Những 'nhân vật đặc biệt' trong vụ án Đinh La Thăng (VietnamNet, 14/01/2018)
Trong suốt phiên tòa, những nhân vật này luôn được các bị cáo khác dành cho những lời ưu ái, và xin giảm nhẹ tội hộ.
Theo quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát, bị cáo Lê Đình Mậu trong quá trình thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là Phó trưởng ban Tài chính kế toán kiểm toán PVN, được giao quản lý vốn đầu tư.
Bị cáo biết hợp đồng EPC ký trái quy định nhưng vẫn tham mưu, đề xuất với Nguyễn Xuân Sơn trong việc quyết định việc cấp tạm ứng đợt 3 và đợt 4 để Ban quản lý dự án chi tạm ứng cho PVC trái quy định và PVC sử dụng sai mục đích góp một phần gây thiệt hại cho Nhà nước.
Còn bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC đã thống nhất cùng bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC trái quy định để PVC được nhận tạm ứng và tham gia việc quyết định sử dụng tiền tạm ứng này sai mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Toàn cảnh phiên tòa sáng 14/1. Ảnh : TTXVN
Trong suốt phiên tòa, bị cáo Quý và bị cáo Mậu luôn được các bị cáo khác dành cho những lời ưu ái, và xin giảm nhẹ tội giúp.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) trình bày : Trong vụ án này, bị cáo Quý là người có tư chất hiền lành, chủ yếu làm công tác đoàn thể làm lâu năm ở PVN. Trong cơ cấu tổ chức, bị cáo Quý đã hơn 30 năm cống hiến trong ngành dầu khí. Những con người như bị cáo Quý không cố tình rơi vào vòng lao lý này.
Bị cáo Sơn mong Hội đồng xét xử cho bị cáo Quý được hưởng mức án nhẹ, để không bị cách ly khỏi xã hội. "Một con người tư cách như thế mà bị án nặng thì rất đau lòng", lời bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.
Cả bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Ninh Văn Quỳnh đều cho rằng, bị cáo Lê Đình Mậu chỉ làm theo ủy quyền và xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ tội cho bị cáo Mậu.
"Anh Lê Đình Mậu là cấp phó của bị cáo, anh ấy làm theo ủy quyền của bị cáo. Thực chất là người xuất kho nên bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét giảm trách nhiệm cho anh Mậu", bị cáo Quỳnh nói.
Trịnh Xuân Thanh bị phản ứng
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, trong suốt phiên tòa đã gặp phải sự phản ứng của các bị cáo khác.
Bị cáo Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC) trong phần tự bào chữa trình bày : "Trong phiên tòa hôm qua, bị cáo Trịnh Xuân thanh có ý buộc tội cho bị cáo, đề nghị bị cáo Thanh trong quá trình phải biện luận cứ không được buộc tội, cáo buộc cho bị cáo. Anh tự hỏi lương tâm của mình, vì anh hay vì ai mà biết bao nhiêu người phải đứng trước phiên tòa này ?".
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa. Ảnh : TTXVN
Trước đó, ở phần thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVC), cũng có phản ứng trước việc Trịnh Xuân Thanh nhiều lần nhắc đến chuyện bị cáo Thanh coi bị cáo Minh như anh em ruột thịt trong nhà.
Bị cáo Minh trình bày : Trong suốt quá trình làm việc, anh ta và Trịnh Xuân Thanh có quan hệ rất chân tình. "Nhưng chuyện tình cảm, bị cáo nghĩ đó là trong quan hệ gia đình và quan hệ bạn bè. Ra Hội đồng xét xử thì việc vi phạm pháp luật là thượng tôn. Bị cáo xin Hội đồng xét xử có ý kiến với anh Thanh, nhắc anh Thanh việc anh cứ nhiều lần nói coi bị cáo như ruột thịt", lời bị cáo Minh.
T.Nhung
***********************
Bản án dù nghiêm khắc nhất, chưa phải là hình phạt duy nhất (VietnamNet, 13/01/2018)
Phiên tòa hình sự Tòa án nhân Thành phố Hà Nội xét xử vụ án "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí, diễn ra vào những ngày miền Bắc đón đợt rét đậm rét hại, nhưng sức nóng từ phiên tòa không hề giảm.
Vụ án "xông đất" đầu năm 2018 thuộc loại đại án, với hai tội danh, với từng bị cáo, đều ở mức độ trên cả nghiêm trọng. Người dân theo dõi diễn biến phiên tòa để giám sát xem tính nghiêm minh của công lý được thực thi như thế nào ?
