Blogger Phạm Đoan Trang được trao giải nhân quyền (RFA, 14/02/2018)
Blogger-nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang được trao giải thưởng Homo Homini năm 2017 của tổ chức nhân quyền People In Need, trụ sở tại Praha, Cộng Hòa Czech.
Blogger - nhà báo Phạm Đoan Trang - Courtesy FB Pham Doan Trang
Tên gọi Homo Homini theo tiếng Latinh dịch ra tiếng Việt là từ người đến người.
Thông cáo báo chí ra ngày 13 tháng 2 của People In Need nhắc lại câu nói của cô Phạm Đoan Trang, rằng ‘Các bạn không thể sợ hãi’. People In Need cho biết blogger Phạm Đoan Trang được chọn để trao giải Homo Homini vì lòng can đảm vững bền trong suốt quá trình theo đuổi sứ mệnh đem lại dân chủ cho đất nước của cô. Biện pháp đe dọa thường xuyên của các lực lượng, công cụ đàn áp của nhà nước, không thể làm cô nản chí.
Theo People In Need đánh giá, cô Phạm Đoan Trang đã nêu rõ những bất công mà chế độ cộng sản gây ra ; đồng thời cô nỗ lực giải thích cho người dân Việt Nam biết họ có quyền đứng lên chống lại áp bức.
Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên cho biết cảm nghĩ khi nghe tin blogger-nhà báo Phạm Đoan Trang được trao giải Homo Homini năm 2017 :
"Trước tiên với tư cách là người bạn và blooger độc lập, tôi xin chúc mừng Đoan Trang được trao giải. thứ đến tôi hoàn toàn đồng ý với Đoan Trang và những người từng được những giải thưởng như thế là giá như đừng có những giải thưởng như thế vì đó là những minh chứng cho thấy Việt Nam chưa có nhân quyền. Chừng nào còn có những giải thưởng như thế là người Việt Nam không có quyền con người. Tôi ước đến lúc nào Việt Nam đạt những giải thưởng về văn hóa, nghệ thuật hay những lĩnh vực khác chứ không phải là những giải thưởng về đấu tranh để đòi lại những quyền làm người chính đáng của mình".
Cũng theo People In Need thì cô Phạm Đoan Trang là một trong những khuôn mặt hàng đầu trong giới bất đồng hiện thời ở Việt Nam. Cô sử dụng những ngôn từ đơn giản để chống lại đàn áp tự do, chống tham nhũng và chuyên quyền của chế độ cộng sản. Cô sử dụng mạng xã hội Facebook để đưa ra những bài viết nêu rõ thực trạng tại Việt Nam.
Gần đây blogger Phạm Đoan Trang xuất bản cuốn sách có tên ‘Chính Trị Bình Dân’, trong đó cô trình bày và giải thích những khái niệm chính trị căn bản dễ hiểu đối với mọi người. Cuốn sách bị chính quyền Hà Nội cấm lưu hành.
Vào ngày 14/2, blogger- nhà báo Phạm Đoan Trang đã viết một đoạn ngắn trên internet bày tỏ cảm tưởng của mình khi được nhận giải thưởng. Cô viết rằng mặc dù cô rất mừng vì được nhận giải nhưng cô ước đó là là một giải thưởng nào đó chứng tỏ sự văn minh, dân chủ và phát triển của đất nước. Phạm Đoan Trang viết "chừng nào, một quốc gia còn có người được trao những giải thưởng về nhân quyền – dân chủ, chừng đó, quốc gia đó còn có rất nhiều vấn đề".
Giải thưởng Homo Homini được trao cho những đối tượng được đánh giá có những hoạt động đặc biệt trong lĩnh vực nhân quyền. Thông trường giải được trao tại buổi khai mạc Liên Hoan Phim Tài Liệu Nhân Quyền có tên One World.
Năm nay buổi lễ trao giải diễn ra vào ngày 5 tháng 3 tại Trung Tâm Quốc Tế Prague Crossroads ở thủ đô Praha, Cộng Hòa Czech.
