Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/10/2017

Nồi thuốc nổ Đồng Tâm được châm ngòi trở lại

RFA tiếng Việt

Đồng Tâm còn căng thẳng sau thư kêu gọi tự thú ? (BBC, 16/10/2017)

Một người dân liên quan "điểm nóng Đồng Tâm" không đồng tình về lá thư kêu gọi tự thú và đầu thú của công an Thành phố Hà Nội.

dt1

Đồng Tâm còn căng thẳng sau thư kêu gọi tự thú

Nội dung thư được đọc từ ngày 11/10, trên loa phát thanh của xã Đồng Tâm, kêu gọi đầu thú với những người "tham gia việc bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" xảy ra từ 15 đến 22/4 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội, theo báo chí Việt Nam.

Theo báo Công an Nhân dân điện tử, lá thư có một số nội dung như sau :

"Trong cuộc sống, đôi khi vì sai lầm trong nhận thức, hành động có thể làm cho cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thậm chí phạm tội. Điều đáng tiếc, không mong muốn đó ảnh hưởng tiêu cực cho người thực hiện hành vi, gia đình họ và cho xã hội".

"Đối mặt với tình huống này, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cần phải làm gì để được hưởng lượng khoan hồng, giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý với cá nhân mình ?"

Lá thư đề nghị "các cá nhân đã tham gia vụ án hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, bắt, giam hoặc giữ người trái pháp luật trên địa bàn thôn Hoành từ ngày 15 đến ngày 22/4 hãy dũng cảm, đối mặt với sự thật, nhanh chóng đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội, VKSND Hà Nội hoặc chính quyền, cơ quan công an gần nhất để tự thú, đầu thú, khai báo, góp phần khắc phục hậu quả đã gây ra".

dt2

Nhân dân Đồng Tâm lập chướng ngại chặn ngã vào làng - Hình chụp ngày 20/4/2017

Từ Đồng Tâm, ông Lê Đình Công nói với BBC qua điện thoại hôm 16/10 : "Đầu thú là phải phạm tội. Phải có lệnh truy nã mới kêu gọi ra đầu thú. Đây người dân vẫn ở nhà làm ăn bình thường, có gì đâu mà ra đầu thú ?"

"Về mọi sự việc đã xảy ra, nếu công an không về đánh người, bắt người thì sẽ không có chuyện bắt giữ 38 công an đấy. Những người đánh dân thì họ hoàn toàn không đả động đến".

"Họ xử lý cái kiểu đầu không làm, lại làm từ đuôi lên. Người dân không thể chấp nhận !"

Ông Công nói thêm : "Người dân Đồng Tâm giờ chỉ muốn chính quyền thực hiện hai điều sau :

"Thứ nhất, là phải giải quyết đất đai rõ ràng, rằng đó là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, và tiến hành ra quyết định thu hồi đất đúng quy trình.

Thứ hai, là vụ việc xảy ra hôm 15/4, công an về bắt người trái pháp luật, đánh cụ Kình, người có 56 tuổi Đảng. Công an phải làm rõ những người đánh cụ Kình".

"Như vậy người dân mới tâm phục khẩu phục", ông Công khẳng định.

Ông Lê Đình Công là con trai cả của cụ Lê Đình Kình, đại diện cho dân làng trong tổ Đồng thuận - tổ đại diện bà con gửi đơn thư khiếu tố các vấn đề sai phạm trong quản lý đất đai tại địa phương và vi phạm pháp luật của cán bộ, cá nhân lãnh đạo xã Đồng Tâm.

friend/">dt3

Nhân dân Đồng Tâm đón chào chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đền đối thoại với người dân

Cán bộ, chiến sĩ được dân xã Đồng Tâm thả ngày 22/4 sau khi chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại với người dân.

Khi đó, ông Chung cũng cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân thôn Hoành trong vụ việc này.

