Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

05/02/2018

Đảng Cộng sản Việt Nam củng cố đế chế qua người chết

Tổng hợp

Mồ lãnh đạo càng lớn càng phúc cho dân ! (VNTB, 04/02/2018)

Chính quyền khuyến khích người dân khi qua đời nên hỏa táng, nhưng đồng thời chính quyền lại bỏ ra cả ngàn tỷ để xây nghĩa trang cho cán bộ cao cấp.

vip1

Nghĩa trang Mai Dịch - nghĩa trang VIP dành cho cán bộ trung - cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Nghĩa tử là nghĩa tận. Phê phán chuyện mồ yên mả đẹp xem ra có gì đó không phải với người khuất bóng. Thế nhưng sẽ rất khó giải thích vì sao chính quyền đưa ra chính sách khuyến khích người dân khi qua đời nên hỏa táng, thì cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước lại ưu tiên chọn việc mộ táng. Không chỉ vậy mà còn sử dụng tiền thuế của dân để xây dựng nghĩa trang riêng dành cho các quan chức và cựu quan chức của Đảng – Nhà nước.

Thành phố Hồ Chí Minh nâng mức hỗ trợ khuyến khích hỏa táng

Từ năm 2018, UBND Thành phố Hồ Chí Minh nâng mức hỗ trợ chi phí khuyến khích hỏa táng lên 3.000.000 đồng/lượt hỏa táng cho người dân. Trước đó, vào năm 2015 (Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND), Thành phố Hồ Chí Minh đã từng ban hành mức hỗ trợ hỏa táng từ 1,5- 2,5 triệu đồng/ lần cho đối tượng chính sách, hưu trí, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân có hộ khẩu Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hỏa táng là hình thức văn minh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, tạo môi trường sống tốt cho sức khỏe của người dân nên thời gian gần đây, các đề án quy hoạch sử dụng đất của Thành phố không dành nhiều diện tích đất cho mục đích chôn cất người chết.

vip2

Hỏa táng được khuyến khích trong đời sống hiện đại, văn minh.

Quyết định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh xuất phát từ Quyết định của Chính phủ về "Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng", do phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ban hành tại Quyết định số 2282/QĐ-TTg, ngày 26 tháng 11 năm 2013. Khi ấy, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra quan điểm như sau : Sử dụng rộng rãi hình thức hỏa táng trong việc tang là góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa tại các khu dân cư ; Khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng tiên tiến, hiện đại trong việc tang nhằm góp phần bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm, tiết kiệm đất đai và hướng tới phát triển bền vững ; Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở hỏa táng cũng như nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và cung cấp các thiết bị hỏa táng hiện đại, tiết kiệm năng lượng và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Hai năm sau ngày phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký Quyết định số 2282/QĐ-TTg, thì Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chủ trương xây dựng nghĩa trang mới dành cho cán bộ cao cấp sau khi từ trần và Nhà tang lễ quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Xây dựng tổ chức việc lựa chọn địa điểm xây dựng, quy hoạch xây dựng nghĩa trang mới và Nhà tang lễ quốc gia.

Ngày 1/2/2018, tại Lễ công bố và bàn giao Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung do UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức, phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã phát biểu với báo chí như sau : cần thiết phải xây dựng một nghĩa trang mới để tổ chức và phục vụ cho các hoạt động tang lễ cấp quốc gia.

"Hà Nội là trung tâm hành chính, chính trị của cả nước, nơi tập trung các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là nơi sống và làm việc của các đồng chí cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Khi mất đi, các đồng chí được tổ chức tang lễ tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông) và được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, Nghĩa trang Mai Dịch được khai thác từ năm 1982 với diện tích 5,9 ha, đến nay đã hết diện tích sử dụng…".

vip3

Quyết định khuyến khích hỏa táng và giờ đây người đứng đầu Chính phủ lại phê duyệt Quy hoạch Nghĩa trang cao cấp. 