Trước nhà báo Phạm Đoan Trang, giải cũng đã từng được trao cho 3 người Việt Nam khác là Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ và Linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý. Họ đều là những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
*****************
Nhà báo Phạm Đoan Trang được trao giải nhân quyền Homo Homini (VOA, 14/02/2018)
Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang vừa được tổ chức People In Need trao giải thưởng quốc tế Homo Homini vì "sự dũng cảm không mệt mỏi khi theo đuổi một sự chuyển đổi dân chủ cho đất nước mình, bất chấp việc bị sách nhiễu và khủng bố".
Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang
Trong thông cáo hôm 13/2/2018, tổ chức People In Need mô tả bà Phạm Đoan Trang như là một trong những tiếng nói đi đầu trong giới các nhà bất đồng chính kiến đương thời của Việt Nam.
Trang clovekvtisni.cz của Cộng Hòa Séc hôm 13/2 viết rằng nhà báo tự do Đoan Trang đã truyền đạt thông điệp đến cộng đồng rằng người dân có quyền lên tiếng chống lại các vụ đàn áp nhân quyền. Trang mạng này viết : "Mặc dù bị liên tục đe doạ nhưng bà không lùi bước. Nhiều lần phải lẩn tránh chính quyền, bà vẫn không ngừng viết".
Trong Chính trị bình dân, một cuốn sách mới xuất bản gần đây nhưng bị cấm lưu hành ở Việt Nam, nhà tranh đấu Phạm Đoan Trang thảo luận một cách sâu sắc về các vấn đề dân chủ và nhân quyền, với mong muốn "đánh tan cái định kiến tai hại ‘chính trị là xấu xa, thủ đoạn.’"
Hàng ngày trang blog của bà thu hút đến 20 ngàn lượt người xem, và có đến 40 ngàn người đăng ký nhận thông tin.
Nói về việc được trao giải thưởng năm nay, bà Phạm Đoan Trang cho biết : "Sẽ tốt hơn nếu chúng ta sống trong một thế giới mà những giải thưởng như thế này không hề tồn tại".
Chính Trị Bình Dân-Phạm Đoan Trang
Trang Prague Daily Monitor cho biết Giải thưởng Homo Homini sẽ được trình chiếu tại Liên hoan phim nhân quyền lớn nhất thế giới có tên One World Film Festival. Năm nay, bộ phim nói về cuộc đời hoạt động của nhà báo Đoan Trang ở Việt Nam sẽ được trình chiếu vào ngày 5/3 tại thủ đô Prague của Cộng Hòa Séc.
Trang Prague Daily Monitor nói các nhà phê bình chỉ trích chính quyền Việt Nam đàn áp tự do báo chí, và luôn tìm cách trấn áp những tiếng nói bất đồng. Những người chỉ trích chính quyền trên mạng Internet phải đối mặt với những vụ bắt bớ và những án tù dài hạn.
Bà Sylva Horakova, Giám đốc Trung Tâm Nhân quyền và Dân chủ của Tổ chức People In Need, nói : "Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn trong năm qua khi có hơn 20 người bị bắt và tống giam vì các bài viết của họ trên blog cá nhân và trên Facebook".
People in Need là một tổ chức nhân quyền quốc tế có trụ sở tại Cộng hòa Czech, hàng năm thường vinh danh những nhân vật có đóng góp đáng kể vào việc cổ xúy cho nhân quyền, dân chủ, và các giải pháp bất bạo động cho các vụ xung đột chính trị.
Nhà báo Đoan Trang được biết đến qua nhiều bài viết và hoạt động cổ vũ dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam như loạt bài viết về những dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, bà còn tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và gần đây hơn, để phản đối thảm họa môi trường Formosa. Nhà tranh đấu này luôn bị chính quyền canh giữ vào những thời điểm được cho là "nhạy cảm", chẳng hạn như khi có các giới chức nước ngoài đặc trách nhân quyền tới thăm Việt Nam.
