Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/01/2018

Thăm Nguyễn Đan Quế, cổ phần hóa tập đoàn, ngư dân biểu tình

Tổng hợp

Đại sứ Mỹ thăm bác sĩ Nguyễn Đan Quế (Tiếng Dân, 22/01/2018)

Ngày 18/01/2018, lúc 14g15 Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đến thăm Bác sĩ Nguyễn Đan Quế tại tư gia ở đường Nguyễn Trãi – Q5 – Sài Gòn. Tháp tùng có Tổng Lãnh Sự và tham tán chính trị Tổng Lãnh Sự Quán Mỹ ở Sài Gòn.

ndq1

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế (trái) và đại sứ Mỹ Daniel J. Kritenbrink.

Cùng tiếp khách với Bác sĩ Quế có Thạc sĩ Phạm Bá Hải, Luật sư Lê Công Định và nhà báo Phạm Chí Dũng.

Sau khi chào hỏi, cuộc trao đổi bàn tròn đã diễn ra trong bầu không khí thân thiện, cởi mở, tích cực, lắm lúc khá vui vẻ sôi động.

Ông Đại sứ trình bầy và giải thích vai trò quan trọng của Châu Á – Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của chính phủ Trump.

Khi được hỏi về tranh chấp ở biển Đông. Đại sứ nói Mỹ và các nước khác nhất quyết đòi tự do hàng hải. Về câu hỏi có khả năng ‘quốc tế hóa’ để giải quyết vấn đề ? Câu trả lời là khó có, các quốc gia trên thế giới chỉ chú ý nhiều về tự do hàng hải hơn là tranh chấp chủ quyền giữa các nước trong khu vực tại Biển Đông. Có khả năng ‘đụng độ quân sự’ ? Câu trả lời cũng là khó có.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế đồng ý, và cho rằng Thế Chiến Lược của các siêu cường tại Châu Á – Thái Bình Dương đang có những thay đổi lớn. Chúng ta cần bỏ tư duy cũ thời chiến tranh lạnh và nhìn các diễn biến chính trị tại đây với lối suy nghĩ mới về thế giới đang tiến đến Thế Chiến Lược Toàn Cầu Mới Hợp Tác Bắc – Nam.

Bất cứ quốc gia nào rồi cũng phải lo tự điều chỉnh cho thích nghi thế giới quan mới này, kể cả Việt Nam.

Riêng về trường hợp Việt Nam, Bác sĩ Quế cho hay :

Hệ thống chính trị của Việt Nam lỗi thới, không có hiệu năng, tham nhũng, lãnh đạo chia rẽ. Giới cầm quyền Hà Nội đang phải vất vả ‘bơi hay chết chìm’ trong toàn cầu hóacàng ngày càng lộ nhiều chỉ dấu muốn hụt hơi. Quần chúng hoang mang, mất tin tưởng. Để ngăn xáo trộn xã hội xẩy ra, Hà Nội tăng đàn áp các nhà tranh đấu, các blogger. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung thêm nhiều quyền hành trong tay, kể cả quân đội, công an.

Những nhà tranh đấu nhìn tình hình bất định nguy hiểm này là cơ hội tốt để phát khởi Dân Chủ Hóa Việt Nam.

Chiến lược đấu tranh là : Động viên quần chúng chống lại những vi phạm Nhân Quyền ; và đồng thời phơi bầy mọi sai trái của nhà cầm quyền về chủ trương cũng như thi hành.

Với thời gian : Sức Mạnh Quần Chúng càng lên, trong khi bạo quyền độc tài càng xuống. Khi dưới – trên gặp nhau thì sẽ phải có thay đổi theo hướng Dân Chủ Hóa.

Dân Chủ Hóa đáp ứng khát vọng của dân tộc VN, đi đôi với quyền lợi phát triển của Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN, và hoàn toàn phù hợp với Thế Chiến Lược Toàn Cầu Mới Hợp Tác Bắc – Nam, cho nên sẽ có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ quần chúng Việt Nam, từ ASEAN, từ các nước dân chủ đã phát triển, đặc biệt là Mỹ.

