Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/11/2017

Tình trạng trộm cắp cà phê gia tăng tại Lâm Đồng

RFA tiếng Việt

Tây Nguyên mùa này rộn ràng không khí thu hoạch cà phê, những nương rẫy cà phê bạt ngàn đang chín mọng đỏ ửng chờ thu hoạch. Niềm vui chưa tròn thì người dân phải đối mặt với bao trăn trở "được mùa mất giá, được giá mất mùa", và một nỗi đau khi những gốc cà phê bị hái trộm và bẻ gãy trơ gốc.

caphe1

Hình chụp ngày 10/3/2013. Một người dân Ede ở vườn cafe của mình tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak.  AFP

Ông Trần Khắc Đường – nông dân trồng cà phê trú tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết "Dạo này bọn trộm lộng hành, nhiều nhà bị chúng hái trộm nhiều lô cà phê, thậm chí còn chặt và bẻ gãy cả hàng chục cây khiến bà con nông dân thiệt hại vô cùng nặng nề".

Theo phản ánh của những nông dân tại đây, tìm hiểu ra mới biết không phải chỉ một nhà bị tình trạng này xảy ra với hầu hết các vùng chuyên canh cà phê ở toàn huyện.

Ông Minh cũng là một người làm cà phê tại huyện Lâm Hà mô tả thêm "Ở chỗ này chỗ nọ trong địa phương vẫn xảy ra tình trạng bị mất cắp cà phê sau một năm mình làm ra".

Ông cũng cho biết là hình thức trộm cắp cà phê rất lắm thủ đoạn, không chỉ là vào vườn hái cà phê, cắt cành mà nhiều khi chúng còn cướp trắng trên đường vận chuyển.

"Có những trường hợp đã đóng gói vào bao để ngay sân của chòi canh, thì cũng bị mất. Chỉ cần nó bỏ lên xe chở chạy đi một lúc là khi mình đuổi theo thì chúng đã phi tang và chối cãi không nhận. Để tránh tình trạng này thì tốt nhất là bố trí người ở lại túc trực để canh cà phê của mình. Còn những người cẩn thận thì khi chở về họ cho người ngồi sau áp tải. Tránh trường hợp bị kẻ gian trèo lên hất cà phê xuống".

Nhiều hộ gia đình đã khóc nghẹn đi khi nhìn những vườn cà phê xơ xác lá cành. Đau đớn vì bị hái trộm thành quả sau một năm chăm sóc không đau bằng nguy cơ sang năm mất trắng không có gì mà thu hoạch khi cành bị bẻ gãy khô héo.

Ông Trần Khắc Đường cũng nghẹn ngào nói :

"Riêng gia đình tôi, bị bọn trộm cắt cành, hái cà phê. Chúng tôi có kêu lên chính quyền nhưng không có ai bảo vệ, mà cũng tự của ai người ấy giữ".

"Mất trộm cà phê mà do họ hái thì còn đỡ, mà họ cắt cả cành và đưa đi chỗ khác để hái. Giờ chẳng biết kêu ai, xã hội thì họ chẳng quan tâm gì chuyện đó".

Ngoài việc mất trộm cà phê, mà người dân còn bị những kẻ gian lấy đi những tài sản quý giá, bắt trộm chó mèo, và cả máy bơm hay các vật dụng gia dụng.

Những kẻ gian vặt trụi các cây cà phê nặng trĩu quả cũng đồng thời vặt trụi luôn niềm tin của con người với nhau. Giờ đây người dân không biết ai là người ngay kẻ gian, không biết tin tưởng vào ai vì ngay cả cà phê phơi trong sân nhà cũng bị hốt sạch.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cà phê là loài cây trồng chủ lực, chiếm 70% diện tích trồng cây lâu năm của tỉnh Lâm Đồng. Cà phê là mặt hàng nông sản có tỉ lệ xuất khẩu lớn nhất, chiếm hơn 55% kim ngạch xuất khẩu nông sản và trên 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh này.

Nạn trộm cắp khiến người dân tính đến phương án phải tổ chức thu hoạch sớm, điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cà phê giảm sút, kéo theo giá trị thương mại hạ thấp.

Các tỉnh Lâm Đồng, Daklak, Gialai, Daknong là những tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn nhất cả nước và không tránh khỏi vấn nạn trộm cắp nhức nhối này. Nguyên nhân tình trạng này gia tăng được cho là do giá cả cà phê tương đối cao làm lòng tham của những tên "đạo chích" cũng tăng theo. Theo giá niêm yết thị trường, năm nay giá cà phê cũng đạt ở mức cao. Giá trung bình dao động từ 38.300/1kg cho đến 39.300/1kg.

Như vậy chỉ cần vài giờ đột nhập vào nông trang, kẻ gian đã hái được hàng chục triệu đồng.

Do lợi nhuận làm mờ mắt, cồng thêm sự lơ là của các cơ quan chức năng khiến tình trạng này vẫn không giảm xuống.

Ông Đường thông tin thêm "Xóm tôi có làm chốt an ninh, nhưng từ đầu mùa đến cuối mùa thì không thấy mở cửa".

Ông Minh cũng nêu lên một nguyên nhân khiến hoạt động của các cơ quan chức năng không mấy hiệu quả là do địa bàn rộng lớn, phạm vi hoạt động của đội an ninh thì có hạn.

"Phía chính quyền thì tới mùa vẫn tạo ra một cái gọi là đội an ninh. Đội an ninh này có nhiệm vụ đi tuần tra để hạn chế tình trạng mất cắp. Khi đã thành lập đội an ninh, thì những người có diện tích trồng cà phê trong khu vực đó thì phải đóng khoảng 200 ngàn đồng trên một sào. Nhưng mà thực sự thì không đưa lại hiệu quả cao bởi vì địa bàn thì diện tích rộng lớn mà hoạt động của đội an ninh thì chỉ làm ở phạm vi nhỏ, người ta cũng không thể bao quát hết được". Ông Minh nêu thực trạng.

Đêm đến thường là thời gian mà những kẻ gian này đột nhập các nông trang. Của gian được các đại lý mua lại mà rất khó lòng phát hiện đâu là đồ ăn trộm. Nhà cầm quyền địa phương cũng đã bắt giữ một số nghi can. Tuy nhiên, không dễ dàng gì để xử lý vì thiếu chứng cứ và thường tha vì chính người nhà cũng không muốn làm to chuyện sợ sau này bị trả thù.

Rình rập, lợi dụng sơ hở của bà con nông dân, những kẻ trộm thông thạo địa hình đã vượt mặt an ninh để thu lợi bất chính.

Nơm nớp, mất ăn mất ngủ vì thành quả cả năm trời chăm sóc người dân phải tự kìm nén đau thương và bảo vệ lấy tài sản của chính mình chứ không dám kỳ vọng gì từ chính quyền địa phương.

"Chúng tôi đã báo với chính quyền, nhưng chính quyền không giải quyết. Họ yêu cầu bắt trực tiếp hay có chứng cứ, mà báo sau thì không được giải quyết. Nên chúng tôi phải canh ngày canh đêm, hái xong cũng không dám về vì sợ mất cắp".

Tiến Thiện

Quay lại trang chủ
Read 742 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)