Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/11/2017

Yêu cầu nhà nước đừng xen vào sinh hoạt văn hóa tư nhân

Tổng hợp

Bộ văn hóa hãy buông hoa hậu ra ! (Osin, 01/11/2017)

"Các công ty đứng ra tổ chức chỉ nhằm mục đích kiếm tiền mà không mấy tập trung đến mục đích cao cả là tôn vinh cái đẹp" - Thứ trưởng Vương Duy Biên nói đúng, vấn đề là tại sao Bộ Văn hóa không buông bàn tay lông lá đang nắm các hoa hậu ra.

hoahau1

Đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 diễn ra hoành tráng tại Nha Trang - Ảnh : Độc Lập

Thi thố nhan sắc là quyền của chị em, kiếm tiền là mục tiêu của các công ty. Bộ can thiệp vào quyền đi thi, là can thiệp vào quyền nhân thân của chị em, là không hiểu gì về các quyền ghi trong Hiến pháp vàvai trò quản lý của nhà nước.

Trừ khi vì mục đích kiếm tiền, phải tường thuật các cuộc thi hoa hậu để bán quảng cáo, những tờ báo tử tế và "dư luận" cũng không nên "bức xúc" trước nhan sắc của các cô gái được trao vương miện làm gì. Và ông Biên ạ, có "loạn tên gọi, loạn cả thương hiệu" hoa hậu thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến "cái đẹp" và nền văn hóa nước nhà. Việc của Bộ chỉ nên là chỉ điểm cho ngành thuế thu từ các cuộc thi cho đủ. Hoa hậu ấp, hoa hậu rú cũng mặc, miễn là chị em vui và ngân khố có thêm tiền.

Huy Đức

****************

Cấp phép hoa hậu - mở hay siết cũng là bộ cả ! (Lao Động, 01/11/2017)

"Các công ty đứng ra tổ chức chỉ nhằm mục đích kiếm tiền mà không mấy tập trung đến mục đích cao cả là tôn vinh cái đẹp. Cái đó giờ không chỉ là loạn tên gọi mà loạn cả thương hiệu nữa" - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Vương Duy Biên trao đổi như vậy với phóng viên Lao Động liên quan đến "loạn hoa hậu".

hoahau2

Thứ trưởng Vương Duy Biên nói đúng, nhưng cũng xin thưa rằng, tất cả những cuộc thi hoa hậu đều do Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cấp phép, dù công ty nào tổ chức, các cơ quan chuyên môn của bộ cũng có chỉ đạo, theo dõi, giám sát trong suốt quá trình triển khai. Cho nên để cho các cuộc thi hoa hậu biến thành hoạt động kiếm tiền và loạn lạc như vậy thì không thể không có trách nhiệm của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.

Thi hoa hậu là hoạt động tôn vinh cái đẹp của người phụ nữ, cũng là hoạt động giải trí, tăng thêm sự phong phú cho đời sống văn hóa của cộng đồng. Thi hoa hậu cũng xuất phát từ chính nhu cầu của đời sống, vì vậy Chính phủ có Nghị định 79/2012/NĐ-CP, trong đó có quy định về thi người đẹp và người mẫu. Quy định của pháp luật là để hoạt động thi hoa hậu có chất lượng, đảm bảo công bằng, phù hợp văn hóa dân tộc, trình độ văn minh của thế giới.

Cuộc thi nào cũng có thắng bại, có khen chê, thậm chí có bất bình, kiện cáo. Nhưng không thể để xảy ra tiêu cực, mua bán, không loại trừ còn có cả chuyện trao đổi không chỉ là tiền bạc. Để xảy ra tiêu cực thì không còn là tôn vinh nhan sắc và trí tuệ của phụ nữ nữa, ngược lại là xem thường phẩm giá của người phụ nữ. Một cuộc thi tổ chức không nghiêm túc, chất lượng chuyên môn không cao, để xảy ra những vi phạm quy định của pháp luật, thì nó sẽ làm cho hoạt động văn hóa này xuống cấp, công chúng phản đối.

Rất ủng hộ quan điểm của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch về việc siết chặt việc cấp phép tổ chức thi hoa hậu trong thời gian tới, nhưng siết như thế nào là vấn đề cần phải bàn. Việc cấp và không cấp phép có công bằng, khách quan hay không, có "tiêu cực phí" hay không ?

Thẩm định các tiêu chí để cấp một giấy phép tổ chức thi hoa hậu là cần thiết. Theo dõi, giám sát quá trình tổ chức cuộc thi còn cần thiết hơn. Các cuộc thi hoa hậu có chất lượng hay không, có để xảy ra tiêu cực mua bán hay không là trách nhiệm của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, không đổ cho ai được !

Lê Thanh Phong

Quay lại trang chủ
Read 546 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)