Công an Việt Nam thu giữ 3 triệu đôla heroin giấu trong các gói trà (VOA, 06/01/2018)
Công an Việt Nam đã thu giữ một lượng heroin trị giá 3 triệu đôla Mỹ giấu trong những gói trà được đưa lậu vào từ Lào, được nói là lượng ma túy lớn nhất từng bị thu giữ tính đến thời điểm này, truyền thông nhà nước đưa tin.
Bức hình chụp vào ngày 2 tháng 1, 2018 cho thấy cặp vợ chồng người H'mong đằng sau 489 bánh heroin mà họ định tuồn vào Việt Nam từ Lào tại một đồn cảnh sát (Hình : TTXVN/ AFP)
Một hoạt động phá án bí mật của công an tỉnh Điện Biên thuộc miền núi tây bắc hôm thứ Ba đã bắt giữ một người đàn ông 44 tuổi và một phụ nữ cuối độ tuổi 30, chở theo 171 kilogram heroin ở phía sau xe máy của họ.
Khoảng 489 bánh heroin được đưa lậu vào từ Lào và được ngụy trang trong những gói trà mang nhãn Thái Lan, trị giá 3 triệu đôla, tương đương khoảng 70 tỉ đồng Việt Nam, theo báo Công an Nhân dân.
"Chúng tôi thấy rằng đây là một chuyên án rất thành công. Chúng ta đã bắt được một khối lượng ma túy đặc biệt lớn", Đại tá Lê Công Bính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, được báo Công an Nhân dân dẫn lời nói. "Mặc dù bị các đối tượng chống trả quyết liệt nhưng cán bộ chiến sĩ [Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy] đã khống chế, bắt giữ được các đối tượng, thu giữ toàn bộ tang vật và bảo đảm tuyệt đối an toàn".
Tờ báo này dẫn lời Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tỉnh Điện Biên cho biết một đường dây ma túy từ Lào về Việt Nam đã được phát hiện từ giữa tháng 8 năm 2017, và các đối tượng trong đường dây là những người trong gia đình, dòng tộc.
Họ thường giấu heroin vào những đồ dùng sinh hoạt, bánh kẹo, thực phẩm để vận chuyển từ biên giới vào nội địa, sau đó đưa đi các tỉnh hoặc sang các nước thứ ba để tiêu thụ, tờ báo này cho biết thêm.
Việt Nam là một điểm trung chuyển chính trong hoạt động buôn bán ma túy xuất phát từ khu vực "Tam giác Vàng", một khu vực nằm vắt ngang lãnh thổ của Lào, Thái Lan và Myanmar.
Khu vực này là vùng sản xuất ma túy lớn thứ hai trên thế giới và tràn ngập các chất methamphetamine, thuốc phiện và heroin - sản phẩm tinh chế của cây anh túc.
Việt Nam là một trong những nước có luật chống ma túy nghiêm khắc nhất trên thế giới, bao gồm hình phạt tử hình đối với những người bị kết tội liên quan tới ma túy.
Bất cứ ai bị buộc tội sở hữu hơn 600 gram heroin, hoặc hơn 20 kilogram thuốc phiện có thể đối mặt với bản án tử hình.
********************
'Vỉa hè' : quyền lực không ngai ở Việt Nam (VNTB, 07/01/2018)
Vỉa hè là nơi quyền lực đổi chác hiện diện một cách công khai mà không sợ bất kỳ chức quyền nào hết.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ 2018 của Sở Xây dựng Hà Nội vào 5/1. Ông Nguyễn Đức Chung cho hay, ông ‘biết là có việc 'con ông cháu cha' cung cấp vật liệu để hưởng lợi’ trong lát đá vỉa hè Tp. Hà Nội.
Quan điểm của ông Nguyễn Đức Chung vừa phản ánh đúng thực tại đã và đang diễn ra trên địa bàn thành phố, vừa cho thấy tính bất lực của chính quyền thành phố với chính quyền phường, quận.