Cái giá mà những bị cáo phải trả cho từng hành vi "cố ý làm trái" và "tham ô tài sản" được lượng hình ra sao, có tương xứng không ? Qua vụ đại án này, người dân muốn đánh giá, kiểm chứng kết quả công cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm" do Đảng phát động, cầm trịch đã đạt đến bước nào ? Kiểm đếm và tiên lượng những "con sâu", "bầy sâu" nào sẽ tiếp tục bị sức nóng của lò lửa chống tham nhũng, tiêu cực, tha hoá soi chiếu và "dẫn độ" ra ánh sáng ?
Phiên tòa hình sự Tòa án nhân Thành phố Hà Nội xét xử vụ án "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí, diễn ra vào những ngày miền Bắc đón đợt rét đậm rét hại, nhưng sức nóng từ phiên tòa không hề giảm. Ảnh : TTXVN
Cũng qua vụ án này, hệ thống tổ chức chính trị của Đảng và từng người dân có thể nhìn nhận rõ hơn hình hài, bản chất của "bầy sâu"-nhóm lợi ích, đánh giá căn nguyên và con đường dẫn dắt từng cá nhân đến suy thoái, tha hoá, đến mức trở thành tội phạm, để hoàn thiện cơ chế giám sát quyền lực, phòng ngừa tiêu cực.
22 bị cáo, trong đó có người từng giữ các vị trí quyền lực cấp cao trong hệ thống chính trị và tập đoàn kinh tế lớn, đã phải đối mặt với công lý và búa rìu dư luận.
Bản luận tội mà đại diện Viện Kiểm sát nhân dân trình bày tại phiên tòa chiều ngày 11/01 đã chỉ rõ từng hành vi gắn với vai trò của từng bị cáo và mức độ, hậu quả mà hành vi đó gây ra, không quên đánh giá công-tội, cân nhắc lượng hình, khép tội, có lý có tình.
Mức hình phạt tù chung thân được đề nghị, dành cho nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, bị cáo Trịnh Xuân Thanh ; mức phạt tù từ 14 đến 15 năm, dành cho nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí, cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng ; 26 đến 28 năm tù dành cho nguyên Tổng Giám đốc PVC, bị cáo Vũ Đức Thuận..., dù đó đã là hình phạt nghiêm khắc nhất, thì cũng chưa phải là những trừng phạt duy nhất.
Họ còn chịu những hình phạt hơn cả mức án chung thân, vô hình và hữu hình, những hình phạt từ truyền thông, dư luận xã hội, từ tổ chức mà họ từng là thành viên, và từ người dân của đất nước còn nghèo khó vốn căm phẫn trước mọi biểu hiện bất tín, vô nhân. Họ sẽ nhìn lại quãng đời đã qua, suy ngẫm về những mối quan hệ xây dựng từ thói ban phát quyền lực và chia chác lợi lộc tưởng bền chặt hoá ra bạc bẽo, mong manh ; hồi ức về những ngày "đáo tụng đình", những năm tháng "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại"... Đó mới là những hình phạt dai dẳng, chát đắng, đeo bám suốt cuộc đời họ.
Rồi đây, dù còn không ít những phiên tòa xét xử vụ án tương tự, nhưng phiên tòa này sẽ đi vào lịch sử tố tụng, khi một vụ đại án, với hơn 20 bị cáo, liên quan đến quan chức, quyền lực, nhóm lợi ích, với những mối quan hệ thâm sâu, chằng chịt, rất nhạy cảm và phức tạp, sau một thời gian ngắn, kể từ khi tiếp nhận hồ sơ từ cơ quan điều tra, đã được đưa ra xét xử công khai. Phiên tòa "xông đất" này cũng là phiên tòa đầu tiên áp dụng Bộ Luật hình sự 2015 và mô hình phòng xử án mới không có vành móng ngựa ; đại diện Viện Kiểm sát và 42 luật sư bào chữa ngồi ngang hàng.
Những hình ảnh từ phiên tòa mà truyền thông cung cấp, cho thấy, những người tham gia tố tụng được sử dụng quyền tranh tụng tối đa, được tranh biện và đưa ra bằng chứng có lợi cho mình. Các bị cáo được quyền trả lời hoặc từ chối trả lời... Như thế quyền con người được tôn trọng. Bản luận tội mà đại diện Viện Kiểm sát đưa ra đã bớt đi những từ ngữ mang tính áp đặt, suy diễn và thêm nhiều ngôn từ biểu cảm ; nguyên tắc suy đoán vô tội đã được chú ý...
