Vụ ‘Mobifone mua AVG’ : Lê Nam Trà và Cao Duy Hải sắp vào ‘lò’ ? (CaliToday, 17/12/2017)
Sau một thời gian lắng tiếng khá dài từ sau hội nghị trung ương 6 đầu tháng 10/2017, "cây bút tín hiệu" Huy Đức vừa xuất hiện và "gọi tên" Nguyễn Bắc Son – cựu bộ trưởng thông tin truyền thông và Cao Duy Hải – nhân vật vừa thôi chức Tổng giám đốc Tổng công ty MobiFone để "đi chữa bệnh" :
Hai ông Cao Duy Hải (trái) và ông Lê Nam Trà (Ảnh : I.T)
"Nguyễn Bắc Son đưa Cao Duy Hải về làm Tổng Giám đốc MobiFone ngày 20-4-2015 khi Son bắt đầu triển khai một "thương vụ"mà chỉ không lâu nữa ta sẽ biết… Hải cùng với Phạm Thị Phương Anh – được đưa về làm phó TGĐ MobiFone đúng một tháng trước đó – là cặp đôi được Son tin dùng để thực thi "thương vụ" này…".
Cùng thời điểm xuất hiện bài viết của Huy Đức vào trung tuần tháng 12/2017, một số tờ báo nhà nước bắt đầu ẩn dụ "Điểm trùng hợp trên đường công danh 2 ông Lê Nam Trà – Cao Duy Hải" theo cách "bổ nhiệm cùng ngày" và "chuyển công tác, đi chữa bệnh cùng năm", chẳng hạn như "Ngày 21/4/2015, khi ông Lê Nam Trà được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên thì ông Cao Duy Hải được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty MobiFone thay ông Trà. Chỉ hơn 2 năm sau, sau khi ông Lê Nam Trà chuyển công tác khỏi MobiFone, tới lượt ông Cao Duy Hải xin phép nghỉ ốm để chữa bệnh".
Trước đây, báo chí nhà nước hết sức dè dặt khi đề cập vụ "Mobifone mua AVG".
Vụ "Mobifone mua AVG" đã được một tác giả có bút danh là Nguyễn Văn Tung tung lên mạng xã hội từ năm 2015 và cho tới nay đã có đến 27 bài. Ngoài việc đặc tả những nhân vật của Mobifone, tác giả này đặc biệt nhắm đến Thanh tra chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm thanh tra vụ "Mobifone mua AVG", cụ thể là Phó tổng thanh tra Ngô Văn Khánh. Ngô Văn Khánh lại là quan chức mà trong những năm qua đã bị cả báo chí nhà nước lẫn mạng xã hội vừa đặt dấu hỏi vừa tố về khối tài sản khổng lồ của ông này.
Cho tới nay, bất chấp một số chỉ đạo phải công khai báo cáo kết luận thanh tra vụ "Mobifone mua AVG", Thanh tra chính phủ vẫn lần lữa và nại ra nhiều lý do để không công bố.
Từ khoảng giữa năm 2017, trên mạng xã hội bắt đầu rộ lên những thông tin về vụ "Mobifone mua AVG", nhưng không chỉ quy kết "trách nhiệm hình sự" đối với bộ trưởng thông tin và truyền thông thời những năm trước là Nguyễn Bắc Son, mà còn "bắn ý" đến trường hợp ông Trương Minh Tuấn – khi đó là thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông.
Đặc biệt hơn, thông tin trên mạng xã hội còn được điểm xuyết bằng những công kích của blogger Huy Đức đối với ông Trương Minh Tuấn, cũng liên quan mật thiết đến vụ "Mobifone mua AVG". Theo đó, khi còn là thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, ông Trương Minh Tuấn đã ký quyết định phê duyệt để ông Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG. Trong khi giá trị thực sự của AVG là 8.900 tỷ đồng, hợp đồng mua AVG chỉ có 300 tỷ đồng. Vậy số tiền còn lại chạy đi đâu, và ai được "lại quả" từ số tiền đó ?
Vào thời điểm Huy Đức "gọi tên" Trương Minh Tuấn, vụ Mobifone – AVG lại được đích thân Nguyễn Phú Trọng xem xét và thúc đẩy. Vụ việc này hứa hẹn sẽ "làm rõ" hàng loạt quan chức cao cấp, không loại trừ một số quan chức cao cấp sẽ phải ra tòa.
