Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam hủy án tử hình đối với Hồ Duy Hải (VOA, 14/03/2018)
Hôm 14/3 Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) kêu gọi Việt Nam hành động khẩn cấp và hủy bỏ án tử hình cho ông Hồ Duy Hải, người bị tòa án tỉnh Long An kết tội giết người vào năm 2008.
Ông Hồ Duy Hải bị tòa án tỉnh Long An kết tội giết người vào năm 2008.
Trong một thông cáo hôm 14/3, Ân xá Quốc tế cho rằng bản án tử hình đối với ông Hồ Duy Hải "không đạt tiêu chuẩn quốc tế về việc xét xử công bằng".
Tổ chức này cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam đảm bảo rằng ông Hồ Duy Hải không bị tra tấn và ngược đãi, được chăm sóc y tế, gia đình được phép thăm nuôi và được tiếp cận luật sư, được tái thẩm và không phải chịu án tử hình.
Chính quyền Việt Nam "ngay lập tức đình chỉ tất cả các vụ hành quyết nhằm chấm dứt hình phạt tử hình", điều này phù hợp với 6 nghị quyết của LHQ được thông qua từ năm 2007, Ân xá Quốc tế kêu gọi.
Tổ chức Ân xá Quốc tế ra Hành động Khẩn cấp đối với tử tù Hồ Duy Hải. (Amnesty International)
Ông Hồ Duy Hải bị bắt vào tháng 3/2008 và vào tháng 12/2008 bị kết án tử hình vì bị buộc tội giết người và cướp tài sản. Năm 2015, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam kêu gọi xem xét lại vụ việc của ông sau khi phát hiện bản án có sai sót trong quá trình tố tụng.
Ngày 7/12/2017, Viện trưởng Viện Kiểm sát Long An kiến nghị thi hành án đối với Hồ Duy Hải. Tuy nhiên kiến nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Long An cần được phê duyệt ở cấp trung ương mới có thể tiến hành.
Các nhà quan sát ở trong nước nhận định, việc hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải là việc cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là Việt Nam phải có một trình tự tố tụng đảm bảo không lặp lại sai lầm, án oan sai.
Trong mười năm qua, gia đình của tử tù Hồ Duy Hải liên tục kêu oan. Bà Nguyễn Thị Rưỡi, dì ruột của Hải, từng cho VOA biết gia đình đã ra tận Hà Nội để kêu oan. Cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo cho tạm dừng thi hành hình phạt tử hình đối với bị cáo Hải.
*********************
Nhà hoạt động nữ Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt (RFA, 14/03/2018)
Nhà hoạt động nữ Nguyễn Thúy Hạnh vào ngày 14 tháng 3 bị lực lượng chức năng ở Hà Nội bắt đi trước sự chứng kiến của thân hữu, sau khi bà này đến Tượng Đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội tham gia cuộc tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh vào năm 1988 dưới lằn đạn của Trung Quốc tại bãi đá Gạc Ma, thuộc Trường Sa.
Nhà hoạt động nữ Nguyễn Thúy Hạnh - Courtesy of Facebook Nguyễn Thúy Hạnh
Thông tin này được Nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh đăng tải trên facebook cá nhân.
Theo đó, bà Nguyễn Thúy Hạnh đã gọi về cho nhà báo Ngọc Chênh, thông báo đang ở Cơ Quan An Ninh Điều Tra, Bộ công an. Bà Hạnh cũng nhắn nhủ mọi người lo lắng cho bà hãy yên tâm vì theo bà mọi việc bà tham gia thực hiện lâu nay là vì lòng yêu nước vì lương tâm không có gì phải lo sợ và chịu khuất phục.
Chúng tôi liên lạc với Nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh vào lúc sau 6 giờ tối ngày 14 tháng 3 và được anh cho biết :
"Hiện giờ tôi đang ngồi tại Cơ quan An ninh Điều tra để hỏi về lý do vì sao Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt, nhưng người ta vẫn chưa trả lời, bỏ tôi ngồi chờ ở đây rồi có cán bộ giải thích. Tôi chờ được 15 phút rồi. Đang ngồi với một nhân viên điều tra nhưng anh này bảo phải chờ cán bộ cấp cao hơn đến làm việc".
