EU, Mỹ lên tiếng việc Việt Nam bắt giới hoạt động (VOA, 07/02/2017)
Việc nhà chức trách Việt Nam bắt giữ một số nhà hoạt động trong nửa cuối tháng 1 đã làm các phái bộ ngoại giao của EU và Mỹ "quan ngại". Họ đã nhanh chóng lên tiếng vào thời điểm cuối tháng 1, trùng với những ngày nghỉ Tết kéo dài ở Việt Nam, khi báo chí và người dân dường như chú ý nhiều hơn đến các thông tin về Tết.
Hai nhà hoạt động vì nhân quyền là bà Trần Thị Nga và ông Phan Văn Phong bị bắt giữ ngày 21/1 ở Hà Nam với cáo buộc "tuyên truyền chống phá nhà nước". Hai ngày trước đó, một nhà hoạt động nhân quyền khác là ông Nguyễn Văn Oai bị bắt giữ tại tỉnh Nghệ An với cáo buộc "chống lại người thi hành công vụ" và vi phạm thời hạn án treo.
Trong thông điệp đăng hôm 26/1 trên trang Facebook của Phái đoàn Liên hiệp Châu Âu ở Việt Nam, Đại sứ Bruno Angelet kêu gọi rằng "Sự an toàn của những nhà bảo vệ nhân quyền cùng với quyền được thể hiện chính kiến một cách tự do, ôn hòa mà không bị đe dọa hay cản trở cần phải được bảo đảm". Vị trưởng đại diện phái đoàn nhấn mạnh đây là "một trong những cam kết quốc tế và trong nước của Việt Nam về nhân quyền".
Đại sứ của Liên hiệp Châu Âu cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam "đảm bảo quyền lợi của bà Trần Thị Nga, ông Phan Văn Phong và ông Nguyễn Văn Oai được tôn trọng". Thông điệp của đại sứ nhắc lại rằng "Ủng hộ các nhà bảo vệ nhân quyền là một nội dung lâu đời trong chính sách của Liên hiệp Châu Âu về nhân quyền".
Từ Việt Nam, ông Vũ Quốc Ngữ, Tổng giám đốc của Người Bảo vệ Nhân quyền, nói với VOA hôm 6/2 ông đánh giá cao tuyên bố của EU :
"Tôi cũng thấy mừng là bên EU họ cũng ra một tuyên bố để phản đối việc bắt giữ chị Nga và anh Nguyễn Văn Oai. Tôi cũng trông đợi phản ứng này của EU từ lâu rồi. Đấy là một tín hiệu ủng hộ của Liên minh Châu Âu đối với hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Thường là những người bị bắt vì cáo buộc về an ninh quốc gia là do họ thực hiện những quyền tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến, chứ họ cũng không phải những người thực sự gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam".
Chỉ 3 ngày trước khi phái bộ EU công bố thông điệp của Đại sứ Bruno Angelet, hôm 23/1, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đã gửi VOA hồi đáp của họ khi được hỏi về vụ bắt giữ bà Nga.
Đại sứ quán Mỹ nói họ "quan ngại sâu sắc về việc bắt giữ bà Trần Thị Nga tại Hà Nam" và "Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả bà Nga và tất cả tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam tự do thể hiện quan điểm chính trị của mình trên mạng và ngoài đời mà không lo sợ bị trừng phạt".
Email của Đại sứ quán Mỹ gửi VOA cũng nhắc lại là họ "đã liên tiếp kêu gọi chính quyền Việt Nam bảo vệ quyền tự do hội họp một cách ôn hòa, quyền lập hội đoàn, quyền tự do biểu đạt và quyền tự do tôn giáo đã được quy định trong Hiến pháp 2013 và các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền của Việt Nam".
Việc nhà chức trách bắt những người đấu tranh gần dịp Tết, khi các gia đình quây quần, đoàn tụ đã dẫn đến những chỉ trích gay gắt trên mạng xã hội từ nhiều nhà hoạt động thúc đẩy dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Họ gọi đó là hành động "độc ác", "vô nhân đạo".
*************************
Linh mục Phan Văn Lợi bị chặn trên đường đi lễ (VOA, 07/02/2017)
Linh mục Phan Văn Lợi (phải) cho biết một lý do khiến chính quyền không muốn cho ông ra khỏi nhà là ngăn cách việc tiếp xúc giữa ông với các linh mục bất đồng chính kiến khác như Linh mục Nguyễn Văn Lý (giữa). (Ảnh tư liệu / Facebook Phan Van Loi)
Một linh mục ở Việt Nam đã bị những người bị nghi là nhân viên an ninh chặn không cho đi dâng lễ nhà thờ vào dịp đầu năm âm lịch.