Về Nhân Quyền trong chính sách của Tổng thống Trump, Đại sứ nói tuy gần một năm qua Tổng thống Trump ít nói đến Nhân Quyền, khiến nhiều người, nhiều nơi hiểu như có sự hy sinh Nhân Quyền vì lợi ích thương mại hay Mỹ không còn quan tâm nhiều đến Dân Chủ như trước đây nữa. Đại sứ nói không phải thế và nhiệt tình bênh vực Nhân Quyền vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong đối ngoai của Mỹ, nhưng không có sự áp đăt. Nước nào muốn theo giá trị nào và kiểu mẫu nào thì đó là quyền tự do của nước đó. Mỹ chỉ trình bầy điều mà Mỹ cho là tốt đẹp nhất. Chọn lựa là quyền của nước đó, của người đó. Mỹ chỉ muốn có đối tác bạn bè, bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau.

Đại sứ dành phần lớn thời gian tìm hiểu về chiến dịch bắt bớ người hoạt động Nhân Quyền xảy ra trong thời gian gần đây. Ông cũng bộc lộ mối quan tâm không che giấu về thảm họa ô nhiễm ở miền Trung do Formosa gây ra và số phận của hàng trăm ngàn nạn nhân nơi đây.

Theo Bác sĩ Nguyễn Đan Quế Mỹ nên sử dụng ‘đòn bẩy’ 1/ Buôn bán – đầu tư và 2/ Hà Nội cần mua vũ khí sát thương, tầu tuần duyên, huấn luyện… trong khuyến cáo Hà Nội nên tạo không gian mà trong đó người dân có các quyền tự do căn bản như : phát biểu, báo chí, internet, tôn giáo, hội họp, lập hội… ; Hay khi đòi Hà Nội thả tù nhân lương tâm ; Hay khi thúc đẩy Quốc Hội Việt Nam thủ giữ một vai trò quan trọng hơn trong kiểm soát và cân bằng hoạt động của chính quyền hoặc trong cải cách Tư Pháp, Gíao Dục, Y Tế.

Sau khi trao đổi khá nhiều vấn đề với những câu hỏi và lời giải đáp có giá trị, Đại sứ Kritenbrink và phái đoàn tỏ ra rất vui có dịp gặp gỡ thảo luận bàn tròn như thế này.

Cuộc họp chấm dứt lúc 15g30 cùng ngày.

Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam

***********************

Việt Nam đẩy nhanh cổ phần hóa các tập đoàn Nhà nước (RFI, 22/01/2018)

Xu hướng rõ rệt nhất về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2018 có lẽ là tiến trình thoái vốn các tập đoàn Nhà nước sẽ được đẩy nhanh, trong nỗ lực của chính phủ nhằm mở cửa hơn nữa nền kinh tế và bù đắp ngân sách Nhà nước do nợ công đang tăng cao một cách đáng ngại.

ndq2

Một dây chuyền sản xuất tại một nhà máy của Sabeco. Việc thoái vốn Nhà nước của tập đoàn này trong năm 2017 đã được xem là một thành công. Reuters/Kham

Năm 2017 đã kết thúc với vụ thoái vốn đáng chú ý tại tập đoàn Sabeco ( Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn ), tập đoàn nổi tiếng với hai thương hiệu bia 333 và bia Sài Gòn. Bộ Công Thương đã thoái 53,59% vốn Nhà nước tại Sabeco, thu về cho Nhà nước 4,8 tỷ đôla. Đây là vụ thoái vốn lớn nhất từ trước đến nay trên thị trường Việt Nam.

Theo nhận định của trang mạng The Diplomat ngày 21/12/2017, việc bán cổ phần ở Sabeco là bước lớn đầu tiên trong kế hoạch thoái vốn Nhà nước từ các tập đoàn nhằm đẩy nhanh tiến trình tự do hóa nền kinh tế Việt Nam. Đây được coi như là chính sách "Đổi Mới tập hai".

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ qua điện thoại từ Sài Gòn, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, nếu thành công, kế hoạch thoái vốn Nhà nước từ các tập đoàn sẽ có tác động tích cực lên nền kinh tế Việt Nam.

Huỳnh Bửu Sơn : Trước đây, chính phủ nào cũng đều có kế hoạch đẩy mạnh cổ phần hóa. Tuy nhiên, trong nhiều năm, tiến trình cổ phần hóa này hơi chậm. Nguyên nhân đầu tiên là phần lớn chương trình cổ phần hóa đầu tiên là muốn đưa những doanh nghiệp Nhà nước không hiệu quả vào cổ phần hóa.

