Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/03/2018

Không chịu bị đưa vào lò, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phản pháo

Tổng hợp

Bộ Thông tin và truyền thông 'phản bác' Thanh tra chính phủ : một việc chưa có tiền lệ ! (VNTB, 17/03/2018)

Bởi, ‘một Bộ trực thuộc Chính phủ lại bác bỏ kết luận của Thanh tra chính phủ’. Facebooker này cũng đặt câu hỏi : ông Trương Minh Tuấn đang đem sự nghiệp chính trị của mình ra đánh ‘canh bạc cuối cùng’ chăng ?

Bộ Thông tin và truyền thông đã phản bác Kết luận của Thanh tra chính phủ xoay quanh vụ AVG bởi vì cơ quan này cho rằng phía thanh tra chưa thực hiện đúng yêu cầu của Ban bí thư khi thực hiện nhiệm vụ.

tuan1

Ông Trương Minh Tuấn

Trong bản phản bác, Bộ Thông tin và truyền thông nhấn mạnh sự hợp pháp khi thực hiện phê duyệt dự án theo Điều 28 Luật quản lý, và điều này được Bộ Tài chính lẫn Bộ Kế hoạch – Đầu tư thống nhất. Trong khi Kết luận của Thanh tra chính phủ lại dựa vào Điều 31 Luật số 67 (2014) để kết luận Bộ Thông tin và truyền thông sai phạm.

Bộ Thông tin và truyền thông cũng chỉ ra việc, Thanh tra chính phủ đã không tiến hành xin ý kiến hướng dẫn của Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội, khi mà việc hiểu và áp dụng luật giữa cơ quan Thanh tra với các Bộ khác nhau.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và truyền thông cũng khẳng định, chưa có cơ sở xác định giá mobifone mua 95% cổ phần AVG là cao hay thấp. Trong khi đó, kết quả sơ bộ thẩm định giá AVG tại thời điểm 31.03.2016 do Bộ Tài chính tiến hành là cao hơn so với giá Mobifone đã mua AVG.

Tại trang số 6, Bộ Thông tin và truyền thông căn cứ Điều 28 Luật giá 2012, khẳng định : Thanh tra chính phủ tự xác định giá trị AVG là không đúng thẩm quyền.

Dựa vào Luật lẫn Ban bí thư ?

Bộ Thông tin và truyền thông đang dựa vào hai yếu tố để bật lại Thanh tra chính phủ gồm : không dựa vào chức năng giải thích Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội khi mà cách hiểu và áp dụng Luật của các bên chưa có sự thống nhất ; và việc định giá AVG cao hơn thực tế định giá của Mobifone với AVG với lỗi đầu tiên là thuộc về Bộ Tài chính, và cốt lõi là Thanh tra chính phủ - bởi chính cơ quan này đã đề nghị như vậy.

‘Phản bác’ giữa các cơ quan nhà nước vốn hiếm hoi trong đời sống chính trị Việt Nam, càng hiếm hoi khi mà các cơ quan đó nằm trong Bộ máy Chính phủ - vốn đề cao sự thống nhất và đoàn kết, cũng như ‘kiến tạo’. Tuy nhiên, với sự ‘phản bác’ lần này của Bộ Thông tin và truyền thông đã cho thấy, mức độ nghiêm trọng của sự vụ, khả năng bị kỷ luật đảng nặng khi một chủ thể phải gánh tính trách nhiệm chín tron việc đó. Thành ra, phản bác của Bộ Thông tin và truyền thông có thể vừa được coi là bảo vệ tính chính đáng của quyết định cơ quan này dựa trên tình thần luật pháp, vừa là đá quả bóng trách nhiệm về phía Thanh tra chính phủ.

Sự khéo léo cần được ghi nhận, khi Bộ Thông tin và truyền thông phản bác dựa vào tinh tần chỉ đạo của Ban Bí thư, và hợp sức cùng với một nhóm các Bộ khác để cùng tiến hành ‘phản bác’. Nếu như Bộ Thông tin và truyền thông bị xử thua, đồng nghĩa với việc Thanh tra chính phủ đi ngược lại với tinh thần Luật và ngược với tinh thần của các Bộ liên quan, trong đó có cả Bộ Tài chính lẫn Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Sự mâu thuẫn và canh bạc cuối ?

Nhiều quan điểm cho hay, sự phản bác này cho thấy sự mâu thuẫn bên trong Chính phủ kiến tạo.