Linh mục Phan Văn Lợi đã bị hai người, mà ông nói là nhân viên an ninh tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc thường phục chặn đường không cho ông đi dự thánh lễ tại giáo xứ Tây Linh, sáng ngày 2/2, tức ngày mùng 6 Tết.
Linh mục Phan Văn Lợi cho VOA biết hai thanh niên mặc thường phục mà ông tin chắc họ là nhân viên an ninh đã vi phạm quyền tự do đi lại của ông như sau :
"Vừa mới ra khỏi cổng nhà thì có hai người mặc thường phục, xông tới và đẩy tôi lui. Tôi biết rằng đây là công an vì trước đây họ lãng vãng trước nhà của tôi rồi. Tên đó là một tên to xác như tôi đã đưa lên video đó, cứ đẩy tôi lui. Tôi nói gì thì nói, hai người đó vẫn cứ đẩy tôi lui, xô tôi lui".
Trên Facebook có phổ biến một đoạn video quay cảnh hai người mặc thường phục xô đẩy Linh mục Phan Văn Lợi một cách thô bạo.
Linh mục Phan Văn Lợi yêu cầu họ rằng nếu chính quyền muốn ngăn chặn việc đi lại của ông thì phải có lệnh chính thức của tòa án, nhân viên thi hành lệnh của chính quyền khi tiếp xúc với người dân phải mặc sắc phục, và phải trình giấy tờ. Linh mục Phan Văn Lợi nói rằng hai thanh niên vẫn hung hăng liên tục xô đẩy ông. Vị linh mục 66 tuổi đành phải lui vào nhà.
Là người tham gia tranh đấu cho tự do tôn giáo và dân chủ, nhân quyền từ năm 2001, ông thường xuyên lên tiếng về các vấn đề của đất nước, và tố cáo những sai lầm của chính quyền. Ông không bị quản chế, nhưng ông nói rằng chính quyền luôn cho người canh giữ ông từ 2001 đến 2004.
Linh mục Phan Văn Lợi giải thích rằng việc ông đấu tranh giành công lý cho Đan viện Thiên An có thể là lý do khiến chính quyền ngăn cản việc ông ra khỏi nhà :
"Cách đây 2 tháng các thầy ở dòng Thiên An có mời tôi lên nói chuyện về tình hình đất nước và giáo hội. Và tôi là một trong những người lên tiếng bênh vực dòng Thiên An. Cho nên nhà cầm quyền biết rằng tôi và dòng Thiên An có mối liên hệ rất chặt chẽ. Tôi từng đưa các tài liệu, kháng thư của dòng Thiên An lên mạng. Sau cái vụ đó thì công an gia tăng canh gác".
Theo Linh mục Lợi, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế luôn tìm cách chiếm đoạt đất đai của Đan viện Thiên An. Đan viện Thiên An có 107 hecta đất mua từ 1940, sau năm 1975 thì bị chính quyền chiếm đoạt phần lớn để xây khu vui chơi giải trí. Vài tháng gần đây chính quyền yêu cầu Đan viện Thiên An xác nhận phần đất đang sử dụng, khoảng 7-8 hecta. Linh mục Lợi nói rằng nhà nước có ý định chiếm khoảng hơn 90 hecta của Đan viện.
Theo tin từ trang Tin mừng cho người nghèo, gần 200 công an, dân phòng, Hội phụ nữ của xã, huyện, tỉnh gây khó khăn, đánh đập một số tu sĩ của Đan viện Thiên An, tỉnh Thừa Thiên Huế, vào chiều ngày 02/01/2016. Khi đó, nhiều tu sĩ bị đạp vào mặt và lăng mạ vì chính quyền cho rằng họ đã chặt cây thông trái phép.
Linh mục Phan Văn Lợi cho biết thêm lý do khác khiến chính quyền không muốn cho ông ra khỏi nhà là ngăn cách việc tiếp xúc giữa ông với các linh mục bất đồng chính kiến khác như Linh mục Nguyễn Văn Lý và Linh mục Nguyễn Hữu Giải, dù họ ở rất gần tư gia của ông :
"Linh mục Nguyễn Văn Lý, người bạn của tôi đã ở tù về, hiện đang ở tòa Tổng Giám mục Huế. Người bạn thứ hai là Linh mục Nguyễn Hữu Giải, đã về hưu cũng đang ở tòa Tổng Giám mục Huế. Nhà của tôi cách Tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 500m, cho nên họ không muốn chúng tôi gặp nhau. Bởi vì họ nghĩ rằng nếu chúng tôi gặp nhau sẽ bàn chuyện gì đó về tranh đấu. Lý do nữa là tôi là thành viên của Hội đồng Liên tôn quốc nội, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm. Tôi đã từng lên tiếng mạnh mẽ về các vấn đề của đất nước, nhất là vụ Formosa".
