Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/04/2018

Tìm hài cốt quân nhân Mỹ, điều tra Vũ nhôm, Hội thánh Đức Chúa Trời

Tổng hợp

Tìm hài cốt quân nhân Mỹ và Việt sau cuộc chiến (BBC, 27/04/2018)

Khoảng 1.600 quân nhân Hoa Kỳ thiệt mạng trong Cuộc chiến Việt Nam đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

haicot0

Tượng đài quân nhân Mỹ và một người lính Việt Nam Cộng Hòa gần lá cờ lính Mỹ mất tích và tù binh chiến tranh tại khu vực tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Little Sài Gòn, California, Hoa Kỳ

Trong số này, có khoảng 1.200 trường hợp là nằm ở Việt Nam, với số còn lại nằm tại ở Lào, Campuchia và cả Trung Quốc, theo số liệu của Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người Mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA).

DPAA đã hoạt động tại Việt Nam trong suốt hơn 30 năm qua, trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao hồi 1995.

Ông Kelly McKeague, giám đốc DPAA nói tổ chức của ông hiện đang phải chạy đua với thời gian.

"Thời gian là kẻ thù lớn nhất của chúng tôi. Các nhân chứng đang già đi, họ dần qua đời", ông nói với AFP tại Hà Nội.

"Cho nên điều quan trọng là chúng tôi cần phải đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm".

Nhiều hài cốt vẫn nằm trong các vùng địa hình rừng núi xa xôi, hoặc ở các vùng đất bị san đi để làm nơi xây dựng các trung tâm thương mại, các tổ hợp căn hộ tại Việt Nam.

Địa hình đất chua phèn cũng ăn mòn xương cốt, gây khó khăn cho công tác tìm kiếm.

Ông McKeague nói không thể ước tính được việc tìm kiếm hài cốt binh lính Mỹ trong khu vực sẽ còn mất bao nhiêu thời gian, và có hàng trăm trường hợp bị coi là sẽ không thể tìm thấy.

Tuy nhiên, số lượng binh sỹ Mỹ mất tích là không đáng kể so với ước tính 300 ngàn quân nhân Việt Nam chưa được tìm thấy.

Các nỗ lực chính thức trong việc tìm kiếm các quân nhân người Việt gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn tài trợ và việc xét nghiệm DNA hạn chế.

Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm Người Mất tích nói rằng Việt Nam cần có sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, "đặc biệt là từ Hoa Kỳ".

"Việc hợp tác tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích tại Việt Nam sẽ là một kênh để Việt Nam tác động, vận động Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam trong việc tìm kiếm và quy tập liệt sỹ Việt Nam", ông nói.

Do thiếu sự phối hợp hỗ trợ ở tầm quốc gia trong việc đi tìm kiếm hài cốt, một số thân nhân những người mất tích Việt Nam quay sang nhờ các nhà ngoại cảm, hoặc làm những ngôi mộ trống để hương khói cho người đã mất.

******************

Bác tin điều tra tài sản Giám đốc công an Đà Nẵng (BBC, 27/04/2018)

Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng phải ra văn bản đính chính tin trên báo nói Bộ Công an điều tra về tài sản Giám đốc Công an Thành phố Đà Nẵng.

haicot2

Thành phố Đà Nẵng

Hôm 26/4 một loạt báo Việt Nam dẫn lời Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Đà Nẵng nói Bộ Công an đang điều tra tin đồn Giám đốc Công an Thành phố Lê Văn Tam ở biệt thự do ông Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ Nhôm, tặng.

Nhưng ngày 27/4, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng nói họ đề nghị báo chí "điều chỉnh và đăng tải thông tin kịp thời".

Gặp cử tri

Văn bản này mô tả đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng gồm đại biểu Nguyễn Thanh Quang, đại biểu Ngô Thị Kim Yến và đại biểu Võ Thị Như Hoa đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Thanh Khê ngày 26/4.

