Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/02/2017

Gia đình tị nạn người Việt ở Thái bị hoãn di dân vì sắc lệnh mới của Mỹ

Trịnh Hội

Một gia đình người Việt tị nạn ở Thái Lan phải huỷ bỏ vé máy bay sau khi tân tổng thống Mỹ ban hành sắc lệnh hoãn việc nhập cư đối với tất cả người tị nạn và cấm nhập cảnh vô thời hạn đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo vào cuối tuần qua.

tinan1

Một gia đình người Việt làm thủ tục đi Mỹ định cư với đại diện Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) tại sân bay quốc tế Manila hôm 26 tháng 9 năm 2005. AFP photo

Vì sắc lệnh của ông Trump

Luật sư Trịnh Hội, Giám đốc điều hành tổ chức VOICE cho biết :

Đây là một gia đình người Việt tị nạn mà Trịnh Hội đã giúp trong nhiều năm qua để được định cư tại Mỹ. Anh là người hoạt động trong nước, sau đó bị ngược đãi, áp bức phải chạy sang Thái Lan để xin tị nạn. cuối cùng thì Cao uỷ tị nạn Liên hiệp quốc đã phỏng vấn và đồng ý chấp nhận tư cách tị nạn của anh.

Sau đó Cao uỷ tị nạn Liên hiệp quốc sẽ gửi hồ sơ qua chính phủ Mỹ, chính phủ Mỹ lại phỏng vấn anh 1 lần nữa để xác nhận lại anh có phải là tị nạn hay không. Cách đây 4 năm thì chính phủ Mỹ đã công nhận anh là tị nạn.

Về sau này thì chương trình tị nạn rất lâu dài. Cuối cùng cách đây hơn 1 tuần anh được thông báo là ngày 22 tháng 2 này sẽ được đi Mỹ. Anh phải khám sức khoẻ, đi qua những security check, xin giấy bên Thái Lan cho đi. Tất cả đều đã xong, tất cả đều chỉ đợi lên đường. Nhưng vào hôm kia thì anh có liên lạc với Trịnh Hội nói rằng anh được thông báo là bây giờ hồ sơ của anh bị đình, vé máy bay cũng bị huỷ bỏ vì sắc lệnh của tổng thống Trump đưa ra, cho biết là 120 ngày sắp tới chương trình nhận người tị nạn của nước Mỹ sẽ tạm thời ngưng. Trong 120 ngày đó thì chính phủ Mỹ sẽ đưa những điều khoản mời về những thủ tục vấn đề làm sao người tị nạn có thể đến Mỹ.

Vì sắc lệnh của ông Trump, bây giờ gia đình của anh bị ảnh hưởng và phải tiếp tục chờ đợi.

Còn nhiều trường hợp ở Việt Nam đi thẳng qua Mỹ theo diện tị nạn thì những trường hợp đó cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Cát Linh : Có vẻ như trong những ngày vừa qua hầu như thế giới đều hướng sự tập trung vào trọng điểm là cấm nhập cư đối với những công dân của 7 quốc gia Hồi giáo, mà quên đi rằng một trong những nội dung của sắc lệnh này là tạm hoãn việc nhập cư vào Mỹ với tất cả người tị nạn trong vòng 120 ngày. Điều này có ảnh hưởng đến cả số lượng người tị nạn mà nước Mỹ nhận mỗi năm hay không ?

Trịnh Hội : Có hai vấn đề nhưng bởi vì vấn đề cấm nhập cư đối với tất cả những người thuộc 7 quốc gia đó là vấn đề rất lớn, vì nó vô thời hạn. Cho nên người ta chú trọng đến những vấn đề đó hơn. Và vấn đề đó liên quan đến những người đã từng ở Mỹ rồi, đang đi học, đang đi làm. Bây giờ họ lỡ ra khỏi nước rồi trở vô không được. Đó là vấn đề rất lớn vì nó liên quan đến thường trú nhân của Mỹ, liên quan trực tiếp đến người Mỹ. Thành ra họ nói đến vấn đề đó mà họ quên đi 1 chuyện rất là lớn, là mỗi năm nước Mỹ sẽ nhận khoảng 100 ngàn người tị nạn trên toàn thế giới. Nhưng mà trong sắc lệnh này thì ông Trump nói là không quá 50 ngàn người sẽ được đi. Điều đó có nghĩa là sẽ rất ít người vì năm ngoái là có khoảng 100 ngàn người tị nạn được nhận, nhưng năm nay chắc chắn sẽ là ít hơn 50 ngàn. Ít hơn không biết là bao nhiêu vì chương trình tị nạn còn bị ngưng hết 4 tháng, còn có 8 tháng thì làm sao giúp được cả 50 ngàn người được vô.