Do vậy, theo phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong quá trình nghiên cứu lựa chọn địa điểm xây dựng nghĩa trang mới. Quá trình triển khai, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 627/TTg-KTN, ngày 7-5-2013 thống nhất với đề xuất của Bộ Xây dựng về vị trí xây dựng Nghĩa trang mới tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất và Quyết định số 546/QĐ-TT ngày 17-4-2014 phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung.

Dự kiến nguồn vốn được đầu tư là 1.430 tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước.

Như vậy nếu so tính các mốc thời gian, thì có thể thấy rất rõ rằng khi phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ban hành tại Quyết định số 2282/QĐ-TTg, ngày 26 tháng 11 năm 2013, ông cũng hiểu đây chỉ là các nội dung dành áp dụng cho người dân "đen" bình thường, không áp dụng cho những cán bộ cao cấp của Đảng – Nhà nước như ông Hoàng Trung Hải.

Mồ lãnh đạo càng lớn là phúc cho dân

Một phóng viên đang làm việc tại tờ báo có cơ quan chủ quản là cấp sở ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã nói rằng : "Dư luận ồn ào phê phán việc nhà nước dự kiến bỏ hơn 1.400 tỷ đồng để xây nghĩa trang cán bộ cao cấp là lãng phí. Đây là quan điểm rất không công bằng. Không yêu Đảng yêu nhà nước. Bởi lẽ hàng triệu cán bộ đã không quản ngại khó khăn ngày đêm cống hiến tuổi thanh xuân đưa đất nước ngày càng phồn vinh...".

Nhà báo này viết bằng giọng văn tưng tửng : "Không thể kể đến vai trò của lãnh đạo cấp cao. Không có họ chúng ta có như ngày hôm nay phỏng ? Một đất nước mà khi sống lãnh đạo vừa vất vả để kiến tạo hạnh phúc muôn dân vừa đập tan âm mưu gây chia rẽ khối đại đoàn kết. Bọn thế lực thù địch vừa dẹp xong lại có bọn khác trỗi dậy... Làm cán bộ khi sống đã rất khổ, tại sao khi chết họ không được an nghỉ mồ yên mả đẹp chứ.

Theo tôi cán bộ cao cấp mồ mả có to khang trang thì dân tộc mới trường tồn hanh phúc. Bọn tư bản giãy chết do mồ mả lãnh đạo không to nên đất nước họ bất ổn khủng bố hoài... Vì lẽ đó, mồ lãnh đạo càng lớn thì quốc gia mới hưng thịnh, nhân dân mới phồn vinh.

Chả phải các vị đều muốn mồ mả ông bà mình to đẹp ư ? Mồ mả lãnh đạo được đầu tư khang trang ấy là thể diện quốc gia thưa quý vị ! Sau này ta sẽ nói với con cháu rằng, khu mồ lãnh đạo này là một phần công sức mồ hôi của ta tạo nên. Thế chả phải rất vinh dự ư quý vị Nhân Dân !".

Bên quán cà phê bình dân ở Sài Gòn, nhiều người cà rỡn rằng cán bộ tốt thì khi sống phải gần dân, vậy tại sao khi chết lại buộc phải xa dân đến như vậy ? Liệu mai này người dân muốn tỏ lòng biết ơn người đã nhóm củi đốt lò, họ có được vào nghĩa trang Yên Trung để thắp nén hương cho cụ ?

Trúc Giang

*********************

Quyết tâm xây dựng nghĩa trang cán bộ trong bối cảnh ngân sách eo hẹp ? (VNTB, 04/02/2018)

Sau khi tượng đài được quy hoạch, lần này Nghĩa trang tiếp tục được bơm tiền Ngân sách để các cán bộ an nghỉ một cách trọng thể.

vip4

Một góc nghĩa trang Mai Dịch - nghĩa trang cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam. 

