Bị đe dọa tính mạng, đảng viên cộng sản trốn sang Úc trồng cần sa (VOA, 07/03/2018)
Một đảng viên cộng sản Việt Nam đã buộc phải tham gia trồng cần sa trong một ngôi nhà ở thị trấn Ballan, bang Victoria, Úc, trong lúc đang chạy trốn vì bị đe dọa trong Đảng, theo tuyên bố của tòa án Úc được tờ Courier trích dẫn vào ngày 6/3.
Người Việt và người Albani đứng đầu trong các đường dây trồng cần sa lậu tại nhà ở Úc.
Tin cho hay Hung Phan, một đảng viên cộng sản Việt Nam, 34 tuổi, vì lo sợ cho tính mạng nên đã trốn sang Úc và cư ngụ tại đây bất hợp pháp trong hai năm qua.
Hung Phan bị bắt tại một ngôi nhà trồng cần sa ở thị trấn Balland vào tháng 7/2017.
Theo lời luật sư bào chữa Adrian Paull, Hung vốn là một người "có học thức, có bằng cử nhân về Luật kinh tế và có chứng chỉ về phát thanh truyền hình".
Hung trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 2009. Sau đó, cấp trên nói với Hung rằng anh ta sẽ được thăng chức nếu chịu chi ra 18.000 đôla.
Lo sợ việc nhận hối lộ đổ bể, cấp trên này đã đe dọa Hung.
Vẫn theo lời luật sư bào chữa, Hung đã tìm cách từ bỏ Đảng nhưng không thành. Sau đó, đảng viên này tìm cách trốn khỏi Việt Nam và sang Úc, nơi anh ta có thân nhân sinh sống tại đây. Tuy nhiên, trong 2 năm ở Úc, Hung không hề tiếp xúc và cho thân nhân biết anh ta đã sang Úc cho tới ngày bị bắt.
"Anh ta lo sợ cho tính mạng của mình", Luật sư Paull giải thích.
Trong thời gian ở Úc, Hung đã đi làm cho một nhà hàng Tàu ở Melbourne và đi hát tại một phòng trà. Tại đây, Hung gặp và làm bạn với một tài chủ. Người này sau khi biết những khó khăn của Hung đã ép anh ta phải đi làm công việc mà người này đưa ra, theo lời của luật sư bào chữa cho Hung tại tòa.
Cảnh sát Úc đã phát hiện Hung khi đột nhập vào một căn nhà ở Ballan, nơi 5 căn phòng đã được cải tạo thành vườn trồng cần sa với 237 cây lớn nhỏ, lên tới 108.93 kg.
Luật sư bào chữa cho Hung nói anh ta chỉ đến căn nhà này vào ngày bị bắt để tưới cây mà thôi và không có bằng chứng cho thấy Hung là người trồng và hưởng lợi từ việc trồng cần sa.
"Anh ta nhận được điện thoại và được chở đến đó bởi người tòng phạm", Luật sư Paull nói.
Thẩm phán Liz Gaynor kết luận hành vi phạm tội của Hung ở mức thấp, cộng với việc giúp cho cảnh sát điều tra, nên Hung chỉ bị phạt án tù 10 tháng. Dảng viên này được trừ 222 ngày tạm giam vào án tù trên.
Thời gian gần đây, cảnh sát Úc đẩy mạnh chiến dịch phá bỏ các trại trồng cần sa tại nhà ở nước này. Bang Victoria được xem là điểm nóng của các đường dây mua bán, trồng cần sa của các đường dây ma túy người Việt và người Albani. Ước tính có đến 1.500 ngôi nhà trồng cần sa tại bang này.
*****************
1.500 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm (RFA, 07/03/2018)
Đã có hơn 1.500 sự cố tấn công mạng nhắm vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2018. Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) công bố số liệu vừa nêu hôm 7 tháng 3 năm 2018.
Ảnh minh họa tin tặc. AFP photo
Theo Việt NamCERT trong số 1.500 trường hợp tấn công, có 962 tấn công giao diện (deface), 324 trường hợp dùng mã độc tấn công (malware) và 218 tấn công lừa đảo (phishing).
Cũng theo thống kê của Việt NamCERT, các sự cố mạng tại Việt Nam tăng mạnh từ năm 2017 với tổng cộng 13.383 trường hợp, bao gồm cả 3 loại hình phổ biến nhất hiện nay là Phishing, Malware và Deface.
Trước thực trạng này, Việt NamCERT và Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam đã phối hợp tổ chức Diễn tập an ninh mạng quốc tế APCERT 2018 hôm 7 tháng 3.
Tại Diễn tập APCERT, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Việt NamCERT chia sẻ, với quy mô của các cuộc tấn công mạng như hiện nay, vai trò thống nhất chỉ huy và khả năng huy động nguồn lực ứng cứu là rất quan trọng, vì không một quốc gia, tổ chức nào có thể đơn độc ngăn chặn vấn nạn này.