Tin cho biết khi buổi lễ tưởng niệm diễn ra tại Tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội, bên cạnh việc an ninh dân phòng kiểm soát chặt chẽ, còn có một nhóm "quần chúng tự phát" đến gây rối khiến buổi lễ bị gián đoạn.
Tại Sài Gòn, vào lúc 9g sáng ngày 14 tháng 3, các thành viên câu lạc bộ Hiếu Đằng và các nhân sĩ, lão thành cách mạng… cũng tổ chức buổi lễ thắp hương tại tượng Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) cho các chiến sĩ hy sinh trong cuộc thảm sát Gạc Ma.
Trong khi đó, một lễ kỷ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma và tri ân 64 liệt sĩ hy sinh tại đá Gạc Ma cũng được Ban Liên Lạc Truyền Thống Bộ Đội Trường Sa tại Đà Nẵng tổ chức.
Vào ngày 13 tháng 3 năm 1988, tàu Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm đá Gạc Ma – thuộc quần đảo Trường Sa khiến 64 lính Việt Nam thiệt mạng. Một số khác bị phía Trung Quốc bắt và mãi đến năm 1991 họ mới được trao trả về lại Việt Nam.
********************
Vẫn còn vô ơn, hỗn xược trong ngày tưởng niệm hải chiến Trường Sa (CaliToday, 14/03/2018)
Nhân tưởng niệm 30 năm ngày xảy ra trận hải chiến Trường Sa giữa Hải quân Cộng sản Việt Nam (cộng sản Việt Nam) với Hải quân cộng sản Trung Quốc (14/03/1988- 14/03/2018), người dân và các cấp cầm quyền ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam đã tổ chức những hoạt động nhằm tưởng niệm 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến này. Tuy nhiên ở một vài tỉnh thành, vẫn còn diễn ra một số hành động vô ơn, hỗn xược đến từ số ít tên an ninh mặc thường phục…
Một số nhà hoạt động xã hội ở Hà Nội tưởng niệm 30 năm ngày xảy ra trận hải chiến chiến Trường Sa (ảnh ; Facebook Nguyễn Thúy Hạnh)
Năm 2018, tức là tròn 30 năm sau ngày xảy ra trận hải chiến Trường Sa (sự kiện Gạc Ma theo cách gọi của nhiều người 14/03/1988 – 14/03/2018), đây là trận hải chiến được đánh giá là không cân sức giữa Hải quân cộng sản Việt Nam với Hải quân cộng sản Trung Quốc tại các bãi đá Gạc Ma- Len Đao- Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong trận hải chiến này phía Việt Nam đã có 64 liệt sĩ hy sinh cùng với tàu HQ 604 tại bãi Gạc Ma, Gạc Ma và một phần chủ quyền lãnh hải Việt Nam bị cộng sản Trung Quốc cướp lấy. Đây là một biến cố lịch sử đau buồn của dân tộc Việt Nam nhưng thật đáng tiếc bởi cho đến ngày hôm nay nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn chưa thừa nhận ngày 14/03 là ngày lễ của dân tộc (ngày lễ cấp nhà nước). Tuy vậy trong những năm gần đây, vào ngày này người dân, các cá nhân và các tổ chức dân sự cũng như một số cơ quan, ban ngành ở Việt Nam đã vượt lên nỗi sợ hãi, áp lực "nhạy cảm chính trị" để tổ chức các hoạt động từ âm thầm nhỏ lẻ cho đến công khai rộng lớn.
Ngày 14/03/2018 năm nay nhìn chung các hoạt động tưởng niệm diễn ra công khai, rộng rãi ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
- Tại Đà Nẵng : Vào ngày 13/03, các cựu binh truyền thống Trường Sa ở Đà Nẵng, Hải Phòng tổ chức buổi lễ cầu siêu và thả hoa đăng tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma.
– Tại Hà Nội : Một người dân, cựu quân nhân, các nhà hoạt động xã hội tiến hành dâng hoa, thắp hương tại tượng đài vua Lý Thái Tổ, nghĩa trang liệt sĩ qua đó nhắc nhở nhau đất nước và nhân dân không bao giờ quên những người đã hy sinh vì Tổ quốc, tô thắm trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
– Tại Sài Gòn : Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng vượt qua mọi khó khăn, vẫn kiên trì các hoạt động tưởng niệm vào các ngày lễ chống giặc phương Bắc tại tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo.
