Phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái (Infonet, 17/10/2017)
Dưới đây là toàn văn Hướng dẫn khung của Ban Bí thư để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Ngày 3/10/2017, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thành viên Thường trực Ban Bí thư đã ký Quyết định số 99-QĐ/TW ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
_________
Hướng dẫn khung
để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng)
_________
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ (sau đây viết tắt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII), Ban Bí thư Trung ương Đảng hướng dẫn để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, cụ thể như sau :
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Nhằm thống nhất về nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện những nội dung, hình thức công khai để nhân dân biết, góp ý và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên ; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
- Việc phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ phải được tiến hành sâu rộng, thường xuyên, kiên trì, thiết thực, hiệu quả. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện, cầu thị lắng nghe ý kiến, chịu sự giám sát của nhân dân.
II. NỘI DUNG
1. Những nội dung, hình thức công khai để nhân dân biết và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng
1.1. Nội dung công khai
- Công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ; 19 điều quy định đảng viên không được làm ; các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI, khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp ; về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên ; các chủ trương, chính sách, quy chế, quy định để thể chế hoá, cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
- Kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra ; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân ; kết quả xử lý các vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được kết luận ; hoạt động và kết quả điều tra, truy tố, xét xử (trừ những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật).
- Nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân ; quy trình, thủ tục giải quyết công việc ; danh tính, chức vụ, quyền hạn, thông tin liên hệ, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc của tổ chức, công dân.
- Bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên ; bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định.
1.2. Hình thức công khai
Công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng ; cổng thông tin điện tử ; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị ; thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ ; thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội ; gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác.
1.3. Trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng
- Tuyên truyền, quán triệt để các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nắm rõ mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, xác định trách nhiệm và tự giác thực hiện. Vận động, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ về quyền, trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ; nhận diện đúng 27 biểu hiện và tích cực tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.
- Lãnh đạo, chỉ đạo việc công khai, minh bạch thông tin, phân công trách nhiệm, quy định rõ nội dung, hình thức, phạm vi, thời gian, địa điểm công khai để nhân dân dễ biết, dễ hiểu, dễ giám sát.
- Chống lợi dụng dân chủ để gây mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước.
2. Những nội dung, hình thức nhân dân góp ý và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng
2.1. Nội dung góp ý
a) Góp ý đối với cấp ủy, tổ chức đảng
- Việc triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
- Dự thảo các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn, quy chế, quy định... của Đảng để cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII ; dự thảo các văn bản pháp luật của Nhà nước để thể chế hóa nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
- Báo cáo kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của cấp ủy, tổ chức đảng.
- Mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đảng với nhân dân.
b) Góp ý đối với cán bộ, đảng viên
- Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên.
- Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền ; việc thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên.
- Trách nhiệm thực thi công vụ ; thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên ; mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân.
2.2. Hình thức góp ý
- Nhân dân trực tiếp gặp cấp ủy, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội để phản ánh ; thông qua hòm thư góp ý đặt công khai, hệ thống thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng ; tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng với nhân dân ; tiếp xúc cử tri ; gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác.
- Thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ; kiểm điểm hằng năm ; kiểm điểm tập thể cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII ; khi chuẩn bị làm quy trình đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu đề cử, ứng cử đối với cán bộ, đảng viên.
2.3. Trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng
- Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện để việc lấy và tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân được thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả, phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước.
- Các ý kiến góp ý đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thuộc cấp nào thì cấp đó có trách nhiệm tiếp nhận, tiếp thu, giải trình trực tiếp thông qua tiếp xúc, đối thoại hoặc bằng văn bản thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội. Các ý kiến chưa thể giải đáp được ngay thì ghi nhận, tiếp thu, xem xét và hẹn thời gian trả lời.
