Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/04/2018

Đường sắt Cát Linh, Ninh Thuận hạn hán, rào cản Nam Ô, sông Nhuệ kêu cứu

Tổng hợp

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông : Chưa vận hành đã lạc hậu, lãng phí (RFA, 11/04/2018)

Chi phí đầu tư ban đầu của dự án đường cao tốc trên cao Cát Linh - Hà Đông được cho biết là là 553 triệu đô la Mỹ và dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 6/2014 ; chạy thử từ tháng 10/2014 đến tháng 6/2015, từ ngày 30/06/2015 chính thức khai thác thương mại.

catlinh1

Một đoạn đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang thi công dang dở Vietnamnet

Tuy nhiên, đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng lên hơn 868 triệu USD, nghĩa là đội vốn lên tới hơn 315 triệu USD, tương đương khoảng 7.000 tỉ đồng. Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198 triệu USD.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long từ Hà Nội cho rằng thời gian chậm tiến độ quá lâu cùng mức vốn đầu tư bị đẩy lên gấp rưỡi đã tác động rất tiêu cực đối với hiệu quả kinh tế xã hội, đặc biệt là đối với Hà Nội, trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị của Việt Nam. Điều này còn làm mất lòng tin của công chúng. Ông trình bày :

"Nó chậm thì nó làm cho tiền tăng lên, tiền thì nó thiệt hại rồi mà nó còn làm cả ùn tắc thêm giao thông. Về tiền thì người ta tính toán ngoài viêc đội vốn lên thì mỗi ngày phải trả lãi suất là 1 tỷ 2, còn về ùn tắc giao thông thì nó gây thiệt hại lớn không những về mặt xã hội mà còn về mặt kinh tế. Theo tính toán của các chuyên gia thì nếu mà ùn tắc thì mỗi ngày Hà Nội mất chi phí khoảng 4 tỷ đồng Việt Nam thì một năm không biết là bao nhiêu ?".

Còn theo nhà báo Đào Mạnh Hùng, một phóng viên kinh tế kỳ cựu trong nước thì đây là một dự án mà 99% người dân và kể cả các nhà khoa học cũng không đồng tình :

"Họ tính là mỗi ngày thu được 100 triệu. 100 triệu mà với cái giá cả mà mình mua của Trung Quốc và cái lãi suất hàng năm như vậy thì phải 10 nghìn năm mình mới thu hồi được vốn. Tôi đã đọc một bài báo trên tờ báo viết của Đài truyền hình NHK của Nhật Bản thì họ viết rằng đây là một tuyến đường tai tiếng nhất thế giới, vừa chậm, vừa xấu và sợ còn không đảm bảo an toàn. Đây là dự án mà "ném lao thì phải theo lao" mà thôi".

Ông Hùng cũng cho biết, ngay từ buổi họp báo đầu tiên của dự án và liên tục sau này, nhiều chuyên gia và các nhà báo tâm huyết với ngành Giao thông vận tải đã có những ý kiến can ngăn với Bộ này là không nên sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc, bởi điều đó đồng nghĩa với việc bắt buộc phải cho nhà thầu Trung Quốc thi công. Ông Hùng nói tiếp :

"Họ bỏ thầu rất thấp, nhưng khi mà trúng thầu rồi thì giá lập tức đội lên 30%. Họ lý do là phải mua thiết bị dự phòng, rồi đồng nhân dân tệ giảm sút so với đồng đô la, rồi giá vật tư tăng… Họ liên tục thay đổi về giá cả. Đầu tiên tưởng rẻ nhưng đội lên 2,3 thậm chí có công trình tăng lên 5 lần và đắt hơn rất nhiều so với các công trình của Nhật xây. Thái Lan cách đây 4 năm họ cũng làm một tuyến đường dài hơn mình một chút mà giá thành có 350 triệu đô thôi".

Ngoài phát sinh vốn vay và thời gian thi công quá lâu thì công nghệ của dự án này cũng là một vấn đề khiến cho dư luận quan tâm bởi trên thực tế, công nghệ được sử dụng cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là công nghệ Trung Quốc với những đoàn tàu được sản xuất theo tiêu chuẩn đường sắt Trung Quốc, đã lạc hậu và không còn được áp dụng trên thế giới. Chuyên gia Ngô Trí Long cho biết thêm :

"Công nghệ của Trung Quốc thì vốn đầu tư cao và sau này chi phí duy tu bảo hành cũng rất là cao thì liệu hiệu quả sử dụng của nó có tốt hay không ? Ở các nước hiện nay người ta làm đường sắt đô thị trên cao thì người ta đã làm từ mấy chục năm trước rồi, hiện nay rất ít thậm chí là hầu như không có nước nào làm nữa mà Việt Nam lại lặp lại cái chuyện đó".

