‘Lò chống tham nhũng’ của Việt Nam chưa cháy (VOA, 22/11/2017)
Một đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng vấn đề chống tham nhũng chưa bao giờ "nóng" như giai đoạn hiện nay.
Cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam là cuộc chiến trong nội bộ Đảng, theo nguyên cán bộ an ninh Đinh Đình Phú người tiên phong chống tham nhũng đất đai ở Hải Phòng.
Trong buổi thảo luận về dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi hôm 21/11 tại Hà Nội, đại biểu Nguyễn Chiến của Hà Nội được truyền thông trong nước trích lời nói "10 năm qua thi hành luật, giống như xây ‘lò’ nhưng ‘củi to, củi ướt’ chưa cháy được".
Phát biểu trong buổi thảo luận đóng góp ý kiến, đại biểu này nói "vậy sửa luật lần này phải gia cố để đảm bảo ‘củi to, củi nhỏ, củi ướt, củi khô’ đều phải cháy", theo trích dẫn của VietnamNet.
Việc ví von chiến dịch xử lý tham nhũng với chiếc lò đốt củi được bắt đầu từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông phát biểu tại phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng hồi cuối tháng 7 vừa qua. Câu nói nổi tiếng của ông "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy" đã được lan truyền trên truyền thông và mạng xã hội như một lời tuyên bố cho một chiến dịch chống tham nhũng do ông phát động.
Nhận định về hiệu quả của ‘lò xử lý tham nhũng’ này, cựu đại tá an ninh Đinh Đình Phú - một người mạnh mẽ lên tiếng chống tham nhũng ở Hải Phòng - nói điều quan trọng là phải xác định "ai là người nhóm lò".
"Vấn đề ai là người nhóm lò cho lửa hồng lên để củi cháy ?", theo ông Phú. "Người nhóm lò là quan trọng. Đối tượng tham nhũng là ai ? Đối tượng tham nhũng không phải là dân lành. (Người) đề ra chính sách và pháp luật cũng không phải dân lành. Ai xử được những người có chức có quyền tham nhũng ? Phải là Đảng".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch chống tham nhũng với phát ngôn nổi tiếng "lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy".
Nhưng ông Phú, người từng đứng ra đại diện nhân dân tố cáo các quan chức thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng, tự ý chia chác đất đai vô nguyên tắc, cho rằng "tham nhũng là những người có chức có quyền chứ không phải dân lành". Ông nhận định cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc chiến trong nội bộ Đảng.
Đặt ra câu hỏi trong buổi hội thảo của Quốc hội hôm 21/11 rằng "phải xác định ai có thể lấy được tiền bạc của Nhà nước ?" đại biểu Nguyễn Chiến tự trả lời "Đó là người có chức vụ, quyền hạn, được trực tiếp giao trách nhiệm quản lý tài sản, đó là những chủ thể đặc biệt".
Để cuộc chiến chống tham nhũng có hiệu quả, theo ông Phú - tác giả hồi ký "Cuộc chiến thầm lặng" - cần phải "kết hợp 3 mũi giác công". Đó là sự kết hợp của nhân dân, báo chí và đảng viên, theo người từng làm trong ngành an ninh quân đội Việt Nam.
Ông Phú đề xuất luật sửa đổi phải có những điều khoản xử lý những người bao che cho các hành vi tham nhũng đồng thời bảo vệ những người đứng ra chống tham nhũng cũng như khen thưởng cho những người này. "Phải bổ sung vào luật nếu không thì không ổn. Sẽ không ai giám làm, không ai giám chống (tham nhũng) cả".
