Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/10/2017

Sống với xác heo phân hủy, rừng thông biến mất giữa ban ngày

Người Việt

Dân Hóc Môn sống chung với mùi của hàng ngàn xác heo đang phân hủy (Người Việt, 07/10/2017)

Cùng với việc tiêu hủy hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần tại nhà máy chế biến rác thải nguy hại ở khu Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, thì người dân sống xung quanh nhà máy này phải mất ăn mất ngủ vì mùi xác heo chết đang phân hủy.

heo1

Nhân viên bãi rác Đông Thạnh phun thuốc khử trùng heo chết. Công nhân phải đeo đồ bảo hộ, mặt nạ để phòng độc trong quá trình vận chuyển heo chết vào lò đốt. (Hình : Báo Người Lao Động)

Sáng 6 Tháng Mười, hàng chục nhà dân ở đường Đặng Thúc Vịnh, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, Sài Gòn, bực tức vì mùi hôi nồng nặc từ hướng nhà máy chế biến rác thải nguy hại khu vực bãi rác Đông Thạnh cũ, kể từ khi nơi này tiếp nhận và tiêu hủy 3,750 con heo bị tiêm thuốc an thần.

Mùi hôi cũng theo hướng gió lan qua khu vực xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, khiến người dân mất ăn mất ngủ, theo báo Người Lao Động.

Bà Võ Thị Tuyết Hồng, ngụ ấp 3, xã Đông Thạnh, cho biết mùi hôi bắt đầu phát sinh từ ngày 4 Tháng Mười. Ban đầu bà tưởng là mùi chuột chết nên tìm trong nhà nhưng không thấy. Khi hỏi các nhà bên cạnh thì mọi người đều cho biết ngửi thấy mùi thối rất khó chịu. Sau đó, mọi người mới biết mùi hôi trên xuất phát từ khu vực bãi rác Đông Thạnh.

"Mỗi lần mùi hôi xuất hiện kéo dài khoảng 2-3 giờ. Không chỉ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, mà ngay cả xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, người dân cũng ngửi thấy mùi khó chịu này. Đặc biệt, khi trời mưa, mùi hôi khiến nhiều người mắc ói, mọi người rất lo sợ để lâu sẽ nguy hiểm đến sức khỏe", bà nói.

Còn bà Trần Thị Mai, ngụ đường Hà Duy Phiên, xã Bình Mỹ, lo lắng nói : "Tôi xem trên báo đài, nhà máy nói phải mất nửa tháng nữa mới tiêu hủy xong số heo tiêm thuốc an thần. Như vậy, chúng tôi phải chịu mùi hôi đến hết thời gian đó hay sao".

Nói với báo Người Lao Động, ông Cao Văn Tuấn, trưởng Phòng Kiểm Tra Chất Lượng, Công Ty Môi Trường Đô Thị Sài Gòn, thừa nhận dù đã xịt hóa chất khử mùi nhưng mùi hôi vẫn xuất hiện khi đưa xác heo vào bao nylon trước lúc khử trùng và cấp đông.

"Những ngày sau đó, lượng heo chuyển về nhà máy đang trong quá trình phân hủy nên mùi hôi nặng hơn", ông nói.

Ông Tuấn cho biết thêm, do công suất nhà máy chế biến hiện nay chỉ thiêu được 180 đến 250 con heo/ngày nên phải mất 10 đến 12 ngày nữa mới tiêu hủy hết. (Tr.N)

********************

Rừng thông ở Huế ‘biến mất’ giữa ban ngày (Người Việt, 07/10/2017)

Khu rừng thông đặc dụng với hơn 250 cây trên 30 tuổi ở giữa thành phố Huế bị chặt hạ trái phép, tẩu tán trong nhiều ngày liền nhưng hơn 10 ngày sau chính quyền mới phát hiện.

heo2

Những cây thông trên 30 năm tuổi đã bị đốn hạ giữa ban ngày. (Hình : Báo Người Lao Động)

Sáng 7 Tháng Mười, nói với báo Người Lao Động, ông Lê Viết Ngọc Vinh, hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết nơi này đang điều tra làm rõ vụ phá rừng thông đặc dụng trái phép với diện tích hơn 2,800 mét vuông xảy ra tại phường An Tây, thành phố Huế.

Trước đó, vào cuối Tháng Tám, qua kiểm tra việc giữ rừng và sử dụng đất lâm nghiệp ở phường An Tây, đoàn kiểm tra liên ngành Huế "tá hỏa" khi phát hiện rừng thông đặc dụng nêu trên bị chặt hạ đến 254 cây qua nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó có 170 gốc "dấu vết còn khá mới".

Đây là khu rừng thông đặc dụng được trồng khoảng từ năm 1986 đến 1989, có đường kính từ 20 đến 25 cm và do ủy ban phường An Tây quản trị.

Theo đoàn kiểm tra, vào thời điểm phát hiện rừng bị chặt, tại hiện trường chỉ thấy có gốc và nhánh lá cây còn thân cây đã bị di chuyển đi hết. Vì vậy, đoàn kiểm tra nhận định rừng đã bị chặt trước đó từ 10 đến 15 ngày.

Có mặt tại hiện trường vụ phá rừng thông đặc dụng, ghi nhận của phóng viên báo Người Lao Động cho thấy đây là khu vực rừng không nằm xa khu dân cư, xung quanh khu vực này có nhiều nhà dân và chùa chiền.

Tại đây, một diện tích rừng bị phá trụi không còn một cây xanh, chỉ còn nhiều gốc cây thông nằm san sát trên mặt đất. Quanh đó, nhiều cành, lá thông đã khô, khiến khu vực đồi cao này trở nên trống trải hơn.

Một số hộ dân tại đây cho biết, việc chặt hạ khu rừng thông này kéo dài gần một tuần lễ, diễn ra giữa ban ngày, gỗ thông cũng được chở đi công khai nhưng chẳng thấy ai ngăn chận.

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Phương Mai, chủ tịch phường An Tây, cho rằng nguyên nhân vụ việc phát hiện chậm là do diện tích đất tự nhiên rộng, lực lượng quản lý đô thị chỉ hai người nhưng lại nhiều việc. Vụ phá rừng diễn ra phức tạp, thực hiện vào ban đêm và các ngày nghỉ, xa khu dân cư, khuất tầm nhìn và ít người qua lại…

"Người dân họ thấy nhưng cứ nghĩ do chính quyền khai thác nên không trình báo. Trong khi cán bộ của chúng tôi lại mỏng nên không thể nắm hết. Chúng tôi cho rằng đây là vụ phá rừng để lấn chiếm đất trồng cây", bà phân trần.

Dù sự việc đã xảy ra gần hai tháng qua, nhiều người chứng kiến nhưng đến nay, theo lãnh đạo phường An Tây thì "vẫn chưa tìm ra thủ phạm". (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 694 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)