Đây có phải là "kế hoạch nhỏ" không ? (GDVN, 08/02/2017)
Các trường học thường tổ chức phong trào "Kế hoạch nhỏ" để giáo dục các em học sinh biết tiết kiệm, sử dụng những đồ có thể tái chế vào việc có ích.
Tuy nhiên, phong trào này đang trở thành nỗi sợ hãi của nhiều học sinh khi không có đủ điều kiện nộp sản phẩm "Kế hoạch nhỏ" theo đúng yêu cầu.
Cô giáo Thuận Phương đặt câu hỏi có nên duy trì phong trào này không khi có nhiều biến tướng không hay ?
****************
Thấy hai đứa trẻ đứng nhìn len lén xuống bàn nhậu, anh Thắng chưa kịp hiểu chuyện gì bỗng người bạn nhậu của anh ném chiếc lon bia xuống chân, hai đứa bé băng vào giành giật nhau.
Đứa nói là của mình vì "tao đụng vào trước", đứa kia không chịu vì "tao xí trước rồi". Gọi hai cậu nhóc tới hỏi đầu đuôi thì ra các em lượm lon để nộp cho lớp làm "Kế hoạch nhỏ" của nhà trường.
Cậu bạn tò mò hỏi : "Tết nhà con không có uống bia, uống nước ngọt hay sao mà phải ra quán để lượm ?". Cậu bé giọng buồn buồn "Có chú ạ, nhưng mẹ bán hết rồi, mẹ nói để mua gạo ăn".
Đứa kia nhỏ nhẹ trả lời : "Nhà con không có bia cũng chẳng có nước ngọt mà hai anh em đi học nên phải đi lượm thôi".
Nhìn hai đứa nhỏ lấm lem đứng canh từng cái vỏ lon ném xuống thấy đến là tội. Người ngồi nhậu có tâm cũng chẳng thể đành lòng ngó lơ như không biết.
Thương tụi nhỏ, trách nhà trường sao vô tình đẩy các em đến tình cảnh như thế ?
Thi đua làm "Kế hoạch nhỏ"
Như một thói quen cứ sau Tết nhiều trường học ở khắp nơi từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở đều phát động phong trào nộp vỏ lon để làm "Kế hoạch nhỏ".
Học sinh thu gom vỏ lon bia, nước ngọt để ủng hộ phong trào "Kế hoạch nhỏ". (Ảnh : Dangcongsan.vn)
Có trường học ấn định số lượng mỗi em nộp ít nhất là 5 lon, có trường lại yêu cầu nộp gấp đôi số ấy, cũng có trường không quy định cụ thể là bao nhiêu nhưng lại có thang điểm để thi đua giữa các lớp.
Số tiền bán lon, nhà trường trích lại 30% làm quỹ lớp, 70% giữ làm quỹ đội cho hoạt động.
Giáo viên phần lớn đều muốn lớp mình nộp lon với số lượng càng nhiều càng tốt bởi lớp vừa có thêm tiền, vừa được điểm thi đua. Bởi thế, thầy cô ra sức phát động.
Một số giáo viên cho biết : "Ngày xưa vỏ lon mới hiếm chứ bây giờ gia đình nghèo ba ngày Tết cũng có thùng bia, thùng nước ngọt trong nhà nên chuyện các em nộp vỏ lon chẳng có gì là áp lực cả".
Suy nghĩ ấy của nhiều thầy cô cũng chẳng sai nhưng đâu có gì là tuyệt đối.
Có gia đình đông con nhưng số vỏ lon trong nhà lại quá ít, có nhà ba mẹ không cho nộp vì họ muốn tận dụng bán lấy chút tiền trang trải, có học sinh muốn nộp nhiều vỏ lon để thầy cô tuyên dương…
Nhiều cách để có vỏ lon
Thế rồi, muốn có được số lon theo yêu cầu, không ít học sinh đã tìm mọi cách có được.
Ngoài một số em gia đình có sẵn chỉ việc bỏ vào bị xách lên trường nộp là xong.
