Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/02/2017

Thời sự Việt Nam : cấm hành lễ, tai nạn giao thông, tín dụng, nhiệt điện than

tổng hợp

An ninh ngăn chặn Linh mục Phan Văn Lợi đi dâng lễ (RFA, 02/02/2017)

Linh mục Phan Văn Lợi tại Huế hôm nay bị lực lượng an ninh thường phục chặn không cho đi dâng lễ với một số linh mục khác trong địa phận Huế.

vn1 - Copie

Linh mục Phan Văn Lợi. File photo

Bản thân linh mục Phan Văn Lợi cho biết ông tiếp tục bị ngăn chặn trở lại sau 5 ngày tết vắng mặt lực lượng an ninh canh quanh nhà ông như lâu nay, nhất là trong hai tháng vừa qua.

Khi những người không mặc sắc phục cản trở việc đi lại của ông, linh mục Phan Văn Lợi có những yêu cầu và tranh luận cùng họ như sau :

Tôi nói tôi đi làm lễ tại sao lại chặn tôi ; các anh có phải công an không ? Dĩ nhiên tôi biết họ là công an vì những tay này tôi từng thấy mặt trước đây rồi. Tôi yêu cầu đưa giấy tờ nhưng một tay ‘to xác’ nói chúng tôi đâu phải công an. Nhưng tôi nói lại các anh dù mặc thường phục nhưng là quân của thượng tá Trần Hồng Lam thuộc Công an Thừa Thiên- Huế. Ông này là sĩ quan công an lo về Công giáo tại Huế.

Theo nhận định của linh mục Phan Văn Lợi việc ông tiếp tục bị chặn có thể vì gần đây ông tiếp xúc với Đan Viện Thiên An, nơi đất đai của dòng tu này bị trưng dụng sau năm 1975 nhưng đến nay vẫn không được trả lại mà còn bị thu thêm. Bên cạnh đó nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền gồm ba linh mục tại Huế ngoài ông còn hai linh mục Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Hữu Giải đang ở tại Tòa Giám mục nên có thể cơ quan chức năng quan ngại nhóm gặp nhau.

Linh mục Phan Văn Lợi cho rằng biện pháp ngăn chặn công dân như ông của lực lượng chức năng là vi phạm không chỉ luật pháp Việt Nam mà cả luật pháp quốc tế.

***************************

Tai nạn giao thông và đánh nhau tăng trong dịp Tết (RFA, 02/02/2017)

vn2 - Copie

Giao thông tại Hà Nội chụp hôm 23/9/2015. AFP photo

Tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 tăng cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đó là công bố do Cục Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công an đưa ra hôm nay.

Thống kê trong 7 ngày nghỉ lễ tết, từ 26 tháng Giêng đến ngày một tháng 2, cho thấy có tổng cộng gần 370 vụ tai nạn giao thông trên toàn quốc, làm chết 203 người, bị thương 417 người.

Theo Cục cảnh sát giao thông, so với cùng kỳ của Tết Bính Thân 2016, tai nạn giao thông tăng 29,5% , số người chết tăng 11,5% và số người bị thương tăng 48%.

Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ công an nhận định nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu do người điểu khiển phương tiện lưu thông sử dụng bia rượu cao, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm.

*******************

Gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng cho nông nghiệp (RFA, 02/02/2017)

vn3 - Copie

Nông dân với con trâu trên một cánh đồng ở miền Bắc hôm 21/10/2015. AFP photo

Tăng hỗ trợ tín dụng cho đầu tư nông nghiệp từ 60 ngàn tỷ đồng lên 100 ngàn tỷ đồng, đó là quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra trong ngày làm việc đầu tiên sau tết Nguyên đán.

Cổng thông tin chính phủ cho biết là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Ngân hàng nhà nước thực hiện việc vận động các ngân hàng khác có gói tín dụng hỗ trợ cho quyết định trên.

Cũng từ nguồn tin này tường thuật lời của thủ tướng Phúc khẳng định phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh, theo yêu cầu thị trường, hướng vào thị trường nội địa và xuất khẩu, đặc biệt là rau quả và chăn nuôi. Phương pháp thủ công ‘con trâu đi trước cái cày đi sau’ phải được cải thiện bằng công nghệ mới.

Bên cạnh đó, thủ tướng cũng nhấn mạnh thêm rằng bài toán nông nghiệp Việt Nam chỉ được giải quyết khi có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã chất lượng cao làm nông nghiệp.