Trên đường Lê Thị Hồng Gấm, một quán ăn chiếm dụng vỉa hè làm nơi
Vỉa hè trở thành một câu chuyện đáng lưu ý về tính bất lực và quyền lực. Mà một trong số đó là tham nhũng xảy ra liên tục trên không gian này nhưng không có một căn cứ giải quyết dứt điểm.
Thực tế cho thấy, ‘vỉa hè’ ngoài chức năng lát đá ngàn tỷ với việc chấm mút ra, thì nó còn là nơi diễn ra việc cho thuê để làm nguồn cung cho hệ thống chính quyền phường và quận, thậm chí cấp thành phố. Hiện tượng lấn chiếm vỉa hè của các chủ hàng quán có sự tiếp tay, bảo kê trực tiếp từ chính quyền thông qua hình thức địa tô.
Là một dây lợi ích mang tính chằn chịt, nên trong suốt thời gian qua, qua hai và nhiều đợt dọn dẹp vỉa hè, thì sau đó không lâu, vỉa hè lại tràn ngập hàng quán ra đường.
Vỉa hè trở thành nơi mà quyền lực nhà nước bị biến dạng, trong khi tính bất lực trong áp dụng quyền lực nhà nước lại gia tăng.
Trong một diễn biến khác, theo Bộ luật Hình sự, từ 1/1/2018, người tham gia giao thông nói chung và người đi bộ nói riêng vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng có thể bị phạt tù 7-15 năm.
Nhưng đặt ra câu hỏi : tại thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội thì điều kiện cơ sở nào để phạt người vi phạm ? Lý do, ngoài câu chuyện hạ tầng giao thông ở Việt Nam chưa đồng bộ, khiến nhiều người đi bộ muốn sang đường đúng luật cũng khó, thì nguyên do lớn nhất vẫn là vỉa hè đã bị lấn chiếm hoàn toàn.
Nói cách khác, pháp luật ra đời một cách thiếu tính thực tiễn, và khi luật ra đời, nó cũng trở thành phi thực tế, hay nói đúng hơn là quyền lực biến dạng vỉa hè đã trở thành một sự tác động và bóp méo hiệu lực của luật pháp quốc gia.
Một người đi bộ sẽ không thể tuân thủ được lệnh cấm nêu trên, khi và chỉ khi hàng quán được bảo kê bởi chính quyền phường, xã – quận, huyện vẫn còn tồn tại.
Và từ đó, ‘cát cứ vỉa hè’ được sử dụng để miêu tả thực trạng mua bán hay tham nhũng vỉa hè. Do vậy, một vỉa hè được rao bán giá trăm triệu tại Hồ Chí Minh, hay con số gấp đôi tại Hà Nội không còn là câu chuyện quá kỳ lạ. Đồng thời cũng là câu trả lời cho câu hỏi, tại sao một chuyện tưởng chừng giản đơn như ‘vỉa hè’ lại khiến ông Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phải lên tiếng hay khiến cho chính quyền cấp quận lẫn thành phố Hồ Chí Minh 'bó tay chịu trói' trong khâu giải quyết.
Và ‘vỉa hè’ trở thành một bức tranh sống động trong phản ánh tính thực tại xã hội, nơi tồn tại hàng tá nghịch lý về việc bất lực trong quản lý nhà nước ; là sự thờ ơ và bỏ mặc của chính quyền cơ sở ; là tham nhũng và hối lộ một cách công khai nhất.
Cần nhắc lại, đây là lần thứ N, câu chuyện 'vỉa hè' xuất hiện trong cuộc nói chuyện của ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, và lần trước – ông cho hay, ông biết quán bia vỉa hè nào có công an bảo kê, bãi giữ xe nào có bóng dáng của chủ tịch phường, chủ tịch quận, thậm chí là có cán bộ của sở nọ sở kia..
Nhưng cuối cùng là… bất lực.
Bởi vỉa hè là nơi quyền lực đổi chác hiện diện một cách công khai mà không sợ bất kỳ chức quyền nào hết.
Đó là thứ quyền lực không ngai ! ! !
