Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/02/2018

Núi đồi Sapa kêu cứu, Điểu 62 của Luật đất đai vấy máu

CaliToday

Sapa : Tiếng kêu cứu của núi đồi … ! (CaliToday, 05/02/2018)

Những biệt thự, những dự án bạc tỷ nhưng đền bù cho dân một mét vuông (m2) đất nông nghiệp từ vài ngàn cho đến vài chục ngàn đồng, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc có số hộ dân ở huyện Sapa, tỉnh Lào Cai đi khiếu kiện lâu dài liên quan đến dự án xây dựng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sapa…

"Sapa ước hẹn bạn mình ơi
Vãng cảnh sương giăng quện đất trời
Thác Bạc dòng reo hòa gió hát
Cầu Mây khách dạo ẩn rừng chơi
Trai Mường nhún nhẩy khèn trong trẻo
Gái Thái đong đưa mắt sáng ngời
Văn hóa chợ Tình mang bản sắc
Một miền sinh thái nước non tươi"

(Vãng cảnh Sa-Pa, Tr.Đ. Thiện)

Sapa từ lâu đã đi vào thi ca Việt Nam không chỉ với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, thơ mộng mà còn đậm đà bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, Sapa ngày nay là những biệt thự, là những khách sạn hiện đại và là "đại công trường" ngổn ngang với những dự án bạc tỷ. Dự án xây dựng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sapa là một trong những dự án mà Cali Today nói đến. Dự án này kéo dài mười mấy năm qua nhưng hiện cho thấy vẫn chưa hoàn thành vì vướn mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, dẫn đến việc có nhiều hộ dân khiếu kiện kéo dài, không đồng thuận giao đất cho chủ đầu tư.

sapa1

Chợ văn hóa Sapa đã xong nhưng Dự án không thể hoàn thành vì vướng mắc trong công tác GPMB. (Ảnh : Mạnh Hưng - Báo Tài nguyên và môi trường)

Dự án xây dựng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sapa được chính quyền tỉnh Lào Cai phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2004 và năm 2005, dự án được nhà đầu tư là Công ty Cương Lĩnh sau chuyển sang Công ty đầu tư VIDIFI bắt đầu công đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng, san lắp mặt bằng. Tuy nhiên, quá trình triển khai lấy đất của dân nhằm phục vụ việc xây dựng dự án đã vấp phải sự không đồng thuận vì những sai sót, việc thống kê bồi thường không chính xác, không đảm bảo tính pháp lý…

Chị Phạm Thị Nhung, đại diện cho hộ bà Bùi Thị Huyền, tổ 2B, thị trấn Sapa chia sẻ với Cali Today :

"Quy hoạch nó bảo là dự án Chợ văn hóa và Bến xe nhưng thực tế nó thu đất của dân để chia lô bán nền, làm biệt thự"

Chị Nhung cho biết gia đình chị nhận quyết định thu hồi hơn 7000m2 đất. Còn của những hộ dân khác trong cùng dự án là khoảng mấy chục hecta đất thực sự vào năm 2009, 2010 chính quyền đã lấy đất của người dân bán xây dựng biệt thự. Các hộ dân cho rằng việc giao đất để phục vụ dự án công cộng, công trình văn hóa và quốc phòng làm giàu cho đất nước thì họ sẵn sàng tuân thủ nhưng nếu lấy đất của người dân để bàn giao cho nhà đầu tư chia lô, bán nền là không được, đó là chưa nói việc đền bù cho thấy thiệt thòi của người dân là rất lớn. Các hộ dân nộp đơn kiện ra Tòa nhờ phân xử cho thấy những khiếu kiện của các hộ dân là có cơ sở. Tuy nhiên :

"Họ vẫn thu đất của dân để đền bù theo giá mới, giá thời điểm bây giờ… có nghĩa là họ vẫn có quyền thu đất của mình và họ chỉ trả cho nhà mình mỗi người một suất tái định cư. Tôi hỏi lại họ, thế bây giờ nhà nước lấy đất của tôi vì lợi ích quốc gia, giờ sang luật đất đai 2013 trong quyết định hiện hành không cho phép thu đất của tôi giao cho doanh nghiệp, không ai cho phép lấy của người nghèo lo cho người giàu. Họ lấy đất của tôi để làm biệt thự thì gia đình tôi cũng có nhu cầu làm biệt thự chứ ? Họ lấy của tôi rồi đền cho tôi giá rẻ và bắt tôi mua biệt thự, giá cao làm sao tôi nhận ? Nguồn gốc đất nhà tôi trước năm 1980".- Lời của chị Nhung.

