Quốc hội Úc điều trần về vi phạm nhân quyền Việt Nam (VOA, 08/12/2017)
Quốc hội Liên bang Úc hôm 7/12 đã tổ chức một buổi điều trần về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, trong khi chính quyền Hà Nội cấm linh mục Nguyễn Đình Thục tham dự phiên điều trần này.
Anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, (thứ hai từ trái sang) tham dự phiên điều trần về nhân quyền Việt Nam tại Quốc hội Úc, ngày 7/12/2017, thủ đô Canberra, Úc. (Facebook Angelina Trang Quynh)
Từ Sydney, anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con trai của nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Trung Tôn, người đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm, hôm 8/12 nói với VOA rằng anh có cơ hội lên tiếng về tình hình vi phạm nhân quyền tại quê nhà.
"Buổi điều trần chính thức do Tiểu ban Nhân quyền của cả Thượng viện và Hạ viện thuộc Quốc hội Úc tổ chức. Họ lắng nghe ý kiến của các linh mục, các nạn nhân, các thân nhân của các nhà hoạt động đang bị cầm tù".
Các nhà hoạt động đang bị giam cầm, từ trái sang : Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, và Trương Minh Đức (Ảnh : Facebook Le Nguyen Huong Tra)
Buổi điều trần được tổ chức tại Canberra hôm 7/12, trước ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12, còn nhằm mục đích làm rõ thêm những quan ngại về nhân quyền Việt Nam mà 68 vị Dân Biểu Úc đã đề cập trong một bức thư chung vào tháng 10 vừa qua. Theo đó, các dân biểu Úc đã bày tỏ quan ngại về các đợt đàn áp ngày càng khốc liệt của chính quyền Việt Nam đối với những tiếng nói ôn hoà kể từ đầu năm 2017 đến nay.
Anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa đã thay mặt cho hội Anh Em Dân Chủ mang tiếng nói đến chính giới Úc. Đồng thời, anh Nghĩa tham gia vận động trả tự do cho cha mình là mục sư Nguyễn Trung Tôn và các thành viên khác của hội đang bị bắt giữ.
"Tôi đã nhấn mạnh rằng từ đầu năm đến giờ có 21 người đã bị bắt ở Việt Nam và 3 người phải trốn đi. Riêng Hội Anh Em Dân chủ thì từ đầu năm đến bây giờ có 7 người bị bắt, và hiện có tổng cộng 13 thành viên của hội đang bị giam cầm. Ở bên ngoài có đến 30 thành viên bị mời lên mời xuống, hoạnh hoẹ, dọa dẫm, để lấy bằng chứng ghép tội các thành viên Hội Anh em Dân chủ. Hiện tại họ đang rất lo sợ vì có thể bị bắt bất kỳ lúc nào".
Anh Nghĩa còn cho biết anh và các linh mục từ Việt Nam sang, hôm 8/12 đã có buổi gặp với ông John Barilaro, Quyền Thủ hiến của tiểu bang New South Wales, nơi có đông dân nhất của Úc và thành phố Sydney là thủ phủ. Anh Nghĩa cho biết ông Barilaro hứa sẽ vận động một lá thư chung kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm Việt Nam.
Anh Nghĩa cho biết thêm rằng chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn việc xuất cảnh đối với linh mục Nguyễn Đình Thục thuộc giáo sứ Song Ngoc, tỉnh Nghệ An. Linh mục Thục là người từng lên tiếng bảo vệ cho ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra từ năm ngoái.
"Tôi từ Manila, Philippines sang Úc và không gặp trở ngại gì. Tuy trong đoàn đi điều trần lần này có một người bị cấm xuất cảnh. Đó là linh mục Nguyễn Đình Thục bị cấm xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất vì lý do an ninh, công an tỉnh Nghệ An không cho biết. Tuy nhiên, các linh mục khác có cơ hội sang đây trình bày về vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng, quyền sở hữu đất đai tại Việt Nam".
Trên mạng xã hội hôm 8/12 loan truyền một văn bản được cho là của Công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất do Trung tá Nguyễn Tiến Sỹ ký hôm 6/12, nói rằng : "Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất phát hiện ông Nguyễn Đình Thục là người thuộc diện chưa được xuất cảnh, theo đề nghị của Công an tỉnh Nghệ An".
VOA chưa thể liên lạc với Cục Xuất nhập Việt Nam để xác nhận thông tin này.