Ngoài ra, các tỉnh thành như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nha Trang, Vũng Tàu…các cá nhân cũng tổ chức các hoạt động tưởng niệm trên tinh thần thành kính tri ân, hòa cùng không khí chung của cả nước.
Một số thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng ở Sài Gòn tưởng niệm 30 năm ngày xảy ra trận hải chiến chiến Trường Sa (ảnh : Facebook Đinh Kim Phúc)
Năm nay, báo đài và truyền thông cộng sản Việt Nam vào ngày này được đánh giá là công khai, rộng rãi đưa tin về trận chiến Trường Sa 1988.
Tuy nhiên, một số trang Facebook của một số nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam cho biết hôm nay ngày 14/03 vẫn diễn ra một số hành động vô ơn, hỗn xược đến từ số ít tên an ninh thường phục như trường hợp Facebooker Dung The Phung sinh sống tại Hà Nội đã lan tin cho cộng đồng mạng xã hội biết là anh bị "02 trong 04 tên an ninh xử sự rất côn đồ. Sáng nay (14/03) chúng chặn cửa, buộc dây thép, mấy bữa trước ném đá lên tường có cửa sổ, đập phá cửa nhà. Chúng gây hắn, thách thức tôi trong khi bản thân tôi chưa nói hoặc có hành động với chúng…". Cũng trong ngày 14/03, Facebooker Huynh Ngoc Chenh cho biết, vợ ông là bà Nguyễn Thúy Hạnh sau khi tham dự buổi tưởng niệm ngày xảy ra trận chiến Trường Sa tại Hà Nội thì bị tốp an ninh đến bắt giải về đồn làm việc, trước đó buổi tưởng niệm bị một người đàn ông với biệt hiệu Quang "lùn" phá rối.
Người đàn ông (áo đen, vun tay) với biệt hiệu Quang lùn phá rối buổi tưởng niệm 64 liệt sĩ tại Hà Nội (ảnh ; Facebook Phạm Lê Vương Các)
Hoặc Facebooker Le Doan The cũng ở Hà Nội cho biết, sáng sớm đã bị hai an ninh thường phục đeo bám, khi Facebooker Le Doan The đưa máy chụp hình thì hai an ninh đến dọa "có muốn sống không ?". Ở Sài Gòn, một số nhà hoạt động xã hội cũng cho dư luận mạng xã hội được biết là bản thân bị lực lượng an ninh canh giữ tại nhà, không cho đi tham dự các hoạt động tưởng niệm./.
Quê Hương
*******************
Nỗi sợ (CaliToday, 14/03/2018)
Sự sợ hãi bao trùm lên đầu những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam nên họ đã chẳng dám tổ chức một buổi tưởng niệm quốc gia ngày 64 tử sĩ bị thảm sát trên đảo Gạc Ma. Nỗi sợ hãi cũng đã khiến cho lãnh đạo cộng sản Việt Nam không dám tổ chức tưởng niệm cuộc chiến biên giới. Cũng chính nỗi sợ hãi đã khiến cho lãnh đạo không dám cho những sự kiện đau thương liên quan đến Trung Quốc lên các trang sách giáo khoa nhằm giáo dục cho giới trẻ.
Đảo Gạc Ma 30 năm sau ngày bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Ảnh: Thanh Niên
Đúng ngày này của 30 năm về trước (14/3/1988), hải quân Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma, gây ra cuộc thảm sát khiến 64 công binh chết tức tưởi. Kể từ đó, đảo Gạc Ma, một phần gắn liền với đất mẹ Việt Nam đã nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Trong khoảng 30 năm đó, chính quyền cộng sản Việt Nam gần như giấu nhẹm những tin tức về cuộc thảm sát này.
Cách đây khoảng hơn chục năm, một số người đã xuống đường biểu tình phản đối trước việc nhà cầm quyền Trung Quốc cho thành lập khu hành chính Tam Sa, trong đó bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Họ đã hô vang Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam hoặc đeo trên trán, dán logo trên mũ bảo hiểm, trên balo… chỉ vậy thôi nhưng cũng đã bị công an cộng sản Việt Nam bắt vào đồn đánh đập, thậm chí có người đã phải ngồi tù.