Nhà báo Đào Mạnh Hùng cũng cho rằng công nghệ của Trung Quốc quá lạc hậu và lấy làm tiếc vì công nghệ và các nhà thầu Nhật Bản đã không được lựa chọn cho dự án này.

"Những tàu này là những tàu đã lỗi thời rồi, làm cách đây từ 20 năm, nằm đắp chiếu ở bên Trung Quốc rồi. Nó làm xong không bán được cho ai cuối cùng Việt Nam phải mua những cái tàu đấy. Họ bán cho mình là mình buộc phải mua vì mình vay vốn của họ. Tàu này tôi nghĩ là sẽ không đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân đâu".

Lý giải cho việc vì sao Bộ Giao thông vận tải lại vẫn chọn nhà thầu Trung Quốc mặc dù không còn lạ gì những chiêu trò của các nhà thầu Trung Quốc trong việc triển khai các dự án ở Việt Nam, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết thêm :

"Mình quá coi trọng chỉ tiêu về giá. Nó bỏ với giá thấp xong cuối cùng nó lại dùng chiêu trò để nâng giá lên thì cuối cùng cũng lại bằng vô nghĩa. Bên cạnh đó thì nó lại có điều kiện là cấp cho mình vốn vay tín dụng thì đó là ưu điểm. Một cái nữa cũng phải hết sức thông cảm là cách làm ăn của Việt Nam với anh Trung Quốc là quan hệ lâu rồi thì cái đó nó cũng tác động. Tuy nhiên, phải nói thẳng ra là những dự án mà nhà thầu Trung Quốc thi công triển khai thì đều kém hiệu quả và gây lãng phí thất thoát".

Theo thông tin mới nhất của Bộ Giao thông vận tải, thì lần này dự kiến đường cao tốc Cát Linh - Hà Đông sẽ chính thức được đưa vào khai thác vào cuối năm nay. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, với việc đầu tư trang thiết bị như vậy giá vé tối thiểu sẽ là từ 15 nghìn đồng/ vé. Tuy nhiên trong điều kiện Việt Nam với khí hậu nóng ẩm như hiện nay mà lại thiếu vắng một hệ thống kết nối hợp lý thì chắc chắn việc sử dụng sẽ rất hạn chế và không thể mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi.

Mỹ Lan

******************

Người dân Ninh Thuận khô khốc trong cơn hạn hán (CaliToday, 11/04/2018)

Chỉ mới đầu mùa hạn nhưng người dân tại nhiều nơi ở tỉnh Ninh Thuận đang phải vất vả chống chọi với cái hạn đang hoành hành ở đây. Chẳng những người không đủ nước để sinh hoạt, mà ngay cả gia súc cũng không còn nước để uống.

catlinh2

Những con cừu đang cố gặm những cọng cỏ khô trên cánh đồng nứt nẻ. Ảnh : Tuổi Trẻ

Tại thôn Suối Le (xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) có 99 hộ dân nhưng hằng ngày họ đang phải chống chọi với cơn hạn hán vì không có nước để sinh hoạt. Hiện nay, tất thảy 36 giếng đào của dân đều cạn nước. Đại đa phần dân cư ở đây đều là người sắc tộc Raglai, hay còn được gọi là người Thượng.

Từ sáng sớm, người dân phải đến giếng lớn được đào ở đầu thôn để múc nước về phục vụ cho việc sinh hoạt hằng ngày. Số khác tranh thủ tắm, giặt ngay tại chỗ. Vì chỉ đến trưa nước trong giếng đã không còn.

Để có nước sinh hoạt, người dân phải xách từng can nhựa đến nhà nào giếng còn nước để xin về dùng. Cùng với tình trạng hạn hán, nhiều giếng trong làng bị nhiễm mặn, nhiễm phèn không thể dùng được.

Tại các trường mầm non, cấp 1 để có nước cho các cháu rửa mặt, làm vệ sinh… từ sáng sớm khi dẫn con đến trường, phụ huynh phải mang theo can nước từ 5 đến 10 lít, góp nhau đổ vào bồn. Vì nguồn nước từ thủy đài đã cạn kiệt lâu nay.