Ánh Liên
*******************
Đi bộ phạm luật có thể bị án đến 15 năm (RFA, 04/01/2018)
Theo quy định tại điều 260 Bộ luật hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 về tội ‘vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ’, nếu người đi bộ vi phạm luật dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như làm chết người, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Hình ảnh người dân đang đi qua đường tại góc ngã tư ở Sài Gòn. RFA
Nhận xét và ý kiến về mức phạt
Nhiều người dân bất ngờ với mức phạt như thế và cho rằng quá nặng.
"Thế thì cao quá chứ ! Xe máy đi ngược chiều thì phạt bao nhiêu, người đi bộ thì phạt bao nhiêu.
Mức phạt thì cao quá, quá cao !
Thấy khá là nặng
Hậu quả của mấy người đi xe máy hoặc ô tô mới gây ra hậu quả lớn như chết người này nọ nên mức này khá cao".
Có ý kiến cho rằng cần phân biệt rõ ràng các mức phạt đối với từng loại phương tiện như người đi bộ, người đi xe máy hoặc ô tô :
"Thì mình nên cảnh cáo khoảng 500 đổ lại thì được, tại vì người ta băng nhiều lần, mỗi lần 500 thì cũng khá là nặng rồi".
Một số người dân chỉ ra rằng điều kiện dành cho người đi bộ tham gia giao thông ở Việt Nam chưa được đảm bảo. Họ nói các vỉa hè bị lấn chiếm, các điểm sang đường tại nhiều nơi vẫn còn ít, hoặc bố trí không hợp lý. Như đoạn đường này, người dân muốn sang đường thì phải đi hơn 500 mét mới có chỗ để băng qua. Hầu hết ai cũng phàn nàn về điều đó. Quốc Nghĩa, một sinh viên cho biết ý kiến.
"Vì em nghĩ nếu người đi bộ đi thì ý thức gây ra nguy hiểm cho chính bản thân họ chứ họ không gây ra hâu quả cho những người khác. Em nghĩ mức phạt 15 năm tù là hơi bị nặng với lại ví dụ yêu cầu người ta đi qua vỉa hè đi theo đúng làn đường thì cái đặt ra là nhà nước vẫn đâu đảm bảo vỉa hè hay làn đường đúng các kiểu cho người ta áp dụng được mà phải bắt người ta, công dân phải thực hiện theo thì nó bị hà khắc quá nên cái này thì phải coi xem xét lại".
Đồng quan điểm trên, anh Huy và một số người khác cũng cho rằng các điều kiện dành cho người đi bộ chấp hành đúng luật còn rất nhiều hạn chế.
"Có những nơi như ở đây thì được. Một số nơi khác thì nó không có vỉa hè để đi đâu. Người ta lấn hết rồi chứ không có để đi được. Do vậy những nơi mà người ta lấn tạo thành cho người khác một cái thói quen băng xuống lòng đường".
"Vi phạm như vậy 15 năm còn gia đình con cái nữa. Nhiều lúc giao thông Việt Nam mình thực ra về cơ cấu hạ tầng đường đi bộ thì bị chiếm đóng. Vỉa hè bị xe chiếm đồ rất là nhiều.
"Người đi bộ ý thức của người ta nếu mà tuân thủ theo luật giao thông thì càng tốt mà còn ý thức người ta không tốt ví dụ người ta đi qua vạch không có đúng như quy định thì thực ra cái phương tiện như hai bánh hoặc bốn bánh vẫn có thể né được. Như mình đang làm đường hay chỗ đèn xanh đèn đỏ có những công trình hố cát người ta không đi được thì làm sao ? Không lẽ giờ di bộ lên cả cây số tới vạch tiếp theo ?
Những người dân mà chúng tôi tiếp xúc cho rằng luật được làm ra nhằm duy trì ổn định xã hội. Tuy nhiên luật phải luật hợp lý, có tính khả thi ; nếu không thì lại rơi vào tình trạng ‘có một rừng luật’ mà khi xử lại theo ‘luật rừng’.
Nhóm phóng viên