Linh mục Phan Văn Lợi tin chắc rằng chính quyền sẽ tiếp tục tìm cách ngăn chặn ông không cho ra ngoài trong thời gian tới :
"Chắc chắn rằng từ đây về sau, không biết đến khi nào, công an sẽ còn giữ tôi, không cho tôi ra khỏi nhà, dù là đi làm các công việc bình thường của một linh mục".
Nhiều ngày liền vào tháng 11, 2016, có một số người lạ mặt, mà Linh mục Lợi cho rằng là người của chính quyền, đã tụ tập xung quanh nhà, ngăn chặn ông đi dự thánh lễ, thậm chí ném đá và chất bẩn vào nhà ông làm hư hỏng tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân xung quanh.
Vị linh mục, đồng thời là thành viên của Hội đồng Liên tôn cho biết trong nhiều năm qua, nhà riêng của ông luôn trong tình trạng bị canh gác, chốt chặn. Ông nói rằng những hành động sách nhiễu này vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo và tự do đi lại của công dân.
***************************
Bùi Thị Minh Hằng và Đoàn Huy Chương sắp ra tù (BBC, 07/02/2017)
Trong thời gian bà Bùi Thị Minh Hằng ở tù đã có nhiều biểu ngữ kêu gọi trả tự do cho bà
Tại Việt Nam, hai blogger, nhà hoạt động sắp mãn hạn tù những ngày tới : Bùi Thị Minh Hằng (hôm 11/2) và Đoàn Huy Chương (hôm 13/2).
Tháng 8/2014, bà Bùi Thị Minh Hằng, một blogger hay tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc, bị tòa án tỉnh Đồng Tháp kết án ba năm tù giam về tội Gây rối trật tự công cộng, bị truy tố theo Điều 245, Bộ Luật hình sự.
Thời điểm ấy, Đại sứ quán Hoa Kỳ phát đi tuyên bố nói họ "quan ngại sâu sắc".
"Việc các cơ quan chức năng Việt Nam sử dụng các điều luật về trật tự công cộng để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa là điều đáng báo động".
Tháng 10/2010, ông Đoàn Huy Chương, một trong ba thành viên sáng lập Phong trào Lao Động Việt, bị Tòa án tỉnh Trà Vinh tuyên án 7 năm tù giam vì tội Phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân' theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự.
Hôm 7/2, trả lời BBC từ Trà Vinh, bà Chiêm Thị Tường Mạnh, vợ ông Chương, nói : "Tôi đang ngóng đến sáng sớm 13/2 sẽ đón chồng tại nhà tù Xuân Lộc, Đồng Nai".
"Bảy năm dài đằng đẵng vậy là cũng sắp trôi qua".
"Tôi luôn mong chờ ngày chồng ra tù để phụ nuôi hai đứa con hiện đang phải gửi nhờ ông bà ngoại ở quê".
Bà Mạnh cũng cho biết thêm : "Trong bảy năm chồng tôi đi tù, dù thu nhập của một công nhân may ở TP Hồ Chí Minh chỉ khoảng 4 triệu đồng, nhưng tôi vẫn đều đặn đi thăm nuôi chồng hàng tháng".
"Lần đi thăm chồng mới nhất là hôm 26/1 (tức 29 Tết)".
"Tôi còn nhớ chồng tôi bị bắt cũng hôm 29 Tết năm 2010 khi đang phụ gia đình gói bánh tét ở nhà".
"Về con đường chồng tôi đã chọn thì tôi chỉ biết tôn trọng chứ không biết khuyên anh ấy thế nào".
Trên trang Facebook cá nhân, anh Trần Bùi Trung, con bà Bùi Thị Minh Hằng, đang đếm ngược ngày về của mẹ mình.
Hôm 7/2, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển nói với BBC : "Tôi và một số người khác sẽ đi đón bà Hằng tại nhà tù Gia Trung, Gia Lai hôm 11/2 tới".
"Tôi đặc biệt vui mừng trước tin bà Hằng sắp ra tù vì án của bà ấy có liên quan đến tôi".
"Bà Hằng cùng hai người khác bị kết án do ngày 11/2/2014 đi thăm gia đình tôi trong lúc tôi đang bị áp giải".
"Xuất thân là một người làm kinh doanh, bà Hằng đã đi vào con đường đấu tranh cho nhân quyền".
"Tôi nể trọng bà ấy vì tính cách bộc trực và luôn thương yêu người khác".
Hiện trên mạng xã hội, một số nhà hoạt động đang có những lời kêu gọi đi đón bà Bùi Thị Minh Hằng và ông Đoàn Huy Chương cũng như trợ giúp họ ổn định cuộc sống sau khi ra tù.