Tuy nhiên, sự ‘phản bác’ này tồn tại không được lâu, khi tin phản bác của Bộ Thông tin và truyền thông đã bị xóa hàng loạt trên tất cả các báo (với sự chỉ đạo của Ban tuyên giáo), kể cả trên trang thông tin của Bộ Thông tin và truyền thông.

Sự kiện chớp nhoáng hiếm hoi này cho thấy, tính trách nhiệm và sự yên phận chịu đựng trong phán quyết chính trị từ thời điểm Đinh La Thăng đã không còn. Giờ đây, những người liên đới và chịu phán quyết chính trị phải tự vận động cứu mình bằng mọi cách, kể cả bằng truyền thông dư luận. Điều này hàm nghĩa, khi tình thế không thể thỏa hiệp/ thương lượng ngay trong nội các của ông Nguyễn Xuân Phúc thì ‘phản bác’ lại là lựa chọn cuối cùng, mặc dù nó có hơi hướng tuyệt vọng. Bởi trước đó, trong bản báo cáo của Thanh tra chính phủ, đã chỉ đích danh Bộ Thông tin và truyền thông vượt quyền Thủ tướng, khi ‘chưa được ý kiến’ ;’chưa báo cáo’, ‘chưa được phê duyệt’ khi tiến hành dự án mua 95% AVG với mức 8.900 tỷ đồng.

Nó còn vô tình xác thực, sẽ có một kỷ luật đảng nặng đối với một đồng chí là ủy viên Bộ chính trị và là người đứng đầu Bộ Thông tin và truyền thông như các chia sẻ nguồn tin hiếm hoi đưa ra trước đó. Cần nhắc lại, trong bản Thanh tra chính phủ có hẳn đề nghị ‘kỷ luật’, theo đó : Thanh tra chính phủ cũng chuyển kết luận đến Ủy ban Kiểm tra trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra.

Facebooker Lê Hồng Hà đã nhấn mạnh : đây là một việc chưa có tiền lệ.

Bởi, ‘một Bộ trực thuộc Chính phủ lại bác bỏ kết luận của Thanh tra chính phủ’. 

Facebooker này cũng chỉ đích danh người sẽ bị kỷ luật đảng nặng nề trong thời gian tới : ‘ông Trương Minh Tuấn đang đem sự nghiệp chính trị của mình ra đánh ‘canh bạc cuối cùng’ chăng ?

Vậy lần đốt củi này có gây cháy rừng hay bể lò ? Điều này khó, mặc dù phía sau Bộ Thông tin và truyền thông là có cả những Bộ khác như Bộ Tài chính, Bộ KHĐT, Văn phòng Chính phủ. Nhưng rõ, ‘nứt lò’ qua sự vụ chưa có tiền lệ này là hoàn toàn hợp lý.

Ánh Liên

*******************

Bộ trưởng dùng báo chí ‘cãi’ thanh tra, bị ‘ghẻ lạnh’ (Người Việt, 17/03/2018)

"Thậm chí, ông Nguyễn Bắc Son (cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông) còn ‘bút phê’ cho Thứ Trưởng Trương Minh Tuấn (nay là bộ trưởng), lạm quyền ký luôn quyết định phê duyệt dự án thay cho thủ tướng".

tuan2

Ông Trương Minh Tuấn. (Hình : VietnamNet)

Đó là lời cáo buộc thẳng thừng Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn trên báo Thanh Niên trong bài về thương vụ MobiFone mua AVG hôm 17 tháng Ba.

Bài báo dẫn chứng : "MobiFone dù biết tình hình kinh doanh của AVG rất xấu, rất yếu kém được báo cáo cho Bộ Thông tin và truyền thông, nhưng cũng không thoát được thương vụ ‘xương’ này. Diễn biến sau đó cho thấy, khi tiến hành thẩm định, lập và phê duyệt dự án, lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông không chỉ gạt bỏ ý kiến phản biện của cấp dưới, báo cáo sai sự thật với thủ tướng về tình trạng bết bát của AVG".

"Thanh tra chính phủ chỉ rõ, trong văn bản trình thủ tướng, Bộ Thông tin và truyền thông không đủ thẩm quyền. Tuy nhiên, ngày 21 tháng Mười Hai, 2015, ông Trương Minh Tuấn lại ký ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone. Quyết định này vi phạm quy định của Luật Đầu Tư. Như vậy, Bộ Thông tin và truyền thông đã thiếu trách nhiệm, có biểu hiện cố ý làm trái các quy định của pháp luật trong việc quyết định phê duyệt đầu tư," báo Thanh Niên viết.