Nghĩa trang cán bộ cao cấp : nghìn tỷ

Sáng 1.2, UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức lễ công bố Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Theo Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, nghĩa trang Yên Trung sẽ phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ; các anh hùng, danh nhân của đất nước. Nguồn vốn dự kiến hơn 1.400 tỷ đồng sẽ lấy từ ngân sách nhà nước. 

Trước đó, Hà Nội đã có nghĩa trang Mai Dịch (quận Cầu Giấy) là nơi an táng các lãnh đạo cấp cao.

vip5

Thủ đô có quy hoạch nghĩa trang cán bộ, địa phương cũng không chịu thua

Cùng với Nghĩa trang, Nhà tang lễ Quốc gia mới được xây dựng tại huyện Hoài Đức sẽ phục vụ cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước, người có công với cách mạng. 

Không chỉ Hà Nội, tại Bình Định [1], Đồng Nai [2], Kiên Giang,… cũng tiến hành xây dựng nghĩa trang cán bộ trung và cao cấp.

Như vậy, sau tượng đài, Nghĩa trang tiếp tục là đối tượng được Ngân sách ưu ái bơm tiền.

Nghịch lý ?

Tượng đài hay nghĩa trang nếu qua quan điểm của quan chức cấp cao của Đảng và Nhà nước thì đó là thể hiện sự 'ghi ơn/ ghi công'.

Nhưng liệu điều này có nghịch lý không ? Khi mà nguồn tiền dành cho người sống đang bị bóp lại, nhỏ giọt,... ? Khi đất nước đang còn thiếu nhiều đường xá, bệnh viện, trường học ; các dự án cơ sở hạ tầng giao thông ; các dự án khoa học – công nghệ đang cần sự đầu tư và vẫn đangngày đêm kêu gào đói vốn…

Không đâu xa, tại Thành phố  Hồ Chí Minh – nơi đang bị ngập vì triều cường do vỡ đê vẫn đang trong tình trạng cầu cứu Chính phủ, Quốc Hội về giải ngân dự án Metro, nếu không sẽ dẫn đến giãn tiến độ, kiện tụng, tranh chấp, lãng phí vốn ODA, ảnh hưởng ngoại giao Việt – Nhật.

vip6

Cơ sở hạ tầng giao thông đang đói vốn thì ngân sách lại được dùng để chi cho nghĩa trang cán bộ ?

Nhưng Quốc Hội Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đang gặp khó, và không thể phê duyệt yêu cầu từ chính quyền Thành phố  Hồ Chí Minh. Lý do : nợ ODA hiện tại đã vượt quá khả năng chỉ trả của quốc gia. 

Điều đó cho thấy, trong giai đoạn ngân sách hiện nay, tiết kiệm được đồng nào thì hay đồng đó, và ngân sách phải dụng để kích thích nền kinh tế (tái đầu tư trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, chi tiêu nghiên cứu sản xuất,...) chứ không phải đầu tư cho 'người chết'.

'Cướp cơm người sống, bồi dưỡng người chết' 

Để có tiền bổ sung nguồn ngân sách, Nhà nước gia tăng truy thu và đặt ra nhiều thuế phí mới, trong đó có cả việc thu thuế đặc biệt với trà, cà phê uống liền giống như với rượu (một mặt hàng xa xỉ). Trước đó, phát biểu tại hội nghị triển khai công tác ngành thuế năm 2018, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần tăng cường mở rộng cơ sở thuế, đặc biệt là những ngành kinh doanh mới như : bán hàng qua mạng, Uber, Grab. Ngoài ra, trong phương án đề ra tại Dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân mà Bộ Tài chính trình, thì 'những người tăng thu nhập do thâm niên, chuyên môn phải chịu một khoản thuế nữa'.