Ông Nguyễn Trung Tôn, thành viên của Hội Anh Em Dân chủ, bị bắt vào cuối tháng 7 năm nay, cùng lúc với ký giả Trương Minh Đức, nhà hoạt động Phạm Văn Trội và luật sư Nguyễn Bắc Truyển.
Hội Anh Em Dân chủ là một tổ chức xã hội dân sự đã hoạt động ôn hòa hơn 4 năm trước nhằm thúc đẩy nhân quyền và tiến bộ xã hội ở Viêt Nam.
*********************
Linh mục Thục 'không được đi dự điều trần nhân quyền ở Úc' (BBC, 08/12/2017)
Linh mục JB Nguyễn Đình Thục trả lời BBC về việc ông bị Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất ngăn không cho đi dự phiên điều trần về nhân quyền, môi trường Việt Nam ở Úc.
Ghế ngồi của Linh mục Nguyễn Đình Thục được để trống trong buổi điều trần tại Úc hôm 7/12
Theo dự kiến, linh mục Thục, giáo xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh là một trong những người từ Việt Nam được mời dự phiên điều trần tại Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Liên bang Úc hôm 7/12.
Ông Thục là một trong các linh mục dẫn dắt các cuộc biểu tình của giáo dân, ngư dân ở miền Trung đòi bồi thường thiệt hại trong vụ Formosa hồi năm ngoái.
Văn bản của Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất do Trung tá Nguyễn Tiến Sỹ ký quyết định lúc 1 :00 hôm 6/12, ghi : "Chuyến bay JQ62 của hãng Jetstar đi Sydney (Úc) lúc 2 :10, Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất phát hiện ông Nguyễn Đình Thục là người thuộc diện chưa được xuất cảnh, theo đề nghị của Công an tỉnh Nghệ An".
Văn bản cũng yêu cầu ông Thục "liên hệ Công an tỉnh Nghệ An để giải quyết".
Biên bản "Chưa giải quyết xuất cảnh" đối với linh mục Thục
'Hằn thù'
Trả lời BBC sau khi đã về lại Nghệ An hôm 7/12, linh mục Thục nói : "Sau khi biết mình không được xuất cảnh thì tôi đã gọi điện cho giám đốc Công an tỉnh Nghệ An để hỏi rõ lý do nhưng ông này không nghe máy".
"Tôi dự định sẽ tiếp tục yêu cầu gặp Công an tỉnh Nghệ An cũng như cân nhắc việc khiếu kiện vì việc ngăn xuất cảnh như thế này đã xâm phạm quyền đi lại của công dân".
Linh mục nói thêm : "Dù tôi không được đi chuyến này nhưng tôi biết linh mục Joseph Phan Sỹ Phương, trưởng ban Hỗ trợ Ngư dân miền Trung và linh mục Anton Nguyễn Thanh Tịnh sẽ thay tôi trình bày về tình hình ở Việt Nam tuy có luật Tự do Tôn giáo và tín ngưỡng nhưng các quyền cơ bản của linh mục lại bị chính quyền ngăn cản".
"Dù không biết phiên điều trần này sẽ có hiệu ứng hay tạo áp lực với Hà Nội đến đâu, nhưng các linh mục là nhân chứng phải lên tiếng để thế giới biết về tình hình tại Việt Nam".
Hồi tháng Sáu, báo Nghệ An có bài 'Đem yêu thương vào nơi oán thù' viết : "Nói xấu chính quyền, luôn rêu rao chính quyền là vô dụng, nhưng lúc bí đường, Nguyễn Đình Thục đã phải nhờ vào sự giúp đỡ của chính quyền để giữ thân. Để rồi, chỉ vừa được giải cứu, mấy phút sau ông ta lại lên mạng lu loa là chính quyền đàn áp, bắt bớ mình ! Hành động như vậy, được người đời xem là cách mà "Nguyễn Đình Thục đã tự tay tát vào mặt mình !"
"...Những việc làm mang tính manh động, vì động cơ cá nhân của Nguyễn Đình Thục và những kẻ như ông ta chỉ là mảnh đất màu mỡ cho kẻ xấu lợi dụng để chia rẽ tình đoàn kết lương - giáo trong cộng đồng, đặc biệt là phá hoại chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước". bài báo viết.
Cũng trong thời điểm tháng Sáu, Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong của Giáo xứ Thái Hà, cũng bị dừng xuất cảnh tại sân bay Nội Bài vì "lý do bảo vệ an ninh quốc gia".
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong được nhiều người biết đến qua các bài giảng thánh lễ Công lý & Hòa bình tại giáo xứ Thái Hà thường được tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội vào Chủ nhật mỗi cuối tháng.