64 người chết vì tai nạn giao thông trong 3 ngày Tết (Người Lao Động, 29/01/2017)
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, qua 3 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, cả nước có 109 vụ tai nạn giao thông làm 64 người chết, 112 người bị thương.
Vụ tai nạn giao thông do chiếc ô tô mất lái tông vào một nhà dân ven đường ở TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi ngày 1/1 làm 1 người bị thương - Ảnh : Tử Trực
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết trong 3 ngày nghỉ Tết, từ ngày 27 đến 29/1 (30 tháng Chạp đến mùng 2 Tết), cả nước xảy ra 109 vụ tai nạn giao thông), làm chết 64 người, bị thương 112 người.
Riêng mùng 2 Tết, xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông làm chết 25 người, bị thương 36 người. Đường sắt, đường thủy không xảy ra tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết so với cùng thời điểm năm ngoái, số vụ tai nạn giao thông tăng 5 vụ (tăng 4,8 %), số người chết không tăng, số người bị thương tăng 14 (14,2%).
Cũng trong 3 ngày nghỉ Tết vừa qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 5.079 trường hợp vi phạm trật tự An toàn giao thông, xử phạt hành chính 1,87 tỉ đồng, tạm giữ 10 ô tô, 1.546 mô tô, tước 248 giấy phép lái xe các loại
Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết thêm trong 3 ngày qua, đường dây nóng của cơ quan này tiếp nhận 70 cuộc gọi và tin nhắn của người dân. Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé, phụ thu cao hơn quy định, nhồi nhét khách...
Trong những ngày qua cũng xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ, tình trạng thu tiền trông giữ xe cao quá quy định tại các khu vực đền chùa, kinh doanh dịch vụ, nhất là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Văn Duẩn
********************
Mùng 2 Tết : Hơn 60 người chết, bị thương vì tai nạn giao thông (Tin Tức, 29/01/2017)
Tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết : Ngày 29/1 (mồng 2 Tết), toàn quốc đã xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông (tai nạn giao thông) đường bộ, làm chết 25 người, 36 người bị thương. Đường sắt và đường thủy không xảy ra tai nạn.
Tai nạn giao thông tăng dần trong ngày Tết.
Như vậy, trong bốn ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ 26/1 đến 29/1) cả nước đã xảy ra 132 vụ tai nạn giao thông, làm chết 80 người và 128 người bị thương. tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra trên đường bộ với 128 vụ làm 77 người chết, 126 người bị thương. Đường sắt xảy ra 4 vụ làm 3 người chết, 2 người bị thương ; đường thủy nội địa không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào.
Tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và số người chết từ ngày mồng 1 và 2 Tết. Một phần cũng do tâm lý ngày xuân, người tham gia giao thông dễ cho mình sự tùy tiện vi phạm luật giao thông và cho rằng Cảnh sát giao thông không phạt trong những ngày Tết.
Thêm vào đó, ý thức về việc "uống có trách nhiệm" vẫn chưa được nâng lên, nhiều người vẫn điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia, cũng làm tình hình trật tự an toàn giao thông ngày xuân thêm phức tạp. Một số thanh niên cũng lấy ngày Tết là thời điểm "xả hơi" để tụ tập khuya, tham gia giao thông không an toàn, không đội mũ bảo hiểm. Điển hình là vụ tai nạn giao thông xảy ra rạng sáng ngày 29/1 tại ngã tư phố Hai Bà Trưng và Ngô Quyền (Hà Nội) giữa một xe mô tô chở ba thanh niên không đội mũ bảo hiểm với xe ô tô biển số 29C-914.04, làm cả ba đều thương tích nặng.
Cũng trong 4 ngày nghỉ Tết, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã tiến hành kiểm tra, xử lý hơn 7.600 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 4 tỷ 400 triệu đồng, tạm giữ 1.530 phương tiện các loại, tước 539 giấy phép lái xe. Trên đường thủy, lực lượng Cảnh sát đường thủy kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa với 776 tường hợp, nộp Kho bạc nhà nước 283 triệu đồng.