Sau mỗi phiên tòa xét xử vụ đại án "cố ý làm trái" hay "tham ô tài sản", người ta thường quan tâm đến tổng số năm tù mà hội đồng xét xử tuyên cho từng bị cáo và các bị cáo. Đó cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng vấn đề cần quan tâm hơn, là làm sao sau mỗi phiên tòa xét xử vụ đại án, những ai còn manh nha ý đồ vụ lợi, tham ô, tham nhũng, cố ý làm trái, sẽ biết sợ mà chùn tay. Họ phải tự cảm nhận, những bản án nghiêm khắc tương ứng đang dành đón, nếu họ phạm tội. Và, họ phải biết, dù là bản án ở mức nghiêm khắc nhất, vẫn chưa phải là hình phạt duy nhất.
Văn Uông
*********************
Ông Đinh La Thăng muốn làm 'ma tự do' (VOA, 14/01/2018)
Cựu ủy viên Bộ Chính trị hôm 13/1 đã đề cập tới lời phát biểu về việc xử lý cán bộ sai phạm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phần tự bào chữa và nói muốn làm "ma tự do".
Ông Thăng trích lời người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng "xử lý cán bộ không phải dập cho người ta không ngóc lên được mà xử lý để cho họ khắc phục sửa chữa, để tiến bộ, trưởng thành và quan trọng để cho họ thấy sai".
Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ, trong buổi tiếp xúc cử tri ở Hà Nội hồi tháng 10 năm ngoái ông Trọng phát biểu rằng việc xử lý tham nhũng "cốt là để người ta giác ngộ, thấy được vết xe đổ thì mới thành công, không gây bất mãn cho xã hội".
Theo các đoạn video đăng trên mạng xã hội, cựu quan chức Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói rằng lời phát biểu đó "cho bị cáo thấy được, cảm nhận được sự nhân văn sâu sắc của tổng Bí thư".
Ông Thăng từng bị "cảnh cáo", "cho thôi làm Ủy biên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh" rồi bị bắt và đưa ra xử vì "liên quan tới các sai phạm thời còn làm lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam".
Hôm 10/1, ông bị đề nghị mức án 14 - 15 năm tù giam. Trong khi tự bào chữa, ông Thăng "đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét với tinh thần thấu tình đạt lý, đúng căn cứ, pháp luật và công bằng cho cán bộ dầu khí, không vì tư lợi mà chỉ muốn tập đoàn phát triển nhanh theo đúng kỳ vọng của chính phủ".
Trước đó một ngày, về quyết định gây tranh cãi về việc để cho Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC), công ty con của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), làm tổng thầu thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 "gây thiệt hại hơn trăm tỷ đồng", ông Thăng khai rằng nó từng được thủ tướng [Nguyễn Tấn Dũng] "chấp thuận" và "theo chủ trương của Bộ Chính trị".
Bày tỏ nguyện vọng trước tòa, ông Thăng nói rằng ông "chỉ có mong muốn cuối cùng là làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra ngoài, được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân, gia đình, bạn bè".
Ông được nhiều tờ báo trong nước trích lời nói rằng ông "cũng mong muốn, nếu có chết thì được làm ma tự do chứ không phải ma tù".
Nguyện vọng "làm ma tự do" của ông cũng trở thành một chủ đề được nhiều người thảo luận trên mạng xã hội.
Luật sư Lê Công Định viết : "Dưới sự lãnh đạo toàn diện của đảng mà có Ma Tự Do sao ?"
Lời bào chữa của ông Thăng mà nhiều tờ báo nói là "nghẹn ngào" đã trở thành bài được nhiều người đọc nhất trên hầu hết các trang tin điện tử ở Việt Nam.
Trong khi đó, ông Trịnh Xuân Thanh, một bị cáo khác trong vụ xử về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và "Tham ô tài sản", tự bào chữa rằng ông "không tham ô".
Ngoài ra, theo truyền thông Việt Nam, ông Thanh, nguyên lãnh đạo PVC, cho biết "thấy có lỗi với anh Định La Thăng" và "cũng lo sợ viễn cảnh phải "làm ma trong tù" chứ không được "làm ma tự do" vì còn một phiên tòa nữa đang chờ đợi bị cáo". Ông Thanh trước đó bị đề nghị án tù chung thân.
