Cách chức khi chức không còn : vấn đề lý luận cao siêu, khó hiểu ? (Tiếng Dân, 06/02/2018)
Hôm 5/2/2018, báo chí rầm rộ đưa tin ông Lê Phước Thanh, nguyên bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam bị "cách chức bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010 – 2015", vì có nhiều sai phạm nghiêm trọng như : "Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (là con trai mình) giữ các chức vụ (trưởng phòng của Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, phó giám đốc, giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư) không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục. Ông Lê Phước Thanh cũng để UBND tỉnh quyết định cử ông Lê Phước Hoài Bảo đi học thạc sĩ tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước không đúng quy định".
Quyết định cách chức ông Lê Phước Thanh được đưa ra sau cuộc họp tiến hành ngày 5/2/2018 của Ban Bí thư, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra trung ương về việc thi hành kỷ luật đối với ông Lê Phước Thanh.
Ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010 – 2015. Ảnh : TT
Việc Đảng xem xét, kỷ luật những đảng viên có sai phạm là điều bình thường. Mà thậm chí người dân, trong đó có tôi, càng mừng. Càng kỷ luật nhiều càng tốt, càng có lợi cho đất nước ! Những đảng viên như ông Lê Phước Thanh cách chức vẫn còn là quá nhẹ, nếu so sánh với việc dân bắt trộm vài con gà có khi phải vào tù.
Tuy nhiên, như nhiều người khác đã bày tỏ, tôi cũng cảm thấy "băn khoăn" về hình thức kỷ luật "cách chức" áp dụng cho người không còn cái chức ấy. Như trường hợp ông Lê Phước Thanh là bí thư Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015, thì nay (2018) đâu còn chức "bí thư" nữa mà bị cách chức ?
Hiện tại và theo lẽ thông thường, theo quy định của Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội và tại Bộ luật lao động, thì khi đối tượng vi phạm kỷ luật, vi phạm quy chế… có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với chức vụ mà người đó đang nắm giữ. Nhưng hiện chưa thấy có văn bản chính thức nào giải thích về vấn đề cách chức khi chức vụ không còn.
Việc áp dụng hình thức cách chức khi chức vụ không còn tại Việt Nam khởi đầu bằng trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, vào tháng 11/2016, cách nay hơn 1 năm. Khi đó, ông Vũ Huy Hoàng cũng bị Ban bí thư đưa ra hình thức kỷ luật cách chức Bộ trưởng Bộ công Thương, cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ công thương giai đoạn 2011-2016, trong bối cảnh ông Vũ Huy Hoàng không còn các chức vụ này nữa.
Khi đó, liên quan đến việc cách chức này, Tổng Thư ký Quốc hội là ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đây là trường hợp "chưa có tiền lệ" và Quốc hội đang giao cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu quy trình phù hợp để "cách chức" Bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng.
Cụ thể, phát biểu trên báo Dân Trí ngày 4/11/2016, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói như sau :
– Tôi có thể nói đến giờ phút này Ban Bí thư giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu quy trình kỷ luật với ông Vũ Huy Hoàng. Đây là việc rất khó vì hiện ông Hoàng là Bộ trưởng Công thương của khóa trước, đã được Quốc hội khóa trước (khóa XIII) miễn nhiệm nên đến nay ông Hoàng không còn giữ chức vụ Bộ trưởng nữa.
– Không còn chức vụ thì cần phải giao cho các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu quy định về mặt pháp luật thế nào, quy trình thế nào để xử lý kỷ luật. Việc này đang được giao cho những cơ quan giúp việc cho Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu về tính pháp lý để đảm bảo căn cứ khi trình ra Quốc hội xem xét. Việc xử lý một người không còn chức vụ Bộ trưởng nữa, Quốc hội đã miễn nhiệm rồi thì phải làm sao đảm bảo đúng pháp luật. Cần phải làm chặt chẽ vì kỷ luật nghiêm minh nhưng phải đúng pháp luật.
Từ đó đến nay, chưa thấy có văn bản chính thức nào giải thích, hay đưa ra cơ sở lý luận về việc cách chức khi chức vụ không còn. Chính vì vậy rất nhiều người, trong đó có tôi, cảm thấy mù mờ, không/chưa hiểu.
Cũng có ý kiến cho rằng đây là việc nội bộ của Đảng. Đảng không cần thiết hay phải có trách nhiệm giải thích ra bên ngoài.
Bất luận thế nào, thì việc cách chức khi chức vụ không còn không những chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam (tính từ trường hợp ông Vũ Huy Hoàng) mà cũng chưa từng có trên thế giới. Thế nên có thể nói đây là một sự sáng tạo rất độc đáo và đặc biệt của Đảng cộng sản Việt Nam, nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật Đảng. (Ghi chú : từ "sáng tạo độc đáo" và "đặc biệt" tôi dùng ở đây là hoàn toàn trung tính, không có hàm ý "ca ngợi", "tán dương").
Vì không hiểu, nên phía người dân như tôi, cho rằng đây là một vấn đề mang tính lý luận cao siêu, khó hiểu là vậy. Thế nên tưởng cũng nên chép lại vài dòng, để nhớ về một giai đoạn lịch sử của dân tộc.
Để kết thúc, tôi đưa ra dưới đây ảnh chụp hai bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ và Tiền Phong, cùng về sự kiện cách chức ông Lê Phước Thanh – nhưng có sự khác biệt trong cách hiểu.
