Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/04/2018

Môi trường : Borocay ngập rác, đồng bằng sông Cửu Long khô hạn

Tổng hợp

Chuyện tây, chuyện ta : nước thối ở bãi tắm đẹp nhất hành tinh và Borocay bị đóng cửa (VNTB, 10/04/2018)

Một kênh nước đen hôi thối xả trực tiếp ra biển thuộc trục đường biển Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng).

Và vùng biển này từng được xếp hạng là đẹp nhất hành tinh do tạp chí Forbes của Mỹ vinh danh vào năm 2013. 

moitruong1

Dòng nước đen ngòm xối xả đổ ra biển Đà Nẵng, một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh.

Đây là điểm nóng từng được thị sát bởi cố Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh, cựu Bí thư thành ủy Nguyễn Xuân Thanh và tân Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa. Nghĩa là qua 3 đời bí thư kiểm tra rồi chỉ đạo, nhưng nước thải đen ngòm và hôi thối vẫn diễn ra, mặc nhiên thách thức quyền lực của cơ quan nhà nước. 

Bãi biển Đà Nẵng còn gặp cả nhiều vấn đề khác như nạn xâm thực của hệ thống khách sạn, nạn mất nguồn nước ngầm tại đây, nạn bị sụt lở bãi biển… Và nếu có thể xếp hạng một số vấn đề lớn và nóng nhưng ‘không có lối ra’, có lẽ, nạn xả thải môi trường biển là một trong số đó. Bởi giải pháp đề ra hiện nay của phía cơ quan chức năng tại Đà Nẵng là, chôn ngầm thay vì cống lộ thiên – do đó, nghĩa nhiên nước vẫn cứ xả thải, và biển vẫn sẽ chết theo ý nghĩa đen – bóng nào đó. 

Trong khi đó, giải pháp tối ưu là lọc nước lại không được đầu tư xử lý, và có lẽ là do xuất phát từ việc ‘đầu tư quá tốn kém’ hay bản thân tiếng nói của cơ quan hữu trách đối với hệ thống nhà hàng, khách sạn ở đây quá nhỏ bé ? 

moitruong2

Nhiều khách du lịch chứng kiến sự việc đã bày tỏ sự kinh ngạc khi nước thải ô nhiễm đổ ra biển Đà Nẵng.

Ngoài khu vực biển Thanh Khê, thì còn có đường Biển Nguyễn Tất Thành cũng trong tình trạng như vậy, nước đen ngòm và hôi thối. 

Đối với các tỉnh thành khác thì đây là một vấn đề lớn, còn đối với chính quyền Thành phố Đà Nẵng phải nên coi đây là vấn đề cực lớn. Lý do xuất phát từ việc, thành phố chủ trương loại bỏ công nghiệp và phát triển dịch vụ ; nghĩa là ngành du lịch hiện tại đang gánh và nuôi sống thành phố. Ấy vậy mà, nó vẫn được phát triển theo hướng : tận dụng khai thác triệt để. 

Có lý do hay câu trả lời nào được đưa ra để giải đáp cho vấn đề nêu trên không ? Không ! Không câu trả lời nào hết. Bởi để lại cho thế hệ tương lai giá trị phát triển bền vững vẫn chưa phải là phương châm chỉ đạo in sâu trong tiềm thức của những nhà lãnh đạo Việt nam. 

moitruong3

Rác lớp lớp dày đặc, kéo một vệt dài ngay khu vực mặt tiền của đảo Bình Ba

Boracay, một hòn đảo sinh đẹp của Phliphines vừa được Tổng thống nước này là ông Duterte quyết định đóng cửa để 12 tháng ‘dọn dẹp’. Và người chỉ ra, nước này sẽ mất khoản tiền phát sinh rất lớn từ việc này, lý do đây là nơi trung bình có 2 triệu du khách tìm ghé đến nghỉ dưỡng. Vì đâu có lý do này ? Nó lại xuất phát từ việc, Boracay đã quá tải với lượng khách đổ về, nhà hàng – khách sạn được xây dựng trái phép, và quan trọng hơn, nhiều khu nghỉ dưỡng – nhà nghỉ xả thẳng chất thải ra biển. Rác thải và sự gia tăng vi khuẩn coliform trở thành thảm họa của chính tương lai của hòn đảo. 

Và giờ đây, Boracay bị đóng cửa sau quyết định, để ‘dọn dẹp’ và hướng tới giữ gìn. 