*********************
Ông Đinh La Thăng : 'Muốn làm ma tự do' (BBC, 14/01/2018)
Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đề nghị với Hội đồng Xét xử cho được 'chết tại nhà trong vòng tay người thân' vì không muốn làm 'đám ma tù', trong khi cựu Phó Chủ tịch Tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh 'bật khóc' ngay tại tòa trước khi phát biểu tự bào chữa, theo truyền thông Việt Nam.
Các ông Đinh La Thăng (đứng) và Trịnh Xuân Thanh (ngồi bên trái, hàng đầu) đều nói các ông sợ bị chết trong tù, theo truyền thông Việt Nam
"Bị cáo chỉ có mong muốn cuối cùng là làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra ngoài, được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân, gia đình, bạn bè. Bị cáo cũng mong muốn, nếu có chết thì được làm ma tự do chứ không phải ma tù. Bị cáo chỉ mong muốn như vậy", ông Đinh La Thăng được báo mạng VietnamNet hôm 13/01/2018 dẫn lời nói khi phát biểu tự bào chữa trước Tòa.
"Bị cáo mong Hội đồng xét xử (Hội đồng xét xử) sẽ xét xử công tâm, khách quan, công bằng theo đúng tinh thần Hiến pháp mới".
Vẫn theo nguồn này, ông Đinh La Thăng, nguyên lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), đã trình bày trước tòa một số điểm về gia cảnh của ông và tình trạng sức khỏe cá nhân :
"Bố bị cáo đã cao tuổi, mắc bệnh hiểm nghèo, bị cáo có 2 con gái thì cháu thứ 2 năm nay 22 tuổi, nhưng hoàn cảnh không bình thường, rất cần sự chăm sóc của bố. Bị cáo bị chịu trách nhiệm ở hai vụ án khác nhau, khi bố bị cáo mất sẽ khó có khả năng gặp mặt trước khi mất.
"Bị cáo mong muốn Hội đồng xét xử xem xét để tạo điều kiện cho bị cáo chấp hành quyết định của tòa. Bản thân bị cáo bị rất nhiều bệnh, không phải đến bây giờ ra tòa mới nói mà ngay từ năm 2006, Ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Trung ương đã cấp thuốc hàng ngày", VietnamNet dẫn lời bị cáo nguyên là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.
'Bị cáo cũng lo sợ'
Ông Trịnh Xuân Thanh khẳng định trước tòa là ông 'không tham ô', 'không chỉ đạo rút tiền', theo truyền thông nhà nước Việt Nam
Về phần mình, khi phát biểu tự bào chữa tại Tòa, ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói :
"Tôi thấy có lỗi với anh Đinh La Thăng, với các anh ở Petro Vietnam (PVN.)
"Cũng như anh Thăng, bị cáo không muốn đổ lỗi cho cấp dưới. Rất mong là Viện kiểm sát chỉ ra, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới làm sai bằng cách nào. Với cương vị của bị cáo, chỉ đạo miệng thì không thể. Mong Hội đồng xét xử xem xét kỹ cho hành vi chuyển tiền sai mục đích mà bị cáo bị cáo buộc", ông Thanh được dẫn lời nói.
Vẫn theo truyền thông Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh khẳng định trước tòa là ông 'không tham ô', 'không chỉ đạo rút tiền'
"Bị cáo cũng lo sợ viễn cảnh phải "làm ma trong tù" chứ không được "làm ma tự do", vì còn một phiên tòa nữa đang chờ đợi bị cáo", ông Thanh được báo mạng VietnamNet dẫn lời nói.
Ông Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao của Việt Nam, cho rằng Viện Kiểm Sát đề nghị các mức án cho hai bị cáo trên là hợp lý, theo truyền thông Việt Nam
Hôm 12/01/2018, báo mạng Kiểm Sát Online dẫn ý kiến bình luận của một cựu quan chức cao cấp ngành Kiểm sát ở Việt Nam bình luận về vụ án và các mức án được đề nghị cho hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.
"Qua những ngày xét xử, dựa trên kết quả thẩm vấn các bị cáo, nhân chứng, kiểm tra, đối chiếu các tài liệu, chứng cứ, thái độ khai báo của các bị cáo và quy định của pháp luật, Viện Kiểm Sát đã công bố bản luận tội và đề xuất các mức án đối với từng bị cáo", Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao của Việt Nam trả lời báo mạng Kiểm Sát Online.
"Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng bị đề nghị mức án từ 14 - 15 năm tù về tội cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị từ 13 -14 năm tù về tội cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tù chung thân về tội tham ô, tổng hợp hình phạt tù chung thân, tôi thấy Viện Kiểm Sát đề nghị mức án như vậy là hợp lý".
