Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/01/2018

Cách mạng công nghiệp 4.0, VN-Index gian lận, hộ chiếu Việt Nam

Tổng hợp

Việt Nam đang ở đâu trong giai đoạn cách mạng công nghiệp ? (VNTB, 15/01/2018)

Khi Việt Nam chưa làm và làm chưa tốt những vấn đề nhỏ nêu trên, thì vĩnh viễn Việt Nam vẫn ở hệ 2.0, và từ 2.0 không thể thực hiện bước ‘nhảy vọt’ để sang 4.0.

vn1

Mô hình 4 giai đoạn cách mạng công nghiệp

4.0 từ ngày Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc nêu ra đã trở thành khát vọng đến mức đi đâu và làm gì cũng gắn với 4.0. Thậm chí nhiều học giả, nhà báo còn đặt ra câu hỏi : làm gì để đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 hay đầu tư đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0.

 ‘Đi tắt, đón đầu’ là căn bệnh nan y đối với thể chế và dân tộc, bởi nó từng kết liễu mục tiêu ngành công nghiệp oto ; công nghiệp nặng ; nền kinh tế trí thức ; nền công nghiệp hóa – hiện đại hóa 2020. Nó là tư tưởng ‘ăn xổi, ở thì’ khi chưa có những điều kiện cần thiết để bắt kịp một xu hướng phát triển nào đó.

Và giờ nó lại hiện diện ở 4.0 !

Do sự lạm phát ‘4.0’, nên vào trong một cuộc hội thảo về nâng cao năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa vào ngày 11/01/2018, Giáo sư Trần Văn Thọ, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ, Đại học Waseda (Tokyo), đã nhận xét thẳng thắn : Việt Nam cứ nghĩ tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cao xa mà có những vấn đề đơn giản chúng ta không làm như muốn rút ngắn khoảng cách công nghệ với thế giới phải nhập khẩu công nghệ ứng dụng vào sản xuất.

Cái nhìn của Giáo sư Trần Văn Thọ là vô cùng cần thiết, bởi nó dập bớt sự ảo tưởng của một số đông doanh nghiệp, chính khách liên quan đến sự trở mình hóa rồng, hóa hổ trong tích tắc, và trở về với nguyên tắc : phát triển là cả một quá trình. Nếu không nhận thức được nguyên tắc này, thì ngay lập, Việt Nam sẽ mắc căn bệnh ‘hoang tưởng’ về cách mạng 4.0 – nhưng đã từng mắc phải ‘bẫy thu nhập trung bình’.

Việt Nam hiện giờ đã có điều kiện gì cho 4.0 ?

Chưa có bất kỳ thứ gì liên quan trực tiếp đến nền tảng lẫn chính sách, mà mọi thứ mới dừng ở ‘truyền cảm hứng’ và ‘chỉ đạo’.

Thử nhìn lại các giai đoạn phát triển của lịch sử cách mạng công nghiệp loài người và xem thử Việt Nam ta đang ở đâu.

Xuất phát của cách mạng công nghiệp là diễn ra vào thế kỷ XVIII – XIX tại vùng nông thôn ở Châu Âu và Châu Mỹ, với sự chuyển đổi dụng cụng sản xuất từ cầm tay hoặc máy móc đơn giản để sang máy móc đặc biệt và nhà máy sản xuất hàng loạt gắn liền với ngành công nghiệp dệt, sắt động cơ hơi nước. Sau cách mạng công nghiệp đầu tiên, là cuộc cách mạng về điện với sự trợ giúp và tác động cực kỳ mạnh mẽ liên quan đến sản xuất (điện khí hóa, luyện kim). Tiếp đó là cuộc cách mạng kỹ thuật số 3.0 gắn liền với sử dụng điện tử và CNTT để tự động hóa sản xuất (sản xuất dây chuyền tự động). Và cuối cùng là cuộc cách mạng 4.0, gắn liền với xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất, tích hợp hàng loạt công nghệ như máy chủ trên mây (cho phép truy cập từ xa ứng dụng và lưu trữ tài liệu) ; internet trên mây (sử dụng đám mây để lưu trữ và đồng bộ hóa quá trình tự động được áp dụng ngay trong vấn đề nhỏ nhất như hệ thống chiếu sáng và oto tự động).

