Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/08/2017

Bụi nano trong không khí ở Việt Nam nguy hiểm như thế nào ?

RFA tiếng Việt

Kết quả quan trắc bụi mịn ở Việt Nam gần đây đã phát hiện ra bụi nano trong không khí. Điều này được các chuyên gia khoa học và môi trường đặc biệt quan tâm vì khả năng gây hại đến sức khỏe của con người.

nano1

Kẹt xe tại một đường phố chính ở trung tâm thành phố Hà Nội ngày 29 tháng một năm 2016. AFP PHOTO

Bụi nano là gì và tác hại ra sao ?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nghiêm Trung Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường cho báo giới biết rằng mấy năm trở lại đây các chuyên gia đã quan trắc được bụi nano ở Việt Nam. Theo ông, điều đáng nói là khi cân loại bụi này, phải cần một khối lượng nhất định mới cân được. Với khối lượng này, Nhật Bản cần 3 ngày đến 1 tuần mới gom đủ thì ở Việt Nam hàm lượng lớn tới mức chỉ cần một ngày.

Nói với đài RFA, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, làm việc tại Trung tâm Công nghệ môi trường phân tích rằng tên gọi bụi nano thực ra chỉ thể hiện kích thước của loại bụi này :

Bụi nano là loại bụi rất mịn, kích thước nano mét. Trong bụi nào cũng có kích thước bụi kích thước lớn, kích thước nhỏ, kích thước trung bình, thì nano là bụi có kích thươc siêu nhỏ.

Khoảng chục năm về trước, các nhà khoa học thế giới cho rằng bụi nano không nguy hiểm vì nó nhỏ bé như phân tử khí, theo luồng hít thở vào phổi rồi đi ra. Tuy nhiên bây giờ họ đã có cái nhìn khác. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, bụi nano nguy hiểm hơn các loại bụi khác vì kích cỡ siêu nhỏ của nó :

Bụi kích thước càng nhỏ thì càng dễ vào cơ thể và hệ hô hấp của con người. Bụi nhỏ có thể vào sâu cơ thể con người, còn bụi to thì khi thở vào có thể lông mũi, dịch nhầy, nước bọt giữ lại. Bụi siêu nhỏ không được giữ lại bên ngoài hệ hô hấp mà nó đi thẳng vào phổi, cho nên gây độc cho con người hơn. Bụi càng nhỏ thì mức độ độc hại càng lớn cho sức khỏe con người.

Một chuyên gia khác là Giáo sư Tiến sĩ Đặng Kim Chi, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội đồng tình với quan điểm rằng bụi nano chỉ là tên gọi chung cho các hạt bụi kích thước nhỏ hơn 10-6. Theo bà, các hạt kích thước nano có cả hai mặt tích cực và tiêu cực đến sức khỏe con người :

Ngoài khả năng tích cực là dẫn thuốc đến bộ phận cần điều trị của cơ thể. Nhưng nếu những hạt đó là kim loại nặng thì với kích thươc nhỏ như vậy nó có thể xâm nhập qua thành mạch máu, màng tế bào, đi vào máu và các bộ phận của cơ thể sống và có lưu trữ những hạt này và sinh ra các tác động không có lợi. Không phải tất cả các hạt nano đều có tính độc mà chỉ những hạt nano có nguồn gốc từ kim loại nặng như đồng, kẽm, chì, thủy ngân,…

nano2

Người dân luôn phải mang khẩu trang tránh bụi khi lưu thông trong thành phố. AFP

Thạc sĩ Vũ Xuân Đán, Trung Tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh từng nói với báo chí trong nước rằng những loại bụi nhỏ mịn như nano dễ đi sâu vào hệ hô hấp, có thể ảnh hưởng đến cấu trúc DNA do sự mất cân bằng oxy khiến các tế bào khỏe mạnh bị hủy hoại, tác động đến sự chuyển hóa chất hữu cơ của DNA. Các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi có thể cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA, gây ung thư phổi.