Bài báo cho thấy mức độ "nguy hiểm" đối với "sinh mệnh chính trị" của ông Tuấn đang biến diễn thành "cực kỳ nguy hiểm" vì đây là lần đầu tiên, ông bị đề cập kèm hành vi "Cố ý làm trái," có thể quy thành tội danh để truy tố.

Một ngày trước, truyền thông trong nước khi tường thuật sự kiện "Hội Báo Toàn Quốc 2018" diễn ra tại Hà Nội gần như đều chỉ đề cập đến sự hiện diện của Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương Võ Văn Thưởng và Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam trong lúc Bộ trưởng Tuấn cũng hiện diện tại đó.

Trong việc tăng mức độ nhắm vào ông Tuấn, có suy đoán là các tòa soạn báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ đã nắm được những diễn biến về việc xử lý kỷ luật, thậm chí truy tố ông này nên mới đồng loạt mở chiến dịch "hồi tố" nhắm vào người từng "gõ đầu các tổng biên tập".

Nhà báo Mai Bá Kiếm, cựu phóng viên báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh, bình luận trên trang Facebook cá nhân : "Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đừng tưởng mình có toàn quyền sai khiến báo chí đăng bài theo ý đồ riêng của mình. Chỉ cần ông sa cơ là báo chí lề phải nó xúm lại lột áo ông cho thiên hạ xem lưng ! Ông Tuấn nên nhớ, Trần Mai Hạnh là ủy viên trung ương đảng, phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hội Nhà Báo Việt Nam, cựu tổng giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam, là một bậc có quyền uy với tổng biên tập các báo ‘lề phải’. Nhưng khi ông Hạnh bị khởi tố trong vụ án Năm Cam, hàng trăm tờ lề phải đã viết hàng trăm bài về việc ông nhận hối lộ của Hiệp ‘phò mã’ để đăng hai bài sai sự thật hòng bênh vực Năm Cam. Nói lời cuối cùng tại phiên tòa phúc thẩm, ông Hạnh còn cay đắng : "Tôi sẽ tiếp tục kêu oan, cho đến khi tôi chết, các con tôi cũng phải tiếp tục kêu oan cho bố. Tôi còn nhớ một nhà báo lão thành cùng thời ông Hạnh lại chính là người tố ông Hạnh ‘chu đáo’ nhất !" (T.K.)

***************

Ông Bộ trưởng bị đẩy vào ngõ cụt, trở thành nạn nhân của lối tuyên truyền một chiều  (CaliToday, 17/03/2018)

Bộ Thông tin và truyền thông phản bác lại kết luận của Thanh tra chính phủ, cho rằng đấy là lối suy diễn theo hướng "hình sự hóa" quan hệ kinh tế và cho phát thông cáo báo chí. Tuy nhiên, nhanh như lúc bản thông cáo được đưa lên trên mạng, tất cả các tờ báo phải nhất loạt rút xuống. Ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, người cầm quyền quản lý báo chí, coi tự do ngôn luận là kẻ thù nay trở thành nạn nhân của bộ máy tuyên truyền một chiều.

mo1

Thương vụ giữa MobiFone và AVG đã khiến cho nội bộ Chính phủ cộng sản Việt Nam lục đục chia bè phái. Ảnh : PLO

Chiều ngày 15/3, tức chỉ một ngày sau khi Thanh tra chính phủ tung ra bản kết luận đánh giá thương vụ mua bán 95% cổ phần AVG của Mobifone là "vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng", chỉ ra nguy cơ thiệt hại vốn cho nhà nước với số tiền lên đến hơn bảy ngàn tỷ đồng, Bộ Thông tin và truyền thông (Thông tin và truyền thông) đã có ngay công văn phản bác, đồng thời tung ra thông cáo báo chí, nhằm sử dụng tất cả các tờ báo dưới quyền quản lý để chạy tội cho mình.

Bản thông cáo khá dài, nhưng có thể tóm tắt như sau :

- Thanh tra chính phủ đã chưa thực hiện đúng yêu cầu của Ban Bí thư đảng cộng sản Việt Nam khi thực nhiệm vụ thanh tra phải bảo đảm "khách quan, chính xác, đúng vi phạm, đúng pháp luật và chịu trách nhiệm về kết luận này".

- Theo Bộ Thông tin và truyền thông, đến nay, chưa có cơ sở để xác định giá MobiFone mua 95% cổ phần AVG là cao hay thấp, vì vào ngày 31/3/2016, Hội đồng thẩm định giá AVG của Bộ Tài Chính thực hiện thẩm định cho biết giá của AVG cao hơn so với giá MobiFone đã mua.