Từ cuối năm 2017, tại vùng Ninh Thuận không có những cơn mưa lớn. Đã vậy nơi đây là vùng khô hạn nhất của Việt Nam, lượng nước bốc hơi nhanh, các hồ chứa không thể nào dự trữ được nguồn nước cần thiết để cung cấp cho việc tưới tiêu. Đa phần các hồ thủy lợi ở Ninh Thuận đã khô cạn từ hơn tháng qua. Không có nước, cây cối ngày càng úa dần, mà gia súc cũng chết dần theo từng ngày.

catlinh3

Người dân phải lấy can nhựa đi xách nước cho việc sinh hoạt hằng ngày. Ảnh : Tuổi Trẻ

Tại huyện Bác Ái, nơi xưa nay vẫn là tâm hạn hán của tỉnh hồ chứa nước Phước Nhơn đã xuống đến mực nước chết, chỉ còn lại vài vũng nước cạn đang dần bốc hơi qua từng ngày. Mặt đất nứt nẻ, cây cối đang dần chết khô vì cháy nắng.

Để cứu đàn gia súc, rất nhiều hộ dân đã phải lùa đến các hồ thủy lợi, nơi còn vài vũng nước cho đàn cừu, dê, bò uống. Nhưng các vũng nước này trong nay mai rồi sẽ cạn kiệt nếu không có mưa trong vài ngày tới.

Điệp khúc hạn hán, thiếu nước, gia súc, cây cối chết được lặp đi, lặp lại suốt trong nhiều năm qua. Cho đến nay chính quyền vẫn không thể tìm ra được giải pháp hữu hiệu nào nhằm khắc chế tình trạng trên.

Cứ đến hẹn lại lên, mỗi lần mùa hạn hán về dân chúng lại nghe lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận lặp lại câu nói, đang tìm các giải pháp giúp người dân chuyển đổi cây trồng nhằm phù hợp với điều kiện thời tiết ở vùng hạn hán này. Vậy nhưng, điều này vẫn tiếp diễn từ sau năm 1975, kể từ khi những người Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam.

Vào ngày 9/4, ông Hoàng Văn Thắng, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đến Ninh Thuận nhằm thị sát vùng hạn hán. Tại đây, chính quyền Việt Nam đã cho xây dựng một căn đập dâng Tân Mỹ nhằm cung cấp nước cho các xã Phước Trung (Bác Ái), Phương Hải (Thuận Bắc) và Nhơn Hải (Ninh Phước) nếu được hoàn thành.

Cũng trong lần thị sát này, ông Thắng đưa ra khuyến cáo với chính quyền tỉnh Ninh Thuận không nên để dân trồng lúa ở những vùng thiếu nước, mà cần phải chuyển sang trồng các cây nông nghiệp khác cho phù hợp. Tuy nhiên, ông không nói nên trồng cây nào cho phù hợp với điều kiện thời tiết, hạn hán ở vùng Ninh Thuận. Không chỉ ông Thắng, mà chính quyền tỉnh Ninh Thuận vẫn chưa tìm được loại cây giống nào thích hợp với vùng hạn hán này.

Người Quan Sát

*****************

Phá bỏ hàng rào ngăn làng chài và biển Nam Ô (RFA, 11/04/2018)

Nhà đầu tư chính của dự án khu du lịch sinh thái tại Đà Nẵng được lệnh phá đoạn rào ngăn cản người dân Nam Ô tiếp cận biển gây ảnh hưởng đến sinh kế của họ.

catlinh4

Hàng rào cao 2 mét dài 3 kilomet ngăn làng chài và biển Nam Ô. Courtesy of Vietnamnet

Đây là chỉ đạo của thành phố Đà Nẵng được ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huỳnh Đức Thơ xác nhận với báo chí trong nước vào ngày 10 tháng tư.

Dân địa phương ở làng chài Nam Ô bị bít lối đi xuống biển từ tháng 5 năm 2017 bằng một đoạn rào cao 2 mét dài 3 kilomet với dây thép gai được dựng lên cho dự án Lancaster Nam Ô Resort.

Theo dự án này, 500 hộ dân đánh cá đã được di dời đi nơi khác theo thỏa thuận giữa chính quyền thành phố Đà Nẵng và đơn vị đầu tư trong năm 2008.