Theo số liệu thống kê của ngành y tế, bệnh ung thư phổi xếp thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, khẩu trang thông thường của người dân không thể ngăn chặn được bụi nano đi vào cơ thể.

Chưa có giải pháp cho riêng bụi nano

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phùng Chí Sĩ nói rằng bụi nano vẫn luôn có trong không khí ở Việt Nam từ trước đến nay, có điều là mấy năm trở lại đây mới có phương tiện để phát hiện loại bụi này. Khi được hỏi về các nguyên nhân chính phát sinh ra bụi mịn trong đó có bụi nano trong bầu khí quyển ở Việt Nam, ông cho biết :

Bụi mịn có thể phát sinh từ rất nhiều nguồn khác nhau, có thể do khí thải giao thông, nhiên liệu cháy không hết sinh ra bụi than do khí thải đốt nhiên liệu của xe cộ. Thứ hai là do hoạt động công nghiệp sản xuất các sản phẩm các nhau thì cần đốt các loại nhiên liệu khác nhau. Rồi ở ngoài đường gió và xe cộ cuốn theo cũng có loại bụi này.

Ngoài ra các chuyên gia cũng đánh giá tình trạng ô nhiễm không khí liên tỉnh, xuyên biên giới cũng là một nguyên nhân làm tăng hàm lượng bụi trong đó có bụi nano, thậm chí có thời gian những vùng sâu vùng xa lượng bụi dày đặc hơn cả thành phố lớn.

Theo quan điểm của Giáo sư Tiến sĩ Đặng Kim Chi thì không thể khẳng định được là ngành nào sản sinh ra lượng bụi nano nhiều nhất, mà nó phụ thuộc vào quy trình, công nghệ trong quá trình sản xuất. Theo bà, không thể đưa ra một phương pháp giảm thiểu bụi nano chung cho mọi nguyên nhân sinh ra nó, cũng khó đưa ra giải pháp giảm lượng nano trong không khí mà phải tìm hiểu và ngăn chặn từng nguồn phát sinh riêng :

Mỗi một nguồn thải sinh ra bụi nano khác nhau phải có biện pháp xử lý khác nhau. Tức là phải ngăn chặn ngay từ nguồn phát sinh ra hạt nano có khả năng gây hại cho sức khỏe, chứ đợi đến lúc phát thải ra rồi mới xử lý trong môi trường xung quanh thì rất khó khả thi. Vấn đề là phải ngăn chặn các nguồn có khả năng phát sinh nano kim loại nặng.

Còn Phó Giáo sư Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ thì cho rằng không có biện pháp nào để giảm riêng lượng bụi nano, mà chỉ có những biện pháp làm giảm hàm lượng bụi nói chung trong không khí, mà một khi lượng bụi giảm thì bụi nano ắt sẽ giảm theo. Ông phân tích :

Ngoài đường thì làm vỉa hè đàng hoàng. Đường giao thông thì cán nhựa và quét dọn vệ sinh sạch sẽ. Các nhà máy, xí nghiệp thì cần xử lý khí thải đạt yêu cầu, đừng đổ ra môi trường. Không được sử dụng xe quá cũ và chất lượng không tốt. Trồng thêm cây xanh, tưới nước đường thường xuyên,…

Tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các thành phố lớn ở Việt Nam đang ở mức báo động. Tháng 6 vừa qua, tổ chức phi chính phủ GreenID cung cấp số liệu cho thấy hàm lượng bụi ở Hà Nội cao gấp nhiều lần quy chuẩn quốc gia và quốc tế.

Kết quả quan trắc tiến hành bởi Trung tâm quan trắc môi trường Việt Nam cũng cho thấy trong năm 2016, các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều có 20% số ngày trong năm là có lượng bụi PM10, PM2.5 vượt ngưỡng cho phép. Cho tới 3 tháng đầu 2017, Hà Nội có 37 ngày có nồng độ PM2.5 trung bình trong 24 giờ vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của Việt Nam và 78 ngày vượt quá tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.

Quay lại trang chủ
Read 640 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)