Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/04/2018

Xã hội Việt Nam vẫn còn gương sáng về lương thiện và vị tha

Người Việt

Đào móng làm nhà ở Quảng Nam, trúng nhiều cổ vật quý hiếm (Người Việt, 04/04/2018)

Trong lúc đào móng làm nhà, chủ nhà vô tình phát hiện nhiều cổ vật có giá trị.

Theo báo Thanh Niên, ngày 30 tháng Ba, gia đình ông Hôih Chơu (ở thôn Chờ Nét, xã A Ting, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) trong lúc đào móng làm nhà bất ngờ phát hiện ngôi mộ bên dưới, cùng nhiều cổ vật quý hiếm như chén, đĩa, đồng đen, vòng tay đồng… Trong lúc thi công, một số hiện vật đã bị hư hỏng.

guong1

Những cổ vật được tìm thấy trong ngôi mộ cổ ở Quảng Nam. (Hình : Thanh Niên)

Ông Pơloong Nhong, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã A Ting, cho biết khi tiếp cận hiện trường, các già làng nhận định có thể đây là ngôi mộ của vợ người Cơ Tu có niên đại hơn 100 năm.

Tất cả cổ vật này đang được chủ nhà cất giữ cẩn thận. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không nên bán cổ vật trước khi cơ quan chuyên môn đến tìm hiểu, nghiên cứu.

guong2

Chiếc bình cổ hồ lô bát tiên "Đại Minh Tuyên Đức", có niên đại từ thời nhà Minh Tuyên Tông 1425-1435, được tìm thấy tại Thừa Thiên-Huế. (Hình : VTC News)

Trước đó, theo VTC News, ngày 8 tháng Ba, ông Nguyễn Văn Ng. (69 tuổi, ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã đào được ba bức tượng bằng đồng dưới nền nhà nghi là cổ vật.

Ông Ng. Cho hay, do nền ngôi nhà rường cổ có từ thời ông nội bị hư hỏng nên ông đã đào lên sửa lại. Trong lúc đào, ông Ng. Bất ngờ phát hiện ba đồ vật bằng đồng bao gồm một bức tượng Phật Di Lặc, một tượng hình gà trống và một chiếc bình hồ lô bát tiên. Phía đáy của ba đồ vật này đều khắc chữ Hán.

Trả lời báo VTC News, một nhà sử học là hội viên Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam cho biết, căn cứ vào các chữ Hán khắc trên các đồ vật thì có thể đây là những cổ vật có từ thời nhà Minh, nhà Thanh, Trung Quốc.

Trong đó, chiếc bình cổ hình hồ lô bát tiên và tượng gà trống có bốn chữ Hán khắc dưới đáy là "Đại Minh Tuyên Đức", tức chiếc bình được đúc từ thời nhà Minh, dưới đời vua Tuyên Đức (Minh Tuyên Tông 1425-1435). Riêng tượng Phật Di Lặc có thể là được chế tác từ đời vua Càn Long nhà Thanh. (Tr.N)

*****************

Sư cô nghèo tụng kinh kiếm tiền nuôi nhiều trẻ bị bệnh (Người Việt, 03/04/2018)

Một bà 60 tuổi tu tại gia, sống trong căn nhà nhỏ nằm trong hẻm xa tít giữa lòng thành phố Châu Đốc, đã cưu mang tám đứa trẻ nghèo, cơ nhỡ nhiều năm nay. Để có tiền lo cho các em ăn học, bà phải đi tụng kinh kiếm tiền và xin cơm, gạo của các chùa…

guong3

Bà Sáng với các em mồ côi được bà nuôi dưỡng nhiều năm nay. (Hình : Tuổi Trẻ)

Trong căn nhà nhỏ chưa đến 30 mét vuông ở khóm Châu Long 2, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, bà Phạm Thị Kim Sáng (60 tuổi), pháp danh Hiền Liên, đã cưu mang tám trẻ mồ côi hơn 15 năm qua.

Kể với báo Tuổi Trẻ, bà Sáng cho biết ngay từ nhỏ lúc 16 tuổi bà đã lén gia đình đi xuất gia, nhưng bị gia đình phát hiện rồi bắt về. Năm 21 tuổi, bà quyết định lên tỉnh Lâm Đồng xuất gia trong một ngôi chùa. Đến năm 2003 mẹ mất nên bà phải quay về nhà lo tang gia. Cũng từ đây, bà Sáng bắt đầu nhận những đứa trẻ mồ côi không người nuôi khi bà đi tụng kinh tại các đám tang.

