Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

23/09/2017

Chó thả rông : Bắt – giết có hiệu quả ?

RFA tiếng Việt

Kể từ trung tuần tháng 9, cơ quan chức năng tại Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thực thi nghị định bắt chó thả rông do Chính Phủ Hà Nội ban hành. Người dân nghĩ gì về biện pháp đó ?

cho1

Ảnh minh họa - RFA

Phòng tránh tai nạn ?

Theo qui định thì ở thành phố Hồ Chí Minh chó thả rông không rọ mõm sẽ bị bắt đưa về địa chỉ 252 Lý Chính Thắng, Quận 3 và sẽ bị tiêu hủy sau 72 giờ nếu không có chủ đến chuộc lại.

Là người nuôi qua nhiều đời chó suốt hàng chục năm nay, chị Nhung, ngụ tại Quận 7, Tp. HCM bày tỏ quan điểm cho biết, quy định bắt chó thả rông như vậy sẽ góp phần quản lý chó tốt hơn, tránh gây tai nạn cho người đi đường.

Chị Nhung là người từng chứng kiến một số vụ tai nạn xảy ra do người nuôi chó không quản lý tốt thú nuôi của mình. Ngay tại thời điểm thực hiện phóng sự, một người đi đường tránh chó của nhà hàng xóm và bị té xe ngay tại chỗ :

"Đó, con chó làm té người ta kìa, đó thấy chưa ? Cái nhà kiểng đó hả, nuôi chó có lần làm cô kia ngã, sảy thai luôn. Người ta mới có bầu à. Đó. Té vậy coi ấy có phải là khổ cho người ta hông ? Kỳ khôi không, ta bắt đi cũng chừa á !".

Cùng quan điểm thấy việc quản lý chó là cần thiết, anh Sang, chủ của một chú chó Phú Quốc đang điều trị bệnh tại một phòng khám thú y tại Quận 7 chia sẻ :

"Cái đó thì cũng có nhiều trường hợp lắm. Trường hợp thứ nhất là chó thả rông như vậy thì nó cũng ảnh hưởng đến giao thông là cái thứ nhất. Cái thứ hai là nhiều khi rồi nó cắn người ta rồi cái, chích ngừa ở đẳng rồi cũng nhiều cái bệnh lắm".

cho0

Ảnh minh họa. RFA PHOTO

Mặc dù cho rằng chuyện phải quản lý chó là cần thiết và người nuôi chó đương nhiên phải có trách nhiệm, nhằm tránh ảnh hưởng tới cộng đồng lẫn những người nuôi chó khác ; nhưng chị Nhung và anh Sang thấy việc tự động tiêu hủy chó sau 72 giờ là không hợp lý.

Theo chị Nhung, muốn tiêu hủy chó phải báo với chủ rằng chó đó bị dại đàng hoàng :

"Ở đây người ta nuôi con chó người ta cưng lắm em. Nó khôn á, nhiều cái nó khôn, người ta cưng lắm. Mà mình thiêu hủy vậy hả, cũng tội nghiệp nó, mà cũng ấy cho chủ nhà, chủ của nó. Thì hả, thí dụ như hả nó bị dại hay gì người ta tiêu hủy thì được. Còn này thí dụ như hổng có mà người ta tiêu hủy thì đâu có được".

Còn quá nhiều bất cập

Anh Sang từng nuôi qua nhiều giống chó trong và ngoài nước từ năm 2005, đến nay đã tròn 12 năm. Khi được hỏi về việc tiêu hủy chó sau 72 giờ, anh Sang đề xuất là phải có đội ngũ bác sĩ thú y riêng để phân loại chó, và chỉ được tiêu hủy số chó là chó bệnh, chó dại :

"Tất cả các loại chó mà tới ngày đó mà nó bắt lên là nó phải có bác sĩ thú y, để coi coi là chó đó có phòng ngừa chưa. Thí dụ mà chó không ngừa là tiêu hủy hết. Còn mà chó đã ngừa là biết được rằng chó đã có chủ. Đâm ra những số chó đó người ta cách ly ra riêng một bên. Còn những số chó mà không có phòng ngừa á là nó sẽ đưa qua một bên kêu bằng là chó dại, chó bệnh á. Là số đó là tiêu hủy hết".

Theo như chị Nhung, thực tế phía phụ trách y tế dự phòng cũng chủ động xuống chích ngừa cho chó nhà chị, và có giấy tờ xác nhận rõ ràng. Chó của chị khi nuôi có đăng ký với bên phường do vậy mà họ quản lý được :

"Người ta tự tới chích, khoảng chắc năm chích lần hay sao á. Mỗi lần chích là phải báo trước, để có người giữ nó, bịt mỏ nó chứ nhưng mà nó giãy giụa dữ lắm. Đâu phải dễ chích nó đâu.Tốn chứ, 20-30 ngàn một lần một mũi chích ngừa dại á. Cuốn sổ nó nằm trong nhà rồi, mỗi lần chích là có cuốn tiêm ngừa chó gì á. Có ký tên".

Ông Trí Hải, đã ngưng nuôi chó nhiều năm nay. Tuy không ảnh hưởng trực tiếp bởi nghị định mới có hiệu lực, ông Hải vẫn bày tỏ quan ngại về tính thực tế của việc tiêu hủy chó. Theo ông, 99% đội bắt chó thả rông sẽ không tiêu hủy chó theo như thông báo :

"Chỉ có những người có cái tâm làm sự việc đó thì người ta mới làm thôi. Còn mà không có cái tâm thì bảo đảm người ta cũng… Hỏi bây giờ mà đi thiêu hủy, một con chó thí dụ một con chó đó trị giá 2-3 triệu. Giờ đi thiêu hủy hỏi coi uổng không ?"

Đồng quan điểm, một người nuôi chó khác cũng tỏ ra nghi ngại, cho rằng số chó bắt về sẽ bị bán làm thịt, hoặc bán cho chỗ bán chó kiểng :

"Họ cũng đem họ bán họ mần thịt chứ không bao giờ họ mà thiêu hủy theo cách của nhà nước quy định đâu. Sáng dẫn ra đường á. Đi tiểu giật làm sao mà hai cái tay nè nè, có cái lằn luôn".

Một số người dân khác mà chúng tôi tiếp xúc tỏ ra khá mù mờ về những qui định liên quan của cơ quan chức năng trong biện pháp quản lý chó thả rông hiện nay. Những người quan tâm thì cho rằng chính sách nào đề ra cũng hợp lý ; nhưng trong thực hiện lại quá nhiều bất cập, thiếu khả thi.

Quay lại trang chủ
Read 762 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)