Chị Nhung và nhiều hộ dân cho rằng Quyết định phê duyệt là từ tháng 06/2005 nhưng mà quyết định này chỉ có hiệu lực đến năm 2008. Theo chị Nhung, Viện kiểm sát nói Quyết định này trái quy định của pháp luật vì Nhà nước không còn chủ trương đổi đất lấy công trình (hạ tầng) từ kỳ họp thứ IV Quốc hội khóa XI. Trái quy định của pháp luật nhưng tỉnh Lào Cai và huyện Sapa cố tình "lấy thịt đè người" để lấy đất của dân đặng giao cho doanh nghiệp chia lô, bán nền. Chị Nhung nói :

"Tôi không phải là tiểu thương. Họ lấy đất của dân để xây dựng dự án chợ- bến xe. Công trình chợ đã đưa vào hoạt động rồi, còn bến xe thì đang chuẩn bị hoạt động. Còn đất của gia đình tôi với người dân họ thu để chia từng lô bán biệt thự".

Giá đền bù quá thấp, chị Nhung nói thêm :

"Mỗi biệt thự họ bán từ thời năm 2009, hợp đồng đặt cọc ghi thời 2009-2011 gì đấy là mấy tỷ đồng một cái biệt thự, còn giá thị trường bây giờ thì phải mấy chục tỷ đồng. Lúc họ đền bù cho gia đình tôi năm 2012, quyết định thu hồi 2012 là 6.500 đồng/m2 đất nông nghiệp. Sau đó gia đình thắc mắc thì họ bảo hỗ trợ 200% thành 13.000 đồng tổng cộng lại là gần 19.000 đồng/m2 đất nông nghiệp".

Trả lời phỏng vấn của báo Công an vào tháng 7/2017, ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Sapa nói đây là dự án sử dụng quỹ đất để đổi cơ sở hạ tầng. Nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư hạ tầng thì được tỉnh trả lại bằng quỹ đất tương ứng để thu hồi vốn. Việc nhà đầu tư chuyển nhượng lại đất là bình thường theo Luật Đất đai.

Sapa từ một điểm thu hút khách du lịch, là nơi bảo tồn văn hóa vùng miền bỗng chốc nở rộ những khách sạn, biệt thự và những dự án bạc tỷ đang xây dựng và sắp xây dựng như : Khu quần thể vui chơi giải trí Fanxifang, dự án khu đô thị Trường Giang ; dự án khu đô thị mới Đông Bắc… đánh đổi không ít từ những ý kiến không đồng thuận của những hộ dân như trường hợp của chị Nhung.

"Họ bán rồi, có hợp đồng đặt cọc là họ bán rồi. Trường hợp mua cũng không kiện được nó vì họ làm hợp đồng đặt cọc theo kiểu khép chặt là ; nếu có gì thay đổi thì có thể diện tích đất không thay đổi nhưng vị trí có thể thay đổi, tức là bên người ta mua mà dân không trả đất thì họ chuyển đi chổ nào thì phải chịu. Kiểu mua trên sơ đồ đấy…"

Hiện tại chị Nhung và một số hộ dân đã xuống Hà Nội kêu cứu đến các cơ quan, ban ngành chức năng Trung ương. Còn Sapa đang từng ngày trở nên hiện đại hóa và mở rộng nhằm hướng tới năm 2020 lên đô thị loại 3.

Thiên Hà

***********************

Khi báo nhà nước phẫn nộ ‘điều 62 của Luật Đất đai đang vấy máu’… (CaliToday, 04/02/2018)

Vào đầu năm 2018, trong bối cảnh nạn cướp đất vẫn tràn ngập ở nhiều vùng tại Việt Nam, tỷ lệ đơn thư khiếu nại – tố cáo liên quan đất đai chiếm đến 95% trong tổng số đơn thư khiếu tố, còn Bộ Tài nguyên và môi trường vừa dự thảo một dự luật sửa đổi về Luật Đất đai nhưng không những không thu hẹp mà còn đề nghị tiếp tục mở rộng diện đối tượng bị giải tỏa đất, trang báo điện tử Một Thế Giới đã đăng bài viết rất đáng chú ý của tác giả Hoàng Hải Vân (cựu phóng viên báo Thanh Niên) với tựa đề "Lợi ích nhóm nằm trong Luật Đất đai".

Nội dung đáng chú ý nhất của bài báo trên là phần kết luận :

"Xin nói thẳng, không chỉ là đơn khiếu kiện chiếm 80%, mà điều 62 của Luật Đất đai đang vấy máu. Chúng ta đã nghe nhiều trường hợp người dân không chấp nhận rời khỏi ruộng vườn đã phản ứng bằng bạo lực với lực lượng cưỡng chế, máu của dân và máu của đồng bào làm nhiệm vụ cưỡng chế đều là máu của người vô tội. Nơi này nơi kia ở nông thôn đang bất ổn về chính trị, không phải do sự chi phối của các thế lực thù địch, mà do đất của dân bị Nhà nước thu hồi để giao cho các "đại gia", tuy có thể đúng Luật nhưng trái đạo lý. Những đảng viên Cộng sản hãy nhớ rằng, Liên minh công nông là nền tảng chính trị của Đảng không chỉ ở nông thôn. Nền tảng chính trị đó mà bị phá vỡ thì Đảng không còn đất sống".