Nếu căn cứ khung cách mạng nêu trên, thì Việt Nam vẫn đang dậm châm bền vững ở giai đoạn 2 của cuộc cách mạng về điện, sản xuất hàng loạt với dây chuyền lắp ráp. Một số rất nhỏ các doanh nghiệp trong xã hội liên quan đến sản xuất mới tiệm cận ở giai đoạn 3 về máy tính và sự tự động hóa trong sản xuất, mà một đặc trưng tiêu biểu là xuất hiện siêu nhà máy (mega factory) với quy trình tự động hóa và có sử dụng robot (như quy trình sản xuất của tập đoàn Vinamilk).

vn2

Tập đoàn Vinamilk sở hữu siêu nhà máy

Nhiều quan điểm nhầm lẫn cho rằng, sự phát triển internet tại Việt Nam, gắn hạ tầng cơ sở viễn thông là dấu hiệu hiện hữu của 4.0, nhưng thực ra, khi Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn 3G, thì từ năm 2014, một số nước EU như Anh và Đức đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển mạng viễn thông 5G tốc độ cao. Và khi Việt Nam đang bước đầu triển khai mạng 4G, thì ở những nước như Mỹ đã dự kiến cuối năm 2018 sẽ tiến hành phủ mạng 5G. Chưa kể, hạ tầng viễn thông chỉ là một phần trong tổng thể nền công nghiệp cơ bản và công nghiệp nhẹ trong cả lĩnh vực dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp.

Chính vì vậy, mà Giáo sư Trần Văn Thọ mới nhấn mạnh cái gọi là ‘nhập khẩu công nghệ ứng dụng vào sản xuất’. Nhưng ngay cả khi làm tốt được điều này, nó cũng chỉ giải quyết được khâu bổ sung tức thời nền tảng cho cuộc cách mạng khoa học ; trong khi phải còn các yếu tố cần thiết khác cho một cuộc cách mạng như chính sách của Chính phủ (chính sách phát triển và quản lý phát triển) ; nguồn nhân lực và thị trường tài chính.

Khi Việt Nam chưa làm và làm chưa tốt những vấn đề nhỏ nêu trên, thì vĩnh viễn Việt Nam vẫn ở hệ 2.0, và từ 2.0 không thể thực hiện bước ‘nhảy vọt’ để sang 4.0.

Trừ sự hoang tưởng và nói cho ‘sang miệng’ - tức phát triển trong tâm trí hơn là thực tế. 

Ánh Liên

***************

Động cơ nào phía sau việc ‘đánh lên’ VN-Index ? (CaliToday, 14/01/2018)

Đã hiện ra những bằng chứng đủ rõ và đủ thuyết phục cho thấy chiến dịch "đánh lên" chỉ số chứng khoán Việt Nam VN-Index là không thực chất, nói cách khác là đã có một bàn tay khổng lồ và bí mật nào đó cho tăng giám nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa lớn hoặc siêu lớn (large-cap) nhằm những mục đích nào đó, trong khi bỏ mặc một nửa thị trường vẫn nguyên trạng trong cơ bê bết về giá và thanh khoản.

vn3

Đầu năm 2018, VN-Index đã vượt mốc 1000 điểm rất dễ dàng. Ảnh : Zing.vn

Trong năm 2017, tỷ lệ "đánh lên" đến 48% của thị trường này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng cao nhất và hấp dẫn nhất thế giới, bất chấp quy luật tự thân của thị trường này "tiền không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ chạy từ túi nhà đầu tư này vào túi nhà đầu tư khác".

Tuy nhiên theo phân tích của giới đầu tư chứng khoán thì cổ đông, nhà đầu tư của gần 50% số cổ phiếu niêm yết trên hai sở giao dịch chứng khoán không được hưởng lợi gì từ sự tăng trưởng của chỉ số, thậm chí không ít người thua lỗ lớn.

Thống kê giá đóng cửa của 695 cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE và HNX trong năm 2017 (không bao gồm các cổ phiếu niêm yết mới) cho thấy, 120 cổ phiếu (17%) có mức sinh lợi cao hơn VN-Index, nhưng có 308 cổ phiếu (44%) giảm giá so với đầu năm và 15 cổ phiếu đã phải rời sàn.

Bên cạnh sự phân hóa thị giá, xu hướng phân hóa của thanh khoản cũng trở nên rõ rệt. Giá trị giao dịch bình quân/phiên của thị trường chứng khoán năm 2017 tăng gần 63% so với năm 2016, nhưng gần một nửa số cổ phiếu niêm yết hầu như không có giao dịch, hoặc giá trị giao dịch không đáng kể.