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, các vụ tham nhũng năm nay gây thiệt hại trên 1.350 tỷ đồng. Số tiền này chưa bằng 1 nửa so với số tiền hơn 3.300 tỷ đồng mà cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc đã làm thất thoát. Vụ ‘bắt cóc’ cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh của mật vụ Việt Nam, theo cáo buộc của chính phủ Đức, được cho là nằm trong chiến dịch chống tham nhũng của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Trước đó ông Trọng từng nói sẽ bằng mọi giá mang ông Thanh về Việt Nam để xử lý.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ 27 biểu hiện tự diễn biến tự chuyển hóa trong tham nhũng và theo ông Phú, "cả xã hội biết đối tượng tham nhũng là ai" cho nên chỉ cần pháp luật có nghiêm không thì sẽ giải quyết được vấn nạn này.
********************
Việt Nam cần tịch thu tài sản không rõ nguồn gốc (RFA, 21/11/2017)
Việt Nam cần tiến hành tịch thu tài sản không giải trình được nguồn gốc.
Đây là ý kiến của bà Nguyễn Thị Thủy, Thường trực Ủy ban Tư pháp tại phiên họp Quốc hội sáng ngày 21/11 về nội dung dự án Luật phòng, chống tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Courtesy of news.zing.vn
Bà Thủy dẫn số liệu cho thấy trong 10 năm qua thiệt hại do tham nhũng gây ra cho Việt Nam là trên 59.700 tỷ đồng và 400 ha đất nhưng chỉ thu hồi được khoảng 10% số này, tức là khoảng trên 4.600 tỷ đồng và 219 ha đất.
Nguyên nhân được bà Thủy đưa ra là do pháp luật Việt Nam chưa có cơ sở xử lý sớm với tài sản tham nhũng. Thậm chí nhiều người kê khai tài sản không đúng nhưng chỉ bị phạt dưới hình thức cảnh cáo hay cách chức.
Trong khi đó, theo bà, hơn 40 quốc gia trên thế giới đã đưa ra quy định về xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc. Một trong những nước được bà Thủy khen ngợi là Trung Quốc vì theo bà tại quốc gia này nếu tài sản không giải trình nguồn gốc được sẽ bị tịch thu và bị tù đến 5 năm.
Cũng tại phiên họp Quốc hội sáng 21/11, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng tham nhũng ở Việt Nam là một căn bệnh cần thuốc đặc hiệu nhưng các biện pháp giải quyết tràn lan, không trọng tâm giống như thuốc bị pha loãng không trị được bệnh.
Vì vậy, vị đại biểu này nói rằng Việt Nam cần thay đổi cơ chế chống tham nhũng để tránh sự tràn lan này.
Theo ông Quốc, để làm được điều này cần phải huy động toàn bộ hệ thống pháp luật chứ không riêng gì luật phòng chống tham nhũng.
Cũng liên quan đến tham nhũng, 4 lĩnh vực được xác định xảy ra tham nhũng nhiều nhất ở Việt Nam là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và ngành xây dựng.
Thông tin trên dược Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới công bố vào ngày 21/11 qua một cuộc khảo sát ý kiến người dân và doanh nghiệp về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam. Cuộc khảo sát được tiến hành trên gần 5.500 người.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy tham nhũng là một trong 3 vấn đề được người dân quan tâm nhất, chỉ sau giá cả sinh hoạt và an toàn thực phẩm. 82% số người được hỏi cho rằng tham nhũng rất phổ biến ở Việt Nam. 45% cho biết họ từng chứng kiến tham nhũng và 44% doanh nghiệp cùng 28% người dân phải trả chi phí không chính thức.
Nhiều doanh nghiệp cho biết họ bị vòi vĩnh tiền và quà tặng để công việc được suôn sẻ. Các ngành thường xuyên đòi phí ngoài quy định nhất là cảnh sát giao thông, công an kinh tế, quản lý tài nguyên, và xây dựng.
Hầu hết những người được hỏi đều cho rằng đối tượng tham nhũng ở Việt Nam chưa phải chịu hình phạt thích đáng và các biện pháp chống tham nhũng cũng chưa được hiệu quả. Ngoài ra người dân còn lên án sự tiếp tay và bao che giữa công chức và đối tượng tham nhũng.