Đến ngày 13/6, công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự liên quan việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành để điều tra về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và sự việc đập phá gây hư hỏng một số ô tô để điều tra về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Theo ông Công, kể từ khi có quyết định khởi tố từ 13/6, chính quyền địa phương đã tuyên truyền kêu gọi người dân ra đầu thú. Vào cuối tháng Chín, một số người dân nhận được giấy triệu tập và đến ủy ban xã làm việc, nhưng "chính quyền xã hoàn toàn đóng cửa".

Từ khi có kết luận thanh tra, người dân Đồng Tâm cũng đã nhiều lần gửi đơn đến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước và Quốc hội nhưng "vẫn thấy im hơi lặng tiếng", theo ông Công.

Hơn nhiều tháng nay, người dân Đồng Tâm vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc họp nội bộ hàng tuần, được chia sẻ trực tuyến qua mạng xã hội, nếu rõ quan điểm bức xúc của người dân. Khi được hỏi có đại diện chính quyền xuống làm việc với người dân hay không, thì ông Công nói chưa có ai.

Trao đổi với BBC hôm 16/10, một trong những luật sư tư vấn cho người dân Đồng Tâm là luật sư Trần Vũ Hải cho biết ông không rõ lý do vì sao chính quyền Hà Nội quyết tâm kêu gọi người dân ra đầu thú.

'Tuyên truyền, vận động'

dt4

Cán bộ, chiến sĩ được thả ngày 22/4/2017

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Điều tra viên cao cấp của cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội cho báo Người Đưa Tin biết hôm 16/10 : "Vụ Đồng Tâm xảy ra có dấu hiệu của tội phạm và cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án rồi. Phải xác định ở đây có sự việc phạm tội và do rất nhiều người tham gia".

"Tuy nhiên, cũng nhất quán ngay từ đầu về chỉ đạo của thành phố là lấy tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con là chính, để chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật".

Ông Hùng nói : "Với những người đã trót có hành vi có dấu hiệu của tội phạm thì quan điểm chung của lãnh đạo thành phố cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật là trong quá trình xem xét, xử lý sẽ chú ý thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Thực hiện chỉ đạo ấy, cơ quan điều tra kêu gọi những người có hành vi vi phạm pháp luật ra tự thú, đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng".

"Đây là những người thiếu hiểu biết pháp luật, do bị kích động nên đã có hành vi vi phạm. Nếu đã lỡ vi phạm pháp luật, về nguyên tắc thì phải xử lý, nhưng trong việc xử lý thì vấn đề khoan hồng đối với bà con, đối với những người vi phạm sẽ được hết sức quan tâm", ông Hùng nói thêm.

*******************

Dân Đồng Tâm thêm bức xúc trước kêu gọi đầu thú (RFA, 14/10/2017)

Ngày 13/10 vừa qua, Cơ quan An ninh Điều tra Công an Hà Nội và Viện kiểm sát Nhân dân Hà Nội có thư kêu gọi ra đầu thú đối với số người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội mà cơ quan chức năng cho là liên quan vụ bị nói ‘bắt giữ người trái luật cũng như hủy hoại công sản’ tại thôn Hoành hồi tháng 4 vừa qua.

dongtam1

Cảnh sát cơ động được người dân thả ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP

Người dân phản ứng như thế nào với lời kêu gọi này và vì sao vụ việc xảy ra bấy lâu nay nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng ?

Quyết không đầu thú !

Nội dung bức thư kêu gọi đầu thú gửi cho người dân Đồng Tâm nói rõ rằng trong cuộc sống đôi khi vì sai lầm trong nhận thức mà người ta có thể hành động sai pháp luật. Tuy nhiên chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại". Vì thế, cơ quan chức năng đề nghị những cá nhân đã tham gia vụ phá hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, bắt giam người trái luật tại thôn Hoành từ ngày 15 đến ngày 22/4 hãy dũng cảm, đối mặt với sự thật và ra đầu thú.