Trong vài năm trở lại đây thôi, việc hô hào "Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam" đã thôi không còn bị bách hại như trước. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã phần nào "cởi mở" với dân chúng hơn. Họ bớt bắt bớ, đàn áp dân chúng chỉ vì hô hay dán những khẩu hiệu liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa. Dẫu vậy, nỗi sợ Trung Quốc vẫn bao trùm cả Ba Đình khiến chẳng một lãnh đạo nào dám nghĩ đến việc tổ chức một nghi lễ quốc gia để tưởng nhớ ngày Gạc Ma bị Trung Quốc cưỡng chiếm.
Bài báo của 30 năm trước sau khi xảy ra sự kiện thảm sát ở Gạc Ma. Ảnh : Internet
Nỗi sợ Trung Quốc còn thể hiện ở chỗ trước đây cũng chẳng dám nói gì đến cuộc chiến biên giới (1979), chẳng dám đưa vào sách cuộc chiến kháng Trung. Trong khi sử sách còn ghi lại rằng, quá trình phát triển của quốc gia Việt Nam gắn liền với việc chống quân Trung Quốc xâm lược.
Nỗi sợ còn được thể hiện trên báo chí, truyền thông. Tàu hải giám Trung Quốc đâm chìm tàu cá, giết hại ngư dân, cướp ngư cụ liền được các "công cụ tuyên truyền" gọi là "tàu lạ" mà chẳng dám chỉ đích danh.
Trong khi sợ hãi Trung Quốc thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại tỏ ra độc ác đối với dân chúng, đồng bào của mình. Ngày 14/3/2018, trong khi một số tờ báo cho đăng tải sự kiện đau thương của dân tộc thì một nhóm nhỏ đã tổ chức một cuộc mít-tinh nhỏ tại tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội. Biết chẳng thể bắt bớ, đàn áp để dẹp cuộc mít-tinh nói trên, chính quyền liền "thả" Trần Nhật Quang, một người mắc bịnh tâm thần ra để phá rối. Trần Nhật Quang là một người đã ngoài 60, theo như bạn bè đồng niên từng học chung với ông cho biết, từ lúc còn nhỏ người này đã mắc bịnh tự kỷ, lớn lên có dấu hiệu tâm thần không ổn định. Một mình Trần Nhật Quang đã quấy phá khiến buổi tưởng niệm không thể diễn ra như mong đợi.
Sau khi đi về từ buổi tưởng niệm, chị Nguyễn Thúy Hạnh, vợ của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đã bị một đám mật vụ từ đâu ập đến bắt cóc mang đi. Những người này cáo buộc chị Hạnh đã "gây rối trật tự" nhưng không hề đưa ra chứng cứ, hoặc chứng minh mình là công an. Dù có mặt tại hiện trường nhưng ông Huỳnh Ngọc Chênh cũng tỏ ra bất lực trước sự tàn bạo của công an cộng sản Việt Nam.
Trong khi đó, sáng ngày 14/3, một số người ở Hà Nội đã chẳng thể ra khỏi nhà chỉ vì cổng nhà của họ đã bị mật vụ cộng sản Việt Nam dùng keo chít vào ổ khóa, dùng sợi xích quấn lại. Trước nhà còn lởn vởn bốn tên mật vụ đi qua, đi lại như thách thức. Họ bị canh gác, bị trả thù, bị cấm túc không cho ra khỏi nhà vì chính quyền sợ họ sẽ đến tượng đài để tưởng niệm ngày Gạc Ma rơi vào tay Trung Quốc.
Nỗi sợ Trung Quốc đã khiến cho bộ mặt của chính quyền cộng sản Việt Nam trở nên hèn hạ. Trong khi chẳng dám lên tiếng phản đối hoặc tổ chức tưởng niệm tầm quốc gia, đưa sự kiện mất Gạc Ma vào sách giáo khoa thì họ lại quay ngược lại đàn áp, đánh đập những người ghi ơn 64 chiến sĩ đã ngã xuống. Chắc chắn rằng, nếu nói trước quốc dân đồng bào sẽ chẳng có lãnh đạo cộng sản Việt Nam nào thú nhận họ sợ Trung Quốc, nhưng với tất cả những gì đã xảy ra ở Việt Nam trước đây và bây giờ là minh chức rõ ràng cho thấy lãnh đạo cộng sản Việt Nam rất sợ Trung Quốc.
Người Quan Sát