PHILIPPINES-US-VIETNAMESE REFUGEES

Người Việt tị nạn chờ đợi check-in tại sân bay quốc tế Manila để đến Hoa Kỳ ngày 26 tháng 9 năm 2005. AFP photo

Thứ hai nữa là kể cả những người tị nạn được nhận rồi mà bây giờ phải đợi vô thời hạn. Trịnh Hội nói là vô thời hạn là vì lý do như thế này : Luôn luôn có những người tị nạn muốn vô nước Mỹ, vì vậy nó gọi là những ưu tiên 1, ưu tiên 2...

Thì vô hình trung, bây giờ cánh cửa Mỹ khép nhỏ lại, thì cái line nó càng dài. Trước đây thì đợi 4,5 năm không biết về sau đợi bao nhiêu nữa.

Một điều quan trọng với Trịnh Hội là trong sắc lệnh của ông Trump có nói là đối với những người tị nạn sau này được nhận vào nước Mỹ thì ngoài việc họ phải được công nhận là tị nạn thì họ còn phải chứng minh họ sẽ đem lại lợi ích cho nước Mỹ (national interest to the U.S.)

Đây là 1 điều khoản mà với Trịnh Hội nó hoàn toàn sai về vấn đề luật quốc tế. Vì luật quốc tế buộc các nước nào đã đăng ký và đã đồng ý tuân thủ thì nhận những người tị nạn đó chứ đâu phải nhận những người tị nạn đó và họ phải đem lại lợi ích cho nước Mỹ ? Điều đó rất là khó để mà biết được ai sẽ và ai sẽ không mang lợi ích cho nước Mỹ.

Đây là một tiền lệ chưa bao giờ thấy trước đây.

'Phải đấu tranh'

Cát Linh : Anh vừa cho rằng điều đó là chưa từng có trong tiền lệ. Trong lúc đó thì những ngày qua rất nhiều chính trị gia, những người trong bộ máy hành chính hiện tại của Hoa Kỳ và cả những người quan sát sự việc cho rằng những sắc lệnh mà ông Trump đưa là là vi hiến. Anh nhận định sự việc thế nào ?

Trịnh Hội : Rõ ràng quyền bộ trưởng Bộ Tư pháp đã cho rằng là sắc lệnh của ông tổng thống là trái luật. Người đại diện cho tổ tư pháp là bộ về vấn đề luật pháp ở đây cho ổng là vi hiến nhưng sau đấy ổng sa thải. Dĩ nhiên là đã có 4 toà đưa ra những quyết định là họ tạm thời ngưng những orders của ổng để mà xét xử tiếp.

Trịnh Hội nghĩ rằng cuối cùng toà án tối cao pháp viện phải đưa ra một phán quyết thôi. Chứ bây giờ nói về luật thì ông Trump đâu có làm theo luật nữa. Vì ngay cả Bộ trưởng Bộ Tư pháp là người đứng đầu, cao nhất Bộ Tư pháp nói vi hiến mà ổng sa thải thì ổng cũng đâu để ý gì đến luật nữa.

Cát Linh : Gia đình người Việt trong câu chuyện này nói riêng và những người Việt tị nạn đang chờ cứu xét khác nói chung có hy vọng không trước sắc lệnh di dân mới này ?

Trịnh Hội : Có hy vọng hay không hy vọng tùy vào sự tranh đấu của mình.

Nếu cộng đồng của mình, nếu Trịnh Hội, nếu những luật sư khác lên tiếng tranh đấu thì mình sẽ xin được một waiver, là cái chuyện sẽ bỏ qua không áp dụng luật mới. Kể cả chuyện tị nạn bên Phi hay chuyện tị nạn bên Thái sau này nếu mình tranh đấu thì mình mới thành công. Còn nếu chỉ im lặng thì người Việt chúng ta sẽ chịu khổ nhất thôi.

Cát Linh : Nếu khách quan để nói về chính sách di dân mới này đối với tất cả những cá nhân thuộc các quốc gia bị ảnh hưởng thì anh có nhận định thế nào ?

