Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

23/11/2017

Đá lót vỉa hè, thịt bò thối, xả trộm chất thải, gạo giả

Người Việt

Đá lót vỉa hè Hà Nội ‘bền vững 70 năm’ mới vài tháng đã nát (Người Việt, 23/11/2017)

Chỉ sau thời gian ngắn, đá tự nhiên "có tuổi thọ 70 năm" lót trên các vỉa hè ở thành phố Hà Nội bị vỡ nát, bong tróc. Tuy nhiên, chính quyền thành phố vẫn tiếp tục thay lớp gạch cũ bằng loại đá "thọ 70 năm" này với tổng kinh phí hàng ngàn tỷ đồng.

vn1

Vỉa hè trên phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn bong tróc, nhiều viên gạch dường như bị mất từ lâu. (Hình : VietnamNet)

Theo báo VietnamNet, chiều 22 tháng Mười Một, các nhóm công nhân vẫn đang tiếp tục cạy lớp gạch cũ trên đường Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội để thay bằng lớp đá tự nhiên, mặc dù đang bị người dân và báo chí phản ứng dữ dội.

Mới đây, tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên Giáo Thành Ủy Hà Nội, nói về việc lót đá tự nhiên tại hơn 930 tuyến đường tại 12 quận nội thành, ông Trần Việt Trung, phó giám đốc Sở Xây Dựng, cho biết : "Hà Nội vẫn chủ trương lót đá vỉa hè trên các tuyến phố. Từ nay đến năm 2020, sẽ có hơn 900 tuyến phố của 12 quận của thành phố được lót đá tự nhiên với chi phí khoảng 500.000 đồng (khoảng 22 USD)/mét vuông. Hiện một số quận, huyện vẫn đang triển khai thực hiện".

Trước đó, truyền thông Việt Nam đồng loạt phản ứng, nhiều vỉa hè, lòng đường ở Hà Nội như tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn ; đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân ; đường Trần Phú, quận Hà Đông ; phố Trung Kính, Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy… được lót lại bằng đá tự nhiên thay vì gạch như trước đây.

Loại đá tự nhiên này được chính quyền Hà Nội nhận định là có độ bền từ 50 đến 70 năm, nhưng mới sử dụng vài tháng thì hầu hết các tuyến phố được lót đá tự nhiên đều xuất hiện những vết nứt, vỡ gạch, bề mặt vỉa hè lồi lõm, lởm chởm, thậm chí ở nhiều nơi đá còn bị bật khỏi nền.

Nhìn cảnh tượng này, nhiều người dân không khỏi ngán ngẩm. Ông Lê Văn Thọ, ở phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, bất bình nói : "Trước, tôi thấy vỉa hè lót gạch vẫn còn tốt, không đến mức độ phải cạy lên để thay. Giờ lót đá tự nhiên mới chỉ được 4-5 tháng đã nát bét, nham nhở vết nứt thế này rồi, vài năm nữa không biết sẽ thế nào".

Còn ông Lê Hùng, ở khu vực Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thắc mắc : "Đổ cả trăm tỷ đồng, áo rách vỉa hè có thành áo mới ?" (Tr.N)

****************

Ninh Bình bắt 4 xe tải chở cả tấn thịt bò thối đi tiêu thụ (Người Việt, 23/11/2017)

Phòng Cảnh Sát Môi Trường Công An tỉnh Ninh Bình vừa bắt giữ bốn chiếc xe tải chở gần 1 tấn thịt bò bốc mùi hôi thối từ Hà Nội, Thanh Hóa về Ninh Bình để tiêu thụ.

vn2

Công an kiểm tra xe và thu giữ tang vật. (Hình : Lao Động)

Theo báo Lao Động, khoảng 3 giờ sáng 22 tháng Mười Một, Công an tỉnh Ninh Bình bắt bốn xe tải do các ông Lê Thọ Hải, Trần Đức Nghĩa (cùng ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), và hai ông Nguyễn Văn Sỹ (trú huyện Kim Sơn, Thanh Hóa), Nguyễn Văn Dũng (ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội), chở theo 965 kg thịt bò và 20 kg xương bò không có giấy kiểm dịch thực phẩm, hóa đơn và đã bốc mùi hôi thối.