- Ngày 12/3/2018, Bộ Thông tin và truyền thông đã chứng kiến cuộc họp giữa Tổng Công ty MobiFone và Nhóm cổ đông chuyển nhượng AVG để thống nhất việc hủy bỏ hợp đồng giữa đôi bên. MobiFone sẽ nhận lại số tiền lớn hơn số tiền mà họ đã thanh toán cho nhóm cổ đông AVG.

Thông cáo báo chí của Bộ Thông tin và truyền thông còn nói thêm rằng, từ những thống kê trong ngày 13/3 có kết 5 triệu lượt truy cập và 85% trong số đó có bình luận ủng hộ việc hủy bỏ hợp đồng giữa MobiFone và AVG. Vậy nhưng Thanh tra chính phủ lại không đưa nội dung này vào kết luận mà vội vàng ra ngay Thông báo kết luận thanh tra gây bất lợi cho Bộ Thông tin và truyền thông.

Trước những bất lợi từ kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ có công văn gởi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc áp dụng luật đối với Dự án và cho rằng kết luận của Thanh tra chính phủ đã được thực hiện theo lối suy diễn "hình sự hóa" quan hệ kinh tế.

Ngay sau khi thông cáo báo chí được đưa lên trên một số tờ báo mạng, thì chỉ vài phút sau đó, các tờ báo này nhất loạt phải gỡ bỏ thông cáo nói trên. Điều này cho thấy rằng, phải có một bàn tay còn quyền lực hơn ông Trương Minh Tuấn mới có thể thực hiện yêu cầu này. Ông Trương Minh Tuấn ngoài chức vụ Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, ông còn là phó Ban Tuyên giáo Trung ương.

mo2

Ông Trương Minh Tuấn nhận phải nhãn tiền khi trở thành nạn nhân của hệ thống chính trị không có tự do ngôn luận. Ảnh : Internet

Có một điều gây khó hiểu cho nhiều người, đó là kết luận thanh tra Chính phủ được công bố khi mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang công du ở nước ngoài. Theo nguyên tắc hành chính ở nhà nước cộng sản Việt Nam thì kết luận của Thanh tra chính phủ phải chờ duyệt mới được công bố, hoặc chí ít cũng phải do một phó thủ tướng duyệt, sau đó mới ra ý kiến chỉ thị. Vậy ai là người yêu cầu công bố bản kết luận ra dư luận ? Đó chính là điều mà nhiều người vẫn đang còn thắc mắc.

Ông Trương Minh Tuấn trước đây làm công việc trong ngành Tuyên giáo, ngày 6/2/2014 được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông đảm trách báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình và thông tin đối ngoại. Ngay sau khi làm thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, ông Tuấn đã tỏ ra là người thù ghét tự do ngôn luận. Từ thời là thứ trưởng và sau khi lên làm Bộ trưởng, ông đã thẳng tay đàn áp báo chí, rất nhiều phóng viên, nhà báo đã bị tước thẻ nhà báo. Bên cạnh đó, khá nhiều tờ báo đã phải bị đình bản, nhẹ hơn là bị phạt tiền nhiều tỷ đồng. Chính vì đó ông Tuấn không được lòng cánh phóng viên, nhà báo trong nước. Chưa bao giờ việc ông Tuấn bị kỷ luật, bị cách chức lại được giới báo chí trong nước trông mong đến như vậy.

Ông Trương Minh Tuấn được coi là kẻ thức thời, nếu trước đây ông tâng bốc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì sau khi Nguyễn Phú Trọng nắm chắc quyền lực, ông lại ra rả tung hô Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam bằng những bài nắn gân báo chí, phụ họa theo những lời giáo điều mà Nguyễn Phú Trọng đã nói trước đó. Đã có thời gian ông rất gần với chiếc ghế trong Bộ chính trị. Tuy nhiên, với kết luận mắc sai phạm trong thương vụ giữa MobiFone và AVG rất có thể sự nghiệp chính trị của ông Tuấn sẽ chấm dứt.

Việc đấu đá giữa Thanh tra chính phủ và Bộ Thông tin và truyền thông cho thấy nội bộ Chính phủ cộng sản Việt Nam đang phân hóa rất lớn, trong chính phủ đã chia ra năm bảy bè phái và người cầm trịch Nguyễn Xuân Phúc đang rất đau đầu chưa biết xử trí ra sao.

Với việc bị đẩy vào ngõ cùng, chắc chắn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn sẽ phải gồng mình chống lại những kết luận gây bất lợi nhằm cứu vãn sự nghiệp chính trị cho mình.

Quay lại trang chủ
Read 686 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)