Ông khẳng định bản thân thủ tướng chính phủ sẽ sát cánh với các ngành để giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cao, nông nghiệp sạch của Việt Nam ra thị trường thế giới.

********************

Việt Nam : Năng lượng than sẽ gây nhiều tác hại môi trường (RFI, 02/02/2017)

vn4 - Copie

Một nhà máy dệt may ở Hưng Yên. Việt Nam phải gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Reuters

Việt Nam gia tăng số nhà máy điện chạy bằng than bất chấp những lời báo động về tác hại nặng nề lên môi trường. Đó là nội dung một bài viết được đăng trên trang mạng The Diplomat ngày 25/01/2017. Tác giả là ông Nguyễn Việt Phương, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh Quốc tế của Trung tâm Belfer, Trường hành chính Kennedy, Đại học Havard.

Đầu tiên, tác giả bài viết nhắc lại rằng, ngày 12/01 vừa qua, tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường đã công bố một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard, tổ chức Greenpeace, và Đại học Colorado Boulder có tiêu đề "Gánh nặng bệnh tật do việc tăng lượng khí phát thải từ các nhà máy điện chạy bằng than ở Đông Nam Á".

Dựa trên các dữ liệu chính thức về các dự án nhà máy điện chạy than tương lai ở khu vực Đông Nam Á và dựa trên mô hình hóa sự di chuyển của các khối không khí, nhóm nghiên cứu đã trình bày một bức tranh ảm đạm về ô nhiễm không khí trong khu vực do khí phát thải từ các nhà máy nói trên.

Theo công trình nghiên cứu này, đến năm 2030, Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khối ASEAN bởi tình trạng ô nhiễm do than, tính về tỷ lệ tử vong sớm do khí phát thải từ nhà máy điện chạy than, với số người chết thêm là 188,8 trên một triệu dân. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ của quốc gia bị ảnh hưởng thứ nhì, Indonesia (85,4 trên một triệu dân)

Tính tổng số, người ta ước tính rằng sẽ có thêm khoảng 20.000 ca tử vong mỗi năm vào năm 2030 tại Việt Nam do ô nhiễm than, tức là cao gấp năm lần con số đưa ra vào năm 2011 (thêm 4.252 ca tử vong). Đây là con số rất lớn nếu ta biết rằng tai nạn giao thông, vốn là nguyên nhân gây tử vong không tự nhiên hàng đầu ở Việt Nam, chỉ gây ra tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 106 trường hợp tử vong trên một triệu người trong vòng 5 năm qua.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Phương, bên cạnh những phát hiện đáng báo động đó, thời điểm ra báo cáo của Harvard-Greenpeace-Colorado cũng đáng chú ý, bởi vì chính phủ Việt Nam vừa công bố quyết định hủy bỏ các dự án nhà máy hạt nhân với những lý do chính là không có nhu cầu và các khó khăn tài chính.

Theo lời Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các nhà máy hạt nhân sẽ được thay thế bằng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch than và khí tự nhiên hóa lỏng. Theo dự kiến, than sẽ thay thế thủy điện thành nguồn điện năng chính tại Việt Nam vào đầu những năm 2020, và đến năm 2030, các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than sẽ tạo ra hơn một nửa tổng lượng điện của Việt Nam.

Để trấn an công luận về các tác động có thể có của ô nhiễm than, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong buổi làm việc với Công ty Điện lực Việt Nam, đã nhấn mạnh rằng công ty này phải chú ý đến các khía cạnh môi trường của những dự án nhà máy điện mới và áp dụng những bài học rút ra từ các vụ ô nhiễm công nghiệp gần đây.

Theo tác giả bài viết, ngoài các hóa chất gây ô nhiễm biển từ công ty Đài Loan Formosa, còn phải kể đến vụ ô nhiễm không khí và ô nhiễm biển từ các nhà máy điện chạy than Vĩnh Tân, nằm không xa địa điểm trước đây được dự trù xây các nhà các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

Các chuyên gia Việt Nam cũng đã lên tiếng quan ngại về việc nhiều nhà máy điện chạy than đã được trang bị những công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả và gây ô nhiễm của Trung Quốc, có thể là đầu tư giá rẻ trong ngắn hạn, nhưng sẽ gây tác hại rất lớn đối với cộng đồng địa phương và môi trường trong tương lai.

