Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình vẫn chịu án 14 năm tù (VOA, 24/04/2018)
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình vẫn phải thi hành án tù lên đến 14 năm, sau khi phiên tòa phúc thẩm hôm 24/4 giữ nguyên bản án đã được tòa sơ thẩm tuyên cách đây 2 tháng rưỡi.
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình tại phiên tòa phúc thẩm hôm 24/4/2018 ở Nghệ An
Phiên phúc thẩm diễn ra trong 3 giờ vào buổi sáng tại tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An. Nhà hoạt động 35 tuổi, người đã giúp đỡ ngư dân một số vùng ở Nghệ An kiện hãng Formosa gây ô nhiễm môi trường, bị y án sơ thẩm 14 năm tù cho các tội "chống người thi hành công vụ" và "lợi dụng quyền tự do dân chủ".
Vụ ô nhiễm môi trường biển do Formosa xả thải xảy ra hồi cuối mùa xuân năm 2016. Những ngư dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bị ảnh hưởng nặng nề đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối cũng như tuần hành để nộp đơn kiện Formosa.
Ông Bình tham gia một số hoạt động này, và tường thuật trực tiếp qua mạng xã hội để đưa thông tin đến công chúng.
Công an Việt Nam bắt tạm giam nhà hoạt động hồi tháng 5 năm ngoái. Phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra hôm 6/2 năm nay.
Ông Hoàng Nguyên, em trai nhà hoạt động, cho VOA biết phản ứng của ông sau phiên tòa phúc thẩm ngày 24/4 :
"Tôi rất bức xúc về một phiên tòa rất bất công. Vì anh tôi chỉ có nhiệm vụ đấu tranh cho môi trường, đấu tranh chống Formosa, đấu tranh cho quyền con người. Nhưng tòa án của chính quyền tỉnh Nghệ An đã kết án anh trai tôi bản án rất nặng nề. Tôi rất phẫn nộ".
Báo chí trong nước dẫn thông tin của tòa nói vào ngày 14/2/2017, ông Hoàng Đức Bình cùng giáo dân tuần hành phản đối Formosa. Theo tài liệu của bên truy tố, ông Bình có lúc ngồi trên một xe ô tô con. Ông và lái xe không tuân thủ "yêu cầu", "hướng dẫn" của cảnh sát giao thông, "gây ách tắc giao thông nghiêm trọng" trên quốc lộ 1A.
Vẫn theo tài liệu tại tòa, cùng thời gian đó, ông Bình dùng điện thoại tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội Facebook "với những lời nói vu cáo, bôi nhọ" lực lượng công an làm nhiệm vụ.
Hội đồng xét xử cho rằng các hành động của ông Bình "kích động, gây rối, chống lại lực lượng làm nhiệm vụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự", ngoài ra còn "làm mất uy tín" của công an Nghệ An.
Ông Hà Huy Sơn, một trong hai luật sư bào chữa cho nhà hoạt động, bày tỏ quan điểm trên Facebook cá nhân, nói rằng cả bản án phúc thẩm lẫn bản án sơ thẩm trước đó dành cho ông Bình là "bất công, vi phạm tố tụng".
Về diễn biến phiên toà, ông Sơn nói tòa "không trình chiếu các video clip diễn biến sự việc" và "chỉ dùng các lời khai 1 phía các nhân viên công vụ là cảnh sát giao thông". Vị luật sư bổ sung rằng đã "không có việc giám định về nội dung của các video clip".
Luật sư bào chữa Nguyễn Khả Thành cho VOA biết thêm về lập luận của ông và đồng nghiệp nhằm bảo vệ ông Bình :
"Tắc nghẽn giao thông là do một số người khác, một số người hiếu kỳ đứng đó mà xem. Và xe này [chở ông Bình] chỉ đậu một bên thôi, bên kia thì đâu có chiếc xe nào, mà tắc thì tắc toàn bộ cả phía phải và phía trái. Tôi đưa ra bằng chứng đó, tôi nghĩ rằng lý do tắc nghẽn giao thông là do một số người hiếu kỳ, chứ không phải do chiếc xe của Hoàng Bình. Thế nhưng cuối cùng phía bên tòa họ vẫn không chấp nhận".