Nếu song chiếu một cách đồng điệu, thì Boracay có thể tương tự như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đảo Phú Quốc (Kiên Giang) hay đảo Bình Ba (Khách Hòa),… Nhưng trong khi đảo Boracay được quyết định bởi người có tâm, thì những đảo còn lại vẫn ngày đêm đối diện với sự cày xới của hệ thống nhà hàng – khách sạn không kiểm sát, nước thải và rác. 

moitruong4

Rác thải ở điểm đảo du lịch Boracay (Philippines)

Du lịch 24h là cách ví von tốt nhất cho việc xài thả ga ưu đãi thiên nhiên, và bóc dần tất cả những vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của nó, khiến thế hệ sau chỉ nhìn thấy bê-tông, cốt thép, những đồi núi rừng trụi bóng cây, những vần nước đẹp bập bềnh rác rưởi,… 

Năm 2015, có một quyết định của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc bảo vệ hòn đảo Bình Ba, dù là ở khía cạnh ‘đảm bảo an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh’, tuy nhiên nhiều người kỳ vọng, nó sẽ hạn chế bớt phần nào sự tàn phá hòn đảo tại đây với hàng loạt khu resort được xâu dựng (số lượng dự định là 150 căn resort). Tuy nhiên, sau gần 2 năm, cái tin nổi bật liên quan lại là ‘có 2 dự án khu du lịch’ phải dừng triển khai thực hiện. Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao đã có quyết định bảo đảm an ninh, nhưng 2 dự án trên vấn mặc nhiên tiến hành ? Và lãnh đạo Sở KH-ĐT Khánh Hòa nhấn mạnh ‘2 dự án trên phải điều chỉnh mục tiêu đầu tư’, nghĩa nếu không nằm trong vành đai an ninh quốc phòng, thì 2 dự án trên vẫn tại vị ở Bình Ba và mặc sức tiếp tục cày xới, khai thác vô tội vạ vẻ đẹp vốn đã xác xở tại đây ? 

moitruong5

Rác thải ở đảo Lý Sơn. 

Du lịch có những mặt trái của nó, câu chuyện ô nhiễm môi trường tại Boracay với các điểm du lịch tại Việt nam nhìn chung là như nhau. Nhưng điểm khác nhau duy nhất là cách để hạn chế tác động tiêu cực này và việc 'bảo tồn, phục hồi' môi trường tại các điểm du lịch trong tầm nhìn quan chức. Do vậy, suy cho cùng, dòng nước đen tại thành phố đáng sống, cây thông đã bị chặt hạ tại Đà Lạt, ngọn núi đã bị đục đẽo tại Sapa, cái hang sâu bị uy hiếp tại Quảng Bình, những hòn đảo ngập chìm rác thải và mất dần sinh vật biển là món quà mà thế hệ này dành cho thế hệ mai sau. Xuất phát từ ý thức chủ quan của người dân, sự ham lợi của người làm du lịch và trên hết là năng lực quản lý yếu kém, thiếu tầm nhìn, thiếu cả tâm thế dành của cho mai sau của các cấp lãnh đạo Đảng và nhà nước tại các tỉnh thành. 

Ánh Liên

********************

Thiếu nước, sạt lở đất ở đồng bằng sông Cửu Long (RFA, 10/04/2018)

Khu vực sông nước đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Hai trong những thách thức đó là tình trạng thiếu nước và sạt lở đất.

moitruong6

Sạt lở đất ở đồng bằng sông Cửu Long. RFA

Thiệt hại kinh tế lên đến hàng tỉ đồng

Bà An đã sống tại An Thủy, Ba Tri, Bến Tre dẫn chúng tôi ra khu vực bờ sông mà theo bà, trước kia toàn bộ khu vực là đất sản xuất nông nghiệp, nơi có vài chục hộ dân sinh sống, nhưng hiện nay chỉ còn là một vùng nước mênh mông. Ba chia sẻ :

"Nay tui về đây là thằng trai nay 45 tuổi, ở đây là mười lăm hộ giờ những hộ đó họ dời qua bên cồn hoặc vô trong này".

Căn nhà trong đoạn video là nơi gia đình bà đã sống qua 2 thế hệ, giờ nay phải bỏ hoang, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Thiệt hại về kinh tế lên đến hàng tỉ đồng vì mất đất sản xuất nông nghiệp, nhà cửa trôi tuột xuống sông, bà con láng giềng lần lượt ly tán, bà tiếc nuối..

"Cái nhà này, nhà nhỏ bị xạc hết cày này rồi tui mới đi, sụp mau quá tui cũng rầu mà không biết làm sao, những người dân lần lần họ đi hết. Hồi đó ở cồn đó có ruộng, rồi mình qua lại đó mần, còn mới mới thì đi vô vài nhà, họ cũng tiếp tục mần ruộng. hồi đó 12 mẫu, giờ còn 1 mẫu chứ bao nhiêu".