Tại đây, cử tri Nguyễn Thanh Hiền, phường Hòa Khê nêu ý kiến "Qua báo chí tôi đọc thì thấy Giám đốc Công an Đà Nẵng, ông Lê Văn Tam nhận nhà của Vũ 'nhôm'. Ông Tam nói không phải nhà của Vũ 'nhôm' cho thì ai làm rõ ?".

Cử tri Nguyễn Hữu Phước, Cựu Chiến binh của quận Thanh Khê nêu "Sai phạm của Vũ 'nhôm' liên quan đến nhiều cán bộ cao cấp. Ngoài Vũ 'nhôm' thì có còn Vũ 'sắt', 'đồng' nào không ?".

Và cử tri Nguyễn Quang Nga, phường Tân Chính thì nêu : "Có hay không chuyện Giám đốc Công an Đà Nẵng nhận tiền của Vũ 'nhôm', chống lưng cho Vũ 'nhôm' hoạt động trong thời gian dài ở Đà Nẵng…".

haicot3

Ông Phan Văn Anh Vũ, sinh 1975, cư trú ở Đà Nẵng - bịViệt Nam truy nã 21/12/2017, bị đưa về Việt Nam từ Singapore 4/1/2018, bi tạm giam 4 tháng từ 7/2/2018

Theo văn bản, đại biểu Nguyễn Thanh Quang, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Đà Nẵng, chỉ trả lời rằng liên quan đến việc khởi tố, điều tra một số cán bộ thành phố Đà Nẵng thì hiện nay Bộ Công an đang điều tra, còn thành phố thì không làm việc này.

"Bà con cử tri tiếp tục theo dõi thông tin, khi có thông tin thì báo chí sẽ đăng tin chính thức".

"Những thông tin trên mạng xã hội chỉ là ý kiến chủ quan của từng cá nhân, nhiều khi không chuẩn xác. Những thông tin chính xác sẽ được báo chí đăng tin công khai rất rõ", ông Quang nói, theo văn bản đính chính.

Như vậy, theo văn bản chính thức, ông Quang không hề nói Bộ Công an đang điều tra Giám đốc Công an Đà Nẵng.

Cáo buộc

Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội đăng cáo buộc Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an Thành phố Đà Nẵng, sở hữu biệt thự trăm tỉ do ông Vũ Nhôm tặng.

Đại tá Tam đã được báo Người Lao Động dẫn phản hồi : "Đúng là tôi có sở hữu căn biệt thự tại một làng biệt thự nhưng thông tin cho rằng căn biệt thự này do Vũ 'nhôm' tặng tôi là không chính xác".

Ngày 19/4 trên Facebook cá nhân, nhà báo Dương Hằng Nga đăng cáo buộc về căn nhà.

"Tin đồn do Vũ nhôm 'tài trợ' cần được các cơ quan chức năng vào cuộc thanh kiểm tra thực hư có đúng hay không ?", bài của bà Hằng Nga viết.

Theo báo chí Việt Nam, bà Dương Hằng Nga từng bị Công an Thành phố Đà Nẵng cấm xuất cảnh 3 tháng do có đơn tố cáo của ông Phan Văn Anh Vũ.

Đến nay, một số người đã bị khởi tố vì liên quan vụ án về doanh nhân Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ Nhôm.

Ông Anh Vũ ban đầu bị khởi tố về "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước" và "trốn thuế" xảy ra ở Đà Nẵng.

Sau đó ông bỏ trốn sang Singapore, nhưng bị trục xuất.

Đến ngày 7/2, ông Anh Vũ bị khởi tố thêm tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hôm 18/4, ông Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố thêm tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB).

****************

Tin về Hội thánh Đức Chúa Trời 'cần được kiểm chứng' (BBC, 27/04/2018)

Truyền thông của nhà nước Việt Nam gần đây ồ ạt đưa tin tiêu cực về 'Hội thánh Đức Chúa Trời', trong khi đó Ban Tôn giáo Chính phủ nói những biểu hiện tiêu cực về những nhóm này 'cần được kiểm chứng.'

haicot4

Hoạt động của một nhóm mang tên Hội thánh Đức Chúa Trời ở Việt Nam

Thông tin từ truyền thông Việt Nam chủ yếu phản bác tổ chức này, cho rằng họ "dùng chiêu trò" để "dụ dỗ người tham gia bỏ vợ bỏ chồng, bỏ học, bỏ thờ cúng tổ tiên" và phải đóng lệ phí thành viên trị giá 10% thu nhập.

