Trưởng công an xã đá văng thau cá nói 'làm theo nhiệm vụ' (Tuổi Trẻ, 04/10/2017)
Sáng 4/10, ông Lê Tấn Thịnh - trưởng công an xã Quảng Điền (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) - thừa nhận mình là người trong clip đá thúng rau, thau cá của bà con vào ngày 3/10.
Ông Thịnh cho biết mình làm theo nhiệm vụ và đang làm báo cáo, kiểm điểm sự việc để báo lên xã, huyện theo chỉ đạo.
Ông Thịnh nói, với mong muốn làm cho đoạn đường liên xã qua chợ Điện Bàn (xã Quảng Điền) được thông thoáng, ông đã nhiều lần nhắc nhở bà con.
"Thế nhưng quá nhiều lần nhắc nhở không được, nên tôi mới có hành động như vậy. Còn câu chuyện cụ thể như thế nào phải được lãnh đạo xã đồng ý tôi mới có thể thông tin" - ông Thịnh giải bày.
Tranh vẽ trưởng công an xã giơ chân đá bay thúng, thúng cá rau của bà con - Ảnh minh họa
Sáng 4/10, tại chợ xã Quảng Điền, việc lấn chiếm lòng lề đường giảm hẳn. Những người bán hàng đã dẹp vào sát lề. UBND xã cũng đã dùng sơn đỏ kẻ vạch sát lề đường để đảm bảo "người dân không lấn qua vạch".
Bà Giáo, một người bán cá đồng đánh bắt trên sông - người bị ông Thịnh đá thau cá thừa nhận lấn chiếm vỉa hè là sai.
"Tuy nhiên nếu ông Thịnh nhắc nhở, chúng tôi cũng sẽ dẹp vào trong. Ông bất ngờ đến đá thau cá, cái cân văng xa, tôi không kịp phản ứng" - bà Giáo nhớ lại.
Theo bà Giáo, đây là "mùa nước lũ" trên sông Krông Ana nên người dân đi đánh bắt được con cá, con tôm thì đưa ra chợ bán.
Không có chỗ bá trong chợ nên bà con mới lấn ra lòng, lề đường. Rất mong xã tạo một khoảng trống trong chợ để những người buôn bán nhỏ này không phải lấn chiếm lòng, lề đường.
Bà Giáo kể lại việc bị ông Thịnh đá thau cá - Ảnh : TRUNG TÂN
Trong khi đó, một luồng ý kiến khác ở chợ cho rằng việc các cán bộ dẹp lòng lề đường là đúng, tuy nhiên hành động như ông Thịnh là phản cảm.
"Cứ đưa xe lên đưa hết hàng vi phạm về xử phạt, tại sao phải đạp, đá hàng hóa của bà con nghèo như vậy" - một người dân nói.
Đến trưa 4/10, chủ tịch UBND xã và bí thư Đảng ủy xã Quảng Điền đang họp tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng của xã nên phóng viên chưa thể tiếp xúc.
Phóng viên Tuổi Trẻ Online đang chờ hỏi thêm thông tin về vụ việc.
****************
Đá thúng ở Krông Ana là hành vi 'phản cảm' (BBC, 04/10/2017)
Dư luận Việt Nam đang xôn xao về đoạn video clip lan truyền trên mạng hôm 3/10 về một cán bộ công an có hành động lật, đá, ném các thúng hàng của người dân tại một khu chợ ở Đắk Lắk.
Anh Đ. V. Long, người quay clip trên cho BBC biết anh là một người hàng rong qua khu chợ Quảng Điền, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana vào tầm trưa 3/10 thì thấy các cán bộ công an xử lý việc lấn chiếm lòng đường.
"Tôi thấy cán bộ chửi bới rồi đá đồ người ta. Hành động này không có văn minh. Không có nét cao đẹp của những cán bộ để noi gương cho dân làm theo…", anh Long nói.
Báo Tuổi Trẻ xác nhận với chánh văn phòng UBND xã Quảng Điền, người đàn ông mặc áo trắng đá thúng hàng trong video clip là trưởng công an xã Lê Tấn Thịnh.
Ông Phạm Quang Hùng, chánh văn phòng nói với báo này rằng, "Đây chỉ là hành động bộc phát do việc xử lý việc lấn chiếm lòng lề đường khu vực chợ Quảng Điền nhiều lần nhưng người dân tái phạm, có lời nói thách thức".
Tuy nhiên ông Hùng có thừa nhận hành động của ông Thịnh là "phản cảm".
Ông Lê Tấn Thịnh, trưởng công an xã Quảng Điền thừa nhận mình là người đá thúng hàng
Một cán bộ ngành công an ở huyện Krông Ana nói với BBC rằng, tình thế này là tiến thoái lưỡng nan.
"Người dân thì cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Còn hành động của cán bộ đó là vì trách nhiệm. Tuy nhiên hành động đó là phản cảm, không đúng chuẩn mực.
"Theo chính sách pháp luật là phải tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở người ta trước. Nhưng nhiều lần người ta không chấp hành thì phải cưỡng chế.