Việc cổ phần hóa những doanh nghiệp không hiệu quả như vậy dĩ nhiên là không được sự hoan nghênh của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư trong nước. Do đó nó bị chậm. Còn những công ty Nhà nước làm ăn có lời thì người ta lại không đặt vấn đề cổ phần hóa. Ngay cả ban giám đốc những công ty đó cũng viện lý do đây là công ty đang làm ăn hiệu quả của Nhà nước thì tại sao lại cổ phần hóa. Cho đến gần đây, khi có chính phủ mới, chính phủ của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc đẩy mạnh cổ phần hóa mới rõ nét.

Nguyên nhân thứ hai là trong thời gian trước đây, khi chúng ta phát triển những tập đoàn Nhà nước có những vị trí rất quan trọng, thì song song với việc phát triển những tập đoàn đó theo chiều dọc cũng như chiều ngang, các tập đoàn đó cũng đã phải vay một số nợ rất lớn từ nước ngoài, góp phần làm tăng nợ công. Nay tình hình đã trở nên cấp bách, cần phải giải quyết bài toán đó. Do vậy, việc cổ phần hóa những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả như Vinamilk và gần đây là Sabeco.

Tôi cho rằng việc bán các cổ phiếu của Sabeco là một thành công rất lớn, được giá rất tốt và được một số tiền rất cao, hơn 4 tỷ đôla. Tôi nghĩ nó cũng sẽ là một khởi đầu để chính phủ tiếp tục cổ phần hóa những tập đoàn Nhà nước có những vị trí then chốt hơn trong nền kinh tế, mà không phải là trong những vị trí có tính chất an ninh quốc gia. Tôi nghĩ là trong lĩnh vực thương mại hay dịch vụ, cũng nên đẩy mạnh cổ phần hóa, để một mặt thu về ngân sách một số tiền rất lớn, hỗ trợ cho việc trả nợ nước ngoài, giảm bớt số nợ công của quốc gia.

RFI : Những tập đoàn được thoái vốn trong năm 2018 này liệu có sẽ gặp thành công như Sabeco ?

Huỳnh Bửu Sơn : Thành công của việc thoái vốn thì tùy thuộc vào việc chọn lựa tập đoàn : hoạt động trong lĩnh vực nào, hiệu quả đến mức nào, cách đánh giá tập đoàn đó như thế nào, chọn người nào để đi thương thảo cho việc thoái vốn đó. Tôi cho rằng đây là một kế hoạc phải được nghiên cứu cẩn thận và phải có những người chuyên môn trong lĩnh vực này để hỗ trợ bán được cho đúng đối tượng và với giá phù hợp cũng như là tốt cho chính phủ Việt Nam.

Đặc biệt là chọn lựa những tập đoàn nào làm ăn hiệu quả cũng như là tính toán tỷ lệ nào để bán ra và các nhà đầu tư chiến lược nào có thể tham gia. Đây là những vấn đề phải nghiên cứu kỹ để bảo đảm thành công cho việc thoái vốn Nhà nước.

RFI : Khi muốn mua cổ phần của một tập đoàn nào, các nhà đầu tư phải xem tập đoàn đó có làm ăn hiệu quả không, cũng như định giá được trị giá tài sản của tập đoàn đó. Việt Nam vẫn thiếu minh bạch thông tin về vấn đề này. Liệu đó có phải là một cản lực cho tiến trình thoái vốn Nhà nước ?

Huỳnh Bửu Sơn : Về thiếu minh bạch thông tin thì đúng là trước đây một số tập đoàn lớn khi chưa chuẩn bị để bán cổ phiếu ra thị trường thì đương nhiên là họ không có nhu cầu để công bố thông tin. Nhưng một khi đã có quyết định bán cổ phiếu ra thị trường rồi thì tôi nghĩ rằng việc công bố những thông tin về những hoạt động, ít nhất trong 3 năm, của tập đoàn là một việc hết sức cần thiết để cho các nhà đầu tư có đủ thông tin để họ quyết định.

Tôi cho rằng đây cũng là một cơ hội. Việc công khai hóa những thông tin chính xác, không chỉ của các tập đoàn lớn, mà của các doanh nghiệp quốc doanh trong chương trình cổ phần hóa, cũng như của các doanh nghiệp tư nhân, để làm cho nền kinh tế Việt Nam dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài trở nên rõ ràng hơn, minh bạch hơn là một điều tốt không những cho doanh nghiệp Việt Nam, mà cả nền kinh tế Việt Nam.