Cho đến nay, Một Thế giới vẫn lọt thỏm trong hơn 900 tờ báo nhà nước, với tuyệt đại đa số còn lại vẫn nằm trong tình trạng câm nín "cho nó lành" mà không có bất cứ phản biện xã hội nào.

Những cụm từ "điều 62 của Luật Đất đai đang vấy máu" và "Nền tảng chính trị đó mà bị phá vỡ thì Đảng không còn đất sống" – thể hiện tâm trạng bức xúc cao độ nhưng vẫn phải kìm nén khi viết ra và khi được biên tập bởi tờ báo – cần được xem là hết sức hiếm hoi trên mặt báo nhà nước.

Cần nhắc lại, vào năm 2013 Luật Đất đai đã được đưa vào Dự thảo hiến pháp 2013 để lấy ý kiến nhân dân. Nhưng khi Hiến pháp 2013 được thông qua thì không còn thấy có bất kỳ khái niệm nào được sửa đổi. Điều đó cho thấy Nhà nước, Chính quyền và Quốc hội cực kỳ vô cảm trong mối quan hệ với nhân dân.

sapa2

Những hình ảnh quá thường thấy ở Hà Nội. Có đến hàng trăm ngàn nạn nhân của cơ chế giải tỏa đất đai đã trở thành tầng lớp dân oan ở Việt Nam. Ảnh : Xuân Việt Nam.

Và trên hết là vô tâm

Sự vô tâm cùng cực đó khiến vấn đề sở hữu đất đai đã không hề được thay đổi. Cho tới nay, Hiến pháp vẫn khẳng định đất đai là "sở hữu toàn dân", mặc dù đã có rất nhiều ý kiến đánh giá là sở hữu đất đai toàn dân hoàn toàn không còn phù hợp với cơ chế vận động thị trường hiện thời. Đặc biệt là những hậu quả ghê gớm gây ra bởi vô số các nhóm lợi ích bất động sản kết hợp với các nhóm thân hữu chính trị trong suốt vài chục năm qua bởi "chế độ sở hữu toàn dân".

Tính chất "toàn dân" đã giúp chế độ có thể trưng thu đất đai một cách vô tội vạ với giá đền bù rẻ mạt, có khi thấp bằng 1/10 tới 1/20 giá thị trường, thậm chí chỉ bằng 1/100 giá thị trường, gây bất công xã hội ghê gớm và châm ngòi cho hàng chục ngàn cuộc khiếu kiện lớn nhỏ hằng năm trong dân chúng, tạo ra một tầng lớp dân oan thảm thương lên đến hàng triệu người trên mảnh đất Việt Nam ngày càng bị bóp vụn.

Trong rất nhiều dự án được gọi là "phát triển kinh tế xã hội", chủ đầu tư đã cấu kết với chính quyền địa phương đền bù giá rẻ mạt đối với người dân, thu hồi đất một cách tùy tiện, sẵn sàng cưỡng chế và thậm chí gây chết người. Nhưng sau đó chỉ sử dụng khoảng 1/3 diện tích để thực hiện dự án như họ đã mô tả trong luận chứng kinh tế kỹ thuật, còn lại 2/3 là phân lô bán nền kiếm lời.

Trong khi đó ngay cả ở Trung Quốc, đất nước đã sinh ra hàng trăm ngàn cuộc khiếu kiện lớn nhỏ của người dân mỗi năm, cũng đã phải thực hiện những cải cách nhất định. Từ đầu năm 2013, chính Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra một văn bản yêu cầu các chính quyền địa phương không được thu hồi đất bất hợp lý đối với người dân, đe dọa thi hành kỷ luật những quan chức ăn chênh lệch giá đền bù.

Ở Việt Nam, đã có rất nhiều ý kiến yêu cầu phải chuyển sở hữu đất đai sang hình thức đa sở hữu : vừa sở hữu toàn dân, vừa sở hữu tập thể và phải có cả sở hữu tư nhân ; không thể thu hồi đất vô tội vạ, không được thu hồi đất đối với các dự án kinh tế xã hội là loại dự án đã gây ra bất công lớn nhất và tình trạng dân oan kéo đi khiếu kiện nhiều nhất trong những năm vừa rồi.

Nếu trong thời gian tới, Quốc hội không chịu thay đổi bất kỳ nội dung quan trọng nào của Luật Đất đai, sẽ tất yếu làm tăng tình trạng lobby chính sách, làm sai chính sách phổ biến. Các nhóm lợi ích, các nhóm thân hữu chính trị sẽ tiếp tục lợi dụng những chính sách sai lầm để trục lợi. Do đó càng gây ra phản ứng ngày càng mạnh mẽ, ngày càng quyết liệt của người dân, và có thể sinh ra hàng loạt cuộc biểu tình như xã hội đã và đang chứng kiến trên khắp các miền đất nước, đặc biệt ở các vùng nông thôn miền Bắc như Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên… và ngay cả tại ngoại thành Hà Nội là Dương Nội, Đồng Tâm.

Thiền Lâm

Quay lại trang chủ
Read 597 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)