- Khi có ý kiến góp ý, cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm thực hiện các bước : Thông báo nội dung góp ý và yêu cầu tập thể, cá nhân được góp ý báo cáo, giải trình cụ thể về những nội dung được góp ý ; tổ chức xác minh làm rõ từng nội dung và kết luận cụ thể, xử lý nghiêm các khuyết điểm, sai phạm (nếu có) ; thông báo đến chủ thể góp ý về kết quả tiếp thu và xử lý ý kiến góp ý ; công khai nội dung tiếp thu ý kiến góp ý (nếu cần thiết).
3. Những nội dung, hình thức nhân dân giám sát và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng
3.1. Nội dung giám sát
a) Giám sát đối với cấp ủy, tổ chức đảng
- Việc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch, quy chế, quy định thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
- Việc lãnh đạo thực hành tiết kiệm ; phòng, chống tham nhũng, lãng phí ; công tác tổ chức, cán bộ ; công tác kiểm toán, kiểm tra, thanh tra ; hoạt động và kết quả điều tra, truy tố, xét xử (trừ những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật).
- Việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo ; giải quyết các điểm nóng, các vụ, việc bức xúc, nổi cộm tại địa phương, đơn vị, nhất là những vụ, việc nhân dân quan tâm.
- Việc khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm của cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
b) Giám sát đối với cán bộ, đảng viên
- Về 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên ; 19 điều quy định đảng viên không được làm ; trách nhiệm thực thi công vụ ; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Việc thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống ; không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên ; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu.
- Việc tiếp thu và khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
3.2. Hình thức giám sát
- Thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
- Thông qua gửi đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đến cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương ; qua phản ánh của các phương tiện truyền thông đại chúng ; qua phản ánh của người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
- Thông qua ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ nhân dân tự quản.
3.3. Trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng
- Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung, đối tượng được giám sát ; trao đổi những vấn đề liên quan theo đề nghị của chủ thể giám sát ; yêu cầu đối thoại để làm rõ nội dung kiến nghị giám sát khi cần thiết ; tổ chức thực hiện và trả lời kiến nghị giám sát bằng văn bản cho chủ thể giám sát.
- Lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, phản ánh, kiến nghị của nhân dân theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước.
- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ nhân dân tự quản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
- Khi có đơn, thư, ý kiến phản ánh của nhân dân, phương tiện truyền thông đại chúng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thuộc cấp nào quản lý thì cấp ủy, tổ chức đảng cấp đó có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý ; khẩn trương chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan giải quyết và có văn bản để trả lời chủ thể gửi đơn, thư, ý kiến phản ánh theo quy định.
- Kiên quyết xử lý người có hành vi cản trở hoạt động giám sát hoặc trả thù, trù dập người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện
- Hoàn thiện pháp luật về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ; hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử ; công tác phòng, chống tham nhũng.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động của Nhà nước trong việc thực hiện pháp luật liên quan đến đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ; giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri ; đôn đốc các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri và nhân dân.
- Tiếp tục đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, qua đó, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, những bức xúc của cử tri liên quan đến sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên, đại biểu Quốc hội để xem xét hoặc kiến nghị cơ quan chức năng xử lý và thông báo kết quả cho cử tri biết.
- Hoàn thiện quy định và thực hiện lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hoặc đột xuất khi thấy cần thiết đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Xây dựng cơ chế xem xét giải quyết những trường hợp có phản ánh của cử tri, nhân dân và dư luận liên quan đến những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
2. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính ; thực hiện đầy đủ nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ và phục vụ nhân dân của các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước ; đổi mới cách lấy ý kiến nhân dân, có cơ chế thích hợp để nhân dân hiến kế, bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình.
- Thực hiện nghiêm túc quy định người đứng đầu chính quyền, cơ quan các cấp tiếp công dân định kỳ, đột xuất theo Luật Tiếp công dân ; xây dựng cơ chế tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với người dân, doanh nghiệp ; quy định chế tài xử lý người đứng đầu nếu thực hiện không nghiêm túc.
- Ban hành cơ chế và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội ; bảo đảm nguồn lực cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
- Xây dựng và thực hiện quy định về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp ; có hình thức xử lý kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân có chỉ số hài lòng thấp.
3. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đảng đoàn các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện
- Tích cực tuyên truyền để nhân dân nắm rõ nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; nhận diện đúng 27 biểu hiện suy thoái, 19 điều quy định đảng viên không được làm và tích cực phản ánh, tố giác những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
- Tăng cường tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, những người có uy tín trong cộng đồng để nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội ; tích cực đôn đốc, theo dõi kết quả việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
- Nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, tập hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên, cử tri và nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên để phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền ; thông báo cho đoàn viên, hội viên và nhân dân biết về kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng.
- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ nhân dân tự quản ; nâng cao năng lực, trình độ cán bộ làm công tác mặt trận, đoàn thể.
4. Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn
- Lãnh đạo, chỉ đạo việc cụ thể hóa Hướng dẫn để tổ chức thực hiện, gắn với thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm và gương mẫu trong việc triển khai và tổ chức thực hiện Hướng dẫn.
- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện Hướng dẫn ; kịp thời khen thưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt ; chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chưa tốt. Định kỳ báo cáo Ban Bí thư tình hình, kết quả thực hiện Hướng dẫn (qua Ban Dân vận Trung ương).
5. Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, các ban đảng Trung ương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Hướng dẫn, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.
Hướng dẫn này được phổ biến đến chi bộ, công khai để nhân dân biết, ủng hộ và tích cực tham gia thực hiện".
P.V
*******************
Vấn đề là :
Chức vụ thật, bổng lộc thật, dùng bằng giả khó mà từ chức
VietnamNet, 17/10/2017
Trông cậy vào sự trung thực, tự giác của cán bộ sử dụng bằng giả nhưng chức vụ thật, quyền lực thật, bổng lộc thật, xem chừng chỉ là giấc mơ thôi.
Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội hôm 13/10, ông Trần Quang Cảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kêu gọi : Ai có bằng giả thì khẩn trương báo cáo Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, xin rút lui, thậm chí xin từ chức.
Như vậy, dư chấn từ tinh thần hội nghị Trung ương 6 đã lan truyền, tác động tích cực đến tổ chức đảng các cấp. Hà Nội công khai với dư luận là có nạn bằng giả trong nội bộ, đã có bằng chứng, nhưng trước tiên khuyến khích tinh thần trung thực, tự giác, tự soi, tự sửa.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Quang Cảnh
Dư luận phấn khởi, nhưng cũng không thể không hoài nghi. Người ta chờ xem, sau lời kêu gọi của ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, sẽ có ai "lỡ nhúng chàm" sử dụng bằng giả, tự giác khai báo với tổ chức, rồi tự xử.
Xem chừng rất khó, quá khó.
Chuyện cán bộ, đảng viên sử dụng bằng giả để tiến thân, tìm kiếm chức vụ thật, quyền lực thật, bổng lộc thật, lâu nay không còn là hiện tượng hy hữu, không chỉ ở Hà Nội.
Chuyện tổ chức đảng đề cao tinh thần phê bình, tự phê bình, tinh thần tự soi, tự sửa cũng đã từ lâu rồi. Nhưng nhìn lại, hầu như chưa có trường hợp nào chủ động, tự giác khai báo với tổ chức để được nhận hình thức kỷ luật.
Nhiều trường hợp, bị tố giác sử dụng bằng giả, chứng cứ rành rành, nhưng, hoặc tổ chức thấy "khó xác minh", bèn làm lơ, hoặc đối tượng tìm cách che chắn, quanh co, chối cãi. Không hiếm trường hợp, bằng chứng hai năm rõ mười, vẫn một mực kêu oan, chối tội.
Những người sử dụng bằng giả trong bộ máy Đảng, Nhà nước, về mặt đạo đức, là vô liêm sỉ, không hề biết xấu hổ. Về mặt pháp luật, họ bất chấp, dù biết sử dụng giấy tờ giả là vi phạm luật pháp. Về nghĩa vụ, trách nhiệm công chức, viên chức, với tinh thần đề cao tính trung thực, họ coi như không có khái niệm đó.