Tại sao áp dụng luật cũ ?
Bình luận về vụ án và mức án với hai bị cáo trên, đặc biệt về tội danh, hôm 11/01/2018, tại Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt, từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng Văn phòng Luật sư cùng tên, nói :
"Thời điểm 1/1/2018 là thời điểm áp dụng bộ luật hình sự mới, và đây cũng là thời điểm giao thời về việc áp dụng bộ luật hình sự nào cho tội danh của ông Đinh La Thăng bởi lẽ Bộ luật hình sự cũ có quy định về tội cố ý làm trái và cũng chính là tội hiện ông Đinh La Thăng đang bị xét xử. Nhưng ở bộ luật hình sự mới thì điều luật về tội danh này không còn nữa và nó đã hóa thân thành một điều luật nào đó khác trong bộ luật hình sự mới. Hiện nay cũng chưa có quy định nào chỉ rõ về vấn đề này, và đây cũng chỉ là sự đọc và cảm nhận cho rằng nó có liên quan đến một số điều luật.
"Giữa lúc bộ luật hình sự cũ và mới giao thời như thế này thì thường rất hay đặt ra vấn đề là áp dụng bộ luật hình sự nào ? Thật ra trong lĩnh vực luật hình sự cũng đã quy định sẵn, có nguyên tắc xuyên suốt mà hầu như tất cả, ngay cả các sinh viên trường luật khi còn ngồi ghế nhà trường cũng biết là phải áp dụng điều luật có lợi cho đương sự".
Và Luật sư Đặng Đình Mạnh đưa ra ví dụ rồi phân tích : "Tôi giả thiết ví dụ bộ luật hình sự cũ có quy định về tội cố ý làm trái nhưng bộ luật hình sự mới không quy định tội danh này thì mặc dù hành vi của ông Đinh La Thăng xảy ra trước năm 2018 nhưng đến thời điểm năm 2018 mới bắt đầu xét xử ông thì lẽ ra theo nguyên tắc, ông Đinh La Thăng sẽ được miễn trách nhiệm, không bị truy tố bởi tội danh này nữa. Đó là vì chúng ta phải áp dụng nguyên tắc vô can và có lợi.
"Hoặc giả như bộ luật hình sự cũ có quy định hình phạt nặng nhưng bộ luật hình sự mới, cũng có tội danh đó chẳng hạn, nhưng họ quy định hình phạt nhẹ hơn thì mặc dù hành vi có trước nhưng vẫn phải áp dụng ngay lập tức hình phạt nhẹ trong luật mới cho ông Đinh La Thăng. Đó là những nguyên tắc mà kể cả sinh viên luật khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng đã phải hiểu và thuộc lòng rồi.
"Có một điểm tôi thấy rất lạ là chúng tôi không hiểu tại sao vào thời điểm Quốc hội ra Nghị quyết 41 để thi hành bộ luật hình sự thì trong đó lại "thòng" theo là chỉ một số tội danh thôi, là nếu hành vi xảy ra trước năm 2018 mà chưa được xét xử thì vẫn phải áp dụng theo luật hình sự cũ, trong đó đặc biệt có tội cố ý làm trái.
"Tôi nhìn nhận đây là một quy định khác thường. Nó không theo một thông lệ mà [từ] hồi [đó] tới giờ ở nước ta và luật pháp luật hình sự ở tất cả các quốc gia tiến bộ trên thế giới họ vẫn đang áp dụng. Đây là một sự khác thường.
"Cũng rất có thể vào thời điểm đó các nhà làm luật của chúng ta đã dự liệu rằng có thể sẽ xét xử ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh vào thời điểm năm 2018. Theo tôi lẽ ra điều này là không nên có. Dù trường hợp nào thì cũng không nên áp dụng như vậy.
"Nếu bộ luật hình sự mới đã biến đổi tội danh đó thành những tội danh khác thì vẫn nên áp dụng theo những suy xét để áp dụng bộ luật hình sự mới", Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm với Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt.
*******************
Ông Đinh La Thăng ‘muốn chết là ma tự do, chứ không phải ma tù’ (Người Việt, 13/01/2018)
"Bị cáo chỉ mong muốn làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Bị cáo cũng mong muốn, nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù".
Ông Đinh La Thăng tại tòa án
Đó là những lời cuối cùng của ông Đinh La Thăng trong phần tự bào chữa của mình tại phiên xử hôm 13 Tháng Giêng, theo báo Tuổi Trẻ.