Trịnh Hội : Cũng khó nói là khách quan vì mình là con của một người Việt tị nạn, của một thuyền nhân Việt Nam. Ông Trump là một ông tỷ phú người da trắng. Cái nhìn của Trịnh Hội với cái nhìn của ổng chắc chắn là khác nhau rồi. Điều mà Trịnh Hội đáng tiếc là có một số người Việt tị nạn trước đây được sang Mỹ định cư và bây giờ trở thành người Mỹ và họ ủng hộ quyết định của ông Trump. Nói thật lòng, nếu như vào thời điểm mà họ là những thuyền nhân sống lây lất ở các trại tị nạn, và nếu như lúc đó ông Trump lên làm tổng thống thì chắc chắn một điều, việc mà họ đến Mỹ sẽ dài hơn, lâu hơn, nếu không muốn nói là không được vô. Nhưng, đời nó là như vậy. Trịnh Hội biết vẫn có rất nhiều người Việt Nam hiẹn giờ chống lại chính sách rất hà khắc, khắc khe với người tị nạn. Trịnh Hội là một người Việt tị nạn, con của một thuyền nhân Việt Nam. Vì vậy sẽ luôn luôn ủng hộ quyền và những gì người tị nạn cần phải được hưởng, bất kể họ là người Việt Nam hay những người tị nạn khác.

Cát Linh : Xin cám ơn anh Trịnh Hội.

Cát Linh, phóng viên RFA

Nguồn : RFA tiếng Việt, 01/02/2017

******************************

Tổng thống Trump, người tị nạn Việt Nam, phong trào dân chủ Việt Nam

tinan3

Một an ninh sân bay hướng dẫn một gia đình Việt Nam check-in tại sân bay quốc tế Manila đến Mỹ định cư hôm 26/9/2005. AFP photo

Người tị nạn lo lắng

Theo tin từ tổ chức dân sự Voice, làm công việc giúp đỡ những người tị nạn Việt Nam tại Đông Nam Á, thì sau khi có sắc lệnh của Tổng Thống Trump đình chỉ tạm thời chương trình tiếp nhận những người tị nạn đến Mỹ, một gia đình người Việt tị nạn đang ở Thái Lan đã có qui chế tị nạn, đã có vé máy bay để đi định cư thì bị dừng lại.

Một người Việt đã có qui chế tị nạn đang ở Thái Lan tên là Xuân nói rằng những người tị nạn ở Thái khi nghe tin này thì cảm thấy sốc và lo âu. Anh kể với chúng tôi về cuộc sống của những người này ở Thái Lan :

"Thái Lan họ chỉ ký một vài điểm trong công ước quốc tế về người tị nạn. Thành ra cho dù có được qui chế tị nạn hay không (người tị nạn Việt Nam) vẫn phải đối mặt với cảnh sát di trú của Thái bắt giam họ bất kỳ lúc nào, rồi công ăn việc làm lại không có giấy phép, làm việc lúc nào cũng nơm nớp đủ thứ. Bất kỳ lúc nào cũng có thể bị bắt, bị giam trong các trại tạm giam bất hợp pháp. Một cuộc sống lênh đênh trôi nổi như vậy, đối với người Việt đang tị nạn ở đây rất là khó khăn".

Một người tị nạn khác là bà Hồ Bích Khương, là một tiểu thương, tham gia đấu tranh chống bất công, từng bị bỏ tù tại Việt Nam, nay cùng con cũng là người tị nạn sống ở Thái Lan, nói với chúng tôi một cách buồn bã sau khi biết được những người tị nạn bị giữ lại không được đi định cư :

"Bích Khương đi tị nạn cũng là để tìm sự sống cho con của mình. Vì con của mình không có lỗi gì, mà việc làm của mình cũng không có lỗi gì, lỗi hoàn toàn nằm ở phía nhà cầm quyền. Tất cả những gì mà Bích Khương làm đều là vì quyền con người, quyền cơ bản mà con người sinh ra ai cũng có, mà họ đàn áp như vậy, đến mức không còn lối để cư ngụ nữa. Nhưng mà cái đấy phụ thuộc vào người ta chứ mình thì biết làm sao, cả cuộc đời lúc nào cũng bị đàn áp, ở nước mình bị đàn áp, sang nước khác thì phụ thuộc vào họ chứ mình không biết được đâu".

