Nợ công Việt Nam chiếm 61% GDP (RFA, 21/09/2017)
Tính đến hết năm 2015 Chính phủ Việt Nam mắc nợ trị giá là gần 94,3 tỉ đô la Mỹ. Trong số nợ này có 39,6 tỉ là vay của nước ngoài, phần còn lại là vay trong nước.
Theo Vn Economy, nợ công của Việt Nam chiếm 61% GDP, tính đến cuối năm 2015 - RFA
Đây là thông tin được Bộ Tài Chính Việt Nam thông báo trong bảng tin về nợ công và được truyền thông loan đi ngày 21 tháng 9.
Cũng trong bảng tin đưa ra thì số nợ nước ngoài cả của chính phủ lẫn doanh nghiệp là gần 81 tỉ đô la Mỹ, trong đó phần của Chính phủ là 39,6 tỉ.
Như vậy theo tờ báo chuyên về kinh tế là Vn Economy của Việt Nam thì số nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2015 chiếm 61% tổng sản lượng nội địa, tăng 3% so với năm trước đó.
Trong số nợ nước ngoài, số nợ được chính phủ Việt Nam bảo lãnh là 21 tỉ đô la. Bộ Tài Chánh cũng đã tỏ ý lo ngại về số nợ nước ngoài mà chính phủ bảo lãnh này, chiếm đến 11,1 % tổng sản lượng nội địa.
******************
Người giàu sụ Việt Nam tiêu tiền vào đâu ? (VOA, 21/09/2017)
Tạp chí Forbes mới đây nói rằng người giàu Việt Nam đang tiêu tiền vào du lịch nước ngoài, chữa bệnh nước ngoài và xài hàng hóa nước ngoài. Bên cạnh đó việc mua nhà ở nước ngoài cũng đang trên đà tiến. Các nhà phân tích kinh tế nhận định rằng chi tiêu "vào nước ngoài" như vậy đẩy ngược chiều tăng trưởng kinh tế và mở rộng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Số du khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng mạnh trong những năm gần đây (ảnh minh họa).
"Ở Việt Nam có một số người giàu lên rất nhanh", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương Việt Nam cho biết. "Họ giàu lên một cách quá dễ dàng và không phải kinh doanh gì. Cho nên số người đó có khả năng chi tiêu rất lớn và họ cũng sẵn sàng chi tiêu". Các con số mà tạp chí Forbes đưa ra về các chi tiêu nước ngoài, mua nhà ở Hoa Kỳ theo ông Doanh, "là những con số tuy có thể cần được xác minh thêm, nhưng là những có số từ các nguồn khác nhau có sự trùng hợp, cho nên có một khả năng tin cậy nhất định".
Một lượng tiền lớn của người giàu Việt Nam đang được đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài. "Mua nhà ở Mỹ, ở Australia, ở New Zealand -- là những khoản chi rất lớn", theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, "để họ còn chuẩn bị ra nước ngoài định cư".
Các lãnh vực "nước ngoài" khác mà người giàu Việt Nam đang tiêu tiền vào được tạp chí Forbes liệt kê còn có du lịch nước ngoài. Du khách Việt Nam có thể dễ dàng du lịch đến các nước trong khu vực với những chuyến bay đường ngắn, giá vé rẻ đang rất thịnh hành ; họ lại được miễn visa du lịch vào các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á, khối có dân số 630 triệu người.
Báo Vietnam Net dẫn số liệu thống kê trong nước nói rằng số người Việt Nam đi du lịch Nhật Bản đạt đến 230,000 lượt người từ năm 2012 đến 2016, và ước tính đến năm 2021 sẽ có khoảng 7,5 triệu người du lịch nước ngoài.
Về nhu cầu chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ở nước ngoài, theo Forbes, người giàu Việt Nam dần chuyển nhu cầu về chăm sóc sức khỏe từ dịch vụ, dược phẩm, mỹ phẩm rẻ tiền, không tên tuổi sang các loại đắt tiền mang thương hiệu nổi tiếng. Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International đánh giá rằng thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam tăng mạnh trong năm nay. Còn hãng nghiên cứu thị trường Neilson thì nói rằng chăm sóc sức khỏe là quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam.
"Chi cho du lịch khoảng hơn 6 tỉ đôla, khoản chữa bệnh khoảng 3 tỉ đôla, và mua nhà ở Hoa Kỳ khoảng 3 tỉ đôla, tổng cộng lại khoảng 12 tỉ đôla", theo nhận định của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Xài hàng Nhật, theo phân tích của Forbes, thì người tiêu dùng Việt Nam nói họ thường tránh mua hàng Trung Quốc vì hàng hóa nhập từ nước có lịch sử "ức hiếp chính trị" Việt Nam này có chất lượng kém. Xe máy, đồ điện tử và hàng tiêu dùng của Nhật luôn được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Gần đây mỹ phẩm và nhiều loại hàng tiêu dùng của Hàn Quốc cũng đang mở rộng thị phần ở Việt Nam.
iPhone của Apple và Galaxy Note của Samsung bán rất chạy ở Việt Nam vì nhu cầu máy điện thoại cầm tay tiếp tục tăng mạnh. Những chiếc điện thoại cầm tay đắt tiền này vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng vừa là "đồ trang sức". Điện thoại Oppo của Trung Quốc chiếm thị phần lớn thứ hai tại Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích : "Dĩ nhiên là các chi tiêu nước ngoài đó không đóng góp gì được cho tăng trưởng GDP ở trong nước. Vì tăng trưởng GDP trong nước là phải tạo ra công ăn việc làm, và tạo ra giá trị gia tăng".
Về mặt xã hội, theo Tiến sĩ Doanh thì xu hướng chi tiêu nước ngoài này càng đào sâu hố phân cách giàu nghèo : "Điều đó nói lên sự chênh lệch giàu nghèo của Việt Nam rất đậm nét, vượt quá dự đoán của các nhà kinh tế. Người nghèo thì vẫn rất nghèo, người ta thấy những cảnh như qua thiên tai bão tố mới đây".
Nhóm tư vấn Boston Consulting Group của Mỹ ước tính sự giàu có lên tiếp tục tăng mạnh tại Việt Nam. Nhóm này ước tính đến năm 2020, một phần ba dân số của Việt Nam sẽ ở vào tầng lớp trung lưu hoặc cao hơn, có nghĩa là mức thu nhập bình quân của một người trong nhóm này tối thiểu là 714 đôla một tháng.