Trong khi báo Tuổi Trẻ đăng "cách chức bí thư" dẫn theo nguồn TTXVN, thì báo Tiền Phong gắn kèm thêm chữ "NGUYÊN" – hàm ý là chức vụ ấy không còn nữa, nên chỉ có thể cách "nguyên" chức vụ ấy thôi. (Ghi chú : có vẻ như báo Tiền Phong đã "phá rào", so với bản tin gốc của TTXVN). Tôi nói "cao siêu", khó hiểu về mặt lý luận là vậy.
LS Trần Hồng Phong
____
* Các hình thức kỷ luật quy định tại Bộ luật lao động (2012) áp dụng cho người lao động vi phạm kỷ luật lao động – có hình thức "cách chức" :
Điều 125. Hình thức xử lý kỷ luật lao động
1. Khiển trách.
2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng ; cách chức.
3. Sa thải.
********************
Nguyên bí thư Quảng Nam bị cách chức (RFA, 06/02/2018)
Thêm một trường hợp nguyên bí thư vừa bị kỷ luật và cách chức : Đó là ông Lê Phước Thanh, nguyên bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, người chịu trách nhiệm chính về những vi phạm khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015. Báo Pháp Luật loan tin hôm 06/02, một ngày sau khi quyết định kỷ luật trên được công bố.
Hình chụp báo Thanh Niên về thông báo kỷ luật ông Lê Phước Thanh - Courtesy báo Thanh Niên
Quyết định kỷ luật ông Thanh được đưa ra dựa trên cơ sở kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm tại Tỉnh ủy Quảng Nam do Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo hồi cuối tháng 12/2017.
Về trách nhiệm cá nhân, ông Thanh vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ như : thực hiện nhiều sai phạm trong việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm con trai là Lê Phước Hoài Bảo giữ các chức vụ từ trưởng phòng của Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, đến Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh nhà.
Hiện, ông Lê Phước Hoài Bảo đã bị xóa tên trong danh sách đảng ủy viên và tạm đình chỉ công tác để tiến hành làm thủ tục kiểm điểm theo quy trình.
Vừa qua nguyên bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, cựu ủy viên Bộ chính trị, ông Đinh La Thăng bị đưa ra tòa xét xử và bị tuyên án 13 năm tù giam.
*****************
Nguyên bí thư Tỉnh Ủy Quảng Nam bị ‘cách’ cái chức đã mất (Người Việt, 05/02/2018)
Ông Lê Phước Thanh bị Ban bí thư của đảng cộng sản Việt Nam trừng phạt "cách" cái chức bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015, tức cái chức ông không còn giữ từ hơn hai năm nay.
Ông Lê Phước Thanh bị cách chức bí thư Tỉnh Ủy nhiệm kỳ 2010-2015. (Hình : VnExpress)
VnExpress và một số báo điện tử khác tại Việt Nam đưa tin vừa kể dựa theo một quyết định của Ban bí thư, cơ chế dính với Trung ương Đảng và Bộ chính trị trong một phiên họp "xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra trung ương về việc thi hành kỷ luật đối với ông Lê Phước Thanh, bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015".
Ông Lê Phước Thanh, nay đã nghỉ hưu, bị phanh phui một số tội nhân chuyện lợi dụng vị thế bí thư Tỉnh Ủy Quảng Nam để "vun vén gia đình" khi đưa con trai tên Lê Phước Hoài Bảo vào guồng máy cầm quyền địa phương rồi đẩy lên vèo vèo làm gai mắt nhiều người.
"Ông Thanh cũng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của đảng, nhà nước về công tác cán bộ ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (là con trai của ông Thanh) giữ các chức vụ (trưởng phòng của Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Mở Chu Lai, phó chủ tịch huyện Thăng Bình, phó giám đốc, giám đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư) không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục ; để UBND tỉnh quyết định cử ông Lê Phước Hoài Bảo đi học thạc sĩ tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước không đúng quy định".
VNExpress hôm 5 Tháng Hai, 2018, thuật lại những lời cáo buộc ông Thanh từ phiên họp và lên án những vi phạm, khuyết điểm của ông ta "rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân".
Lê Phước Hoài Bảo, giám đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư tỉnh Quảng Nam, con trai ông Lê Phước Thanh. (Hình : VnExpress)
Hồi cuối năm ngoái, Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam đã họp và cũng đã hài tội ông Lê Phước Thanh như kể trên dẫn tới phiên họp vào ngày 5 Tháng Hai. Hơn một năm qua, người ta thấy trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một số đảng viên cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam bị ông Trọng trừng phạt cách chức cả những cái chức họ đã không còn nắm giữ. Đây là điều không thấy xảy ra những thời trước.
Trước khi ông Lê Phước Thanh bị "cách" cái chức đã không còn giữ, con trai của ông là Lê Phước Hoài Bảo, 31 tuổi, cũng đã bị xóa tên đảng viên và mất cái chức giám đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư của tỉnh Quảng Nam.
Biết là trước sau gì cũng bị đẩy ra ngoài guồng máy, Lê Phước Hoài Bảo nhiều ngày ở lì tại nhà, không đến sở làm.
Những trường hợp như chuyện bố con ông Lê Phước Thanh hay "cả họ" lôi kéo nhau "làm quan" không phải họa hiếm trong guồng máy quyền lực của chế độ Hà Nội. Chỉ có vụ nào bị lôi ra từ sự kèn cựa phe cánh, tội lỗi bị bêu ra, thì dư luận mới biết. (TN)