**********************
Bà Đoan Trang nhận giải nhân quyền của Czech (BBC, 14/02/2018)
Tổ chức People in Need hôm 13/2 vừa tuyên bố rằng giải thưởng Homo Homini 2017 sẽ được trao cho nhà hoạt động và blogger Việt Nam, Phạm Đoan Trang.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang sẽ nhận giải thưởng quốc tế đầu tiên vì các hoạt động đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ
Trang web của tổ chức này viết nhà hoạt động 40 tuổi này được trao giải thưởng vì "lòng dũng cảm của bà khi không mệt mỏi theo đuổi sự thay đổi dân chủ cho đất nước mình, mặc cho sự sách nhiễu và khủng bố".
'Định từ chối giải thưởng'
Vẫn chưa xuất hiện bình thường trở lại, nhà hoạt động cho BBC biết qua điện thoại rằng, bà được biết tin về giải thưởng cách đây hai tuần.
"Đại diện của People In Need có liên hệ và hỏi tôi có muốn nhận giải hay không, thì tôi từ chối.
"Xong họ thuyết phục nhiều, và cuối cùng họ là đây là một cái dịp các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn, nhất là tình trạng hai năm nay đen tối quá. thứ hai là giải thưởng này cũng không có tiền thưởng, nên tôi đồng ý nhận", bà Trang nói hôm 14/2.
Giải thưởng Homo Homini được tổ chức độc lập của Cộng hòa Czechtrao hằng năm cho những cá nhân có đóng góp to lớn cho hoạt động đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ.
Hằng năm, giải thưởng này được trao tại Liên hoan phim Một Thế giới, liên hoan phim về nhân quyền lớn nhất thế giới.
"Tôi không thích những giải thưởng về nhân quyền, về dân chủ.
"Cái quy luật chung của thế giới là ở cái nước nào tự do về dân chủ, nhân quyền nó là chuyện bình thường, nó là không khí, như hơi thở. Khi một quốc gia mà công dân nó vẫn còn phải nhận giải thưởng như vậy có nghĩa là quốc gia đó có vấn đề.
'Nếu sợ thì không làm, mà đã làm thì không sợ' - Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang
"Nên những giải thưởng như thế thì mình cũng không vui vẻ gì khi được trao. Nhưng nếu mà nói không vui chút nào, thì cũng không đúng".
Sylva Horáková, giám đốc Trung tâm Nhân quyền và Dân chủ cho tổ chức People In Need nói, "Tình hình [ở Việt Nam] đã xấu đi đáng kể. Hơn 20 người bị bắt giam vào năm ngoái - chỉ vì các bài viết trên blog cá nhân hoặc trên Facebook.
"Rất khó khăn để tiếp tục theo đuổi các giá trị dân chủ và bảo vệ nhân quyền trong một môi trường như vậy. Trang không bao giờ từ bỏ và đó là lý do tại sao cô ấy xứng đáng có được sự ủng hộ tuyệt đối của chúng tôi", bà Horáková nói.
'Đây không phải cuộc vui và nếu sợ thì không làm'
Bà Phạm Đoan Trang cho biết nửa năm nay bà đã không về nhà. Vì khi ở nhà bà luôn bị vây hãm, tình thế như "cua trong rọ".
"An ninh có thể bắt bất cứ lúc nào họ bắt, nhẹ thì họ lôi về đồn, chiều họ thả, bị quấy nhiễu suốt ngày, cho nên tôi đang đi lang bạt khắp Việt Nam.
"Chính trị bình dân, Phần I" bị hải quan Đà Nẵng cho là "tạo ra nhận thức sai lệch về tình hình nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam".
"Tất nhiên là vất vả, nhất là dịp Tết nhất, Giáng Sinh thì đói, vì không có bếp, mình ăn cơm hàng cháo chợ, mà những dịp đó hàng quán đóng cửa cho nên rất là mệt.
Bà cho biết việc đi lại cũng khó khăn vì đôi chân vẫn còn thương chấn nặng sau khi bị tấn công, khi tham gia cuộc tuần hành vì cây xanh Hà Nội vào tháng 4, 2015.
