Vướng Nghị định 116, Toyota và Honda dừng xuất xe sang Việt Nam (VOA, 17/01/2018)
Hai hãng xe hàng đầu của Nhật vừa tạm ngừng xuất khẩu xe sang Việt Nam vì những vướng mắc của Nghị định 116, bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2018.
Toyota và Honda ngừng xuất khẩu xe sang thị trường Việt Nam từ ngày 1/1/2018.
Theo bản tin của nhật báo Nikkei của Nhật, hãng xe Toyota Motor và Honda Motor đã ngừng xuất xe sang thị trường Việt Nam kể từ đầu năm nay, sau khi Nghị định 116 được áp dụng, vì không đáp ứng được những đòi hỏi kiểm định nghiêm ngặt đối với các loại xe nhập khẩu.
Nghị định mới được áp dụng ngay khi Việt Nam bãi bỏ khoản thuế nhập khẩu 30% đối với ô tô nhập từ Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) kể từ ngày 1/ 1. Đây được xem là một động thái nhằm bảo hộ ngành công nghiệp ô tô trong nước trước sự cạnh tranh của xe nhập khẩu khi Hiệp định thương mại tự do AFTA có hiệu lực tối đa với mức thuế 5% cho các sản phẩm nhập khẩu trong khối ASEAN.
Hãng Toyota hôm 16/1 xác nhận đã ngừng xuất khẩu tất cả các sản phẩm sang thị trường Việt Nam.
Hãng xe Nhật Bản có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam, nhưng lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản chiếm khoảng 20% lượng xe bán ra trên thị trường, tương đương với 1.000 chiếc mỗi tháng. Các mẫu xe nhập khẩu của Toyota bao gồm Hilux, Yaris, Fortuner và dòng xe sang Lexus.
Chủ tịch Toyota Motor ở Thái Lan, Michinobu Sugata, cho biết trên thực tế, doanh số bán xe tại Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 11 năm ngoái giảm 10%, xuống chỉ còn 245.000 chiếc, do người tiêu dùng chờ cho giá xe giảm xuống vào năm 2018 sau khi thuế nhập khẩu xe được gỡ bỏ.
"Chúng tôi dự đoán sẽ có bước nhảy vọt lớn vào năm 2018, nhưng do những rào cản phi thuế quan do chính phủ Việt Nam đưa ra nên chúng tôi không thể xuất khẩu ra thị trường này", ông Sugata nói với báo chí ở Bangkok.
Nghị định 116 được đưa ra vào tháng 10/2017. Nghị định này đòi hỏi mỗi lô xe nhập cảng Việt Nam phải được kiểm tra khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật, trong khi theo quy định trước đó, mỗi dòng xe nhập khẩu chỉ cần kiểm định một chiếc đầu tiên.
Việc chờ đợi kiểm định, chạy kiểm tra khí thải, có thể mất đến 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 đôla.
"Điều này gây lãng phí lớn về thời gian và tiền bạc", Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nói trong một tuyên bố gửi cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 12.
Nghị định 116 còn đòi hỏi tất cả các mẫu xe phải có giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại xe nhập khẩu do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia xuất khẩu cấp (VTA).
Tuy nhiên theo Nikkei, VTA là loại giấy tờ chứng minh xe đạt tiêu chuẩn của quốc gia mà xe được tiêu thụ, và thường là do các cơ quan của quốc gia nhập khẩu cấp.
Kể từ khi Nghị định 116 được đưa ra, các chính phủ Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ đều bày tỏ mối quan ngại không thể bán được xe tại Việt Nam. Thậm chí, các quốc gia này còn cho rằng Nghị định 116 có thể vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
******************
Việt Nam khen ngợi Google gỡ ứng dụng ‘Lấy lại quê hương’ (VOA, 17/01/2018)
Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền Thông Việt Nam Trương Minh Tuấn hôm 17/1 lại đề nghị Google mở văn phòng đại diện để quản lý thông tin có nội dụng phản động, chống phá nhà nước.
Bộ thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn và bà Ann Lavin, Giám đốc Chính sách công và quan hệ chính phủ, Google khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong một cuộc gặp tại Hà Nội hôm 17/1/2018. (Ảnh : VietnamNet)
Ông Trương Minh Tuấn nêu lên đề nghị này với bà Ann Lavin, Giám đốc Chính sách công và Quan hệ chính phủ của tập đoàn Google tại Châu Á – Thái Bình Dương, trong một cuộc gặp ở Hà Nội hôm 17/1.
Báo VietnamNet nói ông Tuấn khen ngợi thiện chí của Google trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên YouTube trong thời gian qua, đặc biệt gỡ ứng dụng trò chơi "Lấy lại quê hương", được cho là có nội dung "phản động, chống phá nhà nước" ra khỏi ứng dụng Google Play, đồng thời gỡ bỏ 6 video giới thiệu trò chơi này trên YouTube.
Trò chơi "Lấy lại quê hương" nói về cuộc đối đầu bằng vũ lực trong đó có những nhân vật được cho là mô phỏng theo các nhà lãnh đạo ở Hà Nội.
Ứng dụng Trò chơi 'Lấy lại Quê hương' đã bị Google gỡ bỏ.
Báo trong nước cho biết tính đến ngày 31/12/2017, Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ 6423/7410 video clip khỏi YouTube, cùng với 6 trò chơi khỏi Google Play.
Ông Tuấn một lần nữa đề nghị Google mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và bày tỏ mong muốn Google tìm hiểu kỹ pháp luật Việt Nam, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để xử lý vi phạm trên YouTube. Ngoài ra, phía Việt Nam còn đề nghị thiết lập một kênh riêng giữa Bộ thông tin và Google để thúc đẩy hợp tác nhiều hơn nữa.
Đài truyền hình VTC trích lời bà Ann Lavin nói Google cam kết tuân thủ pháp luật các nước sở tại, trong đó có Việt Nam : "Chúng tôi hiểu sâu sắc đó là nghĩa vụ tôn trọng và tuân thủ pháp luật nước sở tại Việt Nam nên việc tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết để tuân thủ".
Ngoài ra, theo báo Hà Nội Mới, Google sẽ phối hợp với Bộ thông tin Việt Nam nhằm xây dựng, thực hiện ‘danh sách đen’ (black list), tức là danh sách cấm, và ‘danh sách trắng’ (white list), - tức là được phép. Google còn cử một chuyên gia tới Việt Nam để tư vấn về an toàn thông tin, chia sẻ thông tin với Chính phủ Việt Nam.
Ông Eric Schmidt, Chủ tịch Điều hành tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google
Vào tháng 5 năm ngoái, hãng tin Reuters cho biết ông Eric Schmidt, Chủ tịch Điều hành tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google, trong một cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định Google sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam để gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam.
Lúc đó, người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng đề nghị tập đoàn này "sớm mở văn phòng đại diện chính thức ở Việt Nam". Tuy nhiên, hãng tin Reuters tường thuật rằng Google cho biết rằng công ty này hiện chưa có kế hoạch mở cửa văn phòng đại diện ở Việt Nam.
Việt Nam từ đầu năm ngoái đã "bắt đầu gây áp lực đối với các công ty quảng cáo trong nước" yêu cầu công ty Google phải gỡ các video của các nhà bất đồng chính kiến hoạt động ở hải ngoại đăng trên trang YouTube.
Việt Nam thời gian qua đã bị nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền như Human Rights Watch chỉ trích về vấn đề "kiểm soát Internet", nhưng Hà Nội luôn bác bỏ các cáo buộc này.