Lời chúc Tết đăng trên báo chí Việt Nam của lãnh đạo Đảng Cộng sản, Nhà nước và Chính phủ đều nhấn mạnh đến tinh thần dân tộc, chủ đề tổ quốc chứ dường như không nhắc tới ý thức hệ xã hội chủ nghĩa nữa.
Người Việt Nam đón Tết Đinh Dậu
Đến chúc Tết lãnh đạo Hà Nội và xuất hiện trong bức hình chụp cùng Bí thư thủ đô Hoàng Trung Hải, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "đề nghị Hà Nội xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh".
Ngoài ra, vào sáng mùng 1 Tết, Giáo sư Trọng "đã đến dâng hương trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ và Vua Lê Thái Tổ", rồi đi dạo và đi xe bus ở trên phố, sự kiện được báo chí Việt Nam đồng loạt mô tả.
Các lời trích cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến tính dân tộc hơn là ý thức hệ cộng sản hoặc chủ nghĩa xã hội.
Ông nói về sự "tưởng nhớ công ơn các vị tiên hiền, tiên liệt, các liệt tổ, liệt tông đã dày công xây dựng và bảo vệ non sông đất nước, Thủ đô Thăng Long-Hà Nội để con cháu ngày nay được chung hưởng thái bình, độc lập, tự do".
Ngay cả khi gặp gỡ, chúc Tết quân đội, ông Trọng cũng không nhắc đến chủ nghĩa xã hội nữa, ít ra là theo những gì báo chí Việt Nam tường thuật.
Thăm Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trước Tết, ông nhắc họ "bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện nghiêm pháp luật về biên giới...", theo trang Quân đội Nhân dân 20/01/2017.
Huyền thoại Rồng Tiên
Thông điệp đầu năm và lời chúc Tết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn nói rõ hơn đến huyền thoại Rồng Tiên :
"Đón chào năm mới, mỗi người Việt Nam chúng ta hãy phát huy cao độ tinh thần yêu nước, truyền thống "con Rồng, cháu Tiên", ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mới, đất nước phồn vinh, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc".
"Với niềm tin sâu sắc vào sức mạnh của cả dân tộc và tiền đồ tươi sáng của đất nước, chúng ta quyết tâm giành những thắng lợi mới, to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng đất nước ta giàu mạnh, dân tộc ta trường tồn, sánh vai cùng bạn bè năm châu, đi tới tương lai xán lạn".
Cụm từ 'xã hội chủ nghĩa' quen thuộc một thời chỉ còn trong chữ ký và chức danh của ông Trần Đại Quang là "Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Truyền thống dân tộc Việt Nam nay được đề cao hơn ý thức hệ xã hội chủ nghĩa
Cũng nhân dịp Tết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm đến Quảng Nam và Quảng Ngãi hôm mồng 3 Tết.
Báo chí trích lời ông Phúc "đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cần đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp, tập trung xóa đói giảm nghèo, chú ý đến phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Tây, nơi có số đông đồng bào dân tộc đang sinh sống".
Thủ tướng Phúc 'thăm và báo cáo' hai vị tiền nhiệm
Ông Phúc cũng khen tỉnh Quảng Nam "về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cảng biển, sân bay, giao thông nông thôn, các tuyến đường lên vùng cao được quan tâm đầu tư...".
Từ một số năm qua, giới quan sát và báo chí quốc tế đã nhận định rằng kinh tế tư bản chủ nghĩa đang 'chung sống' với ý thức hệ xã hội chủ nghĩa của chính quyền.
Nhà báo kỳ cựu của BBC News, Alastair Leithead trong chuyến đến Hà Nội đưa tin về Đại hội Đảng Cộng sản khóa trước (1/2011) đã đặt câu hỏi sự pha trộn 'tư bản - cộng sản' có kéo lùi phát triển của Việt Nam hay là không.
Gần đây, khi còn là Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ông John Kerry đã nhận định rằng ở Việt Nam "nay chỉ thấy có chủ nghĩa tư bản".