽ nỗ lực duy trì vị thế vững chắc của mình tại Việt Nam, một khách hàng quan trọng để Nga bán máy bay chiến đấu và trực thăng.

Theo The Eurasian Times, tờ báo chuyên về quốc phòng, Nga đang "háo hức chờ đợi để giới thiệu thiết bị quân sự của mình" tại triển lãm.

Lần đầu tiên bên ngoài nước Nga, Moscow sẽ giới thiệu các mô hình kích thước đầy đủ của tổ hợp tên lửa đối hải Rubezh-ME, xe chiến đấu bộ binh BMP-3 với giáp tăng cường và hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-EM đặt trên khung gầm xe bọc thép kháng mìn Typhoon-K.

Nhưng trang Defense Express nhận định chỉ với ba loại vũ khí này, sự hiện diện và sức ảnh hưởng của vũ khí Nga ở Việt Nam đang suy giảm.

Một số ý kiến cho rằng Nga đang hy vọng Việt Nam có thể mua xe chiến đấu BMP-3 để thay thế các phương tiện lỗi thời từ thời Liên Xô, bao gồm gần 300 xe tăng hạng nhẹ PT-76 vẫn đang hoạt động.

Hồi tháng 5/2024, Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ) nói với BBC News Tiếng Việt rằng trong 10-20 năm tới, Việt Nam sẽ phải có được các vũ khí tương đối hiện đại, và nhiều trong số đó sẽ phải là từ các nước phương Tây chứ không chỉ đơn thuần từ Nga.

Theo ông, trước năm 2014, khoảng 90% vũ khí nhập khẩu của Việt Nam là từ nhà cung cấp truyền thống Nga, với giá cả hợp túi tiền, và vì Việt Nam tin cậy nhiều vào nước này, cũng như đã dùng nhiều nên sẽ tiếp tục mua để tạo sự tương thích.

"Nhưng tính từ năm 2014 đến nay, lượng vũ khí Việt Nam nhập từ Nga chỉ chiếm độ 2/3 thôi, không còn là 90% như ngày xưa nữa", Giáo sư Vuving nhận định.

Ông nhận thấy hồi chuông thúc đẩy Việt Nam nghiêm túc tìm nguồn cung thay thế là chuyện Hà Nội muốn mua tàu chiến Gerpad của Moscow hồi năm 2014 nhưng bất thành ; khi đó Nga chiếm bán đảo Crimea khiến quan hệ giữa Nga và Ukraine đổ vỡ, nên Việt Nam không thể có được loại tàu do Moscow đóng nhưng động cơ do Kyiv sản xuất.

Và gần đây nhất, các chuyên gia nói với BBC rằng Nga đã sử dụng rất nhiều vũ khí trên chiến trường Ukraine nên cũng không còn nhiều để bán cho nước ngoài. Nước này cũng bị cấm vận nên khả năng sản xuất bị giới hạn, thậm chí phải nhập vũ khí và nguyên liệu từ Triều Tiên, Iran và Trung Quốc.

trienlam5

Bên cạnh đó, các công ty quốc phòng hàng đầu Châu Âu cũng sẽ tham dự Vietnam Defence Expo 2024, kể cả gã khổng lồ hàng không vũ trụ Airbus, tập đoàn BAE Systems của Anh, Rheinmetall của Đức, Leonardo của Ý và Thales Group của Pháp.

Thổ Nhĩ Kỳ năm nay nằm trong số các quốc gia tham dự rầm rộ nhất với sự hiện diện của hàng chục công ty quốc phòng như Aselsan, Turkish Aerospace Industries, Roketsan…

Bộ Quốc phòng Iran cũng đặt một gian hàng cách không xa khuôn viên của các công ty quốc phòng Israel là Israel Aerospace Industries và Rafael Advanced Defense Systems.

Trong khi đó, Ukraine cũng tham gia một gian hàng của nhà xuất động cơ máy bay Motor Sich.

Vũ khí của Việt Nam

Trong triển lãm năm nay, Việt Nam có 77 đơn vị tham gia, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), các nhà máy Z111, Z113, Z131, Z175, các công ty thành viên thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, các công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng.

69 chủng loại vũ khí, khí tài được giới quốc phòng Việt Nam nghiên cứu, phát triển và sản xuất từ năm 2022 đến nay cũng sẽ được trưng bày tại đây.

Tờ VnExpress sáng 18/12 đưa tin nhiều xe tăng, pháo tự hành, xe thiết giáp, tổ hợp tên lửa, radar của Việt Nam được đặt đối diện với khán đài - nơi lãnh đạo Việt Nam sẽ dự lễ khai mạc.

Tại triển lãm, gian trưng bày của Viettel High Tech có 3 loại UAV, bao gồm UAV trinh sát, UAV cảm tử và UAV đa năng.

Theo báo Quân đội Nhân dân, tất cả các sản phẩm UAV này đều do Viettel làm chủ công nghệ, tự nghiên cứu, phát triển và chế tạo trong nước 100%.

Một máy bay chiến đấu cũng gây chú ý tại triễn lãm là máy bay huấn luyện TP-150 sản xuất ở Việt Nam. Theo truyền thông nhà nước, TP-150 là sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam và Ý, phục vụ công tác huấn luyện bay sơ cấp và nhiệm vụ tuần tra.

Ngoài ra còn có chiến đấu xa bộ binh XCB-01, được báo cáo là do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam nghiên cứu, phát triển và chế tạo. Xe dài 6,95 m, rộng 3,25 m, cao 2,14 m và có trọng lượng khoảng 15 tấn, sử dụng kết cấu bánh xích có tính việt dã cao với kíp điều khiển gồm 3 thành viên.

Tên lửa chống tăng B72 được tích hợp và gắn cố định trên pháo chính của XCB-01. Với cơ số 4 đạn tên lửa mang theo, XCB-01 có khả năng tấn công phương tiện hạng nặng của đối phương ở ngoài khoảng cách pháo chính 73 mm vươn tới. Hệ thống điều khiển hỏa lực trên xe đáp ứng khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết và đạt tiêu chuẩn hiện đại.

Dự kiến sự kiện này sẽ thu hút khoảng 60.000 lượt người tới tham quan, khi người dân có thể vào cửa miễn phí từ 9h ngày 21/12, theo đơn vị tổ chức.

Nguồn : BBC, 18/12/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC
Read 70 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)