Thực trạng 'cướp cơm người sống, bồi dưỡng người chết' càng cho thấy tính chất bất bình đẳng, thiểu tầm nhìn trong phát triển quốc gia của cơ chế hiện tại. 

vip7

Phối cảnh nghĩa trang Yên Trung, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội. Ảnh : Võ Hải (Tienphong.vn)

Và nó không khác gì câu chuyện thời phong kiến, khi đang thời loạn lạc vẫn bắt con dân đắp tiền, phu dịch mà xây lăng tẩm cả.

Ngay cả ‘lăng tẩm’ của thời hiện đại, người dân có quyền đặt câu hỏi làm sao xác định được 'chuẩn cán bộ' để có suất vào nghĩa trang cao cấp này ? Những vị quan tham quyền, cố vị ; những người khi còn ngồi ghế tại vị đã tham nhũng ngân sách thông qua chính sách, chủ trương của mình, những người đề ra chỉ đạo - chủ trương làm cản trở sự phát triển của đất nước (như ông TBT Đỗ Mười - người 'đánh tư sản mại bản' rất nhiệt tình, làm mất gốc phát triển kinh tế tại miền Nam sau năm 1975) nhưng giờ đây, khi mất đi, những vị cán bộ này được lo cho an nghỉ cuối cùng một cách chỉnh chu nhất - đây không phải là sự mâu thuẫn, bất bình đẳng sao ? Hay là vì khi chết, những cán bộ trung – cao cấp lại hóa thành những ‘người tử tế’ cả ?

'Cần, kiệm, liêm, chính' : học ai, dạy ai ?

Nghĩa trang dành riêng cho cán bộ trong thời kỳ ngân sách khó khăn có phải là sự băng họai về mặt đạo đức và yếu kém trong quản lý quốc gia ? Bởi nó đối nghịch với các chuẩn mực ‘Cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư’ mà nhiều đời lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam tuyên truyền như là nền tảng đời sống mới, là phẩm chất đạo đức cách mạng của người Cộng sản.

Giờ đây người đề xuất, kẻ phê duyệt đã thực thi bao nhiêu phần trăm chuẩn mực nêu trên ?

Quan điểm lãnh đạo là đầy tớ của nhân dân, phải ăn cùng dân, ở cùng dân, và làm với dân đã được bao nhiêu vị soạn thảo quy hoạch, phê duyệt quy hoạch, ủng hộ quy hoạch nghĩa trang nhìn nhận nó một lần đúng đắn trong dời ? Và tại sao khi chết lại xây nghĩa trang cao cấp [*] cho riêng cho mình dưới danh nghĩa 'đền ơn đáp nghĩa' ?

vip8

Ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi Lễ khai giảng năm học mới 2017-2018 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã từng trích dẫn 'cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư', nhưng giờ ông là người phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang dành cho cán bộ cao cấp ?

Tác giả cũng muốn chất vấn bà Chủ tịch Quốc Hội – Nguyễn Thị Kim Ngân ; ông Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam – Nguyễn Phú Trọng ; ông Chủ tịch nước – Trần Đại Quang ; ông Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc ; những người thường xuyên dâng hoa và báo công trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ; những người có rất nhiều lần đăng đàn nói về vẻ đẹp cách mạng thời đại Hồ Chí Minh,… rằng : liệu những đảng viên cao cấp, những lãnh đạo đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam có ai đã thực hành đúng đường lối cách mạng của ông cụ (Chủ tịch Hồ Chí Minh), người sinh thời luôn lên án sự sa hoa, lãng phí, người mà trong Di chúc của mình đã muốn ‘thi hài được đốt đi, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí thì giờ, tiền bạc của nhân dân’.

Ánh Liên

Chú thích :

[*] Theo Khoản 2 - Điều 4 - Nghị định số 23/2016/NĐ-CP về 'Xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng' thì 'Diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ cát táng tối đa không quá 03m2', trong khi mỗi ngôi mộ của cán bộ cao cấp có khuôn viên 25 - 35m2.

