Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/02/2018

Phật giáo ngày nay trước những tục đốt vàng mã và lễ hội

RFA tiếng Việt

Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi bỏ tục đốt vàng mã (RFA, 22/02/2018)

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Phật tử bỏ tục đốt vàng mã tại các nơi thờ tự Phật giáo.

phat1

Đốt vàng mã tại đền chùa ở Việt Nam. Courtesy : thuvienhoasen.org

Phó chủ tịch thường trực trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu vừa ký công văn đề nghị các tăng ni tu hành ở những nơi thời phượng Phật giáo tại các tỉnh và thành phố hướng dẫn cho Phật tử loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã, cũng như các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa của đạo Phật và văn hóa dân tộc Việt Nam.

Báo giới trong nước trích dẫn lời khẳng định của Hòa thượng Tố Liên trên trang web của Giáo hội Phật giáo Việt Nam rằng Đức Phật Thích Ca không dạy đốt vàng mã cúng gia tiên để lý giải cho đề nghị vừa nêu.

Công văn của trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa được ban hành còn nêu rõ các tự viện là di tích lịch sử-văn hóa tổ chức lễ hội cần mang tính văn minh và tiết kiệm ; các bài giảng tại tự viện cần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của các cộng đồng tín ngưỡng và tôn giáo khác.

********************

Lễ Hội đầu năm, nên hạn chế hay thay đổi ? (RFA, 21/02/2018)

Thay đổi tập tục ?

Đầu năm, một loạt các hội xuân diễn ra khắp nơi ở Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng người dân tham dự quá đông do mê tín dị đoan đã tạo ra một luồng ý kiến cho rằng nên thay đổi tập tục này.

phat2

Lễ hội Gióng năm 2018 tại Khu di tích Lịch sử đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội hôm 21/2/2018. Courtesy of Pháp Luật Plus

Cứ mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán, người dân lại tham gia rất nhiều lễ hội như một hình thức vui chơi giải trí sau một năm làm việc cực nhọc.

Theo thống kê của Cục thống kê vào năm 2009, cả nước Việt Nam có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian.

Hội xuân ở từng địa phương là những tập tục cần phải được bảo tồn. Thế nhưng, thực tế của mấy năm trở lại đây cho thấy không ít người tới các lễ hội do mê tín dị đoan, cầu tài cầu lộc, thậm chí sẵn sàng có những hành động tranh cướp không mấy đẹp.

Cụ thể vào năm 2017, những người đi lễ đã biến lễ hội thiêng liêng thành những sinh hoạt mất trật tự như vụ thanh niên xô đạp nhau giành cho được hoa tre trong hội Thánh Gióng ở Sóc Sơn, Hà Nội, hay vụ giành giật ấn tại lễ hội Đền Trần, cướp lộc thánh tại chùa Hương cũng vào năm 2017…

Năm nay, theo ghi nhận của báo chí do nhà nước quản lý, cho đến ngày 21 tháng 2 năm 2018, không có tình trạng xô đẩy, giành giật, tranh hoa cướp lộc khi có đến hàng chục ngàn người tham gia các lễ hội xuân như Lễ hội Gióng tại Khu di tích lịch sử đền Sóc, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, Lễ khai hội Chùa Hương.

Đây có phải là tín hiệu cho thấy sự tiến bộ trong việc quản lý của nhà nước hay do ý thức của người dân đã được nâng tầm ?

Nhận xét về điều này, Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Du lịch Lửa Việt cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau :

"Nhà nước nói (lễ hội) không chen lấn thì biết thế thôi, nhưng thú thật là tôi hoài nghi, bởi vì không thể nay không chen lấn, mai không chen lấn được, trừ khi là đám đông ít lại. Chứ còn ý thức của người dân, sự quản lý của nhà nước không thể một sớm một chiều từ bên này lật qua bên kia được đâu, nó phải có từng bước, nó có thể hạn chế ít lại, chứ còn nói không có (chen lấn xô đẩy) thì xin lỗi mình cũng hơi nghi ngờ".