V.T
**************************
23 người chết do tai nạn giao thông ngày mồng 1 Tết (Người Lao Động, 28/01/2017)
Trong ngày đầu tiên của năm Đinh Dậu, cả nước đã xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông đường bộ, khiến 23 người chết và 32 người bị thương.
Tai nạn giao thông gia tăng dịp Tết. Ảnh : Lê Trai
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (An toàn giao thông) Quốc gia, cho biết trong ngày 28/1 (mùng 1 Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017), toàn quốc xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông (tai nạn giao thông), làm chết 23 người, 32 bị thương. Tất cả đều là tai nạn giao thông đường bộ. Đường sắt và đường thủy không xảy ra tai nạn.
Về công tác xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ, báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã tập trung xử lý 1.388 trường hợp, tổng số tiền nộp Kho bạc Nhà nước 370 triệu đồng, tạm giữ 4 xe ô tô, 469 xe mô tô và tước 68 giấy phép lái xe. Cũng trong ngày, cảnh sát giao thông đường thuỷ toàn quốc xử lý 2 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 2 triệu đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Thái, trong ngày đầu tiên của năm mới, số cuộc gọi và tin nhắn đến số điện thoại đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giảm đáng kể so với những ngày trước. Cụ thể, chỉ có 16 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Nội dung các cuộc gọi phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé và tình hình trật tự An toàn giao thông tại một số khu vực.
"Sau khi nhận được điện thoại trên đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý triệt để nội dung các thông tin được phản ánh"- ông Thái cho hay.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, từ chiều ngày 27/1 (30 Tết) đến sáng ngày 28/1 (mùng 1 Tết) tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các tuyến phố mật độ phương tiện khá thấp, giao thông thông suốt, đường phố vắng lặng, yên bình.
Đêm giao thừa ngày 27/1 (30 Tết), tại Hà Nội hàng vạn người dân đổ về hồ Hoàn Kiếm và Nhà Hát lớn để đón giao thừa.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân cũng đổ về phố đi bộ Nguyễn Huệ để đón chào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Lực lượng Công an Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã bố trí lực lượng để phân luồng giao thông, chống ùn tắc trước và sau khi người dân đón giao thừa, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn.
Văn Duẩn
*********************
23 người chết trong ngày mùng một Tết vì tai nạn giao thông (RFA, 29/01/2017)
Người đi xe hai bánh lấn sang đường dành cho xe bốn bánh. Ảnh chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 29/3/2016. AFP photo
Tai nạn giao thông vẫn làm thiệt mạng nhiều người trong ngày Tết.
Có đến 23 người chết, 32 người bị thương trong ngày mùng một Tết Đinh dậu.
Trước đó, vào ngày 29 Tết, có 15 người thiệt mạng trên toàn quốc.
Tai nạn giao thông luôn là một vấn đề làm đau đầu các cơ quan chức năng Việt Nam trong những ngày Tết truyền thống, vì lượng người đi lại trên các quốc lộ tăng cao, và vẫn còn có các nhiều phương tiện giao thông cũ kỹ.
Tin báo chí Việt Nam loan đi ngày hôm nay cũng cho biết là nhiều con đường ở thủ đô Hà Nội bị kẹt cứng vì số lượng người đi chơi xuân ở các ngôi chùa trung tâm thành phố quá lớn. Trong khi đó thì tại miền Nam báo Tuổi trẻ cho hay là đã xảy ra một vụ kẹt xe kéo dài nhiều tiếng đồng hồ trên vài cây số tại cầu Rạch Miễu, trên tuyến quốc lộ nối hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, nguyên nhân cũng là do số lượng người đi du xuân quá đông đúc.
***************************
Năm 2017 nỗ lực giảm 5%/10% tai nạn giao thông, đẩy mạnh chống ùn tắc ở thành phố lớn (Tin Tức, 29/01/2017)
ên cạnh những chỉ đạo nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia còn yêu cầu năm 2017 phải Xử lý dứt điểm các điểm đen về an toàn giao thông với tinh thần "Tính mạng con người là trên hết".