Trước khi "gọi tên" Trương Minh Tuấn, Huy Đức đã "báo điềm gở" về Đinh La Thăng bị loại khỏi Bộ Chính trị, Trịnh Xuân Thanh "đã về", Trầm Bê bị bắt.
Đã thành một thói quen, không ít người quan tâm đến biến động chính trị trong nội bộ đảng và chiến dịch được tuyên truyền là "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng ngày càng dựa vào những tin tức, dù được thể hiện rõ ràng hay mơ hồ lấp lửng, của Huy Đức để nhận định và dự đoán về tương quan chính trị cùng những biến động, biến cố có thể xảy ra trong tương lai gần. Đặc biệt là về "ai sắp bị bắt" hay "ai sắp chết"…
Vào lần này, hiện tượng báo chí nhà nước bắt đầu nêu ẩn ý về vụ "Mobifone mua AVG" cho thấy tiến trình xử lý vụ việc này có vẻ đang thoát khỏi cảnh chây ì trước đây.
Vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 2017, báo chí nhà nước cũng "dạo nhạc" về trách nhiệm của Đinh La Thăng khi còn là chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chỉ đạo gửi 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm, để sau đó số tiền này biến mất. Đến ngày 8/12/2017, Đinh La Thăng bất ngờ bị Bộ Công an khởi tố và bắt giam.
Nếu vụ bắt Đinh La Thăng cho thấy một "đặc thù" quan trọng là Tổng bí thư Trọng bỏ qua các khâu "kiểm điểm" ông Thăng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và kỷ luật đưa ra khỏi Ban chấp hành trung ương, thì vụ "Mobifone mua AVG" cũng có thể sẽ theo cách đó, tức không quá cần thiết phải dựa vào một bản kết luận thanh tra chẳng biết xác thực hay trung thực tới đâu của Thanh tra chính phủ, mà cơ quan điều tra của công an có thể "nhảy" thẳng vào vụ việc này theo mệnh lệnh trực tiếp từ tổng bí thư. Khi đó, cả hai ông Lê Nam Trà và Cao Duy Hải đều có thể bị đột ngột khởi tố và tống giam.
Tháng 12 năm 2017 vẫn chưa kết thúc và chưa thể "tổng kết năm" như thường lệ. Nếu trong tháng này hoặc sang đầu năm 2018 nổ ra vụ khởi tố và tống giam hai ông Lê Nam Trà và Cao Duy Hải, người ta có thể hình dung tiếp hình ảnh của những nhân vật liên đới trách nhiệm như Nguyễn Bắc Son và Tương Minh Tuấn.
Kể cả "trách nhiệm chây ì" của Phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh…
Thiền Lâm
****************
Thêm một ‘thái tử Đảng’ bị cỗ máy ông Trọng ‘trảm’ (VOA, 19/12/2017)
Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư, con trai nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam, vừa bị Ủy ban Kiểm tra trung ương "xóa tên đảng" và hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm được cho là không đúng trước đó.
Ông Lê Phước Hoài Bảo (giữa) được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư khi mới 30 tuổi.
Đây được xem là vụ "trảm thái tử" nặng không thua gì vụ xử Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư tỉnh Đà Nẵng, con trai của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi. Tuy nhiên theo đánh giá của chuyên gia chính trị Jonathan London, đây là một diễn tiến "không bất ngờ".
Tiến sĩ Jonathan London, Giáo sư giảng dạy Kinh tế-Chính trị Á Châu tại Đại học Leiden, Hà Lan, giải thích về nhận định trên :
"Trong khoảng 10 năm qua, Việt Nam có hiện tượng là nhiều người còn khá trẻ đã được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng trong bộ máy. Nếu trước đây điều đó làm cho khá nhiều người bất ngờ, thì việc ngày nay những nhân vật đó rơi cũng là điều không bất ngờ bởi vì đó là hậu quả của những quyết định phản ánh mối quan hệ thân mật hơn là những tiêu chuẩn khách quan".
Ông Lê Phước Hoài Bảo là con trai của nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh.
Ông Bảo được xem là một trong những "hạt giống đỏ" trong danh sách các "thái tử Đảng" xuất hiện gần đây trong bộ máy chính trị Việt Nam, trong đó có Nguyễn Thanh Nghị, 41 tuổi, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và Nguyễn Xuân Anh, 41 tuổi, con trai của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi.