RFI : Việc thoái vốn Nhà nước theo ông sẽ có tác động như thế nào đến tiến trình cải tổ kinh tế nói chung ở Việt Nam ?

Huỳnh Bửu Sơn : Nó sẽ có tác động rất tích cực. Như kinh nghiệm trước đây của Trung Quốc, đối với doanh nghiệp, họ chú trọng đến cái "sở tại" hơn là "sở hữu", vì doanh nghiệp đặt ở đâu, ở nước nào, sử dụng lao động, nguồn nguyên liệu ở đâu mang tính chất quyết định cho nền kinh tế của nước đó hơn là ai, chính phủ nước đó hay tư nhân nước đó, làm chủ.

Nếu các doanh nghiệp ở Việt Nam mở rộng được cánh cửa để cho các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, để có thể tiếp nhận không chỉ nguồn vốn, mà cả những kỹ năng quản trị, tiếp thị, công nghệ, thì tôi cho rằng đây là một điều tốt, làm tăng hiệu quả của các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp đó làm ăn hiệu quả thì có nghĩa là sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng lên, góp phần lớn vào phát triển kinh tế và tăng GDP của Việt Nam.

Thanh Phương thực hiện

******************

5.000 ngư dân Quảng Bình biểu tình chặn Quốc Lộ 1A đòi Formosa bồi thường (SBTN, 22/01/2018)

Vào chiều ngày 22 tháng 01 năm 2018, khoảng 5,000 ngư dân huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã chặn ngang Quốc Lộ 1A đoạn qua cầu Quảng Hải, yêu cầu Formosa bồi thường thiệt hại cho bà con ngư dân.

ndq3

Theo một nguồn tin có mặt tại địa phương cho phóng viên STN biết người dân ở xã Quảng Hải – tỉnh Quảng Bình cùng nhau xuống đường biểu tình đòi quyền lợi, và bắt buộc nhà cầm quyền chi trả "tiền đền bù" cho bà con… Đã gần hai năm kể từ khi Formosa xả thải làm hàng chục tấn cá, mực các loại chết, nhưng nhà nước vẫn chưa giải quyết cho bà con được an tâm… Trong ngày mai, nếu nhà cầm quyền không có câu trả lời thích đáng, người dân sẽ vẫn tiếp tục xuống đường biểu tình đến khi nào giải quyết thì mới thôi.

Một nguồn tin khác cho biết thêm : "Khoảng 5,000 ngư dân quá tức giận vì nhà cầm quyền không chi trả bồi thường thiệt hại môi trường do Formosa gây ra hồi tháng 04/2016 nên bà con đã chặn ngang quốc lộ 1A để gây áp lực. Hiện tại, giao thông bị ách tắc không qua lại được".

Nhà cầm quyền tỉnh Quảng Bình đã huy động lực lượng công an, cảnh sát giao thông, dân phòng và xe chuyên dụng đến giải tán đoàn người biểu tình, nhưng người dân quyết không lùi bước. Người dân yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình phải có mặt trực tiếp trao đổi với người dân và hứa đền bù thiệt hại thì bà con mới chịu giải tán.

Xin được nhắc lại, vào tháng 04/2016, công ty Formosa xả thải trực tiếp ra biển gây ra thảm họa môi trường biển làm cá chết ở bốn tỉnh Miền Trung làm cho bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn trong đời sống hằng ngày. Sau đó, công ty Formosa đã hứa đền bù 500 triệu USD cho chính quyền cộng sản Việt Nam. Nhưng cho đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa nhận được tiền chi trả đền bù, mặc dù cán bộ đã nhiều lần lập hồ sơ chi trả. Bà con ngư dân ở nhiều nơi đã viết đơn kiến nghị, biểu tình, làm đơn khiếu kiện công ty Formosa. Nhưng nhà cầm quyền đã ngăn cản, đàn áp. Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động tham gia tích cực trong việc đưa tin về thảm họa môi trường, hướng dẫn bà con nạp đơn kiện Formosa đã bị nhà cầm quyền trả thù bằng cách bắt bớ, đe doạ, truy nã.

Nguyên Nguyễn

Quay lại trang chủ
Read 647 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)