Đài RFA đã trao đổi với một người dân làng là cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, một trong những người bị công an Hà Nội bắt giữ vào tháng 4 vừa qua. Cụ Kình xác minh chuyện chính quyền gửi giấy kêu gọi dân đầu thú và nói thêm rằng suốt hai ngày nay chính quyền cũng nói trên loa yêu cầu dân đầu thú. Cụ cho biết người dân không cảm thấy hoang mang, lo sợ khi nhận được giấy này mà thay vào đó họ cảm thấy bức xúc :

Đi đến đâu cũng thấy người bất bình với cách làm việc của chính quyền từ trên thành phố cho đến huyện Mỹ Đức và xã Đồng Tâm. Chứ sợ hay dao động thì người ta không sợ. Nhiều người tuyên bố rằng sẵn sàng hi sinh.

Cụ Kình khẳng định người dân sẽ không nghe theo kêu gọi mới nhất mà cơ quan chức năng đưa ra :

Dân người ta yêu cầu đối thoại, chứ không phải cứ bắt người ta ra đầu thú. Người ta có tội gì mà đầu thú ? Người có tội bây giờ là Chủ tịch xã Đồng Tâm, Ủy ban và Huyện ủy Mỹ Đức và một bộ phận cán bộ trên thành phố trong đó có ông Nguyễn Đức Chung.

Cụ cho biết hiện tại người dân bức xúc vì hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là bản thân cụ bị thương trong quá trình công an bắt giữ nhưng sau đó không cơ quan chính quyền nào hỏi han hay chịu trách nhiệm. Nguyên nhân thứ hai cụ cho biết :

Ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói hai lần tại buổi tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng là phải thượng tôn pháp luật. Cái gì của dân thì giao trả dân, cái gì của Nhà nước thì giao cho Nhà nước quản lý nhưng phải xử lý cán bộ sai phạm trước mới xử lý dân sau. Nhưng bây giờ cán bộ sai phạm là những người tự nhiên bắt cóc dân, đánh người gây thương tích thì không hỏi han gì đến, mà cứ hỏi đến người dân là những người sử dụng quyền tự vệ.

Tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với cử tri Hải Phòng rằng vụ việc Đồng Tâm phải xử quan trước rồi mới xử dân sau.

RFA cũng trao đổi vấn đề này với luật sư Hà Huy Sơn, đoàn luật sư Hà Nội, người từng tham gia bào chữa nhiều vụ án đất đai cho dân oan. Theo ông một khi vụ việc tại xã Đồng Tâm đã bị khởi tố thì công an điều tra và Viện kiểm sát có quyền yêu cầu người dân đầu thú. Tuy nhiên việc người dân có ra đầu thú hay không là quyền của họ :

Người ta không có tội thì không đầu thú còn nếu sau này tòa án xét xử và thấy một người nào đó có tội mà không ra đầu thú thì họ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Trong bức thư kêu gọi đầu thú của chính quyền cũng nói rõ rằng cơ quan điều tra và Viện kiểm sát Nhân dân Hà Nội sẽ không bắt, giam giữ người tự thú, đầu thú và đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của họ.

Khoảng hai tháng trở lại đây, chính quyền Hà Nội cũng liên tục gửi giấy triệu tập cho hàng trăm người dân, nội dung là để làm việc liên quan đến vụ phá hoại tài sản và bắt người trái pháp luật. Tuy nhiên theo cụ Kình thì người dân nói rằng họ không đi đâu hết, trừ khi chính quyền về tại địa phương thì họ mới đồng ý làm việc. Sau đó, Hà Nội cử người về địa phương và khoảng chục người dân đại diện ra làm việc trong đó có cụ Kình. Tuy nhiên, phần lớn người dân sau khi gặp chính quyền lại từ chối nói chuyện vì họ cho rằng công an làm việc với họ nhưng chỉ có hai người mặc sắc phục còn lại là mặc thường phục. Họ nói như vậy là trái pháp luật. Họ sợ rằng những người mặc thường phục là xã hội đen, sẽ đàn áp người dân và sau này chính quyền sẽ chối cãi rằng đó không phải là công an.