Hơn 15 năm qua, bà Sáng đã nhận nuôi chín em. Một em trong số này đã được gia đình nhận lại nên hiện còn lại tám em. Tuy có em còn cha mẹ nhưng cũng cho bà nuôi vì hoàn cảnh nghèo khó. Song số đông còn lại là trẻ mồ côi ở nhiều tỉnh thành từ Kiên Giang, Gia Lai, Đồng Tháp, An Giang, Long An…

Trong số này có ba em có giấy chứng nhận tâm thần của bệnh viện, một em bị đau não chỉ mới 5 tuổi nhưng phải nhập viện thường xuyên, hai em theo học cấp 1 và cấp 2 ở trường cấp 2 Thủ Khoa Huân, hai em còn lại chưa được đi học vì không làm được giấy tờ nhập học.

Nhắc đến những đứa con nuôi của mình, bà Sáng rưng rưng nước mắt kể về trường hợp bé Phan Thị Ngọc Diễm (4 tuổi). Vào một ngày đầu năm 2013, khi bà vừa mở cửa thì thấy một em bé hơn bảy tháng được ai đó bỏ trước nhà mình trong tình trạng sắp chết. Bà trình báo công an rồi đưa bé vào bệnh viện chăm sóc và làm thủ tục nhận nuôi em đến nay. Tuy nhiên, các bác sĩ nói em không được bình thường do bị đau não từ nhỏ. Mỗi lần em phát bệnh phải nằm viện vài ngày mới khỏi.

guong4

Bà Sáng không chỉ lo cho các em ăn học mà còn dạy các em tụng kinh. (Hình : Tuổi Trẻ)

"Tôi cũng không biết cha mẹ cháu bé là ai. Từ lúc nuôi nó đến giờ đã tốn không biết bao nhiêu tiền. Nhiều khi thấy cháu phát bệnh nằm lăn lóc mà lòng tôi đau lắm. Tôi phải đi tụng kinh để kiếm tiền lo cho nó. Sau này nhờ nó được hưởng bảo hiểm y tế và trợ cấp của nhà nước nên cũng đỡ", bà nói.

Vừa xoa đầu em Nguyễn Thị Cẩm Tú, 5 tuổi, bà nói : "Còn bé này mẹ chết, cha bỏ nên bơ vơ ở với bà ngoại tận Phú Quốc. Thấy vậy bà này cho tôi nuôi. Bây giờ nó gần tuổi đi học mà chưa làm giấy tờ gì được nên cũng lo lắm".

Hằng ngày để có tiền nuôi chục miệng ăn, bà Sáng phải đi tụng kinh ở các đám tang hay đến các tịnh xá xin gạo, tiền lo cho các em ăn, thậm chí tiền đóng học phí cho các em cũng được bà chắt mót từ tiền tụng kinh đám tang.

Khi được hỏi về cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn thiếu trước hụt sau, chỗ ở chật hẹp thì làm sao nuôi dưỡng các em nên người, bà Sáng nói : "Trước mắt, nhờ tôi tu tại gia nên nhiều người ghé cúng Phật. Nhờ chút tiền này đã giúp tôi lo cho các con. Tâm nguyện tôi từ đó đến giờ là cứu giúp mấy em mồ côi, cơ nhỡ này. Khi nào tôi ngã xuống thì lúc đó mới ngừng nhận nuôi các em. Còn đủ sức lực thì bằng mọi cách tôi sẽ giúp các em được ăn học, được có mái nhà chứ không thể để các em cơ nhỡ không ai nuôi dưỡng".

Em Phan Thị Kim Phụng, 15 tuổi, đã ở với bà Sáng từ khi lên 2 tuổi đến nay. Em cho biết từ nhỏ cha mẹ mất sớm nên hằng ngày lang thang khắp nơi. Trong một lần tình cờ bà Sáng gặp em đang bị trẻ cùng lứa ăn hiếp nên nhận về nuôi đến nay.

"Bà không chỉ lo lắng cho em như con mà còn cho em ăn học. Bà còn sắm xe đạp cho em đi học hằng ngày ở trường Thủ Khoa Huân. Nếu không có bà, không biết cuộc đời em sẽ ra sao", Phụng nói. (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 715 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)