Trong phiên xử này, ông Thăng tự nhận trách nhiệm, đồng thời nhận cả trách nhiệm cho cấp dưới. Suốt bài bào chữa, nhiều lần ông Thăng đã khóc do xúc động vì sự quan tâm của những người thân và hoàn cảnh gia đình mình.
Ông nói về hoàn cảnh gia đình : "Xin Hội đồng xét xử xử lý để tạo cơ hội cho cán bộ sửa chữa, bản thân gia đình bị cáo, bố mắc bệnh hiểm nghèo, có hai con gái, một cháu phát triển không bình thường, rất cần sự chăm sóc của bố mẹ. Khả năng, khi bố bị cáo mất, bị cáo khó có điều kiện gặp bố, cũng như chăm sóc gia đình và chăm sóc con gái. Nếu bị xử hai vụ, bị cáo không biết có còn sống không để ra tù. Bị cáo chỉ mong muốn Hội đồng xét xử xem xét để tạo điều kiện cho bị cáo chấp hành hình phạt. Bản thân bị cáo bị rất nhiều bệnh".
Cũng trong bài tự bào chữa trước tòa, Tuổi Trẻ trích lời ông Thăng nói : "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, mỗi việc đều có bối cảnh và nguyên nhân của nó. Do đó cần xem xét đánh giá toàn diện với cách nhìn hướng về tương lai để xử lý. Xử lý cán bộ không phải dập cho người ta không ngóc đầu lên được mà xử lý để người ta sửa chữa tiến bộ, để người ta thấy sai. Khi tổng bí thư phát biểu ý này, bị cáo thấy được, cảm nhận được sự nhân văn sâu sắc của tổng bí thư".
Một nguồn tin của nhật báo Người Việt xác nhận ông Thăng có một con gái nhỏ bị tự kỷ, hiện đang chữa trị.
Sau khi phiên tòa trong ngày tạm dừng, Luật Sư Nguyễn Văn Quynh, một trong những người bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh, bình luận trên trang Facebook cá nhân : "Lần đầu tiên một vụ án hình sự, cả khán phòng rơi nước mắt vì bài tự bào chữa của bị cáo".
Luật Sư Hoàng Văn Hướng, cựu giảng viên Học Viện Tư Pháp, viết trên trang Facebook cá nhân về ông Thăng : "Một gia đình neo đơn và nặng trĩu trách nhiệm gánh vác, bố đẻ anh năm nay gần 90 tuổi, vợ anh lo toan hết thảy việc nhà nên cũng luôn ốm yếu, hai cô con gái thì một cháu bị thiểu năng mà nguyên nhân tôi biết được qua tâm sự của bố anh là tại anh bận họp cố ở công trường Sông Đà không kịp về đưa vợ đi sinh, vỡ ối cháu gái thứ hai bị ngạt và để lại hậu quả…".
Trong phiên tòa đang diễn ra, ông Đinh La Thăng bị đề nghị mức án 14-15 năm tù giam. Hiện chưa rõ thời điểm ông tiếp tục phải ra tòa trong vụ án "Cố ý làm trái", "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản" với khoản thiệt hại được xác định là 800 tỷ đồng (hơn $35.4 triệu) của PVN khi góp vốn vào OceanBank, được Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra – Bộ Công An khởi tố ngày 31 Tháng Tám, 2017.
Hồi trung tuần Tháng Mười Hai, 2017, các luật sư của ông Thăng đã kiến nghị nhập hai vụ án của ông Đinh La Thăng làm một do ông này "bị điều tra cùng hành vi cố ý làm trái khi đang là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của PVN nhưng lại tách thành hai vụ án gây bất lợi" nhưng đề nghị này không được chấp thuận.
Trong một diễn biến khác, sau khi kết thúc phiên tòa hiện tại, ông Trịnh Xuân Thanh, thuộc cấp của ông Thăng và là người đang bị đề nghị mức án chung thân, sẽ tiếp tục ra tòa hôm 24 Tháng Giêng tới đây tại Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội trong vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại công ty Cổ Phần Bất Động Sản Điện Lực Dầu Khí Việt Nam (PVP Land).
Em trai của ông Đinh La Thăng là ông Đinh Mạnh Thắng, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty Cổ Phần Đầu Tư và Thương Mại Dầu Khí Sông Đà, cũng bị xét xử trong phiên tòa này. (T.K.)