Luật sự Thành cho biết 5 người thân của ông Bình gồm bố mẹ, chị gái và hai em trai đã đến địa điểm xử án nhưng nhân viên an ninh chỉ cho bố mẹ và chị gái vào dự phiên tòa. Theo luật sư Thành, do lo ngại xô xát xảy ra với 2 người còn lại nên 3 người nhà ông Bình đã quyết định không vào tòa.
Ông Hoàng Nguyên, em trai nhà hoạt động, nói với VOA về dự định của gia đình nhằm chống lại bản án "bất công" :
"Gia đình chúng tôi sẽ sẵn sàng vận động các tổ chức nhân quyền, khả năng là vận động các luật sư quốc tế để kiện chính quyền Nghệ An. Sắp tới đây tôi sẽ vận động các đại sứ quán các nước để họ lên tiếng giúp gia đình chúng tôi vì chúng tôi rất là cô đơn".
Ông Hoàng Đức Bình là Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, tổ chức được thành lập năm 2008 với mục tiêu giúp người lao động đấu tranh cho các quyền lợi chính đáng của họ. Chính quyền Việt Nam không công nhận tổ chức này.
Trước khi bị bắt, ông Bình và ông Bạch Hồng Quyền, một thành viên của Con Đường Việt Nam, đã giúp đỡ nhiều hoạt động truyền thông cho người dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh bị ảnh hưởng bởi vụ ô nhiễm biển do hãng Formosa của Đài Loan gây ra.
Gần cùng thời điểm ông Bình bị bắt, công an Hà Tĩnh đã ra lệnh bắt và truy nã ông Bạch Hồng Quyền nhưng cho đến nay họ vẫn chưa thực hiện được ý định.
Luật sư Nguyễn Khả Thành bình luận với VOA rằng trong vòng 6 tháng trở lại đây, các tòa án Việt Nam có xu hướng tuyên mức phạt tù cao nhất đối với giới hoạt động bị quy phạm các tội liên quan đến an ninh quốc gia. Luật sư Thành cho rằng chính quyền ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của các nhà hoạt động trong giai đoạn internet có thể giúp lan truyền các thông điệp của họ rộng khắp và nhanh chóng.
*******************
Y án 14 năm tù cho nhà hoạt động Hoàng Đức Bình (BBC, 24/04/2018)
Nhà hoạt động dân chủ Hoàng Đức Bình nhận y án 14 năm tù giam trong phiên phúc thẩm ngày 24/4 tại Nghệ An.
Nhà đấu tranh dân chủ Hoàng Đức Bình tại phiên sơ thẩm ngày 6/2
Luật sư Hà Huy Sơn, người hỗ trợ pháp lý cho Hoàng Đức Bình trong phiên tòa ngày 24/4, chia sẻ trên Facebook cá nhân ngay sau khi kết thúc phiên tòa :
"Phiên tòa anh Hoàng Đức Bình mở lúc 8 :00 kết thúc lúc 11 :15. Kết quả y án sơ thẩm 14 năm".
"Tôi cho rằng hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm bất công, vi phạm luật tố tụng. Tòa không trình chiếu các video clip diễn biến sự việc. Tòa chỉ dùng các lời khai một phía từ các nhân viên công vụ là cảnh sát giao thông và không có giám định về nội dung của các video clip".
Trong một cập nhật trước đó, luật sư Hà Huy Sơn cho hay ông Bình nói các vết thâm tím ở vùng mắt mà mọi người thấy trong phiên sơ thẩm ngày 6/2 là 'do bị giam cùng buồng tử tù, bị tử tù đánh.'
Hồ sơ của Công an Nghệ An viết : "trong thời gian sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình có tham gia một số tổ chức, hội nhóm. Ngày 25/12/2015, Bình rải tờ rơi tại Thành phố Hồ Chí Minh, bị công an tạm giữ, phạt hành chính. Tuy nhiên anh ta không nộp phạt mà trốn về Nghệ An. Sau khi về Nghệ An, Bình thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ, cổ vũ phong trào đa nguyên, đa đảng".
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát biểu trong một thông cáo gửi đi ngày 24/4 :
"Tội' duy nhất của Hoàng Đức Bình là luôn yêu cầu chính phủ tôn trọng nhân quyền nhưng trong chế độ độc tài độc đảng của Việt Nam thì như vậy đã đủ cho một án tù dài".
"Hà Nội đang bận rộn lấp đầy các nhà tù của mình bằng các tù nhân chính trị trong khi thế giới thì khoanh tay và ngoảnh mặt đi. Việt Nam cần bỏ ngay mọi cáo buộc và thả lập tức Hoàng Đức Bình và các tù nhân chính trị khác, đồng thời cải cách luật pháp để chấm dứt những hành động tương tự trong tương lai".