Một trong những chuyên gia đã quan sát, phân tích và trực tiếp tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ hàng chục năm qua – Tiến sĩ Đinh Thế Hiển – trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Đất Việt trong nước vào tháng 11/2017 đã xác nhận : "Chỉ cần có một vài cổ phiếu dịch lên một chút cũng đủ khiến chỉ số VN-Index tăng lên. Những mã này số lượng giao dịch không lớn, vẫn là những nhà đầu tư Nhà nước hay nhà đầu tư chủ chốt nắm quyền chi phối, đặc biệt là những cổ phiếu có chủ đầu tư chủ chốt nắm quyền chi phối thì nó càng không đại diện cho giá trị thực tế".

Chỉ ở trong chăn mới biết chăn có rệp – đó là thâm niên kinh nghiệm và cũng là trải nghiệm xương máu của quá nhiều nhà đầu tư và giới phân tích tài chính, bởi hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" là một đặc trưng rất rõ và cũng hết sức tàn nhẫn của VN-Index. Một thị trường của khoảng 20 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn như VIC, VNM, GAS… mà chỉ cần những cổ phiếu này tăng hay giảm về giá là chắc chắn làm diện mạo VN-Index lập tức chuyển từ xanh sang đỏ.

Không phải bỗng dưng mà "tay to" – một từ lóng được giới chơi chứng khoán đặt cho những nhà đầ tư cá mập và có khả năng từ chi phối đến thao túng thị trường này, lại "đánh lên" VN-Index vào năm 2017, trong khi nhiều năm trước chỉ số này chỉ biết lao dốc và ậm ạch.

Muốn "đánh lên" VN-Index, cần đến hàng trăm ngàn tỷ đồng hoặc hơn – một con số khổng lồ mà chỉ có giới đại gia ngân hàng – nơi nắm tay hòm chìa khóa của huyết mạch tài chính nền kinh tế – mới có thể đáp ứng.

2017 là thời kỳ của nạn tràn ứ tiền đồng trong hệ thống ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng thương mại cổ phần – một hệ quả và cũng là hậu quả tất yếu của nạn in tiền ồ ạt có thể lên đến 400.000 – 500.000 tỷ đồng/năm từ hàng chục năm trước.

Kết quả và hệ quả của nạn tràn ngập tiền đồng trong hệ thống ngân hàng là diều được xem là "tăng trưởng tín dụng" đã rất có thể được phá triển vào chứng khoán – một thị trường mà nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đã gọi thẳng cái tên trần trụi của nó : thị trường cờ bạc.

Trong tình thế có đến 1,2 triệu tỷ đồng ứ đọng trong hệ thống ngân hàng mà không biết làm thế nào để khuyến dụ hay chiêu dụ các doanh nghiệp và người dân vay mượn, cũng trong tình thế vẫn đang tồn đọng kít nhất 600.000 tỷ đồng nợ xấu trong các ngân hàng và trong đó có ít nhất 300.000 tỷ đồng là nợ xấu nằm trong tài sản bất động sản mà ngân hàng siết nợ từ các con nợ kinh doanh nhà đất nhưng rao mãi vẫn chẳng bán lại được cho ai, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phải "hết sức quyết tâm"mà chỉ đạo rằng đẩy mạnh tốc độ đẩy tiền ra lưu thông với tỷ lệ lên đến 19 – 21% trong năm 2017.

Vậy là "thị trường cờ bạc" bất chợt "hóa rồng", còn tâm trạng nhà đầu tư nhỏ lẻ như "hóa rồ" vì ánh lợi nhuận lấp lánh mà đã quá lâu không lâu không được nhìn thấy – một hình ảnh tái hiện thời kỳ tăng gấp gần ba lần của chỉ số VN-Index vào cuối năm 2006 – đầu năm 2007.

Theo đó, năm 2018 sẽ mang lại "thành tích tăng trưởng GDP 6,7%" một cách dễ dáng theo quyết tâm của thủ tướng Phúc, thậm chí còn có thể vượt hơn cả chỉ tiêu đó, cho dù VN-Index tăng không mấy thực chất.

VN-Index cũng khiến nhiều người lóa mắt mà do đó sẽ khiến nhiều ngân hàng thương mại cổ phần dễ dàng hơn trong ý đồ tống khứ những dự án căn hộ cao cấp và đất nền đã siết nợ từ vài ba năm trước.

Thiền Lâm

***************

Hộ chiếu Việt Nam có vấn đề với dòng chữ 'full name' ? (BBC, 15/01/2018)

Hiện đang có các diễn giải khác nhau và khúc mắc về dòng chữ tiếng Anh 'full name' trên hộ chiếu Việt Nam.

vn4

Hộ chiếu Đức và Việt Nam

Một số trang tiếng Anh nói chuyện này từ lâu nay và có trường hợp công dân Việt Nam ở Pháp phải xin giấy chứng nhận phân biệt 'họ và tên' cho 'full name'.