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từng nhận định Đà Nẵng đã thất bại trong việc ‘lắng nghe mong muốn của người dân’ và câu chuyện Nam Ô đã trở thành tiêu đề trên cả nước nhưng thành phố thì vẫn chưa có động thái gì.

Ông Nghĩa nói thêm các khu nghỉ mát đã xóa sạch các làng mạc chẳng hạn như tại Nam Ô, và giờ đây ngư dân thức dậy thì chỉ thấy hàng rào kim loại thay vì thấy biển.

Dân địa phương quanh khu vực biển Nam Ô trước đây từng nhiều lần tập trung phản đối dự án khu du lịch sinh thái này do Tập Đoàn Trung Thủy dựng lên.

Truyền thông trong nước dẫn lời cư dân địa phương là ngay cả sân đá banh mà thanh niên trong khu vực lâu nay sinh hoạt cũng bị rào lại không còn chỗ vui chơi, giải trí.

Cũng tại Đà Nẵng, một dự án bị người dân phản đối và cơ quan chức năng phải xem xét lại. Đó là vụ Thủ tướng Việt Nam vào tháng 11 năm 2016 phê duyệt dự án khu du lịch bán đảo Sơn Trà, nhưng đến năm ngóa i thành phố Đà Nẵng phải hoãn lại sau khi có những lời chỉ trích mạnh mẽ của công chúng, bao gồm cả công văn yêu cầu của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.

Công văn trên cho biết tới tháng 4 năm 2017, đã có hơn 10.000 người ký tên phản đối quy hoạch Sơn Trà theo hướng ‘không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân.’

Một dự án khác đang bị nhiều tiếng nói phản đối tại Việt Nam là xây cáp treo vào hang động Sơn Đoòng ở Quảng Bình.

*****************

Hãy giải cứu sông Nhuệ (RFA, 11/04/2018)

Điểm bắt đầu của sông Nhuệ là cống Liên Mạc, lnước vào từ sông Hồng trong địa phận quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và điểm kết thúc của nó là cống Phủ Lý khi hợp lưu vào sông Đáy gần thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Sông dài khoảng 76 km. Ngoài ra, nối sông Đáy với sông Nhuệ còn có các sông nhỏ như sông La Khê (qua quận Hà Đông), sông Tô Lịch, sông Vân Đình, sông Duy Tiên, sông Ngoại Độ, v.v. Đoạn từ Cầu Bươu trở xuống Hà Nam chảy qua nhiều làng nghề truyền thống lâu đời gồm các làng chuyên làm tương, miến, bánh đa như Cự Đà, Khúc Thủy, Phú Diễn.

catlinh5

Một góc dòng sông Nhuệ tại Hà Nội. RFA

Theo người dân tại thôn Quảng Minh, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai cho biết, ngày xưa nước sông Nhuệ trong xanh, họ có thể sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng từ hơn hai mươi năm trở lại đây, nước sông trở nên ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, màu đen kịt, bốc mùi hôi thôi.

Ông Chi - ông Từ Đền Quảng Minh cho biết :

"Ngày xưa, cách đây khoảng chừng độ ba chục năm, chúng tôi vẫn tắm, giặt, tất cả mọi thứ sinh hoạt toàn ở bên sông hết, dùng nước sông này cả. Thế nhưng mà ba chục năm trở lại đây, thì không thể nào, đến rửa chân, rửa tay còn không dám rửa, bởi vì nước ô nhiễm ở nội thành đổ về rất là bẩn. Ngay như năm 76 mà tôi về phục viên, gánh nước sông này về, để lắng độ 2 tiếng, lắng trong xuống thế là ăn, ăn uống thoải mái".

Ông Tạ Xuân Trúc cũng nói : "Ngày xưa nước sông đây rất sạch, chúng tôi ra tắm rửa, giặt rũ đủ. Nếu bí không có nước ăn, thì gánh về đổ vào bể, cho nó trong để ăn. Nhưng bây giờ thì bẩn không chịu được rồi. Không làm gì được, cá cũng chết, người không làm gì được. Rau cỏ mọc lên không ăn được, ăn độc lắm".

Nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm trên dòng Sông Nhuệ được người dân cho là do nước thải từ nội thành Hà Nội qua hệ thống thoát nước và sông Tô Lịch đổ vào, bên cạnh đó là những cơ sở sản xuất nhựa và giặt là xung quanh dòng sông phát thải trực tiếp ra môi trường, như ở ngay đầu làng Quảng Minh. Một người dân tên Vân trình bày :

"Khi mà xưởng giặt là người ta đến lúc xả ra, thì nước rất là đen, rất là bẩn. Mà cụ thể là cái ống xả ra nó không phải nằm ở trên khơi, mà nằm ở đáy sông này. Cho nên là rất ảnh hưởng. Những buổi chiều mà gió đưa xuống là dân làng rất là sợ mùi của nhựa, mùi của các thứ. Ngay khu đầu làng, ai lên cũng có thể thấy".

Còn một phần khác xuất phát từ chính ý thức của người dân hai bên sông đã vứt rác thải sinh hoạt và nước thải từ sinh hoạt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ ra sông.

Ông Chi nêu rõ : "Đấy ! Bác cứ xem đây này ! Dân nhà mình, tất nhiên một phần cũng do dân nữa. Đấy, rá rưởi cứ đổ hết ra vệ sông. Cho nên, ý là sạch mình, nhưng bẩn người, ý thức của dân cũng là kém. Nhưng mà ngược lại, chủ yếu nhất là nước phế thả của thành phố Hà Nội đổ ra rất là bẩn".

Tuy sông Nhuệ ô nhiễm nhiều năm nay, nhưng nguồn nước trên con sông này vẫn được bơm vào đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, bởi không có nguồn nước khác thay thế.

Ông Tạ Xuân Trúc nói về điều này : "Cấy lúa thì đành phải chấp nhận thôi ! Chứ nếu mà nước sạch thì bảo đảm hơn. Nước này nó bẩn thì đành phải chấp nhận. Người nông dân đi cấy không có ủng thì ngứa hết cả chân tay. Thế nên phải có ủng chân ủng tay, người ta mới cấy bảo đảm".

Nguồn nước sông ô nhiễm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, chất lượng nông sản, nguồn nước ngầm, môi trường không khí dẫn đến tình trạng sức khỏe của người dân chịu ảnh hưởng rất lớn. Điều này cũng được ông Chi xác nhận :

"Đến bây giờ, bệnh ung thư với làng này là rất nhiều. Hầu như là 10 người qua đời, thì 9 người mắc bệnh ung thư là chết. Thế còn các cụ già không bệnh tật gì mà già chết thì ít lắm, chủ yếu là bệnh ung thư, vì nó (nguồn nước) nhiễm asen rất là nhiều. Nếu nói nguồn nước mà đưa ra xét nghiệm, thì thực ra mà nói, (nồng) độ asen phải nói là gấp hàng bao nhiêu lần so với yêu cầu thực tế".

Một phụ nữ địa phương tên Hòa nêu ra thực tế : "Mỗi một khi nhà cô mà mở cửa này ra - chuyên môn là đóng cửa sổ, nếu mà mở ra thì không thể nào chịu được. Suốt từ hồi cách đây chục năm, dòng sông này ô nhiễm quá. Nguyên cái làng này, không phải nói các cụ già chết đã đành, nhưng bây giờ trẻ cũng bị ung thư rất nhiều, mà cứ toàn bị họng, ho, phổi, não cũng nhiều. Cứ đi viện nào thì bị trả về".

Cho đến nay, người dân trong lưu vực sông Nhuệ chưa bao giờ được thực hiện khảo sát tổng thể về vấn đề sức khỏe do tác động của ô nhiễm môi trường, nên không hề có bất cứ phương án phòng chống tác hại và chăm sóc y tế tại cơ sở được đưa ra. Người dân chỉ còn biết tự hạn chế sử dụng nguồn nông sản được làm ra tại địa phương và tránh tiếp xúc với nước ô nhiễm.

Phía chính quyền thành phố Hà Nội và cấp huyện có bàn đến vấn đề ô nhiễm các con sông trên địa bàn và cũng từng đưa vào nghị quyết với một số biện pháp làm sạch môi trường tại khu dân cư, như tuyên truyền giáo dục người dân không vứt rác thải xuống sông, xây dựng các tuyến bờ kè và nạo vét một số đoạn sông.

Tuy nhiên, những biện pháp đó chưa phải là cơ bản để giải cứu dòng sông chết này. Người dân sinh sống ở hai bên bờ sông vẫn mong mỏi chờ đợi một giải pháp triệt để và thực sự hiệu quả từ các cấp trung ương đến địa phương.

Nhóm Phóng viên

Quay lại trang chủ
Read 504 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)