Một số em khác lừa bạn sơ hở để chôm vì lon nào mà chẳng giống nhau nên khó mà tìm được.
Số khác nữa lang thang ra quán đứng chực chờ để khách nhậu ném xuống là lượm. Khổ nỗi, người lượm lon quá nhiều nên phải đứng chầu chực mà canh, đôi khi phải giành giật mới có.
Nhiều em ở độ tuổi tiểu học còn mang nặng tính hiếu thắng, thích được khen nên em nào cũng muốn nộp thật nhiều lon hơn bạn. Bởi thế, các em lại càng phải cố gắng kiếm càng nhiều càng tốt.
Có nên duy trì phong trào "Kế hoạch nhỏ" ?
Về bản chất, phong trào "Kế hoạch nhỏ" là phải tự các em làm bằng việc tận dụng, tiết kiệm, gom góp những đồ phế thải bỏ đi chuyện này chỉ khuyến khích chứ không thể bắt buộc.
Việc giao chỉ tiêu về từng lớp, cộng vào điểm thi đua để khen thưởng vô tình tạo ra một cuộc đua ngầm giữa các lớp và áp lực lại đè lên đầu học sinh.
Cách làm này, đã làm mất đi cái ý nghĩa tốt đẹp mà phong trào "Kế hoạch nhỏ" hướng tới.
Về bản chất thì phong trào "Kế hoạch nhỏ" không có tội, có chăng là ở cách làm của một số trường học đã biến một phong trào ý nghĩa như thế thành "nỗi sợ hãi" của nhiều học sinh và phụ huynh.
Thuận Phương
*********************
Tết xong, nhìn lớp vắng trò, thầy rơi nước mắt (GDVN, 06/02/2017)
LTS : Những ngày đầu năm mới, tình trạng học sinh ở vùng khó khăn bỏ học thường xuyên xảy ra.
Trăn trở trước vấn đề này, thầy giáo Khánh Văn chỉ ra một số nguyên nhân khiến các em nghỉ học thường xuyên. Từ đó, thầy đưa ra một số phương cách giúp hạn chế tình trạng này.
*******************
Như đã thành tiền lệ, những buổi học đầu năm mới ở một số địa phương thường có tỉ lệ học sinh nghỉ học rất cao.
Có những em còn mải mê với những "dư âm" của ngày Tết nên chưa vào lớp nhưng cũng có nhiều em đã không còn thiết tha đến trường.
Chuyện học sinh bỏ học trong những ngày đầu xuân đang là một "điệp khúc" lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua.
Sau Tết, tình trạng bỏ học của một số địa phương lại tăng cao đột biến, nhất là những địa phương điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Những ngày trước Tết các trường đều có kế hoạch, sự động viên, quan tâm đến những học sinh có nguy cơ bỏ học nhưng mọi cố gắng của nhà trường và các ban ngành địa phương cũng không thể ngăn được một bộ phận học sinh bỏ học giữa chừng.
Đầu năm, tình trạng học sinh bỏ học diễn ra phổ biến tại số một vùng khó khăn. (Ảnh minh họa : Báo Nhân dân)
Cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thì tình trạng học sinh ở các cấp học không đến lớp lại tăng cao, đặc biệt là học sinh cấp 2-3.
Đây thực sự là vấn đề nan giải đối với các trường học và các ban ngành địa phương những nơi có điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Những trăn trở của thầy cô và các ban ngành đôi khi không có tác dụng bởi vì có rất nhiều lí do được phụ huynh và học sinh đưa ra để thoái thác chuyện trở lại lớp học.
Học sinh bỏ học sau Tết có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là các em có điều kinh kinh kế khó khăn phải ở nhà hoặc đi đến các địa phương khác, nơi có nhiều khu công nghiệp để mưu sinh và kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Nhiều em không muốn bỏ học sớm nhưng do bị cha mẹ không cho các em đến trường mà hướng cho đi làm để kiếm tiền.
Nhiều học sinh khi đã rời khỏi địa phương được giáo viên điện thoại để trở về học tiếp chỉ biết khóc vì hoàn cảnh trớ trêu và sự bất lực của mình.