Theo anh Xuân thì hiện có khoản 1000 người Việt tị nạn tại Thái Lan, vì những lý do tôn giáo, chính trị, hay chỉ đơn giản là đòi đất đai bị trưng dụng trái phép. Anh không biết là trong số này có bao nhiêu người đã được qui chế tị nạn. Anh nói rằng sắc lệnh của Tổng thống Trump là một điều trái với những giá trị của nước Mỹ :

"Nước Mỹ là Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ chứ không phải là một dân tộc sinh ra lớn lên ở đó. Nếu hỏi nước Mỹ là của ai, thì nó là của những người da đỏ. Cả ông Trump hay những người khác đều là những người nhập cự tới đó. Vậy cớ tại sao ông ấy lại cản những người nhập cư tới đó. Điều thứ hai là ông ấy có thể lấy vấn đề ISIS khủng bố, nhưng đối những nước kia, chứ còn như đối với người tị nạn Việt Nam tại Thái, tại Cam Pu Chia thì có liên quan gì đâu mà ông ấy lại ra một chính sách như vậy".

Giới đấu tranh nhân quyền trong nước

CAMBODIA-REFUGEES

Những người tị nạn Việt Nam rời Campuchia đến Mỹ với sự giúp đỡ của Tổ chức Di dân Quốc tế IOM hôm 3/6/2002. AFP photo

Trong thời gian những năm gần đây, nhiều nhà hoạt động bất đồng chính kiến bị bỏ tù trong nước, bị nhà cầm quyền Việt Nam trục xuất, và được nước Mỹ tiếp đón như những người tị nạn. Có thể kể đến một danh sách dài những người này như ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Bà Tạ Phong Tần, Luật sư Lê Trần Luật, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ,… Song song đó cơ quan ngoại giao của Mỹ cũng thường hay lên tiếng về những vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

Một số người trong đó có chuyên gia về Đông Nam Á là ông Carl Thayer cho rằng việc quan tâm đến nhân quyền không phải là ưu tiên của tổng thống Donald Trump nữa.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự ở Hà Nội, cũng có nhận xét rằng những việc làm của Tổng thống Trump cũng đi ngược lại với những giá trị mà nước Mỹ muốn phổ biến từ trước đến nay. Tuy nhiên ông nói rằng phong trào dân chủ ở Việt Nam phải tự có sức mạnh riêng của mình :

"Những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền thực sự ở Việt Nam, không dựa vào, mà cũng chẳng cần dựa vào người bên ngoài nào cả. Họ phải dựa vào sức họ là chính. Còn nếu có sự hỗ trợ từ bên ngoài, thì là một sức mạnh thêm vào rất là đáng quí. Nhưng nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài thì người dân hay những nhà hoạt động trong nước vẫn phải cố gắng hết sức bởi vì trong chuyện đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ thì không dựa vào ai được cả mà chỉ dựa vào chính sức mình mà thôi".

Giáo sư Phạm Minh Hoàng, thành viên của đảng Việt Tân, một đảng chính trị mong muốn cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam cũng là một người từng bị nhà cầm quyền trong nước bỏ tù. Ông hiện đang sống tại Sài Gòn, khi được hỏi về sự ủng hộ của nước Mỹ đối với phong trào dân chủ trong nước, ông nhớ lại thời điểm ông có mặt tại Hoa Kỳ và Tổng thống Ronald Regan đắc cử tại Mỹ cách nay mấy mươi năm :

"Tôi có hỏi một vài bậc đàn anh, thì họ nói rằng nếu mình bầu cho ông Reagan đắc cử, thì con đường của chúng ta về Việt Nam sẽ ngắn hơn. Tôi nhớ rõ ràng câu ấy. Đến nay thì chúng ta thấy rõ ràng lời tiên đoán ấy như thế nào. Kể từ ngày ấy tôi chẳng có hy vọng gì về chính quyền Mỹ, cho dù đó là đảng cộng hòa diều hâu như ông Reagan, hay bồ câu như ông Obama. Bây giờ khi ông Trump ông ấy có những chuyện như là rút khỏi TPP, có những cái động thái tạm gọi là cứng rắn về biển Đông mà mình cũng chưa thấy nó đi đến đâu".

Khi kết thúc câu chuyện của chúng tôi về tương lai những người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan thì anh Xuân nói rằng cũng có hy vọng rằng Tổng thống Mỹ sẽ xem xét lại chuyện đón tiếp người tị nạn vào nước Mỹ. Còn giáo sư Phạm Minh Hoàng thì nói rằng ông bình thản chờ đón những ngày sắp tới, không có mong chờ hy vọng gì cả. Và ông nghĩ rằng con đường đấu tranh của của người Việt Nam phải do người Việt Nam chủ động.

Kính Hòa, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 723 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)