Ông Lịch cũng cho biết có những sự cố mạng, tin tặc có thể huy động hàng chục nghìn thiết bị cùng tham gia tấn công.
Vị đại diện của Việt NamCERT cũng khuyến cáo người dùng nên cảnh giác khi tham gia môi trường IoT (Mạng lưới thiết bị kết nối Internet, viết tắt theo tiếng Anh là Internet of Things), phải đổi mật khẩu và bảo dưỡng thiết bị định kỳ. Đối với các doanh nghiệp ứng dụng IoT, cần có đội ngũ bảo mật chuyên nghiệp hoặc sử dụng các dịch vụ bảo mật uy tín để tránh bị tấn công.
*********************
Tranh nhau mua quà lưu niệm USS Carl Vinson, bán lại kiếm lời (Người Việt, 07/03/2018)
Ngay trong ngày 5 tháng Ba, toàn bộ 1,000 chiếc hộp quẹt Zippo in hình USS Carl Vinson bán trên hàng không mẫu hạm đã được các "đại biểu" phía Việt Nam lên thăm và mua sạch, mà hầu hết trong số đó được ghi nhận là "bán lại kiếm lời gần khu vực đón chiến hạm Mỹ".
Các sĩ quan quân đội cộng sản Việt Nam mua quà lưu niệm trong lúc đi thăm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson. (Hình : Long Pham/AFP/Getty Images)
Điều này được người sử dụng mạng xã hội gọi là "chuyện cười ra nước mắt".
Tin cho hay, ngay sau đợt khách lên thăm hôm đầu tiên mà trong đó đa số là phóng viên và giới chức quân sự Việt Nam, gian hàng lưu niệm trên USS Carl Vinson được ghi nhận là "chỉ còn lèo tèo mấy món như áo, bình đựng nước, ly…".
Báo Dân Việt ghi lại lời của một "đại biểu" tên Nguyễn Dũng lên thăm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson sáng 7 tháng Ba : "Có mấy người bạn gửi mua bật lửa Zippo dùm nhưng sáng nay đã hết hàng, không còn cái nào. Do muốn lưu chút kỷ niệm từ chuyến thăm lịch sử của hàng không mẫu hạm Mỹ nên tôi đành mua chiếc mũ và bình nước. Các món quà nhỏ trên tàu có giá cả phù hợp nên ai lên đây cũng muốn chọn mua một món mang về".
Báo điện tử VietnamNet cũng tường thuật : "Đoàn khách Việt Nam hào hứng với các món đồ lưu niệm trên tàu. Những món hàng lưu niệm được các thủy thủ niêm yết giá rất rõ ràng. Các thủy thủ trên tàu rất gần gũi, họ cẩn thận cho xem giá và trả tiền thừa cho khách rất thân thiện".
Một phóng viên Việt Nam có mặt trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson hôm 5 tháng Ba nói với nhật báo Người Việt với điều kiện ẩn danh : "Đúng là có chuyện các đại biểu đầu tiên được lên hàng không mẫu hạm tranh mua đồ lưu niệm, nhiều nhất là bật lửa Zippo. Hàng này đúng chuẩn Mỹ và có khắc hình và chữ USS Carl Vinson mà người Việt nào chẳng muốn sưu tầm nên người ta gom là đúng rồi".
Người này nói thêm : "Nhiều phóng viên tiếc hùi hụi vì không có tiền đô la sẵn trong túi nhưng cũng có người dường như đã chuẩn bị sẵn để hốt thật nhiều Zippo và mũ sau đó thấy bán lại kiếm lời gần đó. Giá mua thì chỉ 12 USD nhưng thấy bán lại giá thấp nhất là 800.000 VND [35 USD]. Đúng là cơ hội làm ăn ngàn năm có một. Chắc là các thủy thủ của USS Carl Vinson cũng choáng vì sự cuồng nhiệt của dân Việt Nam qua vụ này".
Trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng tán đồng với ý kiến bình luận của một blogger : "Kinh doanh chín phương chừa phương quốc thể. Xấu hổ thật…". Nhưng cũng có ý kiến cho rằng : "Họ thích thì họ mua chứ phải họ lấy trộm đâu ? Người bán được hàng nhiều chắc cũng thích thôi ! Đó là quy luật mà. Có quan hệ cung cầu diễn ra là hợp lý. Chỉ xấu hổ khi chen nhau giành giựt thôi".
Hiện tại, nhiều facebooker tại Việt Nam đang rao bán : "Bán mũ và Zippo USS Carl Vinson. Hàng độc quyền. Có hai mũ và 5 zippo. Ai có nhu cầu inbox nhé. Số lượng có hạn…".
Một facebooker còn đăng ảnh chụp một xấp đô la và tiền đồng Việt Nam và khoe : "Doanh thu hai ngày của em – vừa chạy xe vừa buôn bán Zippo Mỹ mang tên USS Carl Vinson, ai muốn sở hữu em này làm kỷ niệm thì inbox nhé ! Cháy hàng". (T.K.)