Cụ Kình là một trong vài người chịu ngồi lại làm việc. Trên mạng xã hội lan truyền một đoạn video có cảnh cụ Kình ngồi làm việc với hai công an. Cụ thẳng thắn lên án sự vô trách nhiệm của chính quyền địa phương khi phó mặc cho cấp trên giải quyết. Cụ Kình nói lại với chúng tôi :

Chỉ có công an trên thành phố về chứ huyện không có ai. Đặc biệt là UBND xã Đồng Tâm trong đó Chủ tịch và Phó Chủ tịch đều không có mặt trong buổi làm việc. UBND xã Đồng Tâm thuộc địa giới quản lý nhưng họ không hợp tác với cấp trên mà phó mặc cho thành phố muốn làm ngược làm xuôi gì thì làm.

Lòng dân không yên

Mâu thuẫn đất đai giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền đã diễn ra mấy năm nay. Vụ việc người dân bắt giữ 38 cán bộ hồi tháng 4 vừa qua được xem là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng. Kể từ đó đến nay đã nửa năm trôi qua, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đang theo như nguyện vọng mà người dân cho là chính đáng.

Chúng tôi nêu vấn đề với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự ở Hà Nội và cũng là người theo dõi vụ việc Đồng Tâm ngay từ những ngày đầu. Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng lòng dân vẫn chưa yên là do cách giải quyết và hành xử của các cơ quan chức năng :

Một mặt ông Nguyễn Đức Chung đã đến tận nơi ký vào bản cam kết với dân nhưng bây giờ công an Hà Nội lại vẽ ra trò như vậy [yêu cầu dân đầu thú], thì hỏi làm sao người dân yên tâm được ?

Trong khi đó việc những kẻ lừa cụ Kình ra ngoài đồng, rồi đánh cụ ấy gãy chân, quăng cụ ấy lên xe chở về đồn công an chứ không đưa đi cấp cứu là những kẻ có tên, hình ảnh rõ ràng thì chẳng thấy chính quyền trừng trị gì cả.

Trong khi đó, chính việc bắt cụ Kình và đòi thu đất của dân là nguyên nhân gây ra việc dân bắt giữ 38 cảnh sát, những người thực chất đến để đàn áp người dân.

Ông nhận định rằng những kẻ gây ra tội ác thì vẫn nhởn nhơ, còn người dân tự vệ để bảo vệ quyền lợi của mình thì bị đem ra xử. Khi xử không được lại kêu gọi đầu thú. Ông gọi đây là một "trò cười".

Ngày 22/4 vừa qua, khi người dân Đồng Tâm vẫn còn giam giữ 38 cán bộ và cảnh sát, ông Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến làm việc với dân và viết một bản cam kết với ba nội dung chính. Thứ nhất là cam kết sẽ đưa thanh tra tới phân định rõ khu đất Đồng Sênh để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Thứ hai là cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể dân Đồng Tâm. Và thứ ba là cam kết điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên đến tháng 6, công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án ở Đồng Tâm, trái với lời hứa của ông Chủ tịch Thành phố.

Sau đó, kết luận thanh tra đất đai được công bố, nói rằng đó là đất quốc phòng chứ không phải đất nông nghiệp của người dân.

Vụ việc gây thương tích cho cụ Kình thì đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Luật sư Hà Huy Sơn nhận định rằng vụ việc ở Đồng Tâm như một bức tranh thu nhỏ của cả nước. Ông cho rằng luật đất đai hiện hành là một bất công lớn ảnh hưởng đến người nông dân, gây ra sự bất mãn trong xã hội.

Về vụ việc ở Đồng Tâm, ông nhận xét là có phần lỗi của cơ quan chức năng :

Người dân thì không hiểu biết gì nhiều. Người ta chỉ thấy ai có cương vị, chức vụ, quyền hạn mà không cần biết họ là bên tư pháp hay hành pháp và người ta coi đó là tiếng nói của pháp luật.

Trong sự việc này có sự bất nhất từ khi ông chủ tịch Nguyễn Đức Chung về tuyên bố rằng không khởi tố người dân thì dân hiểu rằng không có chuyện gì nữa. Nhưng nay cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát lại chiếu theo quy định của pháp luật lại khởi tố vụ án.