Ông Hoàng Đức Bình từng vận động chống lại Formasa trong vụ việc xả thải chất độc hại gây thảm họa môi trường ở bờ biển miền Trung Việt Nam tháng 4/2016
"Cho đến lúc đó, các đối tác thương mại quốc tế và các nhà tài trợ nên công khai gây áp lực lên Việt Nam để buộc chấm dứt việc tăng cường đàn áp các nhà hoạt động vốn đã khiến nó trở thành một trong những chính phủ có tình trạng lạm quyền tồi tệ nhất Đông Nam Á".
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, hay còn gọi là Hoàng Bình bị xử 14 năm tù giam trong phiên tòa sơ thẩm ngày 6/2 với hai cáo buộc : "Chống người thi hành công vụ" và "Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, công dân".
Thời điểm đó, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên tiếng phản đối bản án dành cho ông. Hoa Kỳ tuyên bố 'quan ngại sâu sắc'. Quan chức đặc trách về nhân quyền của Chính phủ Liên Bang Đức, bà Barbel Kofler cũng ra tuyên bố chỉ trích chính phủ Việt Nam.
Hoàng Đức Bình là một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng bị kết án và bỏ tù vì các hoạt động chống lại Formosa, một công ty thép Đài Loan đã thải chất thải độc hại và gây thảm họa môi trường ở bờ biển miền Trung Việt Nam tháng 4/2016.
Ông Bình đồng thời là Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, một tổ chức độc lập được thành lập từ năm 2008 để thúc đẩy quyền của người lao động. Tháng 12/2015, công an câu lưu ông Bình sau khi ông phân phát tờ rơi kêu gọi chính quyền cho phép thành lập các công đoàn độc lập.
*********************
Thầy giáo Đào Quang Thực nhập viện vì bị ngược đãi trong tù (RFA, 24/04/2018)
Thầy Đào Quang Thực, một facebooker và là một giáo viên tiểu học về hưu, người bị bắt với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ đã phải nhận viện cấp cứu tại bệnh viện Hòa Bình vào ngày 13 tháng 4 vừa qua do điều kiện sức khỏe ngày càng giảm vì bị ngược đãi trong nhà giam.
Ông Đào Quang Thực, facebooker-giáo viên tiểu học về hưu. Facebook của ông Đào Quang Thực
Cô Đào Ngọc Bích Quỳnh Trang, Con gái của thầy giáo Đào Quang Thực vào ngày 23/4/2018 đã xác nhận thông tin này cho RFA :
"Hiện nay bố em vẫn đang trong bệnh viện đa khoa Hòa Bình, nhà không được gặp nhưng chỉ gởi tiếp tế. Bố em cứ kêu đau đầu từng cơn liên tục, huyết áp có dấu hiệu tăng, và đầu đau".
Vẫn theo cô Quỳnh Trang thì thầy Đào Quang Thực sau đó đã được chuyển đến bệnh viện 198 của bộ công an, nhưng gia đình cũng chỉ được gặp thầy Đào Quang một lần vào hôm thứ 7, 21 tháng 4. Từ đó đến nay, thầy Đào Quang Thực đã bị an ninh canh gác tại bênh viện, không cho tiếp xúc với gia đình. Theo cô Quỳnh Trang, vào ngày 22 tháng 4, mẹ cô đã cố gắng đến để xin vào thăm nhưng cũng bị xua đuổi, và chỉ được nghe tiếng thầy Quang Thực nói lớn ra cho biết ông bị ngược đãi ra sao trước khi được chuyển đến bệnh viện cấp cứu điều trị :
"Bố em trong phòng nói rộng ra là 2 tháng đầu tiên lúc bố em vào người ta để cho bố em chết đói chết khát không cho tiếp tế, không cho ăn uống gì cả và 4 điều tra viên liên tục vào hỏi cung và đánh đập bố em".
Ông Đào Quang Thực sinh năm 1960. Ông từng là giáo viên tiểu học suốt 30 năm và hiện đã nghỉ hưu. Vào ngày 5 tháng 10, 2017, cơ quan an ninh điều tra thuộc công an tỉnh Hòa Bình đã ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Đào Quang Thực với cáo buộc là hoạt động nhằm lật đổ chính quyền theo điều 79 bộ luật hình sự Việt Nam.