Bước đầu, các lái xe khai họ chính là chủ số thịt bò hôi thối trên và cho biết đã thu gom rồi chở từ Hà Nội, Thanh Hóa đưa về Ninh Bình để tiêu thụ. (Tr.N)

**************

Bắt quả tang doanh nghiệp Trung Quốc xả trộm chất thải ra sông (Người Việt, 23/11/2017)

Một doanh nghiệp tái chế nhựa của Trung Quốc vừa bị bắt quả tang xả thải trộm tại xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, sức khỏe của người dân các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội.

vn3

Doanh nghiệp xả thải thẳng ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. (Hình : Tuổi Trẻ)

Báo Tuổi Trẻ cho hay, sáng 23 tháng Mười Một, tổ công tác của Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Về Môi Trường, Bộ Công An, bắt quả tang một doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong khu đất thuộc công ty Bao Bì Thái Hà Hưng xả nước thải trộm trực tiếp ra sông.

Điều đáng nói, toàn bộ cơ sở sản xuất này không có hệ thống xử lý nước thải. Nguồn nước thải được đấu nối ra cống lộ thiên. Đường ống này dẫn thẳng ra hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải, dùng để phục vụ tưới tiêu cho hơn 20,000 hécta đất nông nghiệp của bốn tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội.

Không chỉ có một, toàn bộ khu đất của công ty Bao Bì Thái Hà Hưng đã cho nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc thuê đất để tái chế phế liệu.

Ông Lê Xuân Kiều, giám đốc công ty, cho biết công ty có cho ba doanh nghiệp Trung Quốc thuê nhà xưởng tái chế phế liệu nhưng trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp Trung Quốc vi phạm nhiều quá nên Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh đã yêu cầu không được cho thuê tiếp.

"Vụ xả thải này là thuộc những doanh nghiệp trong nước thuê nhà xưởng. Ngay chiều nay tôi sẽ yêu cầu các doanh nghiệp thuê nhà xưởng dừng hoạt động, dừng việc xả thải", ông nói.

Thế nhưng, tối cùng ngày, nói với báo Người Lao Động, một lãnh đạo Công An tỉnh Hưng Yên cho biết "Vẫn chưa nắm bắt được sự việc". (Tr.N)

*******************

Gạo hỗ trợ lũ lụt bị chảy nhũn, kết mảng khi cháy (Người Việt, 23/11/2017)

Người dân xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, phát giác gạo hỗ trợ lũ lụt phân phát cho dân "có biểu hiện bất thường" vì khi đốt gạo bắt lửa nhanh và kết dính thành mảng lớn.

vn4

Sau khi cháy hết, phần tro gạo kết dính lại thành từng mảng. (Hình : Dân Trí)

Nói với báo Dân Trí, bà Hồ Thị Thúy Liễu (ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết chiều 19 tháng Mười Một, gia đình bà nhận được một bao gạo 10 kg "hỗ trợ bão lụt".

Sau khi khui bao gạo ra nấu cơm, bà Liễu nhận thấy gạo không giống như bình thường nên thử gạo bằng cách rang rồi đem đốt.

"Hạt gạo bắt lửa rất nhanh rồi bốc cháy bất thường, khi cháy hết thì phần tro kết dính thành mảng lớn nên tôi rất lo lắng", bà nói.

Nhận được thông tin phản ánh, trưa 23 tháng Mười Một, ông Trần Văn Thạch, phó bí thư đảng ủy xã Tịnh Hà, cùng cán bộ xã đã thực hiện kiểm chứng. Trước sự chứng kiến của nhiều người, người dân thôn Thọ Lộc Bắc đã lấy một bao gạo hỗ trợ khác mang ra thử nghiệm cùng với gạo lúa mùa mà người dân đang ăn.

Kết quả cho thấy, cùng một lượng gạo, cùng thời gian rang nhưng khi đốt cho kết quả khác. Đối với gạo "hỗ trợ lũ lụt", hạt gạo bắt lửa bốc cháy và lan ra rất nhanh. Khi cháy hết, phần tro kết lại thành mảng lớn. Trong khi đó, gạo lúa mùa vẫn bốc cháy nhưng chỉ cháy một phần rất yếu rồi tắt.

Chứng kiến sự việc, ông Thạch cho rằng, số gạo này do Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc huyện Sơn Tịnh "kêu gọi một đơn vị hỗ trợ và cấp phát cho 50 nhà dân. Đối tượng được nhận gạo là hộ nghèo, neo đơn bị thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua".

"Đúng là số gạo hỗ trợ bốc cháy một cách bất thường khiến người dân lo lắng. Trước mắt huyện chỉ đạo các thôn tiến hành thu gom số gạo đã cấp phát, đồng thời báo cáo lên cơ quan chức năng để kiểm tra, giám định chất lượng gạo tránh gây hoang mang", ông Thạch nói. (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 677 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)