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Quyet-dinh-344-QD-UBND-quy-hoach-chi-tiet-1-500-nghia-trang-can-bo-trung-cao-cap-Binh-Dinh-2016-304320.aspx

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet-dinh-42-2009-QD-UBND-to-chuc-an-tang-tai-nghia-trang-can-bo-nguoi-co-cong-tinh-Dong-Nai/96408/noi-dung.aspx

**********************

Của cải và vị thế của người chết (Tiếng Dân, 03/02/2018)

Chết rồi còn muốn phân chia giai cấp và vị thế bằng cách xây nghĩa trang thật nguy nga dành riêng cho cán bộ cấp cao an táng.

vip9

Lăng mộ cho quan 1.400 tỷ có thể làm được gì ?

Thế mới biết Karl Marx nói đúng, chỉ có loài súc vật mới quay lưng lại với đồng loại để chăn bẵm cho bộ lô của mình.

Đất nước còn nghèo, thuộc các quốc gia của thế giới thứ ba, thu nhập thấp, môi trường ô nhiễm, giáo dục tụt hậu, gần 1/4 (tức khoảng 20 triệu người) dân số sống ở mức đói, nghèo, cận nghèo. Nhiều nơi trẻ em không có trường để học, không có đường hay cầu qua sông, suối để đến lớp. Công nhân sống đời sống khổ cực và bấp bênh, bảo hiểm ít ỏi và khó khăn trong việc thụ hưởng. Việc nghiên cứu và đầu tư vào công nghệ, khoa học, y tế hay an sinh xã hội, họ thường nại ra là không có đủ tiền để thực hiện.

Nhưng thử nhìn vào những tượng đài nghìn tỷ, những dự án đắp chiếu hoặc thua lỗ hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ nhan nhản rải khắp trên cả nước. Nay thì còn có thêm dự án mà người sống lo cho xương cốt có nơi trú ngụ lộng lẫy và trang hoàng như vua chúa xưa kia thường hay làm khi chết.

Người sống thì còn không đủ ăn, đủ mặc, không đủ phương tiện đến trường, nợ công thì tăng cao làm kiệt quệ ngân khố, nhiều tỉnh còn làm công văn xin hỗ trợ gạo hoặc ngân sách để có tiền chi trả cho các hoạt động thường xuyên của địa phương, nhiều nơi còn nợ lương công chức, viên chức. Thế mà họ rảnh rang lại bày ra dự án lên tới hàng ngàn tỷ chỉ để lo khi lìa đời họ vẫn được hưởng vinh hoa phú quý.

Người Do Thái có đạo Do Thái giáo và họ được giáo dục rằng, tài sản là do Chúa ban tặng cho mỗi người để quản lý và họ có trách nhiệm làm sinh sôi nó nhiều hơn lên, đồng thời với đó là việc người Do Thái luôn tâm niệm phải biết cho đi tài sản (mà thực chất là thuộc sở hữu của Thượng đế), phải khiến người khác cũng giàu có lên như mình. Thế nên đi đâu, sống ở nơi nào, thời kỳ nào, họ cũng luôn làm cho không chỉ họ trở nên thành đạt mà họ còn khiến cộng đồng người của họ cũng trở nên thịnh vượng.

Karl Marx và Lenin lập ra luận thuyết của mình với mong muốn sẽ xóa bỏ đi giai cấp người trong một xã hội (và không còn nhà nước), nhưng thế hệ các quốc gia tiếp nhận chủ thuyết này, mặc dù là những chủ nghĩa sai lầm cả về mặt lý luận học thuật nội tại lẫn thực tiễn, đã khiến sự phân định giai cấp ngày càng trở nên rõ nét và khủng khiếp hơn, đến cả khi chết họ vẫn cần có một khuôn viên riêng dành cho 4 từ "cán bộ cao cấp" như là một sự phân định lố bịch nhất.

Luân Lê

Quay lại trang chủ
Read 719 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)