"Kể từ Đảng cộng sản lên cầm quyền với chính sách độc đảng, các vụ việc đàn áp dân chủ nhân quyền ngày càng gia tăng. Những năm tháng này, các vụ việc đàn áp diễn ra rất mạnh mẽ, việc hoạt động ngày càng khó khăn.
"Nhưng thực sự mà nói hoạt động dân chủ nhân quyền là thứ rất nên làm, đáng để bỏ hẳn cả đời vào làm, vì nó mang lại rất nhiều thứ. Nó đem lại nhiều cảm xúc, tình cảm của rất nhiều người, và kiến thức. Bạn sẽ cảm thấy nó nâng mình lên một tầm khác", bà Trang nói.
"Tôi nghĩ những người hoạt động, ai mà đi con đường này thì không coi đây là cuộc vui mà là cuộc đấu trí thực sự.
"Nếu sợ thì không làm, mà đã làm thì không sợ", nhà hoạt động nói.
Nhà hoạt động cũng vừa xuất bản quyển Chính trị bình dân, Phần I vào năm ngoái.
Quyển sách này gần đây bị hải quan Đà Nẵng tịch thu vì cho rằng sách "tạo ra nhận thức sai lệch về tình hình nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam".
Tiếng nói từ Czech
Giải thưởng năm nay dự kiến sẽ được trao tại buổi Liên hoan phim Một Thế giới (One World Film Festival) ở Prague Crossroad vào ngày 5/3/2018.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang không phải là người Việt Nam lần đầu tiên nhận được giải thưởng này.
Năm 2002, cố Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ và Linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý cũng được trao giải này.
Tại buổi lễ trao giải hôm 9/4/2002, cả ba được nêu danh là "những người bảo vệ nhân quyền và tự do dân chủ và tự do tôn giáo ở Việt Nam.
"Họ đã nhận được giải thưởng vì sự dũng cảm cá nhân và sự phản đối ôn hòa của họ đối với chế độ cộng sản Việt Nam trong ba mươi năm qua".
Nhà hoạt động Lưu Hiểu Ba của Trung Quốc cũng từng được nhận giải thưởng này vào 2008.
Tổ chức People in Need được lập ra tại Czechoslovakia trong giới vận động dân chủ giai đoạn Cách mạng Nhung.
Họ luôn được sự ủng hộ của Tổng thống Vaclav Havel lúc sinh thời.
Chính giới Czech khi đó muốn ủng hộ cho hoạt động của tổ chức này như một tiếng nói nhân quyền mạnh mẽ từ Prague trong các vấn đề quốc tế.
People in Need không chỉ tích cực trong các chiến dịch đề cao nhân quyền và công việc của giới bất đồng chính kiến tại Đông Âu và Liên Xô cũ mà còn đề cập đến các vấn đề Châu Á và nhất là Cuba.
Cựu ngoại trưởng Cộng hòa Czech, lãnh đạo đảng Dân chủ, Cyril Svoboda từng hợp tác với People in Need để đến thăm các nhà bất đồng chính kiến Cuba trong chuyến thăm sang hòn đảo này năm 2009.
Tuy thế, ông Svoboda cũng bị phê phán là đã lên tiếng đề nghị giới đối lập Cuba cần thay đổi đường lối và tổ chức, điều bị cho là "can thiệp" từ bên ngoài.
Gần đây nhất, People in Need lên tiếng bảo vệ ông Igor Shevtsov, sinh viên, nhà vận động chống tân phát-xít người Nga học tại Cộng hòa Czechbị tòa án Czech ra lệnh trục xuất về Nga.
Việt Nam vẫn có đối thoại nhân quyền hàng năm với Liên Hiệp Châu Âu mà Cộng hòa Czechlà thành viên.
Tuy nhiên, nhà chức trách ở Việt Nam giữ quan điểm rằng có các "các thế lực thù địch" đang thực hiện chiến lược Diễn biến hòa bình, qua hai vấn đề dân chủ và nhân quyền.
Nhà chức trách tin rằng mục tiêu của các việc này là "nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội" và "xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa", theo báo Quân đội Nhân dân hồi tháng 10/2017.