Có những trường hợp khi đoàn vận động đến nhà thì rất muốn đi học lại, các em hứa sẽ trở lại trường nhưng chờ mãi không thấy, khi quay lại vận động tiếp thì gia đình lấy lý do nhà khó khăn, neo đơn nên phải ở nhà phụ giúp gia đình.
Đã nhiều lần tham gia đi vận động học sinh bỏ học sau Tết, đoàn vận động chúng tôi còn gặp nhiều trường hợp cha mẹ làm ăn xa, gửi các em ở nhà với ông bà.
Dịp nghỉ Tết, cha mẹ về thấy các em không chú ý học hành mà mải mê với nhiều trò chơi vô bổ, kết quả học tập thấp nên cha mẹ đưa luôn các em theo để làm với mình ở các thành phố để có dịp kèm cặp.
Bởi một số phụ huynh học sinh quan niệm học cũng chỉ để kiếm tiền, mà có kết quả thấp như vậy thì tương lai cũng không có gì là sáng sủa nên kéo các em theo để phụ giúp gia đình.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như trong dịp Tết các em gặp phải bạn bè rủ rê bỏ học để đi làm để kiếm tiền, hoặc các em tiếp cận với nhiều trò chơi vô bổ khác hay có một số em bắt đầu yêu đương sớm dẫn đến chán học, chán trường.
Nhất là các em có học lực trung bình, yếu, kém không theo kịp chương trình học nên dẫn đến chán nản không muốn trở lại lớp học nữa.
Bởi các em còn nhỏ, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học, chưa ý thức được tương lai của chính mình.
Những cám dỗ của những trò chơi vô bổ, những bạn bè xấu trong xã hội hiện đại rất dễ dẫn các em sa ngã và chán ngán việc học hành.
Trong những năm qua, mặc dù Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp ở địa phương đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn, chính sách khuyến tài, khuyến học.
Sự liên kết giữa các ban ngành trong việc vận động học sinh trở lại lớp nhưng một khi gia đình các em chưa quan tâm nhiều đến việc học của con cái mình thì tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vẫn còn rất cao.
Trong việc hình thành ý thức học tập đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhưng yếu tố gia đình vẫn là cốt lõi nhất, cơ bản nhất.
Một khi mà có một bộ phận cha mẹ học sinh không cho con đến trường thì việc vận động các em trở lại lớp vẫn là một vấn đề nan giải.
Từ đó dẫn đến việc vận động học sinh càng thêm khó khăn, giống như kiểu "bắt cóc bỏ đĩa", các em được vận động vào lớp vài hôm lại bỏ học ở nhà.
Muốn hạn chế được học sinh bỏ học ở những vùng khó khăn, trước tin chúng ta phải tuyên truyền ý nghĩa việc học, nêu những gương học tập tích cực để các bậc phụ huynh hiểu ý nghĩa và vai trò của việc học.
Các đoàn thể địa phương cần có những sẻ chia, hỗ trợ, động viên các phụ huynh cho con em mình đến trường.
Đồng thời, trong quá trình giảng dạy những ngày đầu xuân, thầy cô cũng cần sự khéo léo khi trả bài, kiểm tra, dành nhiều hơn sự quan tâm với những em có nguy cơ bỏ học.
Nhà trường cần tổ chức thường xuyên các hoạt động ngoài giờ tạo cho các em yêu trường lớp, kính thầy, mến bạn để từ đó giúp các em yên tâm với việc học để hạn chế việc học sinh bỏ học giữa chừng.
Đầu xuân là dịp thầy trò gặp lại nhau sau hai tuần nghỉ Tết, để gửi gắm đến nhau những niềm vui và lời chúc tốt đẹp. Nhưng, trong niềm vui năm mới cũng đan xen những nỗi buồn hiện hữu.
Học sinh bỏ học giữa chừng là nỗi buồn và sự trăn trở nhiều nhất của thầy cô đứng lớp trong những ngày đầu năm mới.
Khánh Văn