Cảnh sát giao thông Đội 1 Hà Nội bắt giữ xe thương binh chở hàng cồng kềnh trên đường Yên Phụ. Ảnh : Doãn Tấn
Theo Thông báo 36/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm An toàn giao thông 2017 có chủ đề "Xây dựng văn hoá giao thông trong Thanh, Thiếu niên" với tinh thần "Tính mạng con người là trên hết".
Mục tiêu cụ thể trong Năm An toàn giao thông 2017 là : Giảm tai nạn giao thông từ 5% - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2016 ; giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và trên các tuyến quốc lộ, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút ; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trọng tâm năm 2017 cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trong đó cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật giao thông đường bộ, xây dựng các quy định pháp luật về thống kê an toàn giao thông ; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực của thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó chú trọng các khâu : quản lý vận tải ; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe ; đăng kiểm phương tiện ; tuần tra, kiểm soát.
Bên cạnh đó, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông xây dựng văn hoá giao thông tới khu dân cư, mọi người dân, mọi cơ quan, tổ chức, trường học ; đặc biệt là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện chủ đề "Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên", giảm thiểu tai nạn giao thôngliên quan đến thanh, thiếu niên.
* Xử lý dứt điểm các điểm đen về an toàn giao thông
Hiện trường một vụ tai nạn trên đường Lê Duẩn. Ảnh : Tiến Hiếu
Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung nguồn lực trung ương, địa phương và xã hội hóa để ưu tiên xử lý dứt điểm các điểm đen về an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và tại các giao cắt giữa đường phụ ra đường chính, các điểm đường ngang qua đường sắt, các điểm tiềm ẩn tai nạn trên đường thuỷ trong năm 2017 ; nghiên cứu làm rõ mối quan hệ giữa chất lượng công tác đào tạo sát hạch cấp phép lái xe, bất cập về tổ chức giao thông, bảo trì kết cấu hạ tầng với tai nạn giao thông để có giải pháp phù hợp. Tổ chức đường dây nóng và hộp thư điện tử để thu nhận phản hồi của người dân về trật tự, an toàn giao thông.
Đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải nhằm nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá cước vận tải đường thuỷ, đường sắt, hàng hải, hàng không để giảm mức phụ thuộc của hàng hoá và hành khách vào vận tải đường bộ ; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh ; vận tải hành khách công cộng.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát ; xử lý nghiêm minh, cương quyết các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như lái xe quá tốc độ cho phép ; lái xe khi đã uống rượu, bia ; xe khách đón, trả khách trái phép trên đường cao tốc ; chở quá tải trọng phương tiện ; tăng cường quản lý nhà nước với bến bãi, nhà xe chủ phương tiện ; đảm bảo người điều khiển phương tiện phải có đủ bằng cấp, năng lực và phẩm chất đạo đức tốt ; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp thực thi công vụ nhưng vi phạm các quy định và đạo đức nghề nghiệp.
* Giải pháp đồng bộ phòng, chống ùn tắc giao thông
Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, các tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm ; có giải pháp khẩn cấp xử lý các nút giao, đoạn đường thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng ; xây dựng quy định bảo đảm sự phù hợp giữa quy hoạch phát triển đô thị và năng lực kết cấu hạ tầng giao thông ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức giao thông cho tuyến xe buýt nhanh (BRT) Hà Nội, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về chen lấn làn đường.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và giao thông thông minh nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải, cảnh báo, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm ; công tác thống kê, quản trị dữ liệu, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ ; xác định nguyên nhân tai nạn giao thông, ứng phó sự cố ; khuyến khích sử dụng vận tải công cộng và vận tải phi cơ giới, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
* Bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết và mùa Lễ hội
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 2239/CĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội xuân năm 2017, đặc biệt là bảo đảm chất lượng dịch vụ vận tải khách ; điều tiết, chống ùn tắc giao thông và kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Theo chinhphu.vn