Sau đại hội đảng 12 hồi đầu năm ngoái, Nguyễn Thanh Nghị (Bí thư Kiên Giang) và Nguyễn Xuân Anh (nguyên Bí thư Đà Nẵng) trở thành hai ủy viên chính thức trẻ tuổi nhất của Bộ Chính trị và cũng là các bí thư tỉnh trẻ tuổi nhất. Còn Lê Phước Hoài Bảo là tỉnh ủy viên trẻ nhất, với quan lộ "thần tốc", leo lên chức Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Nam chỉ trong vòng 5 tháng, khi mới 30 tuổi.
Sau khi công chúng thắc mắc về việc bổ nhiệm ông Bảo, Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm tra và kết luận việc bổ nhiệm này là "đúng quy trình".
Tiếp theo vụ ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật, cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy và các chức vụ khác hồi đầu tháng 10, quyết định "xóa tên đảng" và tước chức vụ của ông Lê Phước Hoài Bảo được công luận chú ý và xem đây là một động thái "mạnh tay", theo chiều hướng thể hiện quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhận định về chiến dịch này, Tiến sĩ Jonathan London cho rằng việc xử những vụ cụ thể như hiện nay tuy quan trọng nhưng không phải là giải pháp để khắc phục "lỗi hệ thống" tại Việt Nam.
Ông nói : "Đề cập [giải quyết] những trường hợp như thế này là việc phải làm. Đó là một bước. Nhưng không thể được xem là giải pháp để giải quyết những khuyết điểm của thể chế nói chung".
Nguyên Bí Thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, một trong những "hạt giống đỏ" bị kỷ luật gần đây.
Riêng với các "hạt giống đỏ", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ủy viên cao tuổi nhất (72 tuổi) trong danh sách ủy viên Bộ Chính trị, đã không quên đề cập đến họ trong phát biểu tại đại hội Đảng hồi năm ngoái. Ông Trọng nói : "Còn nhiều việc phải làm, cố gắng tạo điều kiện anh em trẻ làm lãnh đạo", theo báo Đất Việt.
Trong số những gương mặt lọt vào danh sách quyền lực của khóa 12 còn có ông Đinh La Thăng, người được "đề cử thêm" ngoài danh sách đã được Ban chấp hành trung ương khóa trước chuẩn bị.
Ngày 8/12, ông Thăng bị khởi tố liên quan đến một "đại án" tham nhũng được cho là phức tạp chưa từng có tại Việt Nam.
Cho đến nay, hàng loại quan chức cấp cao đã bị bắt, khởi tố và kỷ luật trong vụ này, bao gồm nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng- nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức trung ương Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng-nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh và nhiều người khác.
**********************
Trưởng Công an Phú Quốc được chuyển công tác vì lý do gì ? (Người Lao Động, 18/12/2017)
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Kiên Giang, tân Trưởng Công an huyện Phú Quốc phải có trách nhiệm nặng nề hơn, phải làm tốt hơn người tiền nhiệm.
Công an tỉnh Kiên Giang vừa triển khai quyết định luân chuyển cán bộ và bổ nhiệm đại tá Lê Văn Mót - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh Kiên Giang, làm Trưởng Công an huyện Phú Quốc. Đại tá Nguyễn Thanh Nhanh, Trưởng Công an huyện đảo Phú Quốc, được điều chuyển sang làm Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ thay đại tá Mót.
Đại tá Nguyễn Thanh Nhanh. Ảnh : Zing.vn
Dư luận đang đặt ra câu hỏi rằng liệu đại tá Nhanh chuyển sang vị trí mới là do quản lý địa bàn "đảo ngọc" Phú Quốc không tốt trong thời gian qua hay đây là do quy trình luân chuyển cán bộ bình thường của Công an tỉnh Kiên Giang ?
Để rộng đường dư luận, trưa 18/12, phóng viên Báo Người Lao Động có cuộc phỏng vấn nhanh với đại tá Lưu Thành Tín, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang.
Phóng viên : Xin ông cho biết việc chuyển đại tá Nguyễn Thanh Nhanh sang công tác ở vị trí mới có phải là do vị Trưởng Công an huyện Phú Quốc này "dính" đến sai phạm gì hay không ?
Lưu Thành Tín : Không phải. Đây là việc luân chuyển cán bộ bình thường. Cả đại tá Nhanh và đại tá Mót đều không vướng kỷ luật nào cả.
