Một báo cáo của tổ chức Freedom House xếp Việt Nam vào nhóm 49 nước không có tự do". So với các năm trước, mức độ tự do của Việt Nam không có chuyển biến gì.
Freedom House, một tổ chức theo dõi nhân quyền độc lập có trụ sở ở Mỹ, mới công bố báo cáo Tự do trên thế giới 2017". Theo báo cáo, có 195 nước được đánh giá, 87 nước được xếp hạng có tự do, 59 nước tự do phần nào và 49 nước không có tự do.
Trên thang điểm 100, Việt Nam được 20 điểm, số điểm càng thấp đồng nghĩa càng ít tự do. Trong hai hạng mục riêng rẽ, Việt Nam ở mức 7/7 về các quyền chính trị và 5/7 về các quyền tự do dân sự. Trên thang điểm này, 7 điểm là ít tự do nhất.
Báo cáo nhìn nhận rằng các lĩnh vực rất quan trọng mà Việt Nam thiếu là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin và tự do trên mạng Internet. Việt Nam bị coi là chẳng có thay đổi nào đáng kể so với năm ngoái" với thực tế nhiều người đối lập vẫn bị bắt giữ, tiếng nói của các xã hội dân sự hay của những nhà hoạt động độc lập bị dập tắt.
Từ Việt Nam, hai nhà hoạt động thúc đẩy dân chủ Phạm Đoan Trang và Vũ Quốc Ngữ nói với VOA họ hoàn toàn đồng ý với những kết luận của Freedom House.
Ông Vũ Quốc Ngữ, tổng giám đốc của Người Bảo vệ Nhân quyền, nói :
Chính quyền Việt Nam trong năm 2016 họ đã bắt, xét xử hơn 18 người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động nhân quyền, nhà hoạt động xã hội. Họ bắt giữ rất nhiều đầu năm 2017, kể cả một tuần trước Tết Nguyên đán. Những cái chỉ số như thế thì tôi nghĩ là họ [Freedom House] đánh giá rất là chính xác".
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bày tỏ ý kiến :
Trong quyền dân sự không có một thay đổi nào cả. Còn về các quyền chính trị, năm vừa qua 2016, chúng ta thấy rất rõ là người dân Việt Nam không có một chút nào, nên tôi đồng ý là về quyền chính trị họ chấm 7/7, tức là điểm thấp nhất, là hoàn toàn chính xác".
Trong bối cảnh lãnh đạo Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, một nước cũng khét tiếng về đàn áp, chuyên chế ; trong khi Mỹ và các nước vốn thường cổ súy cho dân chủ, nhân quyền đang vật lộn với các vấn đề lớn về nội bộ hoặc địa chính trị, hai nhà hoạt động đưa ra dự báo bi quan về tình trạng tự do của Việt Nam trong ngắn hạn.
Họ cũng cho rằng những người đấu tranh ở Việt Nam phải dựa vào chính mình thay vì trông cậy vào tác động từ bên ngoài.
Ông Vũ Quốc Ngữ, người cũng là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nói :
Tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam sẽ trở nên thân thiết hơn với Trung Quốc. Họ sẽ tìm mọi cách để giữ địa vị độc tôn của Đảng Cộng sản ở Việt Nam và do đó họ sẽ đàn áp mạnh mẽ hơn nữa và sẽ có nhiều vụ bắt bớ. Do đó tôi chưa nhìn thấy một cái cải thiện về tình hình nhân quyền, về dân chủ ở Việt Nam trong thời gian ngắn hạn, trước hết là một đến hai năm. Mỹ và những nước như EU họ có bớt quan tâm về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Họ không thể quan tâm đến mức như trước nữa. Những người ở trong nước, những người hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền, hoạt động xã hội sẽ vấp phải những khó khăn hơn nữa. Tôi được tiếp xúc với nhiều người thì họ cũng sẵn sàng đón nhận mọi cái thử thách. Họ cũng xác định là việc đấu tranh không phải là món quà của Trời mà phải tự thân vận động".
Bà Phạm Đoan Trang nhận định :
Tôi nghĩ rằng sẽ không có thay đổi gì theo hướng tốt lên cả từ phía chính quyền Việt Nam. Tôi cảm thấy rất rõ quan điểm của họ là khủng bố và đàn áp nó có tác dụng thật, có gây hiệu ứng sợ hãi thật. Tôi nghĩ rằng với cái tư duy như vậy họ sẽ còn tiếp tục, còn bắt nhiều hơn, đàn áp nhiều hơn. Tôi tin năm 2017 họ sẽ tiếp tục bắt tiếp. Ông Trump trở thành tổng thống [Mỹ], tôi nghĩ là ông ấy sẽ không quan tâm đến Việt Nam. Quốc hội Mỹ có thể còn có một số dân biểu do bị tác động của cộng đồng người Việt thì họ còn có thể có một vài tiếng nói, một vài phát biểu. Tiếng nói về mặt quốc tế để phần nào đó ảnh hưởng đến chính quyền Việt Nam thì không còn nữa. Nhưng mà cũng không sao vì tôi vẫn cho rằng việc của Việt Nam thì Việt Nam sẽ tự giải quyết hơn là trông chờ vào sức ép, ảnh hưởng của quốc tế".
Trong báo cáo năm nay của Freedom House, Việt Nam không bị xếp vào nhóm 11 nước kém tự do nhất, bao gồm các nước lần lượt theo điểm số kém dần là Syria, Eritrea, Bắc Hàn, Uzbekistan, Nam Sudan, Turkmenistan, Somalia, Sudan, Guinea Xích đạo, Cộng hòa Trung Phi và tồi tệ nhất là A-rập Xê-út.