Người dám sử dụng bằng giả, dù leo lên vị trí cao đến đâu nữa, cũng không thể là người tử tế, thật khó là người tử tế. Lại nữa, những người sử dụng bằng giả để chui vào bộ máy Đảng, Nhà nước để tìm cách tiến thân, họ đều có động cơ và đường đi nước bước rõ ràng, họ không tiếc "đầu tư" để đạt mục đích. Khi có vị trí, họ tạo mối quan hệ, củng cố nhóm lợi ích, tiếp tục trèo lên vị trí cao hơn. Khi đó, thật khó "bóc mẽ" họ. Cũng không dễ gì kêu gọi họ tự giác khai báo, "xin rút lui", hay "xin từ chức".
Ngoài chuyện bằng giả, còn chuyện bằng thật nhưng học giả, kiến thức rởm. Trong cơ quan đảng, nhà nước có nhiều người có nhiều bằng đại học, bằng thạc sỹ, tiến sỹ, nhiều trường hợp trong số đó là bằng thật, học thật, năng lực thật. Nhưng không hiếm trường hợp, bằng thật nhưng học giả, học theo kiểu "đánh trống ghi tên", "học thầy thi tiệm", học hộ, thi thuê. Thành ra bằng cấp nhiều, bằng cấp cao nhưng kiến thức, năng lực không tương xứng. Những người như thế dễ mắc bệnh háo danh, ham hố quyền lực, hăng hái cổ xúy cho chủ nghĩa bằng cấp. Đồng thời họ tỏ ra kỳ thị nền giáo dục thực học thực tài, đố kỵ người tài, cản trở đổi mới, sáng tạo.
Thanh lọc đội ngũ cán bộ, đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp sử dụng bằng giả, khó, mà không khó. Khó, là dễ chịu áp lực và những mua chuộc vật chất. Không khó, vì từ lâu rồi, xã hội đã tỏ thái độ coi thường và căm ghét mấy người dùng bằng giả. Không khó, vì những người sử dụng bằng giả không có đồng môn, đồng khóa và dễ bị tố giác. Chỉ cần đến nơi cấp bằng, đối chiếu hồ sơ gốc, là giả thật rõ ràng.
Có bằng chứng rồi, ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nên, theo đúng quy trình, xử lý ngay. Trông cậy vào sự trung thực, tự giác của những cán bộ sử dụng bằng giả nhưng chức vụ thật, quyền lực thật, bổng lộc thật, xem chừng khó, nó như giấc mơ mà thôi.
Uông Ngọc Dậu
*******************
Chớ coi thường tham nhũng vặt
Blog Trần Quốc Vượng, 14/09/2017
Gần đây, hàng loạt vụ tham nhũng lớn bị phanh phui, chứng tỏ Đảng và Nhà nước ta có quyết tâm cao và không có vùng cấm cho tham nhũng. Nếu không đánh trống bỏ dùi mà đẩy tới, công cuộc chống tham nhũng sẽ thu được nhiều tín hiệu khả quan hơn.
Thời gian qua, những vụ án tham nhũng lớn thì lớn thật, đích đáng thì đích đáng thật nhưng xa quá, còn như tình trạng tham nhũng vặt vẫn tràn lan trong mọi ngõ ngách đời sống xã hội đang là nguyên nhân khiến nhân dân hao mòn niềm tin thì chưa xử lý được bao nhiêu.