Phóng viên : Thời gian gần đây, tình hình tội phạm ở Phú Quốc diễn biến có phần phức tạp. Vậy, khi thay đổi nhân sự đứng đầu công an huyện thì lãnh đạo Công an tỉnh Kiên Giang có hy vọng tình hình tội phạm sẽ chuyển biến theo hướng tích cực hay không, thưa đại tá ?
Lưu Thành Tín : Tất nhiên là tân Trưởng Công an huyện Phú Quốc phải có trách nhiệm nặng nề hơn, phải làm tốt hơn người tiền nhiệm rồi. Chúng tôi đã có đánh giá năng lực cán bộ rồi mới bố trí đại tá Mót phụ trách địa bàn phức tạp như Phú Quốc.
Những vụ án mạng, mua bán ma túy xảy ra ở Phú Quốc gần đây
Rạng sáng 7/11, 2 nhóm thanh niên đánh nhau khiến 2 người bị thương, được đưavào Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc cấp cứu. Khoảng 1 tiếng sau, 8 thanh niên xông vào bệnh viện truy tìm 2 thanh niên bị thương để truy sát. Hai bên đánh nhau khiến các nhân viên bệnh viện và bệnh nhân sợ hãi. Khi công an nổ súng chỉ thiên thì nhóm thanh niên mới tháo chạy. Vụ việc đang được Công an huyện Phú Quốc xử lý.
Ngày 16/10, Công an huyện Phú Quốc bắt đối tượng Lê Anh Tuấn (34 tuổi ; ngụ xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc) vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ đất liền ra Phú Quốc để bán kiếm lời. Khi khám xét nơi ở của Tuấn, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 35 gói ma túy dạng bột, 1 kg ma túy đá và 580 viên ma túy tổng hợp.
Ngày 16/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Quốc ra quyết định bắt tạm giam Thái Niên (34 tuổi), Thạch Minh Tuấn (29 tuổi) và Danh Khánh (22 tuổi), cùng ngụ ấp Chuồng Vích, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc để tiếp tục điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Nạn nhân là anh Phạm Phú Q. và anh Nguyễn Văn C. (ngụ Phú Quốc). Tối 11/9, các đối tượng trên đang nhậu thì Q. và C. đến đập cửa, kêu chủ quán cho vào nhậu. Cho rằng bị làm phiền, các đối tượng dùng roi điện chích, dùng dao chém nhiều nhát vào người khiến C. và Q. bị thương rất nặng.
Khoảng 14 giờ 20 phút, ngày 7/9, Công an thị trấn An Thới bắt quả tang đối tượng Trần Ba (ngụ khu phố 1, thị trấn An Thới) buôn bán ma túy. Tang vật thu được là 8 tép ma túy đá nhỏ và một tép ma túy lớn.
Tối 1/9, tại thị trấn An Thới, 2 nam công nhân xây dựng quê ở An Giang đã bị nhóm đối tượng (cùng quê) đâm chết rồi lẩn trốn. Sau đó, Công an huyện Phú Quốc đã bắt được 6 nghi phạm được cho là đã sát hại 2 thanh niên trên.
Ngày 23/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Quốc tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Toản (ngụ huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) để điều tra về hành vi "Giết người". Nạn nhân là Mã Văn Hùng (ngụ thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc). Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 22/8, Hùng cầm đá và nón bảo hiểm đi tìm Toản giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Trong lúc xô xát, Toản dùng dao đâm chết Hùng.
Tối 9/12/2016, Trịnh Tấn Vinh cùng một số người bạn đến một quán karaoke ở Phú Quốc để ca hát. Tại đây, Vinh phát sinh mâu thuẫn với một số người khác rồi dẫn đến đánh nhau. Cùng lúc này, anh Phan Thanh Ngoan (quân nhân Lữ đoàn 950) đi từ trong quán karaoke ra thấy sự việc như vậy nên dừng lại hỏi thăm thì bị Vinh dùng dao đâm tử vong. Ngày 27/6 vừa qua, Tòa án Quân sự Quân khu 9 đã tuyên phạt Vinh 19 năm tù.
- Tối 8/6, tại một quán trà sữa trên đường Hùng Vương, khu phố 1, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc đã xảy ra một vụ giết người khiến bé gái 14 tuổi tử vong. Nạn nhân là Q.T. (quê ở An Giang), nhân viên phục vụ quán trà sữa...
Công Tuấn