Cũng có tin cho rằng đây là các nhóm thuộc tổ chức tôn giáo cùng tên có nguồn gốc Nam Hàn.

Hội thánh Đức Chúa Trời hoạt động ra sao ?

Thông tin trên website chính của Hội thánh Đức Chúa Trời (tên tiếng Anh là World Mission Society Church of God) cho hay hội này do ông An Xang Hồng (Ahn Sahng-hong) người Hàn Quốc sáng lập năm 1964.

Hội tuyên bố có khoảng 7.000 ngàn hội thánh thành viên quy tụ gần ba triệu tín đồ từ 175 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Nay Hội do ông Tổng Hội trưởng Mục sư Kim Joo Cheol và bà Jang Gil-ja - được gọi là 'Mẹ' - lãnh đạo.

haicot5

Một tu viện tráng lệ của Hội thánh Đức Chúa Trời ở Hàn Quốc

Hoạt động của Hội thánh Đức Chúa Trời gồm cứu hộ cứu nạn, bảo vệ môi trường, chăm sóc trẻ em nghèo và người khuyết tật, hiến máu, cùng các chương trình hòa nhạc.

Hội sở hữu nhiều tu viện tráng lệ ở khắp Hàn Quốc, bảo tàng và dàn nhạc giao hưởng đồ sộ. Các thành viên của Hội thánh Đức Chúa Trời đều có mã số riêng.

Hội này cũng tự tuyên bố từng nhận giải thưởng Phụng sự Tình nguyện (Award for Voluntary Service) của Nữ hoàng Anh vào năm 2016, cùng nhiều giải thưởng và tuyên dương khác của chính quyền Hàn Quốc cho các hoạt động ứng cứu động đất, làm sạch thành phố.

Ở Việt Nam, một số nhóm tôn giáo mang tên Hội thánh Đức Chúa Trời được cấp phép hoạt động từ lâu. Nhưng hiện chưa rõ nhóm nào thuộc giáo hội có nguồn gốc Nam Hàn, nhóm nào không.

Trao đổi với BBC qua điện thoại ngày 25/4, Mục sư Trần Nguyễn Duy Thắng của Hội thánh Đức Chúa Trời ở Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, nói dù cùng tên nhưng giáo hội của ông, được cấp phép cách đây 20 năm, 'không có liên quan gì' đến 'Hội thánh Đức Chúa Trời' mà báo chí nhắc tới gần đây.

"Tôi không có liên hệ gì với họ, cũng không bình luận, đánh giá hoạt động của họ. Tuy nhiên với những việc báo chí phản ánh như ép buộc thành viên từ bỏ cha mẹ, vợ chồng, đóng tiền phí tham gia thì tôi cho rằng điều này không đúng với những gì mà người công giáo chúng tôi thực hiện, không đúng những gì được dạy trong Kinh Thánh là phải yêu thương, tha thứ, nâng đỡ…".

Báo chí Việt Nam đồng loạt đưa 'tin xấu'

Trong khi đó, các nhóm Hội thánh Đức Chúa Trời mà nhiều báo Việt Nam cho rằng thuộc giáo hội cùng tên ở Hàn Quốc, được cho đã 'vươn vòi ra nhiều tỉnh thành' như Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Long.

Hoạt động của những nhóm này được mô tả chủ yếu là tiêu cực, như "ép đóng tiền, khuyến khích phá thai" (Zing.vn), "thuyết giảng như kẻ điên loạn" (VTC News), "tan cửa nát nhà vì theo Hội thánh Đức Chúa Trời" (Thanh Niên).