Tôi cho rằng trách nhiệm cuối cùng vẫn là cơ quan Đảng. Tại vì trong hiến pháp điều 4 nói rằng Đảng lãnh đạo tất cả mà lại để cho cơ quan hành pháp là ông Chung nói như vậy, còn cơ quan tư pháp lại nói khác đi.

Cụ Kình cho biết mong muốn của người dân bây giờ là Thanh tra Chính phủ sẽ về đối thoại với dân và cùng với dân đo đạc lại khu đất tranh chấp bấy lâu nay.

Đài Á Châu Tự do đã liên hệ với đại diện chính quyền huyện và xã Đồng Tâm để tìm hiểu thông tin nhưng họ đều từ chối trả lời.

Vụ tranh chấp đất đai giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền xảy ra đã lâu trên một khu đất có diện tích 106 ha. Người dân thì nói chỉ có 47,6 ha trong số này là đất quốc phòng còn lại là đất nông nghiệp của họ. Nhưng chính quyền lại phản đối nói rằng cả khu đất tranh chấp là đất quốc phòng và muốn thu hồi lại giao cho tập đoàn Viettel. Tháng 4 vừa qua, công an Hà Nội đã bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm trong đó có cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi bị thương nặng trong quá trình bắt giữ. Người dân phẫn nộ với việc làm này của chính quyền nên họ đã giam 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin.

Lan Hương

*********************

Đừng thắng dân (RFA, 14/10/2017)

dongtam2

Công an Hà Nội vừa phát "thư kêu gọi" dân thôn Hoành, Đồng Tâm đầu thú. Theo nội dung thư, cảnh sát điều tra đã yêu cầu các công dân tham gia vụ "bắt, giam giữ người trái pháp luật và huỷ hoại tài sản" phải ra "đầu thú, khai báo, khắc phục hậu quả".

Vụ Đồng Tâm, càng có vẻ như chính quyền và tướng Chung đang quyết thắng.

Nếu chọn cách thua, hình ảnh và sự nghiệp chính trị của Nguyễn Đức Chung sẽ đẹp hơn.

Tiếc. Một hình ảnh đẹp mà ông vừa gây dựng được bỗng chốc tiêu tan. Sẽ không còn những cái bắt tay thân thiện, không còn bất kỳ một bó hoa nào cho ông.

Thắng dân, tướng Chung sẽ để lại một vết nhơ khó bề gột rửa trong "hồ sơ chính trị" của mình.

Cái dại nhất của quan chức Cộng sản là luôn tìm cách thắng dân, thắng bằng mọi cách, dùng "nghiệp vụ" để thắng. Thắng dân là mất dân. Vậy mà họ lại cứ muốn đưa dân ra toà.

Giá như, chính quyền Hà Nội (và không chỉ Hà Nội) biết nhìn đấy như là một cơ hội quí để có thể tìm hướng gỡ ra các múi nút đất đai. Một khi, cứ lập án trên các vụ việc như Đồng Tâm, thì khả năng bùng cháy lên những cuộc "khởi nghĩa đất đai" là điều khó tránh.

Thật tình, tôi cứ tự hỏi mãi : Tại sao chính quyền Hà Nội lại đưa ra lời kêu gọi "đầu thú" đối với dân Đồng Tâm ? Ai đầu thú ai ? Các vụ án đất đai (nếu xem đó là án), thì chưa biết ai, bên nào mới là bị cáo, ai, bên nào mới là kẻ phải ra "đầu thú".

Xem dân như tội phạm, lập án gài dân, đánh dân có phải là thứ tư duy quản trị điều hành vừa kịp hình thành từ khi viên tướng Công an Nguyễn Đức Chung được thuyên chuyển sang ghế Chủ tịch Hà Nội, một bộ máy chính quyền bị Công an hóa ?

Đỗ Mười thay ! Hiện tượng "công an hoá" này, đang dẫn đến tình trạng chính quyền luôn tìm cách thắng dân, xem các cuộc đánh dân, bỏ tù dân là "những trận đánh đẹp".

Trương Duy Nhất

Quay lại trang chủ
Read 789 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)