Ngay tại Hà Nội, thỉnh thoảng lại có chuyện ăn tiền khi báo tử, chuyện phê duyệt đơn xin đi học, chuyện làm giả hồ sơ của người có công, chuyện kiếm chác từ các vụ trộm cắp hay tai nạn giao thông, chuyện găm hàng chục sổ đỏ của dân ở ủy ban …
Chớ coi thường tham nhũng vặt
Số liệu từ ba năm qua cho thấy mức độ tham nhũng liên quan tới các thủ tục hành chính, các dịch vụ y tế và giáo dục công vẫn không thuyên giảm. Thực tế vẫn còn tình trạng công an, quản lý thị trường, cán bộ cấp cơ sở đục khoét dân; hàng nghìn thủ tục hành chính không đáng có; vào bệnh viện là phải có phong bì… Chúng ta đã nói tới tình trạng này trong nhiều năm nay, nhưng dường như sự cải thiện chưa được nhiều. Thậm chí, so với năm 2013, tỉ lệ người dân cho rằng chính quyền địa phương không nghiêm túc trong chuyện chống tham nhũng còn có xu hướng tăng lên. Đi ngủ thì thôi, mở mắt ra là phải nghĩ đến lo lót. Để có lối ra vào cửa nhà mình, lên xe ra đường là phải gặp quản lý phường và công an. Đến công sở, thấp nhất là trụ sở công an hay UBND phường là phải có tiền thì mới đi đến nơi về đến chốn, giấy tờ không trục trặc. Đấy là dân thường, còn người làm ăn, doanh nghiệp thì lắm thứ còn khổ hơn. Xin một giấy phép xây dựng tốn hàng triệu đồng; một container hàng cần thông quan cũng hàng triệu đồng (tùy hàng), một xe ô tô cần đăng kiểm thì tốn vài trăm; con học trái tuyến hoặc không đủ điểm, vài trăm đến vài triệu, học xong muốn được đi làm ngay 100 triệu là ít… không có tiền không xong, mọi người đều hiểu thế. Tình trạng lo lót, biếu xén, tặng quà…đã và đang trở thành chuyện bình thường trong xã hội và đó chính là nguyên nhân gây bức xúc và xói mòn niềm tin của người dân với chính quyền. Một khi tham nhũng vặt được chấp nhận, được coi là hiển nhiên thì lúc đó, các lĩnh vực thiết yếu của một quốc gia như giáo dục, y tế, toà án, báo chí, công an v.v… sẽ bị điều khiển bởi phong bì. Lợi ích cá nhân bất chính dẫn tới buông xuôi trách nhiệm, chức năng xã hội của mình là điều tất yếu xảy ra.
Biết tác hại của tham nhũng vặt như thế nhưng không ai làm và nếu có thì người chống tham nhũng cũng cô độc. Tuc ngữ Việt Nam có câu “Chú khi ni, mi khi khác”, người ta ngại bị trả thù, bị ngược đãi vì không được bảo vệ. Phần lớn những người tham nhũng vặt không hề chịu một hậu quả nào, thậm chí ngược lại, họ còn coi số ít đồng nghiệp khước từ tham nhũng như những người gàn hay đạo đức giả. Bên cạnh đó, người dân sử dụng dịch vụ công thường cho đấy là chuyện vặt thời nào chả thế, hay không đủ dũng cảm để là người đầu tiên bước vào cuộc chiến chống tham nhũng vặt. Hai yếu tố trên tạo nên một vòng tròn khép kín. Người dân có tâm lý cam chịu vì họ nghĩ rằng cái vòng tròn khép kín này quá mạnh, họ lẻ loi và không thể nào phá được nó. Họ không tin là sẽ được bảo vệ nếu họ phá nó.
Thực tế từ các nước cho thấy, có thể có những vụ tham nhũng lớn nhưng chưa chắc đã có tham nhũng vặt. Ví như ở các nước châu Âu, thi thoảng chúng ta thấy cơ quan chức năng phát hiện ra một số vụ việc tham nhũng. Tuy nhiên, ở các nước đó hầu như không có tham nhũng vặt, không có chuyện chạy trường, chạy lớp, vào bệnh viện phải lo lót, phong bì cho bác sỹ… Một xã hội mà tham nhũng vặt trở thành cái lệ, trở thành văn hóa phong bì, văn hóa lo lót thì chắc chắn sẽ tạo ra cái nền cho các vụ tham nhũng lớn. Đã tham nhũng cái nhỏ khi có cơ hội thì chắc chắn sẽ tham nhũng lớn. Cái đáng lo ngại hơn là khi tham nhũng vặt trở thành hệ thống thì chắc chắn người khác bắt chước làm theo. Do đó cần phải có những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng tham nhũng vặt.
(Theo Đảng Cộng Sản)