Một bài trên báo Tuổi Trẻ còn hướng dẫn học sinh, sinh viên rằng "gặp những trường hợp bị các hạng người của tổ chức 'Hội thánh Đức Chúa Trời' lôi kéo, tốt hơn là cứ từ chối hoặc phớt lờ…".

Bộ Giáo dục đào tạo và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cũng có lời 'cảnh báo sinh viên tranh bị lôi kéo vào Hội thánh Đức Chúa Trời', theo truyền thông Việt Nam.

Một bình luận từ tài khoản Facebook Nguyễn Minh Khoa, đưa các thông tin chi tiết về lịch sử Hội thánh Đức Chúa Trời với người sáng lập là ông An Xang Hồng, thường có hoạt động truyền bá nhắm vào đối tượng sinh viên, phụ nữ trẻ, và những người cô đơn.

Chính quyền lo ngại ?

Cụm từ 'tà giáo', 'tà đạo' được nhiều tờ báo Việt Nam đề cập trong các bài viết về Hội thánh Đức Chúa Trời.

"Giáo lý của tổ chức này có một số nội dung mang tính chất tà giáo, không đúng với Kinh Thánh", theo bài báo trên Lao Động ngày 24/4.

"Các giáo lý, giảng đạo của "Hội thánh Đức Chúa Trời" mang tính chất tà đạo, có biểu hiện mê tín dị đoan", theo Sài Gòn Giải Phóng ngày 26/4.

"Công an xác minh nhóm tà giáo 'Hội thánh Đức Chúa Trời" là nhan đề bài báo của Dân Việt ngày 24/4.

Bình luận về sự việc này, Mục sư Lê Minh Đạt, từ Thành phố Hồ Chí Minh nói với BBC ngày 25/4 :

"Các tôn giáo cũng cần có môi trường tự do cạnh tranh để tôn giáo tốt thì tồn tại, tôn giáo không tốt sẽ tự tàn lụi".

Nói với BBC, mục sư Lê Minh Đạt nói trước hết cần xem Hội thánh Đức Chúa Trời như những tôn giáo, tín ngưỡng bình thường khác và người dân có quyền tự do lựa chọn đức tin theo quy định của pháp luật.

Sau đó, để có thể đánh giá đây có là 'tà giáo' hay 'cuồng tín' hay không, cần tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu Kinh Thánh chứ không thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước, chừng nào cơ sở tôn giáo đó không phạm pháp.

"Tà giáo" là một khái niệm thần học, và thường được sử dụng trong nội bộ Cơ đốc giáo để nói về những niềm tin sai trật so với Kinh Thánh, thang đo đúng sai là Kinh Thánh. Một giáo hội có phải tà giáo hay không, do đó, không phải vấn đề pháp lý và không thuộc sự điều chỉnh của pháp luật".

Phản ứng từ giới chức

haicot6

Một buổi lễ của Hội thánh Đức Chúa Trời ở Hàn Quốc

Trong khi đó, nhu cầu được đánh giá một cách rõ ràng về Hội thánh Đức Chúa Trời, ít nhất là ở thời điểm này chưa được trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan quản lý Việt Nam.

Phản ứng chính thức của Ban Tôn giáo Chính phủ đăng trên website ngày 25/4, dẫn lời Trưởng ban Vũ Chiến Thắng, nói có cấp phép một số nhóm tôn giáo cùng tên.

Nhưng để khẳng định các nhóm Hội thánh Đức Chúa Trời 'tiêu cực' như báo chí phản ánh có liên quan đến các nhóm được cấp phép không thì cần phải có thời gian kiểm chứng, theo ông Thắng.

Trước đó, báo Vietnamnet dẫn lời bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch nói ở góc độ quản lý văn hóa, việc khẳng định mê tín dị đoan hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố do ranh giới 'rất khó trên thực tế'.

Bà nói nếu việc này mang lại hậu quả xấu cho xã hội như phản ánh của báo chí thì "có các quy phạm pháp luật khác để điều chỉnh".

Quay lại trang chủ
Read 742 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)