phat3

Khai mạc Lễ hội Gióng năm 2018 tại Khu di tích Lịch sử đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội hôm 21/2/2018. Courtesy of Pháp Luật Plus

Theo báo VnExpress hôm 21 tháng 2 năm 2018, Tết Mậu Tuất này có đến hơn 50.000 người tham dự Lễ khai hội Chùa Hương. Nhiều người phải đi ghe vào Động Hương Tích từ tối hôm trước để tránh cảnh xếp hàng cả ngày trời cực khổ cùng biển người. Một người dân trong dòng người xếp hàng đi Lễ khai hội Chùa Hương cho biết :

"Dòng người thì đông, không thể đông hơn được nữa, thêm một người nữa thì không biết đứng vào đâu. Mình đứng đây là gần đến động chính (Chùa Hương), mình phải mất 45 phút mới đến được chỗ xếp hàng đi cáp treo, tuy nhiên mình vẫn đang nhút nhít ở đây 20 phút rồi, giờ thì phải có người ra mới có người vào. Như là biển người luôn".

Giáo dục để tăng cường, làm đẹp hành vi

Hiện có nhiều công ty du lịch quảng cáo có tổ chức cho du khách tham dự các lễ hội Tết cùng với người dân địa phương để có trải nghiệm văn hóa như công ty Du lịch Hà Nội. Tuy nhiên cũng có công ty du lịch không tổ chức tour loại này. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lửa Việt Tour đưa ra ý kiến của mình :

"Công ty Lửa Việt xưa nay không tổ chức những tour lễ hội, bởi vì khả năng tổ chức (lễ hội) ở Việt Nam thì mọi người biết rồi, cho nên có khi chỉ chuốc lấy sự bực mình thôi nếu mình muốn có trải nghiệm về văn hóa thật sự. Có những người nói về mặt tính ngưỡng họ có một niềm tin rất là lớn thì cái chuyện bực dọc vì xô đẩy là chuyện nhỏ, không sao. Riêng mình thì mình có chủ trương Phật tại tâm, nếu mình có lòng thì đi lúc nào cũng được, chứ không hè nhau đi, hành xác nhau, làm khổ nhau".

Để trả lời câu hỏi nên hạn chế hay thay đổi các Lễ hội Xuân, từ Sài Gòn, Nghệ sĩ Kim Chi phát biểu :

"Mình thấy người Việt Nam hiện có rất nhiều lễ hội mà hiện nay không còn phù hợp với trào lưu của cuộc sống mới này nữa, nó cũ xưa lắm rồi. Những cái lễ hội như đâm trâu chém lợn, theo mình rất lãng phí, thậm chí man rợ và phản cảm. Còn các lễ hội thí dụ là lễ hội tưởng niệm Hai Bà Trưng, Đức Thánh Trần thì mình rất là ủng hộ. Những lễ làm cho người ta ghi nhớ đến Tổ tiên, biết giữ gìn đất nước, tức là làm cho cuộc sống phát triển về tâm linh và tốt đẹp lên thì mình ủng hộ. Còn những lễ hội gây tai nạn khi người ta đến đấy chà đạp xô đẩy lẫn nhau, hay người ta làm những chuyện buôn thần bán thánh, lợi dụng thì mình không bao giờ đến và rất là không ưa".

Nhà giáo Phạm Toàn trong một lần trả lời Đài Á Châu Tự Do từng nói :

"Những tập tục muốn bỏ cũng không được, chỉ có thái độ, hành vi của con người trước tập tục thôi. Tập tục là cái đã ăn sâu vào tâm lý dân tộc, vấn đề là cuộc sống hiện đại tổ chức làm sao cho nó văn minh, văn hóa, không có sự mặc cả với thần linh, cái này liên quan đến trình độ văn hóa của người dân".

Cũng theo Nhà giáo Phạm Toàn, phải chữa dần trình độ văn hóa xuống dốc, chỉ có thể giáo dục để tăng cường, làm đẹp hành vi, thái độ ứng xử của con người trước tập tục thôi, còn không bỏ được tập tục.

Quay lại trang chủ
Read 520 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)