Nhưng câu chuyện cũng cho thấy các vấn đề liên quan đến văn hóa, tập quán và pháp lý trên thế giới vẫn còn khác nhau về họ tên người mang hộ chiếu.

Chỉ có ở Việt Nam ?

Từ nhiều năm qua, cách ghi và đặt 'họ và tên' trên hộ chiếu và các giấy tờ Việt Nam đã gây ra không ít câu hỏi cho người nước ngoài.

Trong phần tiếng Việt, hộ chiếu ghi : họ và tên ; nhưng phần tiếng Anh lại không chia ra 'surname' (family name), theo sau là 'first name' hoặc 'given name'.

Trái lại, trên hộ chiếu Việt Nam và các đơn xin visa Việt Nam chỉ có một dòng gộp lại là 'full name' (tên đầy đủ).

vn5

Các hộ chiếu EU và cả hộ chiếu Nhật Bản phân biệt rõ 'họ' và 'tên, tên đệm' nhưng Việt Nam và một số nước Châu Á thì gộp hết lại

Trong đơn xin visa Việt Nam, 'full name' có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Một số trang lữ hành đã đem vấn đề này ra bàn và nêu ra rằng 'full name' được hiểu là 'tất cả họ tên, tên đệm, họ kép, tên kép' của bạn.

vn6

Mẫu xin visa Việt Nam dùng cụm từ 'full name' đã gây tranh luận trên các trang mạng tiếng Anh

Nhưng thứ tự của các ký tự họ, tên thì mỗi nơi có thể một khác.

Với người dùng tiếng Anh từ Hoa Kỳ, Úc, Anh Quốc thì tất nhiên trật tự của 'full name' luôn là 'tên trước họ sau'.

Không có văn bản nào giải thích vì sao ở Việt Nam thì trật tự này lại là 'họ trước tên sau'.

Câu chuyện về visa Việt Nam cũng được bàn thảo và đem lại khác kết luận khác nhau trên một diễn đàn về du lịch Việt Nam.

Có người giải thích cho một phụ nữ nước ngoài có họ là Smith rằng khi xin visa Việt Nam thì cô cần đảo lại họ tên và tên đệm :

"Passport says Smith Louise Mary Beth ; visa says Smith Beth Louise Mary".

Một người khác lại có ý kiến :

'The visa should read Smith Mary Beth Louise. But the visa actually reads Smith Beth Louis Mary".

Cũng không rõ cơ quan của Việt Nam khi xem xét đơn visa sẽ bằng cách nào mà phân biệt một số họ như James, John, Alexander, Hans giống hệt tên.

Các ý kiến đều cho rằng đây là vấn đặc thù của Việt Nam (a Vietnam specific issue).

Hội nhập nhưng họ tên không rõ ?

Nhưng vấn đề này cũng gây khó khăn cho một số người Việt sống ở nước ngoài khi làm giấy tờ.

Một Việt kiều sống tại Đức nói với BBC, vì giấy tờ Việt Nam chỉ ghi 'full name' bằng tiếng Anh, tùy cách người khai chọn họ, tên và tên đệm mà văn bản sẽ khác.

Ví dụ người khai có thể viết họ dạng đơn, 'Nguyễn, Trần, Phạm', hoặc kép, 'Nguyễn Hữu, Trần Văn, hoặc Phạm Lê' vì ở Châu Âu, họ kép cũng không phải là hiếm.

Ngược lại, nếu vì lý do gì đó mà cần tạo danh tính mới, một người xin tỵ nạn hoàn toàn có thể nhận họ là Trịnh Xuân, thay cho Trịnh không thôi.

Vì với các cơ quan của Đức, họ Trịnh và Trịnh Xuân là hai họ hoàn toàn khác nhau, theo ý kiến từ Đức của người quen làm giấy tờ cho người Việt Nam.

Trên toàn Châu Âu, việc ghép hai tên và tên đệm thành tên kép hoặc đảo thứ tự tên và tên đệm (middle name) cũng có thể tạo ra một danh tính Việt Nam mới.

Ví dụ một người có tên Trần hoàn toàn có thể chọn Thanh là tên, Tâm là tên đệm hoặc Thanh-Tâm là 'tên kép'.

Tùy cách chọn của đương sự mà các giấy tờ sau đó có thể được hệ thống máy tính rút gọn thành Tam T. Tran, hoặc Thanh T. Tran hoặc Thanhtam Tran.