Theo báo Tuổi Trẻ, bà Giáo, một người bán cá đồng đánh bắt trên sông - người bị ông Thịnh đá thau cá thừa nhận lấn chiếm vỉa hè là sai.
"Tuy nhiên nếu ông Thịnh nhắc nhở, chúng tôi cũng sẽ dẹp vào trong. Ông bất ngờ đến đá thau cá, cái cân văng xa, tôi không kịp phản ứng" - bà Giáo nói với Tuổi Trẻ.
Theo bà Giáo, đây là "mùa nước lũ" trên sông Krông Ana nên người dân đi đánh bắt được con cá, con tôm thì đưa ra chợ bán.
"Không có chỗ bá trong chợ nên bà con mới lấn ra lòng, lề đường. Rất mong xã tạo một khoảng trống trong chợ để những người buôn bán nhỏ này không phải lấn chiếm lòng, lề đường", báo Tuổi Trể dẫn lời bà Giáo.
Viên cán bộ thì nói với BBC rằng :
"Có rất nhiều chỗ cho họ buôn bán nhưng tâm lý là cứ thích mặt tiền. Cán bộ đến nhắc nhở thì họ dẹp vô, nhưng cán bộ đi rồi thì họ lại kéo hàng ra, gây mất trật tự, ảnh hưởng an toàn giao thông".
****************
Dịch lở mồm-long móng bùng phát tại lò mổ heo (RFA, 04/10/2017)
Lãnh đạo Trạm Thú y huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh cho biết lò mổ Xuyên Á là nơi đang bùng phát dịch bệnh lở mồm long móng.
Hình minh họa. Một con bò bị lở mồm long móng đang nằm tại một trang trại ở tỉnh Al-Minufiyah, Ai Cập hôm 23/3/2012. AFP
Theo trạm Thú y này vào ngày 3 tháng 10 vừa tiến hành tiêu hủy hơn 1300 con heo bị chích thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á. Số heo này có những triệu chứng như sùi bọt mép, xuất hiện bọng nước ở miệng, lở loét móng, rơi móng…
Số lượng heo vừa bị tiêu hủy nằm trong tổng số gần 4000 con của 13 thương lái bị phát hiện chích thuốc an thần chờ giết mổ ở lò mổ Xuyên Á.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Vĩnh Tuyến vào ngày 2 tháng 10 yêu cầu phải tiêu hủy toàn bộ số heo vừa nêu, đồng thời xử phạt và tạm ngưng hoạt động của lò mổ Xuyên Á.
Đối với vụ việc bơm thuốc an thần cho heo trước khi đưa đi giết mổ để cung cấp cho thị trường, giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 3 tháng 10 cho rằng đó là tội ác.
Cơ quan chức năng Thú Y thành phố này đã đình chỉ chức vụ gần 20 người liên quan.
****************
80% sân bay Việt Nam hoạt động dưới 5% công suất (RFA, 04/10/2017)
80% các sân bay Việt Nam hoạt động với công suất thấp hơn 5%, trong đó có đến 8% các sân bay làm ăn thua lỗ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có các cụm cảng biển đầu tư nhiều nhưng công suất sử dụng dưới 2%.
Hành khách đang làm thủ tục lên máy bay ở sân bay Nội Bài, Hà Nội hôm 11/11/2014 - AFP
Đó là các số liệu được đưa ra tại buổi Công bố Báo cáo đánh giá chi tiêu công tại Việt Nam, diễn ra vào sáng ngày 3 tháng 10.
Chuyên gia giao thông cao cấp của Ngân hàng Thế giới-World Bank, bà Jung Euth Oh chỉ ra rằng Việt Nam sẽ có hệ thống cảng nước sâu và hệ thống sân bay nhiều nhất thế giới so với quy mô của nền kinh tế, trong trường hợp bao gồm tất cả các dự án sân bay và cảng nước sâu được phê duyệt.
Tuy nhiên dựa theo các số liệu báo cáo, bà Oh cho là hiệu quả đầu tư trong lãnh vực này không đạt yêu cầu, chưa kết nối tốt với hệ thống giao thông nội địa cũng như ngân sách cho duy tu bảo dưỡng còn thấp. Đặc biệt, quỹ bảo trì đường bộ chỉ đạt 50% yêu cầu cần thiết.
Báo cáo cũng cho biết chi tiêu giao thông của Việt Nam chiếm 23% chi tiêu của Chính phủ, chiếm 8% ngân sách và tổng nhu cầu đầu tư cho giao thông của Việt Nam là 8 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Ngân hàng Thế giới đề nghị Việt Nam trong thời gian tới cần đầu tư vốn cho các lĩnh vực giao thông có chiến lược, đặc biệt là đầu tư công.
Một dự án đang được dư luận quan tâm là kế hoạch xây dựng Sân Bay Long Thành. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là việc làm không cần thiết, vì nếu mở rộng Sân Bay Tân Sơn Nhất hiện nay vẫn có thể đáp ứng nhu cầu.