Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/10/2017

Lũ lụt miền Trung, bài ca muôn thuở

RFA tiếng Việt

Năm nào đến mùa mưa thì miền Trung cũng rên xiết vì lũ lụt. Và có vẻ như năm sau nặng hơn năm trước bởi thủy điện ngày càng cũ kĩ và lưu lượng nước xả để giữ thân đập ngày càng lớn hơn. Năm nay không ngoại lệ, miền Trung và các vùng có thủy điện tại Việt Nam đã bắt đầu có người chết, người mất tích, người bị thương vì xả đập thủy điện. Trận lụt kinh hoàng bất ngờ xảy ra trên diện rộng từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình và một số tỉnh Bắc Bộ từ ngày 9 tháng 10 do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới đã có trên 50 người chết và mất tích.

lulut1

Khi cơn lũ đi qua - TTVN

Thủy điện không đảm bảo chất lượng

Ông Vọng, một người dân Nghệ An, sống trong vùng lũ và cũng là người từng tham gia dự án xây dựng thủy điện, chia sẻ :

"Nước mưa mà lâu nhiều ngày nếu không xả cống sẽ bị tràn lên trên kia người dân trên Quỳnh Thắng sẽ bị ngập. Do vậy người ở đây phải trực, nghe thời tiết, mưa nhiều là trên này xả trước. Khi mà mưa trên núi mưa to thì nước trên sông Vực Mấu rất lớn, thì mình phải xả, mà chưa bao giờ thủy điện Cửa Mấu này xả cả 5 cửa ở đập này cả, chỉ xả 3 cửa, 4 cửa thôi, nếu không rất nguy hiểm".

Ông Vọng chia sẻ thêm là theo kinh nghiệm của một người từng là kĩ sư tham gia xây dựng nhiều thủy điện tại miền Trung, có thể nói rằng mối nguy của thủy điện nói riêng và hầu hết các con đập chứa nước của miền Trung là quá lớn. Bởi thiết kế tốt nhưng xây dựng rất tệ, nạn rút ruột công trình ở hầu hết các thủy điện giống như những cái ngòi nổ giấu khéo trong các thân đê và mỗi con đập là một quả bom nước đang chờ nổ khi mùa mưa tới.

Ông Vọng nói thêm là nếu như phân tích về kĩ thuật để chứng minh rằng các thân đê, thân đập bị rút ruột thì sẽ rất khó, bởi kiểu giải trình con gà con kê con dê con ngỗng của các chuyên gia Việt Nam nhằm giấu tội hoặc nhận phong bì sẽ không bao giờ cho ra sự thật được. Nhưng nhìn vào thực tế sẽ thấy ngay vấn đề của các con đập Việt Nam hiện nay.

Lấy ví dụ trận mưa lũ gần đây nhất gây chết hơn 50 người hôm ngày 9 đến 11 tháng 10 năm 2017. Mưa lớn nhưng chưa quá lớn để gây vỡ đập, vì hầu hết nước chứa ở các đập vẫn còn trong cao trình an toàn. Ví dụ như cao trình đập cho phép chứa nước lên 20 mét thì hầu hết các đập đều chỉ mới chứa ở mức 14 mét hoặc 15 mét thì đã báo động đỏ, xả ào ạt để cứu đập. Vì nếu không xả, đập sẽ vỡ. Điều này cho thấy các thân đập, các con đê không đảm bảo an toàn, bởi khi xây dựng, người ta chưa bao giờ làm đúng qui trình kĩ thuật và luôn rút ngắn thời gian để đạt chỉ tiêu thi đua.

Bên cạnh đó, ví dụ như một cột bê tông cần có 10 cây sắt phi 20 của Úc chẳng hạn, thì người ta sẽ khéo léo dùng 5 cây sắt loại này, nếu tử tế hoặc có người quan sát thì cộng thêm 5 cây của Trung Quốc, nếu không có người quan sát thì chơi luôn 10 cây sắt Trung Quốc hoặc chêm vài cây tre, rút bớt một số sắt bán để ăn nhậu.

Mối nguy thủy điện hay đập chứa nước của Việt Nam đến từ nhiều nguồn, nhiều cấp, từ cấp cao nhất đến người lao động, nhà đầu tư thì ăn theo kiểu nhà đầu tư, khai thác gỗ lòng hồ vô tội vạ, khai thác đến cả những vùng đệm, chỉ cần có phong bì là không ai hỏi han gì. Anh kĩ sư thì làm xiếc các công trình để rút nhỏ chi phí, anh công nhân thì làm phép từng cây sắt, từng bao xi măng. Một khi tất cả cùng gian lận, tùng xẻo thì chắc chắn mỗi con đập thủy điện sẽ thành một loại bom nước không hơn không kém !

Tài sản mất trắng vì lũ lụt

Một người dân Thanh Hóa tên Phụng, chia sẻ :

"Mất vài sào lúa, chỗ ni ngập lên ngập xuống, bị tắt giao thông, ngồi một chỗ. Nước bẩn vô giếng ô nhiễm hết rồi đó".

Theo ông Phụng, vấn đề mất tài sản, chết người do lũ lụt gây ra trong thời gian gần đây tăng cao và khó lường hơn những trận lụt thời chưa có thủy điện. Ông Phụng cho rằng trước khi các đập chứa mọc lên khắp nơi, thường thì mưa rất lớn, mưa kéo dài cả tuần đến mức lở núi mới có lụt lớn. Và thường thì người dân lúc đó mặc dù nhà cửa còn tuềnh toàng, chưa xây dựng như hiện tại nhưng bà con có đủ thời gian để chuẩn bị chạy lụt. Hiện tại thì khác, những cú xả đập như trời giáng làm cho người dân không kịp trở tay, không có đủ thời gian để thu dọn đồ đạt hay di chuyển.

Ông Phụng nhấn mạnh là hiện tại, không thể gọi là lụt như thời chưa có thủy điện mà phải nói là lũ lụt, các trận lũ kéo qua nhanh chóng, càn quét mọi thứ từ hoa màu, ruộng vườn cho đến heo gà, trâu bò, nhà cửa, thậm chí mạng người rồi sau đó để lại một khối tổn thất cho người dân. Nhà nước lại xuất gạo cứu trợ, người dân nơi khác lại quyên góp, cứu trợ… Năm nào cũng như năm nào, thủy điện xả đập gây lũ lụt hàng loạt nhưng giá điện người dân sử dụng vẫn cứ tăng vùn vụt, tăng đều, ngành điện vẫn cứ kêu than thua lỗ, thủy điện không có đền bù gì cho dân, cho dù đó là đền bù một lời xin lỗi.

Ông Phụng nói rằng với đà lũ lụt liên tục mỗi khi mùa mưa như vài năm trở lại đây, người dân chẳng được lợi ích gì từ thủy điện mà phải chịu thiệt hại nặng nề quá như vậy thì liệu nhà nước có nên cân nhắc để giảm bớt một số đập thủy điện. Vì có nó thì ngành điện vẫn cứ thua lỗ, có nó dân thêm khổ nên tốt hơn là không nên có nó !

Có thể nói rằng câu chuyện lũ lụt tại Việt Nam hiện nay là một câu chuyện đến hẹn lại lên, là bài ca muôn thuở. Một bài ca mà ngay cả những người làm từ thiện, làm cứu trợ cần mẫn nhất cũng hết muốn nghe khi ai đó mới xướng lên cái tên : Lũ lụt ; Vỡ đập ; Xả đập ; Sập cầu ; Nhà trôi ; Người chết… !

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Quay lại trang chủ
Read 730 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)