Phải mất lệ phí để có tên ?

Một doanh nhân Việt Nam sống tại Paris, ông Lê Đức Nghị thì cho biết ông đã khốn khổ vì 'full name' ghi trong hộ chiếu Việt Nam khi cần đăng ký giấy tờ Pháp.

Trong tiếng Pháp 'name' được dịch là 'nom' tức là 'họ'.

Vì thiếu chữ 'prenom' (tên) nên các giấy tờ Pháp gửi cho ông ghi họ ông là 'Le Duc Nghi', phần tên để trống.

vn7

Ông Lê Đức Nghị ở Paris gặp vấn đề với các cơ quan của Pháp vì chỉ có 'full name' trong hộ chiếu Việt Nam không ghi rõ đâu là họ, đâu là tên

vn8

Thẻ cư trú Pháp cấp cho ông Lê Đức Nghị bỏ trống phần 'tên' (prenom) vì họ cho là hộ chiếu Việt Nam không có phần đó

vn9

Ông Lê Đức Nghị đã phải trả lệ phí để Đại sứ quán Việt Nam tại Paris cấp một tấm giấy chứng nhận ông có họ và có tên chứ không chỉ có mỗi họ (nom)

Mọi khiếu nại của ông đều vô ích nếu phía Pháp không nhìn thấy văn bản từ Đại sứ quán Việt Nam ở Paris xác nhận tên của ông là gì.

Nói với BBC, ông Lê Đức Nghị cho hay ông đã mất bốn lần đi lại và trả lệ phí 30 euro mỗi lần cho Đại sứ quán Việt Nam tại Paris để được chứng nhận ông có cả họ và có tên chứ không chỉ có mỗi họ (nom).

Được biết một số bạn Việt Nam tại Pháp cũng gặp vấn đề tương tự về chuyện "tên trên passport viết liền một dòng, không chia rõ họ và tên riêng biệt", nên khi xin giấy tờ Pháp mục tên bị đặt là 'không có' hoặc đánh dấu XXX.

Mỗi nước một kiểu ?

Nhưng theo BBC tìm hiểu thì việc ghi họ tên trên hộ chiếu thường dễ gây ra vấn đề, không chỉ ở Việt Nam.

Được biết ở Châu Á, ngoài Việt Nam còn có Indonesia ghi 'full name' nhưng nhiều công dân nước này không có họ, chỉ có tên.

Trung Quốc cũng ghi gộp họ tên trong hộ chiếu của họ nhưng chữ tiếng Anh lại hơi khác là 'Name in full'.

Hộ chiếu Singapore chỉ ghi 'Name', không có thêm gì khác.

Hộ chiếu Nhật Bản ghi hoàn toàn theo chuẩn Châu Âu : "Surname' trước, và 'Given name' theo sau.

Có vẻ như trong thời đại kỹ thuật số, việc phân biệt rõ họ và tên trong phần ghi tiếng Anh đang trở nên cần thiết cho những nước hiện vẫn giữ cách ghi cũ.

Thay đổi theo thời đại

Có nhiều quy định về họ tên ngay tại Anh hiện nay bị cho là "lạc hậu" như quan niệm cả nhà phải có 'cùng họ".

Báo Anh gần đây nêu trường hợp một số phụ nữ bị hỏi ở biên giới vì đi cùng con, mà con lại mang họ cha, và mẹ thì giữ nguyên họ của mình (maiden surname).

vn10

Việc con có phải lúc nào cũng cùng họ với mẹ khi xuất nhập cảnh đang gây ra tranh luận tại Anh

Với xu hướng ngày càng có nhiều phụ nữ Châu Âu không nhận họ chồng khi kết hôn, họ phải chứng minh trẻ em đi cùng là con khi bị cảnh sát nghi 'buôn trẻ'.

Trường hợp mới nhất là của bà Jane Greenwood bị giữ lại ở sân bay khi đi nghỉ hè cùng con gái Alice về Anh vì con bà chỉ có họ bố trong hộ chiếu là Bloore.

Vụ việc đã được đưa lên Nghị viện Anh và Bộ Nội vụ cùng Cục Di trú Anh sẽ phải trả lời về việc này, theo báo Sunday Times hôm 14/01/2018.

Một khuyến cáo báo chí đưa ra là hệ thống kiểm tra xuất nhập cảnh của Anh cần phải 'đi cùng thời đại' và thừa nhận con không phải lúc nào cũng cùng họ với mẹ.

Quay lại trang chủ
Read 781 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)