Với sản lượng suy giảm của thủy điện và khả năng hạn chế về năng lượng tái tạo trong một đất nước có mật độ dân số cao và mạng lưới điện đang rất "căng", chính phủ Việt Nam, mà hiện có ngân sách rất eo hẹp, thực sự không có nhiều sự lựa chọn nào khác ngoài than và khí tự nhiên cho kế hoạch phát triển năng lượng. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, cho dù nguồn lực nhà nước có hạn chế như thế nào, cũng phải dành ưu tiên cho phúc lợi của người dân, sẽ là những người đầu tiên gánh chịu những ảnh hưởng, đã được giới nghiên cứu chứng minh, của ô nhiễm than.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Phương kết luận : "Muộn còn hơn không, như người ta vẫn nói, có lẽ đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam loại bỏ các nhà máy điện chạy than gây ô nhiễm và nghiên cứu các phương án "sạch" hơn cho sản xuất điện. phát điện. Trong số các phương án này, năng lượng hạt nhân không có khí phát thải nên được xem xét lại, mặc dù trong ngắn hạn, chưa thể quay trở lại năng lượng hạt nhân, do những yếu tố chính trị và kinh tế.

Cũng về nhà máy điện chạy bằng than ở Việt Nam, trang Forbes (forbes.com) ngày 31/01 vừa qua có đăng ý kiến của tác giả Nish Chugh.

Mở đầu bài viết, tác giả nhắc lại rằng vào năm 2011, Ngân hàng Thế giới đã dự đoán Việt Nam sẽ là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Sáu năm sau, Việt Nam dường như đang trên đường biến dự đoán đó thành hiện thực. Biến đổi khí hậu đã bắt đầu tác động đến nông nghiệp và môi trường của Việt Nam, vào lúc mà nước này đang phục hồi ngành than để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao.

Tác giả bài viết lưu ý rằng, kinh tế Việt Nam trong hai thập niên qua đã tăng trung bình hàng năm 6%, cho nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên với việc nhu cầu năng lượng trong nước tăng 10% mỗi năm.

Sau khi bỏ dự án điện hạt nhân, Việt Nam đã quay trở lại với cái đã có sẳn, đó là than. Vừa miễn phí, vừa dồi dào. Thế nhưng, theo tác giả Nish Chugh, chọn các nhiên liệu hóa thạch giá rẻ sẽ gây ra những tổn hại không thể đảo ngược được trong dài hạn. Thật không may là những tác hại đó đã bắt đầu xảy ra.

Theo ước tính của Công ty Điện lực Việt Nam, tiêu thụ điện năng hàng năm của cả nước là khoảng 162 tỷ kWh. Hiện nay, Việt Nam có tới 20 nhà máy điện chạy bằng than và có kế hoạch tăng số nhà máy này lên 32 vào năm 2020 và lên 51 vào năm 2030. Điều này có nghĩa là vào năm 2020 các nhà máy than của Việt Nam sẽ sản xuất 49% sản lượng điện bằng cách đốt 63 triệu tấn than. Khi có đến 51 nhà máy hoạt động, khối lượng than được đốt sẽ lên tới 129 triệu tấn.

Theo tác giả Nish Chugh, đối với Việt Nam đó là một con dao hai lưỡi. Mặc dù việc xây dựng các nhà máy than mới có thể giúp Việt Nam xóa bỏ dần những nhà máy than không hiệu quả và gây nhiều ô nhiễm, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước với chi phí phải chăng, các chuyên gia tin rằng đó không phải là lựa chọn duy nhất.

Ngân hàng Thế giới đã xác định được một tiềm năng lớn về năng lượng gió ở khu vực phía nam các vùng miền Trung Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp thêm khoảng 513 MW. Tương tự, năng lượng mặt trời cũng có nhiều hứa hẹn tại một quốc gia có đến 2500 giờ nắng mỗi năm. Một báo cáo từ công ty tư vấn Duanne Morris nhấn mạnh là nên dùng khí thiên nhiên rẻ hơn và sạch hơn so với than cho một kết hợp năng lượng xanh hơn. Các nhà tư vấn cho rằng Việt Nam có thể tìm nguồn tài chính cho lĩnh vực năng lượng tái tạo hơn dể hơn là cho các nhà máy điện chạy than.

Tác giả Nish Chugh cũng cho rằng Việt Nam nên xem xét lại cơ cấu năng lượng của nước này trước khi quá muộn và cần phải quyết định xem chuyển sang than hiện nay để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày mai có thực sự mang tính kinh tế trong dài hạn hay không.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 789 times

1 comment

  • Comment Link Millie dimanche, 07 mai 2017 05:49 posted by Millie

    Glad to be one of the visitors on this awesome web site :D.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)