Cách đó 200 km về phía nam, tại khu vực bờ biển xã Vĩnh Trạch đông, tp Bạc Liêu, Phóng viên tận mắt chứng kiến hàng loạt các điểm sạt lở trải dài, có nơi sóng biển phá vỡ cả một đoạn bờ kè kiên cố. Nơi trước đây người dân từng khai thác và nuôi thủy sản thì nay vắng lặng, các khu du lịch ven biển cũng thưa khách mặc dù là ngày cuối tuần, các bãi tắm chìm sâu dưới mực nước biển và các dòng chảy nguy hiểm do thay đổi địa chất bất thường có thể cuốn trôi bất cứ người nào.

Khó khăn vì thiếu nước

Cùng với việc mất đất sản xuất vì sạt lở, người dân còn đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch. Các hộ dân nằm sâu trong các đầm tôm, khu vực ven biển thường trữ nước sạch dùng cho vệ sinh và nấu nướng trong các bồn chứa lớn làm từ xi măng, nguồn nước thường là nước mưa, thời điểm khô hạn thì phải vào tận các làng xã khác để mua nước về. Người dân ở đây đã quá quen thuộc với chiếc xe bồn chở nước đem bán hằng ngày.

"Thiếu nước sinh hoạt thường xuyên, nước mình phải đi trong xa, mình đi xin người ta đẩy về từng thùng từng thùng vậy đó đây là vùng nước mặn nuôi tôm. Còn nước ngọt trong phía trong vòng, trong đó người ta xuống cây giếng nước ngầm đó, một tuần lấy nước một lần, chạy chứa hồ tắm giặt, còn nước uống chứa vô hồ là riêng, phải bằng mọi giá để dự trữ, ở đây nhà nước cho cái hồ bự, rồi mình kiếm tiền mua thêm".

moitruong7

Thiếu nước ở đồng bằng sông Cửu Long. RFA

Dạo một vòng quanh các đường làng, chúng tôi trò truyện cùng một lão nông, ở tuổi xưa nay hiếm, để có nước dùng, hằng ngày bà phải đạp xe đi chở nước hàng cây số :

"Con tui đi làm hết rồi à, ở có một mình nên đi chở nước vậy đó. Nhiêu đây nấu cơm với uống ngày mai, rồi hết cái đi xe không cái chở lần lần dậy đó".

Cách căn nhà bị sập của hộ bà A không xa là một bãi khai thác cát sỏi từ lòng sông đã hoạt động lâu nay. Mà theo bà, đó là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt lở :

"Ghe hút ở đây rồi đem qua, dân ở đây họ thấy".

Tháng 5/2017 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng các quan chức của Chính phủ đã trực tiếp làm việc tại ĐBSCL đã lưu ý các địa phương tăng cường quản lý việc khai thác cát, ngăn chặn việc khai thác cát trái phép ; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và dung túng cho các hoạt động vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ngay tại địa phương các hoạt động khai thác cát sỏi vẫn diễn ra hết sức tinh vi hằng ngày, hằng giờ gây nên nỗi bất bình cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng ngừa sạt lở.

Việc thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất có tác động tiêu cực tới đời sống người dân ở vùng chịu ảnh hưởng, năm 2016 theo thống kê chỉ riêng tại Bến Tre đã có 88.000/350.000 hộ dân trong tỉnh thiếu nước ngọt. Đất hoa màu bị chìm ngập dưới dòng sông, hủy hoại kế sinh nhai của hàng chục vạn con người.

Sạt lở đất uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng chống thiên tai và cơ sở hạ tầng vùng ven biển.

Về lâu về dài nguy cơ mất an ninh lương thực và gây bất ổn cho cuộc sống người dân nơi đây là điều khó tránh khỏi nếu không có các biện pháp khắc phục hậu quả và ngăn chặn việc sạt lở tiếp diễn.

Dọc các tỉnh thành ven biển như Bến Tre, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, các công trình kè biển kiên cố đang được khẩn trương xây dựng, diện tích rừng phòng hộ ngập mặn cũng được tăng lên đáng kể, nhưng tất cả sẽ không thể phát huy tác dụng, không thể chiến đấu lại với sự phá hoại của những kẻ vô tâm, vì tư lợi cá nhân. Điển hình là nạn khai thác cát dưới lòng sông bừa bãi, vì một nhóm lợi ích nhỏ chỉ đáng vài chục tỉ nhưng gây nên thiệt hại trăm tỉ đồng cho bà con và hàng ngàn tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Quay lại trang chủ
Read 467 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)